Thông tin giá cả thị trường tuần từ 07/12/2013 đến 13/12/2013

09:24 AM 07/12/2013 |   Lượt xem: 2653 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nghệ An: Ồ ạt thu gom lá cò ke

Gần đây, ở 2 huyện miền núi Tương Dương và Con Cuông, tỉnh Nghệ An, nhiều người dân đổ xô vào rừng khai thác lá cây cò ke để bán cho thương lái Trung Quốc. Cây cò ke là một loại cây chứa dược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất nhưng đang có nguy cơ bị tận diệt bởi sự “săn lùng” của chính người dân nơi đây.

Dọc theo Quốc lộ 7 từ huyện Con Cuông lên huyện Tương Dương có rất nhiều điểm thu mua lá cò ke. Bà con thu gom lá cò ke tập kết thành những hàng dài bên quốc lộ chờ thương lái đến thu mua. Một nông dân cho biết, 1 kg lá cò ke khô bán được khoảng 7.000 đồng, một ngày vào rừng chặt được khoảng 40 kg lá, tính ra cũng kiếm được khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Với “thu nhập” cao như vậy, rất nhiều bà con đã bỏ công việc đồng áng, chăn nuôi để vào rừng hái lá cò ke về bán. Qua tìm hiểu của chúng tôi, lá cây cò ke mà người dân ở Nghệ An khai thác được các đầu nậu thu gom, sau đó chuyển sang Trung Quốc bán. Thậm chí ngay cả các thương lái thu gom rồi chở đi Trung Quốc bán cũng không biết họ mua làm gì mà chỉ đơn giản nghĩ họ có nhu cầu thì mình thu gom của người dân các bản rồi bán lại cho họ.

Ông Nguyễn Trong Tân, Chủ tịch UBND xã Tam Thái, cho biết: "Thời gian gần đây, nhiều bà con người trên địa bàn xã vào khe Càn, khe Thằm hái lá cò ke bán cho các thương lái với giá lá tươi khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, phơi khô thì bán được 6.000 -7.000 đồng/kg”. Do nhiều người hái nên lá cây cò ke đang có nguy cơ cạn kiệt. Gần đây, để hái được lá, người dân phải đi sâu vào rừng từ 4 - 5 km. Hiện nay, không chỉ xã Tam Thái mà nhiều người dân ở các xã Tam Quang, Tam Đình... cũng vào rừng hái lá cò ke bán cho các thương lái”. Ông Tân cũng cho biết, xã sẽ kết hợp với kiểm lâm huyện cho kiểm tra và có biện pháp xử lý nếu việc khai thác, thu mua lá cò ke là trái phép.

Người dân vào rừng hái lá là tự phát, khó có thể quy kết trách nhiệm cụ thể. Quan trọng hơn cả là vai trò và nhận thức của các cán bộ địa phương trong việc phổ biến và tuyên truyền về khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất của cây cò ke để bà con có ý thức bảo vệ loài cây này. 

MUA GÌ?

Yên Bái: Mùa cam được giá

Tại xã Thượng Bằng La, một trong những nơi có diện tích cam lớn của huyện Văn Chấn, năm nay vụ cam ở đây đã đến sớm hơn mọi năm gần nửa tháng, sản lượng ước đạt 1.200 tấn, tăng hơn 450 tấn so với năm ngoái. Giá thành cao và ổn định đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người trồng cam. Cam quả to, mọng nước, độ ngọt đều, giá thành cũng vì thế mà cao hơn năm ngoái từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Năm nay, xã đã trồng mới, trồng cải tạo hơn 40 héc-ta hỗ trợ trên 50 hộ trồng mới, chuyển đổi diện tích sang trồng cây cam. Được mệnh danh là thủ phủ cam của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn có trên 650 héc-ta cam, trong đó có gần 600 héc-ta đang cho thu hoạch tập trung chủ yếu ở thị trấn nông trường Trần Phú, Thượng Bằng La, Minh An… Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hoá tập trung, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng Nai: Giá nông sản bất ngờ tăng cao

