Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 24/7/2015

03:32 PM 24/07/2015 |   Lượt xem: 2636 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Ninh - chương trình mỗi xã phường một sản phẩm chủ động từ sản xuất đến thị trường

Ngày 24/7/2015, tại thành phố Hạ Long, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả thông tin thị trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới trong hội nhập”. Đã có gần 30 diễn giả tham gia tham luận xung quanh chủ đề. Hội thảo đặt ra, trong đó có Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm.
Kết nối nhu cầu với thị trường

Từ năm 2013 đến nay cùng với việc xây dựng thương hiệu nông sản, tỉnh Quảng Ninh tập trung vào Chương trình “mỗi” xã, phường một sản phẩm (giai đoạn 2013 - 2016), gọi tắt là OCOP Quảng Ninh. Chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ, Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

Thông tin thị trường mà hộ sản xuất cần là nhu cầu thị trường về chủng loại sản phẩm, chất lượng, sản lượng, giá cả, thị hiếu, mẫu mã bao bì, quy trình sản xuất, pháp lý sản phẩm. Vấn đề này các hộ sản xuất thực hiện được một phần, nhà nước phải đóng vai trò chính để giải quyết, nhất là khâu kết nối thị trường (không chỉ là giải pháp cung cấp thông tin) và xác định, phân tích lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Khi xác định được nhu cầu thị trường về sản phẩm thì các hộ tập trung sản xuất đến khi hoàn thiện được sản phẩm có chất lượng và hàng năm tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm. Khi có ý tưởng sản phẩm thì DN, HTX được thành lập để sản xuất sản phẩm cụ thể. Trước đây, các hộ dân tộc Dao Thanh Y xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ làm rượu truyền thống chủ yếu để uống. Qua Chương trình OCOP, tỉnh đã tư vấn phân tích quy trình sản xuất, phân tích khả năng cạnh tranh sản phẩm rượu, đánh giá tính khả thi khi đưa sản phẩm ra thị trường; hỗ trợ cộng đồng thành lập công ty cổ phẩn với 34 hộ tham gia, góp vốn. Đồng thời hỗ trợ lập dự án và công ty thực hiện đầu tư, ứng dụng công nghệ trong khâu lên men, chiết suất đóng chai bán công nghiệp, xây dựng quy trình và đăng ký thương hiệu. Hiện bà con Dao Thanh Y xã Bằng Cả đã quen với hoạt động của mô hình công ty, cả xã không còn sản xuất rượu theo hộ nhỏ lẻ mà tập trung sản xuất làm lên thương hiệu Rượu Bâu của cả xã. Đi liền là quy hoạch vùng sản xuất tập trung và tái sản xuất lại giống gạo nếp nương phục vụ sản xuất rượu,... Hiện nay một số mặt hàng của Quảng Ninh bắt đầu tiêu thụ tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như: Chả mực, trà hoa vàng, nấm linh chi, mật ong, miến dong...

Khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn

Để thu hút nguồn lực để đầu tư vào sản xuất rất cần sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện, nhất là cải cách các thủ tục hành chính để các hộ sản xuất không cảm thấy “ngại” khi quan tâm, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển của các địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình. Theo đó, tất cả các mức hỗ trợ đều cao hơn của Trung ương quy định. Muốn phát triển các thương hiệu thế mạnh nông lâm sản theo Chương trình OCOP, các định phương khác tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển các vùng chuyên canh các loại cây trồng đặc sản, các loại dược liệu quý. Đặc biệt khuyến khích việc đầu tư chế biến, xây dựng các sản phẩm hàng hóa thương hiệu, tránh xuất thô, nhằm tăng tính cạnh tranh và giá trị hàng hóa.

Từ thực tiễn của Chương trình OCOP Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Bộ Công Thương nên bố trí nguồn vốn lớn hơn và chương trình cụ thể cho hỗ trợ xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản hàng năm. Đồng thời Bộ Công Thương và các bộ, ngành cũng cần có chính sách và cơ chế tốt hơn để thực hiện công tác khuyến công và ứng dụng KHCN trong sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp khu vực nông thôn, miền núi, biên giới Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

MUA GÌ


Dâu xiêm miền Tây giá cao

Dâu miền Tây có nhiều loại, phổ biến nhất là hạ châu, bòn bon, dâu xanh và dâu xiêm. Riêng dâu xiêm năm nay có giá cao hơn năm ngoái, bình quân 13.000 - 15.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần dâu bòn bon và dâu xanh, tương đương với dâu hạ châu. Theo bà con khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ), dâu xiêm trái to, dài, màu vàng, mùi vị thơm ngon, ngọt dịu và có bột. Một cây dâu xiêm trưởng thành khoảng 7 năm tuổi, mỗi vụ có thể cho 200 - 300 kg trái. Cây càng lâu năm năng suất càng cao. Đây là giống dâu chỉ mới phát triển gần đây nên số lượng chưa nhiều. Huyện Phong Điền có tổng diện tích dâu là 800 héc-ta, trong đó có 600 héc-ta dâu hạ châu và dâu xiêm chỉ có 80 héc-ta. Nhiều bà con nông dân đang thay thế dần cây dâu bòn bon bằng cây dâu xiêm với hy vọng đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Lâm Đồng: Hành lá bán được giá

