Thông tin giá cả thị trường số 1/2018

04:06 PM 02/01/2018 |   Lượt xem: 5500 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nhà vườn chuẩn bị vào vụ tết

Hiện nay, các nhà vườn đang tập trung chăm sóc các loại cây trồng để đảm bảo cây cho trái vào đúng dịp tết. Thời tiết thuận lợi, giá vật tư phân bón tương đối ổn định nên bưởi diễn, dưa hấu, thanh long… phát triển tốt, hứa hẹn một vụ tết bội thu.

Vụ dưa hấu tết nhiều thuận lợi

Năm nay, vùng chuyên canh dưa hấu xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau xuống giống vụ dưa phục vụ Tết Nguyên đán 73 héc-ta, tăng 13 héc-ta so với năm trước. Vùng xuống giống tập trung chủ yếu ở các ấp: Thạnh Điền, Bào Sơn, Bà Điều và ấp Chánh. Nhiều giống dưa được người dân đưa vào canh tác như: Hương nông, Trung nông, An Tiêm, dưa vỏ vàng, dưa Mỹ, dưa hạt lép, không hạt… Đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao. Người dân cũng sử dụng màng phủ sinh học để hạn chế cỏ dại và giảm chi phí công tưới nước, giúp dưa hấu phát triển tốt hơn. Vài năm trở lại đây, dưa hấu đem lại lợi nhuận khá cao, nhất là vào dịp tết nên bà con rất phấn khởi và yên tâm mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, giá giống, phân bón và nhân công khá ổn định nên người trồng dưa cũng yên tâm về các yếu tố đầu vào. Cộng thêm thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, mưa rào nhẹ, tạo điều kiện cho ruộng dưa phát triển tốt.

Theo đánh giá của Hội Nông dân Cà Mau, trồng dưa hấu là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng này. Vụ dưa này, trung bình mỗi công chi phí đầu tư từ 4 - 5 triệu đồng, nếu giá cả bình ổn như mọi năm thì người trồng dưa có thể thu lời trên 15 triệu đồng/công. Hiện số hộ tham gia trồng dưa hấu tại vùng chuyên canh xã Lý Văn Lâm tăng lên 108 hộ. Để hỗ trợ các hộ dân, Hội Nông dân đã mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật như: xử lý hạt giống, bón phân, tạo mầm hoa, chọn trái, nuôi trái… giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả.

Bưởi Diễn được thương lái đặt cọc nhiều

Thời điểm này, tại các nhà vườn bưởi Diễn ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã có nhiều thương lái đến hỏi đặt mua cả vườn. Đây cũng là thời điểm thu hoạch bưởi Diễn và được bà con nông dân coi là vụ chính của năm.

Thực tế cho thấy, cây bưởi rất phù hợp với đất và khí hậu Nghĩa Đàn nên phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại. Quả bưởi có mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm, đặc biệt quả chín đúng vào dịp tết nên có giá bán cao. Quả có thể bảo quản trong điều kiện bình thường đến 2 tháng sau khi thu hoạch nên được thị trường ưa chuộng. Dự báo năm nay, phần lớn các nhà vườn cho thu hoạch vào đúng dịp tết nên bà con rất phấn khởi.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, thời gian qua, xã Nghĩa Lâm đã tuyên truyền nhân rộng các mô hình kinh tế, đưa các loại cây trồng như cam, bưởi, ổi, táo vào trồng giúp người dân nâng cao thu nhập. Tính riêng bưởi Diễn, hiện xã đã chuyển đổi trồng hơn 20 héc-ta trên đất kém hiệu quả. Theo kinh nghiệm của các hộ trồng bưởi lâu năm, để trồng bưởi Diễn có hiệu quả, khâu chăm sóc là quan trọng nhất. Sau khi thu hái, người trồng phải làm cỏ, bón phân chuồng và các phân vô cơ. Thời kỳ cây đậu quả phải bón một đợt phân nữa. Để có quả bưởi Diễn ngon, khâu tưới nước cho cây là rất quan trọng, bởi độ ẩm ở các vườn khác nhau nên chăm sóc phải làm sao để quả bưởi đến tháng 11, 12 âm lịch là bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài ra, trong thời kỳ chăm sóc phải chú ý đến các loại sâu bệnh như bệnh nấm gỉ sắt, ruồi vàng và bọ xít nhỏ... Đồng thời, để bảo quản bưởi được lâu, giữ nguyên hương vị thơm ngon, tinh khiết, khi quả vào độ chín nên thu hoạch vào lúc trời nắng đẹp.