Vào cuối vụ, giá sắn và hạt điều bất ngờ tăng cao, trong khi giá xuất khẩu các mặt hàng này lại giảm. Đầu vụ thu hoạch, giá hạt điều tươi các đại lý mua của nông dân trong tỉnh chỉ dao động ở mức 17.000 – 19.000 đồng/kg. Song đến giữa vụ, giá đột ngột tăng lên 24.000 – 25.000 đồng/kg hạt điều tươi và 30.000 đồng/kg hạt điều khô. Lo thời gian tới sẽ không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều trong nước đã đẩy mạnh mua gom hạt điều thô, khiến giá đẩy cao hơn thực tế. Mấy năm gần đây, sắn được sử dụng làm nguyên liệu chế biến cho nhiều mặt hàng như: Thức ăn chăn nuôi, bột ngọt, phụ gia, dầu nên nhu cầu rất lớn. Đến cuối vụ, giá sắn tươi mua tại Đồng Nai đột ngột lên 2.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với giữa vụ. Ông Hồ Sáu ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) - hộ có diện tích trồng sắn lớn nhất tỉnh (gần 100 héc-ta) chia sẻ: “Trồng sắn muốn thu lời cao còn phải tìm hiểu thông tin từ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Vào cuối vụ hoặc hết vụ, giá sán thường tăng cao do nhu cầu ngày một lớn”.

Đồng bằng sông Cửu Long: Cá đồng giá giảm mạnh

Hiện nay, nước lũ ở các tỉnh ĐBSCL đang rút cũng là thời điểm thu hoạch cá đồng trong ao và ruộng. Những ngày này lượng cá về các chợ rất nhiều làm giá cá giảm mạnh từ 15 - 20% so với tháng trước. Cá lóc đồng loại lớn giá 100.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg; cá trê vàng giá 120.000 đồng, giảm 25.000 đồng/kg; lươn đồng 180.000 đồng, giảm 30.000 đồng/kg; cá rô 60.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; cá chạch cơm 90.000 đồng, giảm 25.000 đồng/kg. 
Giá trái cây trong tuần

Tại Vĩnh Phúc

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Cam sành

40.000

Thanh long

20.000

Bưởi năm roi

15.000

24.000

Xoài

22.000

Dưa hấu

12.000

   Tại An Giang

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Cam sành

28.000

Thanh long

20.000

Mãng cầu ta

40.000

38.000

Nhãn tiêu da bò

30.000

Bòn bòn

38.000

               Tại Tiền Giang

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Cam sành

21.500

Cam mật

12.000

Bưởi năm roi

10.000

Hồng xiêm

16.000

Nhãn tiêu da bò

12.500

Nhãn xuồng cơm vàng

26.000

BÁN GÌ?

Hoạt động kinh doanh tại các chợ cửa khẩu

Trong tháng 11/2013, hoạt động kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại trong khu vực các cửa khẩu bắt đầu nhộn nhịp hơn so với tháng 10/2013 do đây là thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng.

• Lạng Sơn

- Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh tháng 11/2013 đạt  71,2 triệu đô-la Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Thanh long, chuối, cau quả khô, lạc nhân, dưa hấu, thạch dừa, nấm sấy khô, gỗ mỹ nghệ, chổi chít, thảo quả... Hàng nhập khẩu gồm: Táo, cam, lê, quýt, dưa vàng, hành tây, tỏi, hành củ, hàng dệt may, hàng tiêu dùng... Phía Trung Quốc vẫn hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như lạc, đỗ. Trong tháng 11/2013, hoạt động kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại trong khu vực cửa khẩu Tân Thanh bắt đầu nhộn nhịp hơn so với tháng 10/2013 do đây là thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa bắt đầu tăng.

- Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị tháng 11/2013 đạt trên 98,06 triệu đô-la Mỹ, trong đó xuất khẩu đạt 22,607 triệu đô-la Mỹ, nhập khẩu đạt 75,458 triệu đô-la Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tinh bột sắn, hải sản đông lạnh, nông sản, trái cây. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, sản phẩm điện tử, ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô, xe máy, hóa chất.

- Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam tháng 11/2013 đạt 12,2 triệu đô-la Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản (cua, tôm tươi, măng cụt, khoai lang, lươn…). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm các loại máy công cụ cầm tay và mặt hàng tiêu dùng.

- Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma từ ngày 16/10/2013 đến ngày 15/11/2013 đạt 8,4 triệu đô-la Mỹ, trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt 1,98 triệu đô-la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,41 triệu đô-la Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông, thủy sản như: Chè xanh khô, tinh bột sắn, cá các loại. Hàng nhập khẩu chủ yếu: Nguyên liệu thuốc bắc, chè xanh ướp, thiết bị vệ sinh, nội thất. Hàng chuyển khẩu, hàng tái xuất gồm tôm, cá đông lạnh, chuối khô, nhãn quả khô, tinh bột khoai tây…

• Hà Giang

- Tháng 11/2013, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Hà Giang đạt 17,4 triệu đô-la Mỹ, tăng 7,4% so với tháng 10/2013 và giảm 40,2% so với cùng kỳ năm năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Cao su tự nhiên, gỗ bóc rừng trồng, quả thanh long tươi, quả ớt tươi, thóc, gạo, ngô, tinh quặng sắt, cây lội cảnh. Mặt hàng nhập khẩu: Năng lượng điện, phân đạm.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Cẩn trọng khi mua phân bón DAP Trung Quốc

Nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở khu vực Đồng Tháp Mười vừa bị cơ quan chức năng phát hiện bán phân DAP 18 - 46 của Trung Quốc nhập khẩu kém chất lượng. Vấn đề đặt ra là biện pháp quản lý và giám sát mặt hàng này như thế nào để nông dân không bị thiệt hại?

Do đặc điểm của khu vực Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp) phần lớn đất đai đều bị nhiễm phèn từ nhẹ đến nặng nên thích hợp bón phân DAP. So với các loại phân lân đơn thì DAP có tác dụng nhanh hơn, không chỉ giúp hạ phèn trong đất ruộng mà còn giúp nông dân giảm được công vác, vận chuyển ra ruộng nên hầu như gia đình nào cũng dùng.

Xuất phát từ nhu cầu trên mà thị trường phân DAP hiện nay “loạn” từ nguồn gốc xuất xứ cho đến giá cả mỗi nơi bán một giá. Đứng đầu là phân bón DAP 18 - 46 của Hàn Quốc với giá bán khoảng 17.000 đồng/kg (850.000 đồng/bao = 50kg); sau đó là Phi-lip-pin 16.000 đồng/kg (800.000 đồng/bao), kế tiếp Nga 14.000 đồng/kg, cuối cùng Trung Quốc 13.000 đồng/kg (650.000 đồng/bao). Do mặt hàng DAP Trung Quốc rẻ hơn cả nên được nông dân chuộng hơn. Tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng có nhiều vấn đề về chất lượng mà khi mua hàng bà con phải cẩn thận. Đã có rất nhiều trường hợp bà con sau khi sử dụng phân bón thấy không hiệu quả đã đến đại lý phản ảnh, đòi bồi thường nhưng đa số đều không nhận được sự hợp tác của các đại lý. Thậm chí, ngay cả các lực lượng chức năng cũng “lực bất tòng tâm” bởi theo quy định chỉ những lô hàng nào có từ 10 bao 50 kg (tức 500 kg) trở lên thì mới kiểm tra lấy mẫu. Xuất phát từ “chỗ hở” này mà đã có nhiều loại DAP Trung Quốc của rất nhiều công ty tư nhân nhập khẩu từ Nam đến Bắc có giá rẻ (dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá bình quân là 13.000 đồng/kg), nhưng cơ quan chức năng không thể lấy mẫu kiểm định chất lượng được, bởi số lượng thực tế trong kho đại lý không đủ để kiểm tra.

Đội quản lý thị trường số 2 – Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, khi cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu phân bón DAP 18 - 46 của Trung Quốc bán tại các đại lý nằm trên địa bàn các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng... gửi đi phân tích qua 2 lần tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ và Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đều phát hiện kém chất lượng. Các đại lý bán hàng DAP Trung Quốc kém chất lượng thường tập trung ở vùng xa, vùng giáp biên giới. Với lô hàng giá rẻ do buôn bán qua đường tiểu ngạch không ai kiểm soát chất lượng nên họ mua đứt bán đoạn với nông dân, còn những lô hàng có giá trị lớn hơn thì họ bán nợ sau 4 tháng với lãi suất rất thấp. Nhiều bà con dù biết là hàng kém chất lượng nhưng vẫn mua vì... được mua nợ.

NHẬN BIẾT HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Cân Nhơn Hòa

Cân là một trong những vật dụng không thể thiếu của bà con trong các phiên chợ. Làm thế nào để nhận biết cân đảm bảo chất lượng (hợp chuẩn), cân đúng, cân đủ?

Theo Công ty TNHH Babylon chuyên cung cấp các loại cân Nhơn Hòa, cân hợp chuẩn là cân phải được kiểm định đúng theo quy trình kiểm định ĐLVN 30: 2009 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) ban hành. Cân đã được hợp chuẩn phải dán tem kiểm định còn hiệu lực và có dấu kẹp chì niêm phong của tổ chức kiểm định. Để nhận biết cân Nhơn Hòa thật, bà con nên chú ý xem xét các đặc điểm bên ngoài vỏ hộp cân như sau:

- Tất cả các loại cân Nhơn Hòa đều dán tem kiểm định dán trên thành cân. Đây là loại tem chuyên dùng để chống hàng giả, chỉ sử dụng được 1 lần, bóc ra sẽ rách vụn.