Nhiều gia đình tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, nơi trồng hành lá lớn nhất tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện thương lái đang tới địa phương thu mua hành lá với giá 18.000 đồng/kg, đây là thời điểm hành lá có giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Với giá này, mỗi sào hành lá sau 2 tháng chăm sóc nhà vườn lãi 13 – 15 triệu đồng. Theo các thương lái chuyên thu mua hành lá tại xã Hiệp An vận chuyển đi TP. HCM tiêu thụ, nguyên nhân khiến giá hành lá thời gian gần đây tăng mạnh là do các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa mưa, hành lấy lá gặp mưa thường khó trồng, dịch bệnh hoặc ít phát triển khiến chất lượng và sản lượng không cao. Xã Hiệp An, huyện Đức Trọng là địa phương chuyên canh hành lấy lá lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với khoảng trên 100 héc-ta/năm...

Phú Yên: Hồ tiêu được mùa, được giá

Mặc dù nắng hạn kéo dài gây bất lợi cho cây hồ tiêu, song người dân xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) vẫn được mùa, được giá. Tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, khắp các vườn tiêu, người hái, kẻ vận chuyển liên tục đưa tiêu về bãi tập kết, sau đó đưa vào máy tách hạt rồi đem phơi đầy sân nhà. Giá tiêu cũng tăng mạnh so với năm ngoái, dao động ở mức từ 230.000 - 235.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí nông dân có lãi khá. Theo một nông dân thôn Sơn Thọ, với diện tích 3 sào, tương đương khoảng 500 trụ tiêu, vụ tiêu năm nay nhờ đầu tư chăm sóc bơm tưới chống hạn kịp thời nên các trụ tiêu đều sai quả, cho hạt đồng đều, năng suất ước đạt khoảng 5 tấn tươi, tương đương 1,5 tấn khô, tăng 3 tạ so với năm ngoái. Giá tiêu khô tăng cao lên đến 230.000 – 235.000 đồng/kg. Hiện các hộ trồng tiêu do Công ty CP Vinacafe Sơn Thành quản lý đang tiếp tục mở rộng diện tích. Vì vậy định hướng của Cty trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ ổn định vùng chuyên canh trồng tiêu với diện tích gần 700 héc-ta, đồng thời sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến tiêu sọ theo tiêu chuẩn thế giới để xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu ra thị trường thế giới. Công ty đang quản lý khoảng 450 héc-ta tiêu với 750 hộ sản xuất, tập trung chủ yếu ở xã Sơn Thành Tây, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 250 héc-ta. Tính đến thời điểm này bà con nông dân đã thu hoạch được trên 20% diện tích. Dự kiến vụ tiêu năm nay bà con sẽ thu hoạch kết thúc trong đầu tháng 8 tới. Giá tiêu được công ty thu mua ở mức từ 230.000 - 235.000 đồng/kg (khô), tăng 45.000 - 50.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Phù Mỹ (Bình Định): Giá ớt tăng cao

Phù Mỹ đang vào chính vụ thu hoạch ớt. So cùng thời điểm năm ngoái, giá ớt tăng đột biến, hơn gấp 10 lần nên nông dân rất phấn khởi. Giá ớt sừng (loại trái to) được bán với giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, có thời điểm lên 20.000 đồng/kg; ớt kim (loại trái nhỏ) bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, có thời điểm 40.000 đồng/kg. Theo phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Phù Mỹ, năm ngoái, diện tích ớt của huyện trên 1.000 héc-ta, năm nay chỉ còn 846 héc-ta. Trong đà ớt thắng lớn như năm nay, có thể nông dân của huyện sẽ đẩy diện tích lên hàng ngàn héc-ta vào năm sau. Địa phương khuyến cáo nông dân không phát triển đại trà, bởi ở Phù Mỹ chủ yếu trồng ớt trái to để xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc nên giá ớt không ổn định.

