Thiên tai, thời tiết khắc nghiệt làm tăng nguy cơ tái nghèo

11:27 AM 13/11/2017 |   Lượt xem: 5786 |   In bài viết | 

Tuyến đê bao ven biển ngăn mặn tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị hư hỏng nặng sau cơn bão số 10

Những con số đau lòng

Theo tổng hợp ban đầu từ các số liệu thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai:

Trận mưa lũ đầu mùa từ ngày 1 đến ngày 3/8/2017 xảy ra trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái đã làm 45 người chết, mất tích, bị thương. Mưa lũ đã làm cho hơn 300 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn. Hơn 250 ha lúa, ngô bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở. Có 89 con gia súc và 835 gia cầm bị chết. Ngoài ra, nhiều công trình bị hư hại nghiêm trọng: hơn 53.000 khối đất đá và hàng trăm km đường giao thông thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; 144 công trình thủy lợi bị thiệt hại; 2.000m kè bờ sông, suối bị hư hại, sạt lở, cuốn trôi.

Tiếp đến, ngày 15/9/2017, cơn bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến hai tỉnh là Hà Tĩnh và Quảng Bình làm 12 người chết và mất tích, 28 người bị thương. Theo thống kê, đã có 35 nhà dân bị sập; 121.621 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái; nhiều tuyến đê biển, đê sông bị vỡ, nước tràn vào khu dân cư, ruộng đồng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân; có 8 tàu cá bị chìm, hơn 220 thuyền nhỏ bị hư hỏng cuốn trôi; 13.000 ha diện tích cây lâu năm bị gãy đổ chủ yếu ở Quảng Bình và Quảng Trị.

Cơn bão số 10 còn chưa kịp khắc phục hậu quả, thì chưa đầy một tháng sau, từ ngày 9 đến ngày 12/10/2017, do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới gây mưa to, kéo dài, sạt lở đất ở Hòa Bình và lũ quét ở Yên Bái làm 50 người chết và 16 người bị thương. Đặc biệt, 18 người trong 4 ngôi nhà sàn tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đang ngủ đêm nên đều bị đất đá vùi lấp. Mưa to còn làm làm nước ở thượng nguồn đổ về gây ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa…

Liền ngay sau đó, ngày 16/10/2017, cơn bão số 11 trên Biển Đông tuy không đổ bộ vào nước ta nhưng cũng đã gây mưa to, sạt lở, lũ lụt cho các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống lao động, sản xuất của người dân.

Mới đây nhất, ngày 4/11/2017, cơn bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung Bộ, nhất là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và quét qua một phần Nam Tây Nguyên. Số liệu tính đến hết ngày 7/11/2017, đã có 69 người chết, 30 người mất tích; 1.484 ngôi nhà bị sập đổ; 111.222 nhà tốc mái, hư hỏng; 7.990 ha diện tích nông nghiệp, thủy sản bị ngập; 14.559 ha diện tích rau màu bị ngập; 10 tàu hàng và một số tàu cá bị chìm hoặc mắc cạn; 24.942 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản thiệt hại... Ngoài ra, do hoàn lưu cơn bão gây mưa to đã làm ngụp lụt trên diện rộng đối với các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực Nam Tây Nguyên; làm ách tắc, chia cắt một số tuyến đường giao thông, đường sắt; làm nước ở một số hồ, đập, thủy điện dâng cao đến mức phải xả lũ... Hiện nay vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra, nhưng dự kiến cũng sẽ là rất lớn.

Sạt lở núi vùi lấp 4 ngôi nhà, chết 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

Do ảnh hưởng của thiên tai nên tỷ lệ tái nghèo có nguy cơ tăng cao

Theo thống kê thời điểm cuối năm 2016, cả nước có gần 2 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8,23%) và trên 1,3 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,41%). Mức chênh lệch giữa hộ mới thoát nghèo với hộ cận nghèo; giữa hộ cận nghèo với hộ nghèo là rất mong manh, nhất là đối với những hộ cận nghèo. Chỉ cần một biến cố nhỏ hay một mất mát, thiệt hại, rủi ro dù không lớn cũng đủ làm cho hộ cận nghèo có nguy cơ quay trở lại thành hộ nghèo (tái nghèo).