- Chính giữa mặt cân có dán logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

- Bên thành cân có chữ “Nhơn Hòa” in nổi.

- Mặt hộp nhựa PC trong suốt có dán logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

- Vỏ hộp cân bằng hợp kim nhôm sơn tĩnh điện. Đặc biệt, vỏ sơn màu xanh giả đá, đặc trưng riêng của Nhơn Hòa.

- Mặt chụp nhựa PC bóng, đẹp, không xước.

- Vỏ mặt sau cân có dán bảng hiệu với các thông tin: Thể hiện loại cân, số cân, số quyết định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, sai số đo lường, năm sản xuất.

Riêng đối với loại cân Nhơn Hòa từ 120 kg đến 150 kg, cân sức khỏe 120 kg, bên trong cân có thiết kế thêm 2 bộ giảm chấn có tác dụng giảm thiểu dao động của cân trong quá trình sử dụng. Đây là điểm đặc biệt mà các loại cân giả, cân nhái không có. Đối với loại cân treo, các móc treo to, khỏe, chất lượng tốt, không bị gỉ trong quá trình sử dụng trong khi cân giả rất nhanh gỉ.


  Nước mắm Nam Ngư

Công an vừa phát hiện một nhóm chuyên cung cấp nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư đưa về Hà Nội và Bắc Ninh tiêu thụ. Nước mắm giả này có màu sắc, hình thức y chang hàng thật. Chính vì thủ đoạn làm giả khá tinh vi nên người tiêu dùng phải quan sát kỹ để phân biệt khi mua hàng.

Ngày 24/8/2013, Công an Hà Nội đã tạm giữ hình sự Lê Văn Nam (27 tuổi, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Văn Tác (30 tuổi, Bắc Ninh) để điều tra hành vi buôn bán hàng giả. Tác bị công an bắt quả tang đang lái ô-tô chở 75 thùng nước mắm Nam Ngư giả đi giao hàng. Anh ta khai đã mua của Nam gần 8.000 chai. Hàng giả được Tác đưa về Hà Nội và Bắc Ninh tiêu thụ.

Mở rộng điều tra, Đội Chống hàng giả đã bắt Nam khi đang chở 60 thùng nước mắm giả đi giao hàng.

Nam khai thực phẩm giả được cung cấp từ một người ở thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Phúc. Biết là hàng giả nhãn hiệu được ưa chuộng trên thị trường, song vì ham lợi nhuận Nam vẫn buôn bán. Mỗi chai nước mắm, Nam bán cho Tác từ 9.000 đến 13.000 đồng.

Một cán bộ điều tra cho biết, nước mắm giả được làm giả khá tinh vi, màu sắc và hình thức y chang hàng thật rất khó phân biệt. Chúng được bán bằng với giá hàng xịn.

Xin liệt kê những đặc điểm “nhận dạng” chai mắm Nam Ngư giả:

Nắp chai: Ở chai thật, khi mở sẽ vặn đứt các chân bám vào vòng tròn ở dưới. Chai giả thì cả nắp dính chặt vào cái khuyên tròn ở dưới rất khó vặn.

Hạn sử dụng: Đây là điểm phân biệt dễ nhất vì chai thật có ghi hạn sử dụng rất rõ ràng ngay dưới cổ chai. Chai giả không có hạn sử dụng.

Nhãn mác phía trước: Chai giả có nhãn hơi mờ, nhòe, không sắc sảo đậm nét như chai thật.

Nhãn mác phía sau: Khác nhau ở thông tin xuất xứ của sản phẩm: ở chai giả có thêm một địa chỉ sản xuất thứ 2 sau địa chỉ một giống với chai thật. Theo đó, địa chỉ này ghi thêm chữ B: Cty CP MASAN HD, địa chỉ tại KCN Đại An, TP. Hải Dương. Trong khi chai thật chỉ có một địa chỉ sản xuất của nhà sản xuất đã được đăng ký.

Về kích thước nhãn: Chai giả nhãn phía sau to ngang và lùn hơn, chai thật nhãn cao hơn.

 

((Thông tin do Báo Công Thương phối hợp với Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc thực hiện))