BÁN GÌ

Xuất khẩu cà phê chậm

Niên vụ cà phê hiện đã kết thúc gần 4 tháng. Từ đầu niên vụ, giá cà phê chỉ dao động ở mức thấp 35.000 đồng - 38.000 đồng/kg. Hiện lượng cà phê còn trữ trong dân khá lớn, chiếm trên 50% sản lượng toàn niên vụ. Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, do giá cà phê đang ở mức thấp, nông dân đã trữ hàng chờ giá khiến xuất khẩu mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều đại lý, doanh nghiệp nhỏ cũng “găm” hàng chờ giá, nên tình hình giao dịch cà phê trên thị trường khá trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó vì không mua đủ hàng cho xuất khẩu. So với thời điểm tuần trước, giá cà phê nhân xô hiện ở Tây Nguyên giảm 100 - 300 đồng/kg, còn 36.400 - 36.900 đồng/kg; cà phê Robusta giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh giảm khoảng 20 đô-la Mỹ/tấn, còn 1.775 đô-la Mỹ/tấn.

Thụy Sỹ muốn nhập khẩu rau tươi của Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết đña nhận được yêu cầu về việc nhập hàng nông sản từ Việt Nam vào Thụy Sỹ để phân phối vào hệ thống siêu thị bán buôn tại thị trường này. Theo đó, hàng hóa từ Việt Nam được yêu cầu nhập khẩu bao gồm rau tươi các loại theo mùa. Đặc biệt là rau cải, rau thơm, ớt tươi, hoa quả, trong đó nhu cầu cao về mãng cầu, vải, xoài, chôm chôm... Để xuất khẩu nông sản vào Thụy Sỹ, các sản phẩm thường phải phù hợp với tiêu chuẩn chung của châu Âu.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Thụy Sỹ là hàng đá quý, thủy sản, máy móc, giày dép, cà phê, dệt may... Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Sỹ là kim loại quý, máy móc thiết bị, phụ tùng, hóa chất, tân dược, sản phẩm và nguyên liệu chất dẻo phục vụ cho sản xuất và gia công hàng hóa trong nước...

Quả xoài đã được Nhật Bản chấp thuận qua kiểm tra thực địa

Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản đã chấp thuận qua kiểm tra thực địa đối với quả xoài tươi Việt Nam của đoàn kiểm tra Nhật Bản. Đây là tin vui đối với trái xoài Việt Nam vì có thể thủ tục để chấp thuận xuất khẩu trái xoài tươi Việt Nam vào thị trường này sẽ được đẩy nhanh hơn. Theo quy trình thủ tục, sau khi thông báo trái xoài tươi Việt Nam đạt tiêu chuẩn, Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản sẽ trưng cầu ý kiến từ phía các nhà khoa học, cơ quan chức năng liên quan... trước khi cho phép. Trước đó, đoàn doanh nghiệp, cơ quan chức năng trong lĩnh vực cây ăn trái Nhật Bản đã đến Việt Nam tham quan, khảo sát vườn trồng, quy trình sản xuất, bảo quản, xử lý, đóng gói... trái xoài tươi Việt Nam.

Chè Ô long xuất vào Đài Loan đều đạt tiêu chuẩn chất lượng
 

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, chính quyền phía Đài Loan, nơi tiêu thụ tới 95% sản lượng chè Ô long của Lâm Đồng thông báo 100% mẫu loại chè Ô long xuất vào Đài Loan đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.
 

48 mẫu (968 tấn) của 40 công ty sản xuất, chế biến chè Ô long đã được đối tác gửi đi phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để kiểm tra 14 hoạt chất, gồm Acetamiprid, Chlopyryfos Ethyl, Alpha-cypermethrin, Imidacloprid, Detamethrin, Fipronil, Entofenprox, Dinotefuran, Emamectin, Benzoate, Buprofezin, Oxymatrine, Carbendazim, Hexaconazol. Kết quả không có mẫu có dư lượng vượt ngưỡng. Phía khách hàng và chính quyền Đài Loan đã thông báo cho các công ty sản xuất chè của Lâm Đồng về kết quả này.

Thời điểm giữa năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng dư luận về việc chè Lâm Đồng nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dioxin từ phía Đài Loan dẫn đến việc tiêu thụ chè gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng chè đen xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh. Sản phẩm chè xuất đi nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan) bị kiểm tra khắt khe hơn trước đây.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Sầu riêng trúng mùa được giá: Vẫn còn nhiều nỗi lo
Vụ sầu riêng năm nay được mùa, được giá nên bà con các xã, huyện ở Lâm Đồng, Đồng Nai... rất phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay tại một số xã đã xuất hiện một số đối tượng đến tận các vườn để uy hiếp thương lái và người dân hòng trục lợi khiến họ rất bức xúc, lo lắng.

