Thông tin giá cả thị trường tuần từ 22/09/2014 đến 26/9/2014

04:08 PM 22/09/2014 |   Lượt xem: 2516 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

“Dòng sông buôn lậu” Việt - Lào

Có đến vùng biên giới Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Sa Vẳn (Lào) mới thấy rõ việc chống buôn lậu qua biên giới… không phải dễ. Sông Sê Pôn – con sông tự nhiên vắt qua tuyến biên giới, chia cắt hai nước Việt - Lào ở Quảng Trị được ví là “dòng sông buôn lậu”. Con sông có chiều dài chừng 7 km và dọc dòng sông này là các bến đò khét tiếng, trở thành bến bãi tập kết, vận chuyển về hàng lậu như Tân Kim, Ngô Đồng, Nại Cữu, Bích Trung, Long Quy... Từ các bến đò này, như vòi bạch tuộc vươn ra hàng trăm đường tiểu ngạch chằng chịt và hàng lậu được đội ngũ gùi, cõng thuê, mang vác, tuồn vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo. Sau đó được chia nhỏ và tiếp tục luồn lách qua các trạm kiểm soát hải quan, biên phòng, xuôi về Đông Hà trên các chuyến xe khách ở QL 9. 

Chúng tôi đã nhiều lần đứng từ bến đò Tân Thành nhìn sang bên kia sông Sê Pôn, thấy cửu vạn ngang nhiên vận chuyển hàng lậu xuống bến sông, rồi bốc lên thuyền. Cách thức vận chuyển rất chuyên nghiệp, chờ khi trời tối hay lực lượng tuần tra vắng mặt, lập tức phóng nhanh vượt sông, chở hàng lậu qua phía biên giới Việt Nam. Bên này có đội ngũ cửu vạn chờ sẵn, nhanh chóng khuân hàng lậu lên bờ, giao nhanh cho xe thồ chở đi cất giấu ở các nhà ven tuyến đường quốc lộ thuộc các xã Tân Thành, Tân Long...

Tinh vi hơn, hàng lậu qua biên giới vào Lao Bảo còn vô số cách thức khác như: Giấu gỗ lậu trong xe chở đá thạch cao, bọc thuốc lá lậu, đường kính, mì chính… vào túi ni lon buộc chặt rồi dùng thuyền máy kéo chìm qua sông Sê Pôn. Nếu không may bị phát hiện thì cắt dây đánh chìm hàng chờ trục vớt sau.
Nói về khó khăn này, Thượng tá Nguyễn Thành Phú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo từng trao đổi với chúng tôi rất chân tình: "Nếu lực lượng chức năng tìm ra được 100 cách chống buôn lậu thì những kẻ buôn lậu sẽ tìm ra 1.000 cách để trốn tránh”.

