Tập trung triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ công tác dân tộc
08:37 AM 04/05/2016 | Lượt xem: 19524 In bài viết |Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc (03/5/1946-03/5/2016), Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xung quanh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian tới.
PV: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc, xin Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc trong thời gian tới là gì?
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: Trước hết, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc, tôi thân ái gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, quán triệt sâu sắc văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sẽ xây dựng chương trình hành động, thiết thực, cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đề ra về đại đoàn kết dân tộc và công tác dân tộc (2016-2020).
Hai là, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế-xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, văn hóa,… nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc và miền núi.
Ba là, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong Chiến lược Công tác dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/03/2013; thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh và bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đến năm 2025 cơ bản đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, bảo đảm đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở.
Năm là, công tác dân tộc là một nhiệm vụ có nhiều khó khăn, trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp, đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư để các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
PV: Bộ trưởng đã giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở hai tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nay là người đứng đầu Ủy ban Dân tộc. Vậy, điều trăn trở nhất của Bộ trưởng là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: Là một người dân tộc thiểu số, được Đảng và Nhà nước nuôi ăn học ở Trường Thiếu nhi vùng cao từ 12 tuổi; đã có nhiều năm công tác ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi; thấu hiểu đời sống của đồng bào. Nay được cấp trên giao trọng trách là người đứng đầu Ủy ban Dân tộc, bản thân tôi có một số trăn trở:
Thứ nhất, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi; Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, hiện nay một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Làm thế nào để tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách gì có tính đột phá, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững để đồng bào bớt khổ.
Thứ hai, nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số cũng chịu khó tìm tòi cách làm ăn, sản xuất ra sản phẩm nhưng không bán được, hoặc bán rẻ. Lương thực đủ ăn, không còn đói nữa nhưng không làm ra được đồng tiền để chi tiêu cho con cái học hành, chữa bệnh, mua sắm vật dụng gia đình,… Đó là khó khăn của nhiều gia đình và cũng là trăn trở của tôi. Làm thế nào để phát triển được sản xuất, làm sao cho các sản phẩm của đồng bào sản xuất ra trở thành hàng hóa, tiêu thụ được.
Thứ ba, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan có trách nhiệm đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại đa số đồng bào đã tiếp cận được với đời sống văn hóa mới. Nhưng còn một số đồng bào chúng ta vẫn chưa có sự thay đổi, vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tham gia buôn bán ma túy, có một số còn nghe theo lời kẻ xấu, tham gia các tà đạo,…
Đó là những điều tôi rất trăn trở. Trên cương vị công tác của mình, tôi sẽ cùng với tập thể Lãnh đạo Ủy ban triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác dân tộc. Trong đó quan tâm giải quyết những vấn đề trăn trở trên.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Cách đây 70 năm, ngày 03/5/1946, cơ quan công tác dân tộc được thành lập với tên gọi Nha Dân tộc thiểu số (nay là Ủy ban Dân tộc) theo Sắc lệnh số 58 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 70 năm qua, cơ quan công tác dân tộc với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng chức năng và nhiệm vụ cơ bản là tham mưu, xây dựng để Trung ương Đảng và Chính phủ ban hành những chính sách chung và chính sách cụ thể đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những thành tựu to lớn đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, đã khẳng định sự đúng đắn về đường lối của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cơ quan công tác dân tộc. |
(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)