Giá cao, thương lái đến tận vườn thu mua

Hiện nay, bà con tại các xã, thị trấn phía Bắc của huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng như: xã Hà Lâm, Đạ M’ri, Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đoàn Kết và thị trấn Đạ M’ri đang bước vào thời điểm thu hoạch chính của vụ sầu riêng năm 2015. Dù đang rộ thu hoạch và chỉ còn khoảng một tháng nữa là hết mùa, nhưng loại nông sản này vẫn đang được tiêu thụ mạnh, giá ổn định ở mức cao. Về mặt sản lượng, vụ sầu riêng năm nay đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Riêng tại xã Hà Lâm, ước tính, năng suất sầu riêng đạt trung bình từ 11 - 12 tấn/héc-ta. Thậm chí, nhiều vườn sầu riêng ghép còn đạt tới năng suất từ 20 - 22 tấn/héc-ta. Với giá bán như hiện tại, ước tính vườn sầu riêng khoảng 1 héc-ta sẽ mang lại nguồn lợi nhuận từ 350 - 400 triệu đồng.

Cùng với niềm vui được mùa, tiêu thụ sầu riêng vụ này cũng rất thuận lợi. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã đến tận vườn thu mua với mức giá cao khiến bà con rất phấn khởi. Tại thời điểm này, giá các loại sầu riêng ghép như Đô na, Mongthong, Ri6 đang được thương lái thu mua tại vườn từ 24.000 - 28.000 đồng/kg (tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với năm 2014). Còn sầu riêng hạt được người dân bán tại vườn với giá từ 11.000 -

13.000 đồng/kg (tăng 4.000 - 6.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái). Nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng đến đặt hàng với số lượng lớn, nên khá hút hàng.
Bà con vẫn lo âu?

Bên cạnh niềm vui trúng mùa, được giá thì người dân nơi đây cũng không khỏi lo lắng, bức xúc vì đã và đang xuất hiện một số đối tượng đến tận vườn uy hiếp họ để lấy tiền hoa hồng của thương lái. Hình thức mà các đối tượng này đang làm là cùng nhau tiếp cận vườn sầu riêng của người dân để nắm bắt thời gian thương lái tới thu mua. Sau đó, chúng đến vườn và tự đặt ra yêu cầu được “bảo kê” cho người dân để lấy tiền hoa hồng 1.000 đồng/kg của các thương lái. Trường hợp người dân không đồng ý, bọn chúng hăm dọa sẽ phá vườn sầu riêng của họ. Còn đối với các thương lái tới thu mua, nếu không chịu đưa tiền cho các đối tượng này thì bị chúng tìm cách chặn xe không cho đưa sầu riêng ra khỏi vườn.

Một hình thức khác biến tướng từ hình thức này là gây khó khăn cho các thương lái từ xa đến thu mua. Vì thương lái đến từ TP. Hồ Chí Minh, miền Trung hay các tỉnh phía Bắc thường thu mua sầu riêng với giá cao hơn các thương lái tại địa phương, nên họ bị các đối tượng hù dọa để lấy tiền hoa hồng. Chính điều này đã làm nhiều thương lái khiếp sợ và không dán quay lại để thu mua sầu riêng của bà con.

Ngoài ra, tình trạng thương lái thu gom sầu riêng theo hình thức bao tiêu toàn bộ vườn, thậm chí cắt cả những trái sầu riêng chưa đủ độ chín già cũng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nông sản. Bởi thông thường, vào đầu vụ thương lái Trung Quốc thường trả giá cao để thu gom sầu riêng, thậm chí sẵn sàng cắt sầu riêng non. Nông dân thấy lợi trước mắt sẽ đổ xô bán hàng cho thương lái mà bỏ qua các đầu mối thu mua của các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong nước... Do vậy đã dẫn đến tình trạng nhiều hợp tác xã đã ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp nhiều đơn hàng lớn liên quan tới việc cung cấp sầu riêng nhưng không gom đủ hàng đạt chất lượng. Các nhà vườn cũng bị thiệt hại không nhỏ do hàng xuất khẩu sau đó đã bị trả về do chất lượng kém, giá giảm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Thuận: Chuẩn bị cho ngành chăn nuôi khi Việt Nam gia nhập TPP

Hiện nay có một số ý kiến lo ngại, vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016, khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương), các mặt hàng thịt nhập khẩu sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rẻ thì nguy cơ rất nhiều hộ chăn nuôi sẽ lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí bỏ nghề. Có thể thấy ngay tại thời điểm này, ở nhiều siêu thị tại Phan Thiết (Bình Thuận) phần lép vế đang nghiêng về các hộ chăn nuôi. Ví dụ như mặt hàng thịt gà có giá từ 80.000 - 110.000 đồng/kg hơi, tùy theo loại gà; Giá gà ta cao nhất vì mọi người vẫn quen suy nghĩ là gà nuôi thả tự nhiên thì có chất lượng thịt chắc, thơm ngon, chứ thực tế chưa chắc đã đúng. Trong khi đó, gà nhập khẩu bán tại các siêu thị như Co.op mart Phan Thiết đã làm sạch, giá rẻ gần một nửa so với gà nuôi tại chỗ, lại có cam kết rõ ràng về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng. Như vậy, về lâu dài chắc chắn người tiêu dùng sẽ mua gà nhập khẩu. Mặt hàng thịt vịt hay thịt heo, thịt bò… cũng vậy, sẽ tràn ngập thị trường với giá rẻ, nhất là khi TPP được ký kết.

