Tham vấn xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

10:41 PM 30/06/2017 |   Lượt xem: 13009 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS  cho biết, sau 3 lần tổ chức lấy ý kiến nội bộ, đây là lần đầu tiên Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, đại diện các bộ ngành và các địa phương. Do vậy, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo sẽ giúp Tổ soạn thảo hoàn thiện Dự thảo đề án cho phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số phát biểu tại Hội thảo

Thực trạng hiện nay ở vùng DTTS và miền núi  vấn đề về bất bình đẳng giới (BĐG)  vẫn đang tồn tại nhiều bất cập cần phải giải quyết, trong đó phụ nữ DTTS là đối tượng bị yếu thế hơn trong gia đình, cộng đồng, xã hội, họ đang gặp phải rất nhiều rào cản từ chính điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống của mình, dẫn đến cơ hội tiếp cận với các quyền lợi thấp. Việc xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động BĐG tại vùng DTTS là hết sức cần thiết.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về BĐG, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa các cấp. Bất bình đẳng giới được thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực: 74% hộ DTTS do nam giới đứng tên độc lập về quyền sử dụng đất (tỷ lệ này ở người Kinh là 41%), chênh lệch về tỷ trọng có việc làm từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo (tỷ lệ chung là 19,9%, đối với các DTTS là 6,2%, trong khi nữ DTTS là 5,9%); tỷ lệ nữ DTTS tham gia hệ thống chính trị còn thấp, tính riêng cấp xã, tỷ lệ nữ DTTS tham chính chiếm 11,4% trong tổng số hơn 50% cán bộ người DTTS, tỷ lệ giữ chức vụ lãnh đạo thấp, đặc biệt là cấp trưởng là không vượt quá 10%. Ngoài ra, các chỉ số về bất bình đẳng giới còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác như: Giáo dục và đào tạo, y tế, trong gia đình, văn hóa thông tin...

Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến nhanh, thực chất về BĐG, thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia BĐG ở vùng DTTS, góp phần phát triển KT-XH bền vững.

Nội dung của đề án tập trung vào công tác truyền thông; đào tạo nâng cao năng lực; xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy BĐG với đối tượng áp dụng là đồng bào DTTS, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, công chức, viên chức công tác trên địa bàn vùng DTTS.

Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng, đề án cần phân biệt được xây dựng chính sách để hỗ trợ hoạt động BĐG hay là chính sách hỗ trợ thúc đẩy BĐG ở vùng DTTS. Chính vì vậy, vấn đề tên gọi của đề án là rất quan trọng, tên gọi quyết định nội hàm của đề án.

Các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo cần chú ý đến việc đặt ra các chỉ tiêu đề án, làm thế nào để mục tiêu phù hợp với thực tiễn hoạt động thúc đầy BĐG hiện ở vùng DTTS. Bởi thực tế, dù bất BĐG ở vùng DTTS là rất báo động, nhiều nguồn vốn hỗ trợ thúc đẩy BĐG đã được triển khai, nhưng gần như chưa có sự đánh giá được hiệu quả. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần có số liệu tách giới vào trong các chỉ tiêu kinh tế-xã hội hằng năm. Có như vậy mới đánh giá được các nguồn lực thúc đẩy BĐG.

Xuân Thường