Bưởi Diễn thu hoạch vào dịp tết là nông sản sạch được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, nhân rộng mô hình bưởi Diễn đang là hướng đi triển vọng giúp người nông dân Nghĩa Đàn nâng cao thu nhập.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bình Thuận: Chong đèn cho thanh long vụ tết

Người trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đang chong đèn cho lứa thanh long trái vụ phục vụ thị trường tết. Vài tháng nay, mặc dù đang mùa chong đèn nhưng giá thanh long tăng giảm thất thường khiến các hộ dân lo lắng.

Hiện nay, giá thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam đã tăng nhẹ so với 2 - 3 tuần trước đó. Tại các điểm tập kết, hàng chục sọt thanh long vừa mới được thu hoạch đang chờ vận chuyển. Hiện giá thanh long đẹp dao động từ 11.000 – 12.000 đồng, hàng xấu giá dưới 10.000 đồng/kg. Với giá bán này, tính trung bình trên diện tích 1 héc-ta, sau khi trừ chi phí điện, phân bón…  nhà vườn có lãi khoảng 40%.

Hầu hết các nhà vườn đều ra sức chăm chút từng pha chong đèn với hy vọng sẽ bán được giá và sản lượng cao. Trong đó, nhiều hộ chọn cách chong đèn theo pha để thu hoạch lai rai, chứ không dồn vào một lần bán tết, nếu thất bại thì còn lứa khác để bù vào. Bởi theo kinh nghiệm của họ, đã từng có nhiều hộ căng sức dồn cho vụ tết, nhưng do chong đèn bị gãy lứa nên thua lỗ nặng.

Theo kinh nghiệm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Bắc, để vụ chong đèn thanh long hiệu quả cao, bà con cần chăm sóc thanh long có đủ sức để ra nụ, ra hoa. Kiểm tra độ chắc, khỏe của cành thanh long trước khi chong đèn. Nếu cành còn suy yếu phải chờ phục hồi hoàn toàn mới bắt đầu chong. Tùy theo thời tiết, để quyết định thời gian chong đèn, cũng như kỹ thuật mắc bóng đèn (xen kẽ bóng đèn compact và bóng tròn nếu trời lạnh).

Với sự biến động giá cả do cung - cầu, không thể khẳng định những ngày cuối năm giá bán các mặt hàng nông sản nói chung và thanh long nói riêng sẽ đi theo chiều hướng nào. Tuy nhiên, với sự chăm chút kỹ lưỡng từng pha đèn, các nhà vườn đang rất hy vọng lứa thanh long vụ tết sẽ đạt sản lượng cao, mẫu mã đẹp và được giá.

Thái Nguyên: Giá lợn tăng, người nuôi có lãi

Mặc dù giá lợn những ngày gần đây có xu hướng tăng trở lại và người nuôi đã có lãi, nhưng theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân không nên tái đàn ồ ạt.

Những ngày gần đây, thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được thương lái thu mua với giá từ 33.000 - 35.000 đồng/kg (tùy thuộc giống lợn và nguồn thức ăn nuôi lợn), cao hơn khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg so với tuần trước và cao hơn gấp 2,5 - 2,8 lần so với hồi giữa năm - khi mà giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Theo người nuôi lợn, với giá lợn thịt khoảng 31.000 đồng/kg, người nuôi sẽ hòa vốn. Còn với giá hiện nay, người chăn nuôi nếu mua lợn giống về nuôi đã có lãi khoảng 400.000 - 500.000 đồng/con có trọng lượng khoảng 90 - 100kg. Đối với hộ nuôi lợn nái, giữ lại lợn con nuôi đến khi xuất chuồng thì số lãi chỉ được bằng một nửa (do vào thời điểm cách đây 4 - 5 tháng, lợn giống chỉ có giá 350.000 - 400.000 đồng/con 15kg, khiến người nuôi lợn nái lỗ khoảng 350.000 đồng/con). Cùng với giá lợn thịt, giá lợn con hiện cũng tăng lên 600.000 - 650.000 đồng/con 8 kg, tăng khoảng 150.000 đồng/con so với 1 - 2 tuần trước. Tuy nhiên, đây là mức giá đối với giống lợn lai và siêu nạc (lợn trang trại). Còn với giống lợn bình thường, được nuôi nhỏ lẻ thì có giá thấp hơn khá nhiều, chỉ bằng khoảng 2/3 mức giá lợn trang trại.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Giá cà phê tăng nhẹ