Đứng trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Bình Thuận đặt kế hoạch đến năm 2020, tỉnh cơ bản chuyển sang mô hình chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại công nghiệp. Những mục tiêu đặt ra là: đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến tập trung; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, đạt 21% cơ cấu giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (năm 2014 đạt 16,35 %)... Vấn đề đặt ra cho ngành chăn nuôi ở Bình Thuận cũng cần được các địa phương khác tham khảo để xác định phương thức sản xuất mới. Bởi lẽ, cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, nguy cơ các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa trong tương lai gần (chưa nói đến xuất khẩu) là điều có thật.

Cà Mau: Giá tôm tăng trở lại

Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5/2015, giá tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL liên tục sụt giảm khiến các hộ nuôi chán nản bỏ ao. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, giá tôm tăng từ 6.000 - 20.000 đồng/kg. Hiện, tôm sú loại 40 con/kg được thương lái đến tận ao thu mua với giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg giá 210.000 - 230.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg được thương lái thu mua với giá 106.000 - 114.000 đồng/kg, loại 100 con/kg cũng có giá 86.000 -90.000 đồng/kg, tăng khoảng 13.000 đồng/kg so với đầu tháng 6.

Tại Cà Mau, từ đầu tháng 5/2015 đến nay, giá tôm dần ổn định và tăng trở lại. Hiện, tôm sú loại 20 con/kg giá dao động từ 240.000 - 250.000 đồng/kg, loại 30 con/kg đạt 160.000 - 170.000 đồng/kg, loại 40 con/kg từ 140.000 -150.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng từ 6.000 - 12.000 đồng/kg; cụ thể loại 100 con/kg giá 88.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 106.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 123.000 đồng/kg.

Mặc dù giá tôm đang cao và dự kiến trong thời gian tới nhu cầu tôm nguyên liệu sẽ tăng nhưng ngành nông nghiệp Cà Mau vẫn đưa ra khuyến cáo: hiện độ mặn tại các vùng nuôi tôm vẫn khá cao và một số nơi nguồn nước ngoài sông còn cạn và ô nhiễm nên bà con cần hạn chế thả giống để giảm rủi ro. Bà con cũng cần khẩn trương cải tạo ao, đầm; theo dõi sát tình hình thời tiết, môi trường, khi thấy thuận lợi thì thả giống ngay. Nên chọn cơ sở cung cấp giống tôm có thương hiệu uy tín, chất lượng tốt và qua kiểm dịch để thả nuôi.

Box: Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cả nước ước đạt trên 40.000 héc-ta, giảm 18,9% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 103,8 nghìn tấn, giảm 1,6%; trong đó vùng ĐBSCL diện tích đạt 34.800 héc-ta, giảm 26,5%, sản lượng đạt 66.100 tấn, giảm 22,2%.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Lý Sơn: Mất trắng mùa dưa hấu

Ở Lý Sơn, sau vụ tỏi chính, bà con chuyển qua trồng hành và các loại cây màu, trong đó có dưa hấu. Tuy nhiên, vụ dưa hấu năm nay gần như mất trắng do thời tiết nắng nóng gay gắt.

Thời gian qua, nắng nóng gay gắt, nguồn nước tưới vừa cạn kiệt lại nhiễm mặn cùng với một số bệnh chưa rõ nguyên nhân, khiến hơn 50 héc-ta dưa hấu ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) gần như mất trắng hoàn toàn.

Thời điểm này là mùa thu hoạch dưa hấu ở huyện đảo Lý Sơn, nhưng hiện nay ở các chợ, các điểm bán nước giải khát tại các điểm di tích để phục vụ du khách hầu như không có dưa hấu. Trên các cánh đồng, nhiều ruộng dưa bị chết khô, dưa non chưa kịp chín bị nhổ bỏ hoặc người dân không còn chăm sóc. Một số nơi ruộng dưa còn xanh thì nông dân cố gắng chăm sóc để vớt vát lại tiền đầu tư. Trong khi đó, vào thời điểm này năm ngoái, dưa rất được mùa, mỗi sào thu hoạch được trên 1 tấn. Nguyên nhân khiến dưa vụ này mất mùa là do trời nắng gắt kéo dài, nguồn nước tưới đã thiếu lại còn nhiễm mặn nên dưa không phát triển được. Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lý Sơn đã kiểm tra, nhưng chưa xác định được nguyên nhân dưa bị mất mùa là do nhiễm bệnh hay do nguồn giống không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác để đảm bảo có thu hoạch. Đồng thời cũng thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng khác để kịp thời xử lý.