Tại các xã bãi ngang ven biển, nơi có rất nhiều hộ nghèo của các tỉnh miền Trung, kéo dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, đều bị ảnh hưởng nặng nề do cơ bão số 10, trong đó tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nay, hàng loạt các xã bãi ngang ven biển của các tỉnh miền Nam Trung Bộ, từ Bình Định đến Khánh Hòa lại tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12. Ngoài việc tàu thuyền bị chìm, đắm; lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản dưới biển bị đánh vỡ thì trên bờ, ao nuôi thủy sản, đất nông nghiệp cũng bị xâm nhập mặn; cây nông nghiệp, rau, màu cũng bị ngã, đổ, ngập úng, hư hỏng, thất thoát. Ở nhiều địa phương, nước của cơn lũ trước chưa kịp tiêu thì cơn lũ sau lại tràn đến. Đa số hộ nghèo, vốn vay của kỳ trước chưa kịp thu hồi và hoàn trả, thì nay không những có nguy cơ mất trắng mà còn chưa biết tính sao cho chu kỳ sản xuất vụ tới. Có những địa phương như ở huyện Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Phòng Nông nghiệp của huyện kịp thời hỗ trợ lại hạt giống rau cho bà con sau bão ở những xã bãi ngang ven biển, nhưng vừa gieo trồng lại thì trời liên tục đổ mưa cuốn trôi hoặc làm úng thối hết hạt rau; đó là còn chưa kể đất nhiễm phèn nên không canh tác được. Hệ thống đê biển, kè biển ở những nơi này cũng đã bị sóng biển đánh xói mòn, rỗng thân gây khó khăn, nguy hiểm cho việc vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực, giống cây trồng hỗ trợ cho các vùng xung yếu.

Còn ở những địa phương vùng núi, dân tộc thiểu số, mưa úng nhiều ngày làm đất đá, đồi núi sạt lở gây sập đổ nhà cửa, chết người và gia súc, gia cầm, vùi lấp đất nông nghiệp, ngã đổ cây lâm nghiệp, hư hỏng cơ sở hạ tầng. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở những vùng này đều có tài sản rất hạn chế, chỉ đủ duy trì và đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nay do tác động của mưa lũ nên nguy cơ tái nghèo rất cao.

Nhiều gia đình ở các thôn Pá Làng, Bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vừa được Chương trình 135 cho vay vốn chăn nuôi đàn gia cầm phát triển sản xuất hy vọng thoát nghèo. Nhưng trận lũ quét lịch sử hồi đầu tháng 10 vừa qua đã cuốn phăng đi tất cả nên nguy cơ tái nghèo đang hiện hữu.

Rừng keo lá tràm của gia đình chị Hồ Thị Thanh, ở Bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình phải thu hoạch sớm do ảnh hưởng của cơn bão số 10

Gia đình chị Hồ Thị Thanh, người dân tộc Bru Vân Kiều, ở bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách đây 3 năm nhờ mạnh dạn vay vốn tín dụng cho người nghèo trồng được gần 2 vạn cây Keo lá tràm đã đến kỳ cắt cành, tỉa thưa bắt đầu có thu nhập dần thoát nghèo. Nhưng gió lốc của cơn bão số 10 vừa qua đã làm gãy đổ gần một nửa diện tích rừng Keo, làm cho gia đình chị đang có nguy cơ quay trở lại tái nghèo. Không chỉ một mình gia đình chị Hồ Thị Thanh, mà cả bản Hưng nơi chị sinh sống cũng có chung nguy cơ như vậy. Bản Hưng có 25 hộ, thì trong đó 22 hộ nghèo và 3 hộ mới thoát nghèo, nhưng đang có nguy cơ quay trở lại tái nghèo.

Hiện nay, công tác rà soát tình trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo của năm 2017 đang được các tỉnh, thành phố tiến hành, để từ đó có cơ sở hoạch định công tác phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho năm 2018 và những năm tiếp theo. Nhưng điều lo ngại nhất đối với các địa phương là nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo từ Trung ương phân bổ về các địa phương rất chậm. Nhiều địa phương cuối tháng 10 mới nhận được nguồn vốn của cả năm 2017, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm và đã bắt đầu bước vào mùa đông khắc nghiệt ở vùng cao, càng làm cho tình hình khó khăn hơn.

Thiên tai là bất khả kháng, nhưng nếu con người nâng cao tính chủ động ứng phó thì sẽ giúp giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai gây ra. Giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai, cũng chính là góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong những yếu tố giúp tăng tính chủ động trong công tác xóa đói giảm nghèo là Trung ương cần sớm bố trí đầy đủ nguồn vốn cho các Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo theo đúng kế hoạch; giảm bớt các khâu, các thủ tục hành chính để dòng vốn đến được người dân nghèo một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho vay bằng các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và huy động các nguồn lực trong xã hội tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo. Có cơ chế, chính sách giãn, hoãn, hỗ trợ lãi suất phù hợp với những trường hợp gặp khó khăn thiên tai bất khả kháng. Sớm khắc phục các sự cố về giao thông, môi trường, thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống, lao động, sản xuất của người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi dân tộc. Điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị và người dân nghèo ở các địa phương phải cùng chung tay, nỗ lực, chủ động trong công tác xóa đói giảm nghèo thì mới mong hạn chế được tình trạng tăng nguy cơ tái nghèo trong năm nay và giai đoạn tiếp theo./.

(dangcongsan.vn)