Trước kỳ nghỉ Tết dương lịch 2018, giá cà phê Robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên điều chỉnh tăng 100 – 200 đồng/kg, lên dao động ở mức 35.300 – 36.100 đồng/kg. Thị trường cà phê nội địa giao dịch khá ảm đạm và không có biến động so với phiên trước đó. Giá thấp nhất ở 35.100 đồng/kg tại Lâm Đồng và cao nhất ở 35.900 đồng/kg tại Gia Lai. Giá chưa chạm được mức 36.000 đồng/kg do sức mua yếu từ các nước nhập khẩu. So với đầu vụ thu hoạch, giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên đã sụt hơn 1.000 đồng/kg và giá quả tươi cũng chỉ còn 6.800 – 7.200 đồng/kg. Với giá cà phê như hiện nay, người trồng cà phê sẽ thua lỗ khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tấn.

Năm nay, năng suất cà phê của Việt Nam cũng như những nước trồng cà phê nhiều đều giảm. Thời điểm này, nông dân trồng cà phê đang sẵn sàng ôm hàng chờ giá và bán hàng theo hình thức giao ngay mà không bán trừ lùi như các năm trước. Đây là điểm khác biệt rõ nhất của niên vụ năm nay so với các vụ trước. Dự báo, giá cà phê khó bật lên cho tới hết năm.

Lào Cai: Đầu ra cam V2 ổn định

Cây cam V2 đang là cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập khá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Diện tích cam V2 được trồng chủ yếu tại các xã Lương Sơn, Việt Tiến, Cam Cọn... Đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Yên, các hộ dân đã trồng được trên 50 héc-ta cam V2, trong đó diện tích cam cho thu hoạch gần 10 héc-ta.

Niên vụ thu hoạch cam V2 thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau. Hiện tại, người trồng cam V2 ở các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên đang vào thời điểm thu hoạch rộ, giá bán bình quân tại vườn là 25.000 đồng/kg. Thực tế tại các hộ trồng cam cho thấy, năng suất bình quân đạt 15 - 20 tấn quả/héc-ta. Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên, sản lượng năm nay sẽ đạt gần 200 tấn quả; tăng gần 150 tấn so với niên vụ cam 2016. Với đầu ra ổn định và giá bán như hiện nay, mỗi héc-ta trồng cam V2 sẽ thu được 400 - 500 triệu đồng, mang lại lợi nhuận cho người trồng cam khoảng 200 triệu đồng/năm.

Hiện tại, ngoài việc thu hái bán cam chính vụ, một số gia đình trồng cam V2 ở Bảo Yên đang dành một lượng cam bán vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Hậu Giang: Thu mua mãng cầu ngưng trệ do ảnh hưởng mưa bão

Bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng mưa lớn trên diện rộng và kèm giông đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang. Tại huyện Phụng Hiệp, hàng tấn trái mãng cầu của các thành viên Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ chín ngoài vườn nhưng chưa được doanh nghiệp thu mua. Trên thực tế, Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh đã ký hợp đồng bao tiêu trái mãng cầu với HTX với giá 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bão số 16 nên công ty tạm dừng hoạt động trong những ngày qua nên không tiến hành thu mua trái mãng cầu. Công ty không vào thu mua khiến mãng cầu đến kỳ thu hoạch chín vàng trên cây, thậm chí là rụng xuống mương do quá chín. Các nhà vườn mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp giúp tiêu thụ mãng cầu.