Nhiều thủ đoạn quay vòng hàng lậu 

Số liệu cho biết, năm 2013, lực lượng kiểm tra kiểm soát trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra 3.911 vụ, phát hiện bắt giữ và xử lý 3.367 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra các lực lượng chức năng còn bắt giữ 23.716 viên ma túy tổng hợp, 9,9 kg thuốc phiện, cần sa, 3 kg hê-rô-in. Còn 6 tháng đầu năm 2014, QLTT tỉnh Quảng Trị đã tổ chức kiểm tra kiểm soát 1.067 vụ, trong đó có những vụ nổi cộm với giá trị bắt giữ hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân khiến hàng lậu qua biên giới Lao Bảo luôn nóng, ngoài việc chênh lệch giá giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu, sự chênh lệch giá các loại hàng hóa giữa Khu KTTMĐB Lao Bảo và thị trường nội địa… còn phải kể đến việc bọn buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước ở Khu KTTM ĐB Lao Bảo và các chính sách khác trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng biên giới để đưa hàng từ nội địa vào Khu kinh tế này để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng sau đó quay vòng về nội địa tiêu thụ. Các mặt hàng chủ yếu là sữa hộp các loại, dầu ăn, mỳ chính, cà phê, mỳ ăn liền, bánh kẹo… Bên cạnh đó, còn phải kể đến tình trạng tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để bán ở thị trường nội địa vẫn đang khó kiểm soát… Chính vì vậy, hàng triệu gói thuốc lá nhập lậu, hàng triệu chai rượu ngoại, hàng chục vạn tấn hàng hóa các loại khác tuồn từ bên kia biên giới thông qua cửa khẩu Lao Bảo lọt về thị trường nội địa mỗi năm… Hàng nghìn vụ bị phát hiện, thu giữ, xử phạt hành chính còn số lượng vụ án bị khởi tố không đáng kể. Nguyên nhân do bọn đầu nậu thường không xuất hiện, chỉ bắt được cò con hoặc khi bắt giữ thì chúng sẵn sàng bỏ xe, thuyền, bỏ hàng để… trốn thoát. Vì vậy, có nghịch lý là hầu như cán bộ chống buôn lậu của hải quan, biên phòng, công an, QLTT… ở Lao Bảo, Quảng Trị đều có thể đọc tên các “ông trùm phân phối” hàng lậu ở đây nhưng không thể làm gì được… Đến nỗi, từ năm 2012 đến nay ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng BCĐ 127 thường tuyên bố “Phải đánh từ gốc, đánh có trọng tâm, trọng điểm, không đánh tràn lan…”. Thế nhưng, nạn buôn lậu qua biên giới ở Quảng Trị vẫn chưa hết… nóng. Số vụ buôn lậu bị bắt vẫn thường là hàng… vô chủ!                                                                               
 

MUA GÌ

 Điện Biên: Ngô xuân hè được mùa, được giá 

Tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên vụ ngô xuân hè này được đánh giá là được mùa lớn về cả năng suất, sản lượng lẫn giá thu mua. Toàn huyện có trên 2.916 héc-ta ngô. Do thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi nên nhìn chung cây ngô sinh trưởng, phát triển khá tốt. Giá thu mua ngô thời điểm hiện tại ở Mường Chà cũng tăng hơn so với năm ngoái. Nếu giá ngô hạt khô năm 2013 thương lái thu mua là 5.000 đồng/kg, thì hiện nay giá 6.000 đồng/kg. Do nhu cầu chế biến thức ăn gia súc có xu hướng tăng nên nhiều thương lái đã đánh xe ô tô vào tận các xã để thu mua ngô.
Ảnh: Bảo quản ngô sau thu hoạch
 
An Giang: Mùa măng tre lãi cao

Hằng năm, sau những cơn mưa đầu mùa, cư dân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) lại nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch măng. Ông Phan Thanh Tài, Chủ tịch UBND xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho biết: Hiện ở núi Cấm có 4 ấp là Vồ Thiên Tuế, Vồ Bồ Hong, Vồ Đầu, Vồ Chư Thần, ước có trên 50% hộ nông dân trồng tre lấy măng xen với trồng rừng trên núi, nhiều nhất là tre Mạnh tông. Hộ trồng ít nhất cũng vài ba chục bụi, nhiều nhất đến vài chục công tre Mạnh tông. Loại cây trồng này đang cho thu nhập cao vì giá măng hiện ở mức từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Còn lúc đầu mùa giá từ 22.000 - 24.000 đồng/kg. Cây tre Mạnh tông rất dễ trồng, nhiều người tận dụng đất rừng, đất rẫy, nơi có các dòng suối chảy qua hoặc dọc theo các sườn đồi thoai thoải để gây trồng. Tre có thể trồng bằng hom gốc, hom thân nhưng cách phổ biến nhất là chọn những cây tre tơ tách ra nhân giống. Sau 2 năm chăm sóc cây bắt đầu cho măng, bình quân mỗi bụi trên 4 năm tuổi cho từ 50 - 80 kg/năm. Hằng năm, măng tre bắt đầu mọc lai rai khi có mưa xuống và măng ra nhiều nhất vào tháng 6 - 7 âm lịch, rồi kéo dài đến hết tháng 12, măng vào vụ rộ giá càng rẻ. Một chủ vựa lớn ở chân núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho biết: Vào thời điểm tháng 9, mỗi ngày anh thu mua từ 1 - 3 tấn măng tươi. Ngoài các vựa thu gom măng ở ấp An Hoà, còn có những chuyến hàng đi thẳng từ Lâm Viên tới Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và các chợ ở TP. Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi chuyến trừ hết chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng.
 