Trái cây “lạ” giá cao, đắt khách

Trong khi khá nhiều loại hoa quả phổ biến gặp tình trạng ùn ứ, dư thừa thậm chí phải đổ bỏ, nhiều loại trái cây lạ lại được săn lùng vì tò mò của người mua, khiến cung không đủ cầu. Giá cao gấp 3 - 4 lần so với loại thông thường nhưng những loại trái cây độc đáo như nhãn tím, xoài đỏ... vẫn rất hút khách.

Cùng với sản phẩm nhãn lồng truyền thống lâu nay, với vỏ màu da bò đặc trưng, thị trường miền Nam gần đây còn xuất hiện thêm loại nhãn màu tím, giá bán trên 100.000 đồng/kg (so với mức 20.000 - 45.000 đồng cho loại thường). Lượng hàng bán ra trên thị trường rất khan hiếm. Lão nông Trần Văn Huy ở cù lao xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) may mắn trồng được giống nhãn tím đột biến gen làm thay đổi màu sắc của lá và cả trái nhãn. mỗi năm vườn chỉ cho ra khoảng hơn một tạ nhưng không đủ bán. Ông hạn chế cho cây ra trái để chiết cành nhân giống. Không chỉ nhãn tím gây xôn xao mà xoài đỏ ở Tiền Giang, Khánh Hòa cũng được khách hàng ưa chuộng. Loại này có vỏ màu đỏ, quả tròn hơn so với những loại xoài thường thấy. Bên trong, xoài đỏ có ruột màu vàng, nhiều thịt, ăn rất ngọt. Mỗi quả thường nặng 5 - 7 lạng, loại to có thể lên tới 1kg, giá cao hơn gấp đôi so với loại thông thường.

Thay vì ra quả trên ngọn, thì loại vải thiều này lại trổ ra từ thân với trọng lượng lên tới 3kg mỗi chùm. Loại vải thiều lạ được ông Trần Văn Hành ở Bắc Giang trồng và chăm sóc. Với diện tích 2,5 héc-ta, mỗi năm khu vườn nhà ông cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn với giá bán tại vườn dao động 25.000 - 35.000 đồng/kg (trong khi vải thiều thường giá 5.000 - 7.000 đồng/kg). Vì là sản phẩm khá lạ trên thị trường nên được nhiều thương lái Trung Quốc ưa chuộng. Sau khi thu mua và đem về Trung Quốc đóng gói, sản phẩm này được bán ra với giá 350.000 - 400.000 đồng/kg. Hiện toàn Lục Ngạn có hơn 700 héc-ta vải mọc từ thân, chủ yếu tại một số xã như: Giáp Sơn, Thanh Hải, Tân Mộc, Hồng Giang...

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Khăn giấy ướt: Nhan nhản hàng nhái, kém chất lượng

Ngày nay, nhu cầu sử dụng khăn giấy ướt ngày càng nhiều không chỉ đối với người dân ở khu vực thành phố mà ở khu vực nông thôn. Cũng chính vì vậy mà ở các khu vực nông thôn, miền núi hiện nay xuất hiện nhiều loại khăn giấy ướt không rõ nguồn gốc, làm nhái các sản phẩm có thương hiệu nhưng được bán với giá siêu rẻ.

Người tiêu dùng không quan tâm tới chất lượng

Đáp ứng nhu cầu, thị trường khăn giấy ướt không chỉ ở các đô thị lớn mà cả các khu vùng nông thôn miền núi, nhiều cơ sở sản xuất đã sản xuất nhiều loại khăn ướt nhái các thương hiệu có uy tín. Các thương hiệu bị làm giả phổ biến như: Bobby Care, Nuna, Baby Mamy, Baby Care, Baby Vina, Daily Care Baby... Tuy nhiên các loại này giá chỉ bằng 1/3 các loại giấy ướt có thương hiệu.

Khảo sát tại chợ Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), nhiều tiểu thương bán đổ đống các loại giấy ướt. Nhiều loại giấy ướt là sản phẩm chăm sóc bé nhưng trên bao bì chỉ ghi rất chung chung, như: Vải không dệt, nước tinh khiết, dung dịch lô hội, hương thơm. Trên bao bì của loại khăn giấy này cũng không ghi rõ địa chỉ cơ sở, công nghệ sản xuất…

Theo Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái, không khó để phát hiện các sản phẩm khăn giấy ướt chất lượng kém. Các sản phẩm này đều có bao bì nham nhở, bong tróc, mập mờ hạn sử dụng; thành phần sơ sài. Trên bao bì các gói khăn giấy ướt giá rẻ có thể nhìn thấy những vi phạm về nhãn mác hàng hóa và chất lượng sản phẩm khó được đảm bảo. Vì vậy, chỉ cần người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng miền núi không ham rẻ và chú ý đến bao bì sản phẩm là có thể loại bỏ được hàng nhái, hàng giả.