Bình Định: Gà thả vườn tăng giá

Hơn 1 tháng trở lại đây, giá gà thả vườn thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục tăng. Hiện, gà thả vườn có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg; gà ta nuôi trại ở mức từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước.

Theo một số thương lái, nguyên nhân giá gà tăng là do nhu cầu tiêu thụ thịt gà thời điểm cuối năm tăng mạnh trở lại. Trong khi đó, giá gà thịt thương phẩm trong các tháng đầu năm 2017 luôn ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ kéo dài, nhiều hộ phải treo chuồng nên tổng đàn gia cầm trong tỉnh giảm mạnh.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Quảng Trị: Mưa rét kéo dài khiến tiêu bị ngập úng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, thời điểm hiện nay, mưa rét kéo dài đã khiến hàng trăm héc-ta tiêu trên địa bàn bị ngập úng và dịch bệnh.

Mặc dù các ngành chức năng và người dân đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng đến nay tình hình trên vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo phản ánh của người dân, dịch bệnh diễn ra rất nhanh chỉ trong vòng khoảng 10 ngày, lá cây có hiện tượng úa vàng, héo rũ rồi chết khô. Mặc dù người dân đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng hiện tượng này vẫn không dừng lại. Bên cạnh đó, thời tiết mưa lạnh kéo dài liên tục khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng và bùng phát trên diện rộng.

Theo UBND xã Vĩnh Giang, trên địa bàn xã có khoảng 50 héc-ta tiêu bị dịch bệnh. Đặc biệt, tại một số hộ có 100% cây tiêu chết cả vườn nhất là những vườn trồng mới, những vườn đất có mạch nước ngầm cao không thoát được. Trong thời gian qua, UBND xã cũng đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền cho bà con phải thoát úng nhanh trong những khi mưa lớn để bảo vệ cây tiêu.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã ban hành các công văn hướng dẫn chỉ đạo, đồng thời cắt cử lực lượng về các địa phương hướng dẫn người dân triển khai các phương án xử lý. Đối với những vườn bị ngập úng nặng cần hạ thấp mạch nước ngầm bằng cách khơi thông cống rãnh, thoát nước trong vườn tiêu. Bên cạnh đó, không được bón thêm phân hoặc phun thuốc kích thích mà nên sử dụng các loại thuốc hóa học đặc hiệu để trị bệnh. Đối với những diện tích tiêu bị dịch bệnh cần tiến hành thu gom những gốc tiêu chết ra khỏi vườn để tiêu hủy cũng như rải vôi xử lý đất để diệt trừ mầm bệnh, tiến hành cắt cành sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nấm bệnh từ đất lên…

Thực tế cho thấy, hạn chế lớn nhất của người nông dân Quảng Trị là vẫn sử dụng cách thức trồng tiêu “âm” dưới mặt đất. Bên cạnh đó, việc khơi thông các cống rãnh, các hệ thống mương thoát nước ở các vườn tiêu chưa được quan tâm. Do đó, hầu hết các diện tích hồ tiêu khi mà có mưa lớn và ngập úng xảy ra đều không thoát được nước. Đây chính là nguyên nhân xảy ra dịch bệnh.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tây Ninh: Kiểm tra, giám sát các điểm

kinh doanh cây mì giốngChi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì huyện Tân Châu tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh giống mì, phát hiện triệu chứng khảm lá xuất hiện ngay trên các bó cây mì giống.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, nhu cầu giống cho kế hoạch vụ đông xuân 2017 - 2018 trồng khoảng 31.000 héc-ta. Hiện nay, các thương lái đã thu gom cây mì từ các vùng có dịch, bao gồm cả diện tích mì bị bệnh khảm lá để cung cấp ra thị trường; nhiều hộ dân tận dụng cây mì sẵn có của gia đình hoặc mua lại từ thương lái để trồng. Trong khi đó, vụ hè thu năm 2017, diện tích cây khoai mì trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá khá lớn nên nhiều vùng mì giống bị ảnh hưởng, có nguy cơ dẫn đến thiếu giống mì cho vụ đông xuân 2017 - 2018.