Đồng Nai: Xoài trái mùa trúng giá

Một số nông dân trồng xoài tại huyện Xuân Lộc, Định Quán cho biết, những hộ xử lý được xoài cho trái nghịch vụ vào thời điểm này trúng lớn. Giá xoài ba mùa mưa bán tại vườn là  15.000 – 16.000 đồng/kg, xoài Thái xanh giá 28.000 – 30.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg.  Dịp này giá xoài cao là vì nhiều loại trái cây như măng cụt, chôm chôm, bơ... đã vào cuối mùa lượng hàng còn rất ít. Tuy nhiên, chỉ số ít hộ dân trồng xoài trong tỉnh xử lý được xoài trái vụ vào lúc này. Tại các chợ của TP. Biên Hòa, các sạp trái cây có xoài bán rất ít và giá khá cao, xoài ba mùa mưa xanh trên 20.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái 50.000 – 55.000 đồng/kg.
 
Nghệ An: Sắn dây bán được giá

Hiện ở xã Nam Anh huyện Nam Đàn (Nghệ An) có nhiều hộ chuyên thu mua và chế biến tinh bột sắn dây. Nhà làm nhiều thì mỗi năm thu mua trên dưới 50 tấn củ sắn dây, chế biến được khoảng 9 - 10 tấn tinh bột sắn khô, thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Hộ làm ít từ 30 - 35 tấn củ tươi, trừ mọi chi phí lãi trên 50 triệu. Năng suất sắn dây đạt từ 22 - 24 tấn/héc-ta. Với giá thu mua bình quân là 10.000 đồng/kg thì doanh thu 1 héc-ta sắn dây đạt trên 200 triệu đồng. Nếu chế biến thành tinh bột (5 kg sắn tươi được 1 kg tinh bột) thì hiệu quả kinh tế còn cao hơn nhiều (giá 100.000 đồng/kg bán buôn; 120.000 đồng/kg bán lẻ).           
 
Đồng Tháp: Giá cá lóc đang ở mức cao 

Hiện nay, người nuôi cá lóc tại các xã Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Hiệp, An Hòa, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đang rất phấn khởi vì giá cá lóc thương phẩm đang ở mức cao. Cụ thể, cá loại 200 gam/con trở lên giá từ 35.000 đồng/kg, loại 2 con/kg giá 38.000 – 42.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg so với một tháng trước. Với giá này, người nuôi cá lóc có lãi khoảng 3.000 đồng/kg. Giá tăng là do hiện nay đa số các hộ nuôi đã thu hoạch xong và mới bắt đầu thả nuôi vụ mới nên lượng cá đến kỳ thu hoạch còn ít. Ngoài ra, do các thương lái tăng cường thu mua để xuất khẩu tiểu ngạch qua Campuchia.
 
Giá thức ăn chăn nuôi trong tuần
 

Thị trường

Sản phẩm

ĐVT

Đơn giá (VND)

 Cà Mau

 Thức ăn gia súc, gia cầm Carill

Chai

11.800

 Cần Thơ

 Thức ăn cho cá basa, cá tra (EH TQ loại 18% đạm)

9.200

 

 Thức ăn cho heo (hỗn hợp)  Cargill loại 18% đạm)

14.540

 Lâm Đồng

 Ngô

Kg

8.500

 Tiền Giang

 Thức ăn chăn nuôi công nghiệp

Bao

290.000

Tây Ninh

 Ngô hạt (bắp hạt trắng phơi khô đã tách bỏ cùi)

20.000

 

 Khoai mì (30% chữ bột)

2.200

Đồng Tháp

 Thức ăn cho cá Mekong

Kg

11.200

An Giang

 Đậu tương (nành)

Kg

16.500

 

 Ngô hạt

4.500

BÁN GÌ

 Hạt ca cao nguyên liệu đạt mức giá cao

Hạt ca cao nguyên liệu đang được các thương lái thu mua của nông dân tại các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng (gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên là vùng trồng ca cao nhiều nhất tỉnh) với mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Mức giá này được thương lái thu mua đối với loại hạt ca cao nguyên liệu đã qua sơ chế, lên men ngay tại các hộ trồng ca cao. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Theo nhiều thương lái lẫn người trồng ca cao, nguyên nhân của việc tăng giá trên là do nhu cầu hạt ca cao trên thị trường đang tăng lên trong khi sản lượng ca cao trên địa bàn Lâm Đồng giảm mạnh trong những năm gần đây.