Chưa có quy chuẩn quản lý chất lượng

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học châu Âu, dùng khăn giấy ướt chứa một số chất độc hại có nguy cơ gây ung thư. Trước thông tin này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã đưa ra công văn khẩn về việc cấm các chất có nguy cơ gây ung thư trong quá trình sản xuất khăn giấy ướt bắt đầu từ ngày 1/8 tới đây. Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu, các sản phẩm hóa mỹ phẩm có chứa hai chất có nguy cơ gây ung thư, Paraben và Methylisothiazolinone, sẽ bị ngừng lưu thông trên thị trường.

Như vậy, từ trước tới nay các loại khăn ướt chưa có một quy chuẩn nào của nhà nước về quản lý chất lượng. Điều này cũng lý giải vì sao trên thị trường nhan nhản các loại khăn giấy ướt nhái, kém chất lượng mà không bị quản lý.

Bác sĩ Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - cho biết trên thực tế, các sản phẩm khăn giấy ướt đều phải có tỷ lệ nhất định hóa chất bảo quản, hương liệu chống vi khuẩn và nấm mốc có hại. Những sản phẩm giả, nhái thường có hàm lượng chất bảo quản quá cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe - thường gặp nhất là nguy cơ dị ứng, kích ứng da, đặc biệt đối với những người có da mẫn cảm, dễ bị dị ứng.

Trước thực tế này, Cục Quản lý Dược khuyến cáo, khi chọn mua khăn giấy ướt, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm được Bộ Y tế cho phép lưu hành, chú ý sử dụng trong thời gian bảo quản ghi trên bao bì. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin sản phẩm (số lượng, thành phần nguyên liệu, có sử dụng nhóm chất cấm không…), ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin nhà sản xuất… Sản phẩm khăn ướt đúng chuẩn phải sử dụng chất liệu là bông sợi nên khi cầm vào có độ mềm, êm, kích cỡ khăn đúng với số liệu trên bao bì. Nếu là hàng giả, khi đóng gói thường sử dụng các loại máy thô sơ, thậm chí là dùng tay đưa khăn vào bịch nên gói khăn thường vuông vắn, có cạnh viền như hình hộp.

BÀ CON CẦN BIẾT

Bà con ngư dân sẽ được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản
Để người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 317/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”.
Mục tiêu chung là bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh. Củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo. Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo. Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo. Trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có thể tự bảo vệ sức khỏe, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

Củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng

- Bổ sung biên chế, trang thiết bị cho Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh/thành phố ven biển, các đội Vệ sinh Phòng dịch Quân khu 3, 4, 5, 7 và Quân khu 9 đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh; tập huấn kiến thức dự phòng các vấn đề về sức khỏe, cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo. Tổ chức các đội cơ động sẵn sàng di chuyển ra đảo triển khai phòng chống dịch bệnh.

- Đầu tư cho các Trung tâm y tế lao động bộ, ngành kinh tế biển đủ năng lực triển khai các hoạt động khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích cho người lao động.
Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh

- Tổ chức, đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho 6 khoa Hồi sức cấp cứu thành Trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho 4 trung tâm y tế/bệnh viện huyện đảo trọng điểm về quốc phòng an ninh, nghề cá có thể triển khai các kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2.

- Đóng mới 1 tàu biển đa năng, chịu được sóng trên cấp 8, có chức năng là tàu bệnh viện, đóng vai trò là cơ sở y tế lưu động trên biển, phục vụ các ngành kinh tế trên biển xa bờ. Trang bị cho 1 - 2 tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam có đủ thuốc, trang thiết bị y tế có khả năng xử lý một số cấp cứu thường gặp trên biển.

- Xây dựng 2 mô hình trợ giúp y tế từ xa từ 6 Trung tâm hỗ trợ cấp cứu từ xa đến bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và nhà dàn.

- Trang bị tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho tàu biển theo các quy định quốc gia và quốc tế; các tổ đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển có người biết sơ cấp cứu trên biển và biết liên hệ với Trung tâm y tế nhờ trợ giúp.
Phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo

- Ban hành định mức biên chế tại các bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo, trạm y tế xã đảo, nhà dàn, trung tâm vận chuyển cấp cứu, đội cơ động, tàu bệnh viện... làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho vùng biển, đảo;

- Đầu tư phát triển chuyên ngành y học biển, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế biển; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao có trình độ sau đại học về y học biển, song song với việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội cho khu vực biển, đảo.

Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển đảo

- Đầu tư nhân lực, trang thiết bị, phương tiện truyền thông cho Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, các tỉnh, thành phố ven biển, các huyện, xã đảo để phục vụ cho truyền thông, giáo dục sức khỏe trên vùng biển, đảo.

- Tổ chức tập huấn, truyền thông trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo; bảo đảm cho mọi người lao động trên biển, đảo biết và có thể kêu gọi sự trợ giúp về y tế khi cần thiết.

HÀNG VIỆT

Quảng Ninh: Tích cực đầu tư hạ tầng thương mại, đưa hàng Việt về miền núi, hải đảo
Hiện nay, UBND huyện Cô Tô đang xây dựng một trung tâm thương mại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và tạo điểm bán hàng cố định cho các doanh nghiệp Việt. Dự kiến, trung tâm này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016. Nhiều huyện miền núi khác của Quảng Ninh như Tiên Yên, Bình Liêu... cũng được đầu tư xây dựng các khu chợ biên giới nhằm tạo điều kiện đưa hàng Việt về “bám rễ” khu vực này.

Tổ chức hơn 50 chuyến hàng Việt về miền núi, hải đảo

Ông Phạm Ngọc Thủy – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, hàng năm, Bộ Công Thương đều có nguồn kinh phí để tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở hỗ trợ của Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ninh cũng dành nguồn vốn đối ứng để tổ chức những phiên chợ, nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con. Trong hơn 5 năm qua, Quảng Ninh đã tổ chức không dưới 50 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, biên giới.

Nắm bắt được mức sống và thói quen của bà con, những chuyến hàng Việt về nông thôn đã tập trung vào những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như nồi, chậu, hàng may mặc… Với độ bền cao, giá rẻ hơn giá bán trên thị trường từ 5 - 20% tùy sản phẩm, những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn Quảng Ninh đã được bà con tìm đến khá đông. Đơn cử như trong chuyến đưa hàng Việt về huyện đảo Cô Tô cuối năm 2014, ngay trong phiên khai mạc, hội chợ đã thu hút được 2.000 người đến mua sắm. Sau 1 tuần, toàn bộ hàng hóa của DN, từ đồ gia dụng, quần áo, thực phẩm, đồ gỗ... đều được tiêu thụ hết.

Chia sẻ tiềm năng của khu vực miền núi, hải đảo, chị Lục Thị Dương – trưởng nhóm bán hàng siêu thị Big C – đơn vị đã tham gia rất nhiều chuyến hàng Việt của Quảng Ninh chia sẻ: “Sức tiêu thụ của các chuyến hàng Việt cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng Việt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đải rất lớn. Big C Quảng Ninh sẽ tiếp tục tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, hải đảo nhằm mang hàng hóa đáp ứng nhu cầu của bà con”.
Tích cực đầu tư cho hạ tầng thương mại

Tổ chức các chuyến hàng Việt không khó, cái khó là làm sao người dân vẫn được sử dụng hàng Việt chất lượng cao mà không cần chờ đến khi có các chuyến hàng. Để làm được điều này, đầu tư cho hạ tầng thương mại chính là giải pháp duy nhất. Đây cũng là điều kiện sống còn giúp hàng Việt được tiếp cận với người tiêu dùng.

Ông Phạm Ngọc Thủy cho hay, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm đến việc tạo điều kiện hỗ trợ vốn để đầu tư các khu chợ biên giới, hải đảo tại các vùng biên giới, miền núi như Bình Liêu, Tiên Yên… Đặc biệt, ngay sau khi có điện lưới quốc gia, huyện đảo Cô Tô đã lên kế hoạch xây dựng một khu trung tâm thương mại nhằm cung cấp hàng hóa cho bà con. “Khu trung tâm thương mại này có tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2016. Các DN kinh doanh hàng Việt có chất lượng sẽ được ưu tiên xét chọn khi có nhu cầu kinh doanh tại đây. DN cũng nên chú trọng sản xuất có chất lượng, giá cạnh tranh để chinh phục tốt nhất nhu cầu của bà con” - ông Đào Văn Vũ - Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô khẳng định.

Cùng với những nỗ lực của địa phương, hiện tại, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được triển khai. Với mục tiêu lớn nhất là tập trung xây dựng hạ tầng thương mại cho các khu vực còn nhiều khó khăn, đề án được kỳ vọng sẽ giúp mang lại bộ mặt mới cho hạ tầng thương mại khu vực miền núi, hải đảo Quảng Ninh.

Box: Ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh: Riêng với khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo, để hỗ trợ cho DN, trong thời gian tới, Quảng Ninh đã và đang lồng ghép nhiều chương trình cụ thể như chương trình xúc tiến thương mại, chương trình nông thôn mới… để có được một nguồn vốn tương đối hỗ trợ cho DN hình thành những điểm bán hàng để hàng Việt cắm rễ sâu hơn khu vực này.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)