Để hạn chế tình trạng này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì huyện Tân Châu tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh giống mì và đề nghị UBND huyện xử lý tiêu huỷ số mì giống nhiễm bệnh. Đây là biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế, ngăn chặn bệnh khảm lá mì tiếp tục phát sinh, lây lan gây thiệt hại cho vụ đông xuân 2017 - 2018 và các vụ tiếp theo.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm kinh doanh giống cây mì trên địa bàn nhằm đảm bảo người dân không sử dụng cây mì từ các vùng có dịch để buôn bán. Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã liên hệ với cơ sở khoai mì giống có chất lượng để có nguồn giống kháng bệnh cung cấp đầy đủ cho nông dân. Do đó, UBND các xã, thị trấn có thể đăng ký với Trung tâm khuyến nông qua Trạm khuyến nông các huyện, thành phố nhu cầu về giống cây mì cho người dân. 

HÀNG VIỆT

Đảm bảo đủ hàng về nông thôn, miền núi dịp tết

Chuẩn bị cho dịp Tết Mậu Tuất 2018 đang đến rất gần, các địa phương đã và đang nỗ lực tổ chức các phiên chợ, các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi để phục vụ đủ nhu cầu cho bà con.

Tết Mậu Tuất 2018, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp (DN) tổ chức 10 phiên chợ Việt tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất và Đan Phượng. Đồng thời, triển khai 200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và 1 hội chợ hàng Việt tại huyện Ba Vì. Thông qua các hoạt động này, Sở Công Thương Hà Nội và các DN sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp tết về phục vụ người dân ngoại thành. Các chuyến hàng, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi dịp này ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, sản phẩm làng nghề truyền thống.

Do nhu cầu hàng hóa gia tăng vào dịp tết, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, vùng ngoại thành thường nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến nạn hàng nhái, hàng giả gia tăng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường hoạt động quản lý thị trường trong dịp này. Trong đó, tập trung vào công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, yêu cầu DN tham gia chương trình phải đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, giá hợp lý.

Cũng nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, ngay từ đầu tháng 12/2017, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị theo dõi, dự báo sớm cung cầu hàng hóa, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng sau tết. Cùng với đó, Sở Công Thương cũng chỉ đạo các DN phối hợp tổ chức các phiên chợ, các chuyến ô tô đưa các mặt hàng thiết yếu đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với giá cả ổn định. Các mặt hàng được chú trọng đưa về vùng miền núi dịp này là lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày… Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, những năm trước đây, hàng hóa vào dịp tết thường bị đội giá, khiến bà con khu vực nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ các chương trình bình ổn giá, đến nay, bà con đã được mua sắm hàng hóa với giá cả ổn định, phải chăng.

Với tỉnh Bình Thuận, bình ổn thị trường là một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Theo đó, bên cạnh việc tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã chuẩn bị 141 tỷ đồng hàng hóa bình ổn, trong đó huy động rất nhiều DN tham gia chương trình như: Công ty CP Thương mại Bình Thuận; siêu thị CoopMart Phan Thiết; siêu thị La Gi; chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung bộ… Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018, các địa điểm bán hàng bình ổn được tăng cường tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tất cả các điểm bình ổn được yêu cầu treo biển nhận diện riêng và có bảng niêm yết giá. Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại các điểm cố định, các đơn vị đã lên kế hoạch tổ chức thêm các chuyến bán hàng lưu động về nông thôn, vùng sâu vùng xa với giá bán phải bằng hoặc thấp hơn 5 – 10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm.

Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng và bình ổn thị trường. Trong đó, đáng chú ý là các địa phương đã lên kế hoạch bình ổn thị trường và tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Tất cả đều đang rốt ráo cho một cái tết đủ đầy, an toàn và không thiếu hàng, sốt giá.

Theo Bộ Công Thương Hà Nội, những năm vừa qua, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Sở Công Thương các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, trong dịp cuối năm, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Các hoạt động này thực sự mang lại hiệu quả rất lớn khi giúp người dân dễ dàng mua sắm hàng hóa chất lượng với giá cả phải chăng.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)