Tại Bến Tre, ca cao tươi đạt chứng nhận UTZ cũng đã tăng giá theo hạt ca cao nguyên liệu.  Đặc biệt, những khu vườn được cấp chứng nhận UTZ cho thu nhập cao hơn cả cây dừa  - cây trồng chính của các nhà vườn Bến Tre.  Bến Tre hiện có hơn 1.000 héc-ta ca cao được cấp chứng nhận UTZ cao nhất nước. Đây là chứng nhận chất lượng của sản phẩm nông nghiệp dành cho cây cà phê, ca cao, trà và dầu cọ được áp dụng trên phạm vi toàn cầu.
 
Đắk Lắk: Ngô lai được mùa, rớt giá

Tại Đắk Lắk, vụ Hè Thu năm nay gieo trồng được gần 73.400 héc-ta ngô lai, tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea Kar, Krông Pắk, Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Bông. Với đầu tư thâm canh tốt, năng suất năm nay đạt từ 6 - 8 tấn ngô hạt/héc-ta, tăng hơn 1 - 2 tấn ngô hạt/héc-ta so với vụ hè thu năm ngoái. Tuy nhiên, mặc dù mới vào mùa thu hoạch nhưng giá ngô hạt lại giảm mạnh. Cụ thể, giá ngô giảm chỉ còn 3.000 – 3.200 đồng/kg đối với ngô hạt còn tươi và từ 5.000 – 5.500 đồng/kg đối với ngô hạt đã phơi khô, giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, giá ngô hạt bị tư thương ép giá xuống chỉ còn từ 2.800 – 3.000 đồng/kg ngô hạt tươi, 4.500 – 4.800 đồng/kg ngô hạt khô.
 
Tiền Giang: Giá thanh long tăng mạnh

Giá thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có chiều hướng tăng mạnh và khan hiếm hàng. Hiện, thương lái thu mua thanh long ruột trắng tại vườn giá dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg (loại tốt), tăng từ 7.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá trên, sau khi trừ chi phí, mỗi nhà vườn trồng thanh long thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng/héc-ta. 

Thanh long được xác định là một trong 7 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục được đầu tư để nâng cao chất lượng và vị thế trên thị trường. Ngoài “thủ phủ” thanh long Chợ Gạo, một số nông dân vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước cũng chọn thanh long để trồng trên vùng đất nhiễm phèn, bước đầu cho hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân nên cân nhắc, không ồ ạt mở rộng diện tích trồng thanh long mới, cần tuân thủ quy hoạch của tỉnh để không gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
 
Giá đường đang ở mức thấp

Hàng ngàn hộ nông dân trồng mía ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang đang thấp thỏm chờ đợi các nhà máy đường trong vùng khởi động niên vụ ép 2014 - 2015. Tuy nhiên, do giá đường đang ở mức thấp nên các nhà máy không mặn mà vào vụ, trong khi nông dân lại sốt ruột vì mía đã đến thời kỳ thu hoạch và lũ đang lên từng ngày. Trên thực tế, ngay đầu vụ  sản xuất mới, các nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long đều gặp khó do giá đường đang ở mức rất thấp, cộng với áp lực đường tồn kho từ vụ trước nên phải tính toán thời gian vào vụ sao cho thật hợp lý. Hiện giá đường bán buôn chỉ còn từ 12.000 - 13.000 đồng/kg (tùy loại), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 2.000 đồng/kg, còn so với lúc cuối vụ đã giảm tới 3.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất thấp, tính ra ngang bằng với giá thành bình quân của các nhà máy đường tại vùng này. Vì vậy, chỉ có các nhà máy có công nghệ hiện đại, quản lý tốt thì may ra mới có lãi chút ít, bằng không là cầm chắc thua lỗ.

Giá mía được các nhà máy thống nhất thu mua tại rẫy cho nông dân là 800 đồng/kg, loại 10 chữ đường. Từ đó, các nhà máy căn cứ vào quãng đường vận chuyển gần xa để đưa ra mức thu mua tại cầu cảng của mình. Đây là mức giá tương đương với thời điểm cuối niên vụ 2013 - 2014.
 
Đồng Tháp: Nông dân bị thiệt hại do mưa đá và giông lốc

Tại nhiều địa bàn của huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), giông lốc và mưa đá đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên nhiều diện tích lớn lúa sắp đến ngày thu hoạch. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, tổng diện tích lúa do bị đổ ngã là 4.827 héc-ta, tập trung ở các xã Mỹ An, Mỹ Quý, Mỹ Đông, thị trấn Mỹ An... Điều đáng nói là lúa bị thiệt hại chủ yếu trong giai đoạn trổ chín, ước tính tổng thiệt hại là gần 4,4 tỷ đồng. Ngoài việc lúa bị thất thoát do đổ sập thì mưa đá và giông cũng làm cho lúa bị rụng hạt làm giảm năng suất, nhiều ruộng lúa chỉ còn lại trà bông và hạt lúa lép, thiệt hại trung bình từ 20 - 60%.   

LƯU Ý CẢNH BÁO

  Phôi không cho nấm ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cần làm rõ nguyên nhân! 
 
Những ngày này, hàng chục hộ trồng nấm ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre như đang ngồi trên đống lửa khi hàng trăm nghìn bịch phôi nấm do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ (NCƯD&DVKHCN) Tiền Giang cung cấp meo bị hư hỏng phải đổ bỏ, trong khi nhà cung cấp giống chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể để có biện pháp khắc phục kịp thời và hỗ trợ người trồng nấm hạn chế thiệt hại.
 
Thiệt hại thuộc về người nông dân

Theo phản ánh của người dân, hầu hết hộ nông dân có phôi bị hư hỏng thiệt hại đều lấy nguồn meo của Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang. Tuy giá một meo chỉ 250 đồng và chi phí sản xuất phôi gần 3.300 đồng/bịch, nhưng mỗi hộ dân đã đầu tư hàng chục, thậm chí cả hàng trăm nghìn bịch phôi, trong đó có nhiều bịch phôi sau khi cấy meo đã không cho nấm thì thiệt hại không nhỏ. Điều đáng nói ở đây là trong khi hầu hết các hộ nông dân có phôi bị hư hỏng thiệt hại ở Tiền Giang, Bến Tre, Long An đều khẳng định nguyên nhân là do nguồn meo giống lấy của Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang không đạt tiêu chuẩn. Bằng chứng là nhiều hộ đã nhập meo từ nguồn khác về cấy song song với meo của Trung tâm, trong một điều kiện nuôi trồng như nhau, chất lượng bịch phôi giống nhau thì phôi cấy meo nguồn khác cho nấm gần đạt 100%, còn phôi cấy meo của Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang chết gần hết. Đáng buồn hơn nấm trồng chết, vốn không có, hàng chục hộ trồng nấm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại với số tiền hàng tỷ đồng, đang xót xa nhìn công sức, tiền của như đổ xuống sông xuống biển, không biết phải xoay sở thế nào để có tiền trả nợ vay ngân hàng và tái sản xuất.
Nhiều trại nấm khó tái sản xuất

Dù nhận meo bị thoái hóa là nguyên nhân gây ra hiện tượng phôi không cho nấm nhưng ông Nguyễn Tuấn Phong - Giám đốc Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang cho rằng tỷ lệ hư hại không thể cao như các cơ sở phản ánh.“Tại trung tâm vẫn sản xuất bịch phôi xuất bán và cấy loại meo giống như xuất bán cho các cơ sở nhưng tỷ lệ phôi bị nhiễm (không cho nấm) khoảng 33,4%. Lỗi có thể còn do các bịch phôi của các đơn vị không đạt chất lượng. Hơn nữa thông thường, nếu do meo thì bịch phôi được cấy sẽ không kéo tơ trắng, nhưng trường hợp này phôi vẫn kéo trắng nên Trung tâm không phát hiện kịp thời. Mấy tháng qua, Trung tâm cũng phải đền trên 113 triệu đồng tiền phôi hư hỏng cho bà con” - ông Phong khẳng định. Theo ông Phong, hiện tượng meo cấy vào phôi không cho nấm là rất phổ biến, hiện Trung tâm đã chấp nhận đền bù 100% tiền meo cho các đơn vị mua từ tháng 5 đến ngoài tháng 7. Nếu các đơn vị không đồng ý, Trung tâm sẽ tiếp tục thương lượng mức đền bù, gấp rút sản xuất phôi nấm để cho bà con kịp tái vụ. Tuy nhiên, do số lượng quá lớn nên việc đền bù cho bà con ngay trong một thời điểm vượt quá khả năng của các cơ sở. Nhưng nếu việc hỗ trợ đền bù giữa Trung tâm và các đại lý không sớm được thống nhất thì chắc chắn nhiều trại nấm khó có thể tái sản xuất. Đây cũng là bài học cho bà con, trong quá trình trồng nấm bà con cần lưu ý, phôi không cho nấm có thể do nhiều nguyên nhân như meo giống không đảm bảo chất lượng; môi trường nuôi trồng không thuận lợi, chăm sóc không đúng kỹ thuật... Khi phôi kéo tơ trắng có nghĩa là meo tốt, nấm có thể phát triển thuận lợi. Nhưng nếu độ ẩm, nhiệt độ, quá trình chăm sóc không đảm bảo thì phôi cũng có thể không ra nấm. Ngay cả khi phôi đã mọc nấm, nếu tưới quá nhiều nước cũng có thể làm nấm chết hoặc sống tỷ lệ thấp. Bà con có thể kiểm tra lại các mô sẹo, xem có hình thành quả thể (quả nấm) hay không, đồng thời nên ngừng tưới, đợi thêm vài ngày xem nấm có nở hay không. Trong trường hợp phôi chết với tỷ lệ cao, có thể do giống nấm đã bị thoái hóa nên chăm sóc lâu phôi cũng không thể ra nấm. 

Việc phân định trách nhiệm, đền bù chưa biết sẽ như thế nào, xin “hạ hồi” phân giải, nhưng về lâu dài để tránh được thất bát cho vụ nấm tiếp theo điều nhà sản xuất cung cấp giống, cũng như những người trồng nấm cần nhất lúc này là các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao nấm chết hàng loạt để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại cho cả ba nhà “Trung tâm - đại lý và người trồng nấm”.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

 Núa Ngam (Điện Biên): Phát triển nghề nuôi ong
 
Với điều kiện thuận lợi về tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả, những năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đang ngày càng phát triển. 

Nhiều hộ sau khi mạnh dạn đầu tư mô hình này đã thu được hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã nói riêng, toàn huyện nói chung. Trước đây, việc trồng ngô, khoai, sắn và các cây nông nghiệp ngắn ngày ở địa phương cho hiệu quả kinh tế không cao. Mặc dù tập trung đầu tư vốn, như: Phân bón, giống cây trồng, thuốc trừ sâu… vào phát triển nông nghiệp nhưng cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang mô hình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Khi nghề nuôi ong ở Núa Ngam chưa phát triển mạnh như hiện nay, người dân trong xã thường bắt ong từ rừng về làm giống và tự nhân đàn. Dù thùng nuôi và kỹ thuật chăm sóc còn đơn giản, nhưng do ong dễ chăm sóc nên nhiều hộ gia đình đã duy trì việc nuôi ong theo các hình thức rất đơn giản. Có hộ thì dùng thùng xốp để nuôi ong, có hộ thì dùng gốc cây, khoét rỗng ruột bịt 2 đầu treo ngoài vườn duy trì đàn ong. Khi ấy, mọi sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong gia đình. Từ năm 2004, một số hộ nuôi nhiều ong mật ở xã đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã nuôi ong, lấy tên là Lâm Ong. Với nỗ lực trong việc tìm nơi tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm mật ong làm ra đảm bảo chất lượng, thơm ngon, sản phẩm mật ong của hợp tác xã đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là khách nước ngoài như: Đan Mạch, Anh, Pháp… đặt hàng mua, mang lại thu nhập cao cho người nuôi ong. Ngoài lợi ích về kinh tế từ sản phẩm mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, nuôi ong còn giúp cho vườn cây ăn quả phát triển tốt nhờ được thụ phấn đều đặn. Bởi thế, nhiều gia đình ở xã Núa Ngam đã kết hợp nuôi ong với trồng cây ăn quả có quy mô rộng, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng. Hiện, toàn xã có trên 2.000 đàn ong mật.

Nghề nuôi ong ở Núa Ngam đã cho thấy được hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, giúp nhiều hộ bước đầu định hình được hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi về tự nhiên, nghề nuôi ong ở Núa Ngam sẽ là hướng đi đúng để người dân xóa đói giảm nghèo bền vững và hoàn toàn có thể phát triển thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường. 
 
Hương Trạch (Hà Tĩnh): Vụ bưởi được mùa, được giá
 
Năm nay, người trồng bưởi Hương Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vui mừng khi bưởi vừa được mùa lại được giá. Thương lái mua tại vườn khoảng 50.000 – 60.000 đồng/quả, còn giá bán lẻ dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/quả. Nhiều hộ thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng từ bưởi. Bưởi là cây góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân Hương Trạch. Xã Hương Trạch có diện tích trồng bưởi Phúc Trạch lớn nhất Hương Khê, với hơn 200 héc-ta.

Được xác định là loại cây kinh tế chủ lực, Hương Khê đã có chính sách hỗ trợ bà con nông dân nhân rộng, phát triển bưởi Phúc Trạch. Giống bưởi quý này bắt đầu từ ở xã Phúc Trạch nay đã nhân rộng ra các vùng lân cận khác vùng nằm dọc triền đất phù sa ven sông Ngàn Trươi như: Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Đô… với hơn 1.200 héc-ta, trong đó 1.050 héc-ta đã cho thu hoạch.

Đặc trưng của bưởi Phúc Trạch chính hiệu không lẫn với các giống bưởi khác là quả có hình cầu hơi dẹt, đế quả hơi lõm. Da bưởi không ráp, khi chín ngả màu vàng hương, các múi thẳng đều, Khi bóc, tép bưởi không dính vào mu, có màu trắng trong hoặc hồng nhạt, mọng nước; ăn giòn, có vị ngọt, thanh chua và có cảm giác ngọt hậu tới cổ…

Mùa bưởi năm nay đã có một số tư thương lập các kiốt ở thị trấn Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh hay tại thành phố Vinh (Nghệ An) để bày bán bưởi Phúc Trạch chính hiệu. Mặc dù giá khá đắt, xấp xỉ 100.000 đồng/quả nhưng du khách mua nhiều, nhất là khách du lịch Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Bưởi Phúc Trạch nằm trong danh sách bảy loại quả quý hiếm quốc gia, cấm xuất khẩu giống. Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2010, bưởi Phúc Trạch được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch”… Hiện UBND huyện Hương Khê đang phối hợp các ban ngành liên quan để ban hành quy định về kiểm soát chất lượng sản phẩm; sử dụng hệ thống tem nhãn chống hàng giả, hàng nhái, tạo thương hiệu lâu bền cho loại đặc sản này…
 
Hòa Bình: Nuôi cá lồng “tái sinh”
 
Cuối năm 2013, trên địa bàn thành phố Hòa Bình chỉ còn 78 lồng cá, trong đó trên 50% là bỏ không nhưng đến tháng 9/2014, toàn thành phố có 137 lồng cá (tăng 76%) và hiện có trên 70% số lồng đang nuôi cá.
 
Theo số liệu thống kê của Hội Nông dân thành phố Hòa Bình thì hiện nay trên địa bàn thành phố, tổng diện tích hồ nuôi cá là 160 héc-ta, trong đó ao hồ nhỏ của các hộ nuôi là 126 héc-ta, hồ thủy lợi nhỏ kết hợp nuôi thả cá là 34 héc-ta. Số lồng cá trên địa bàn thành phố là 137 lồng. Sản lượng thu hoạch cá 9 tháng đầu năm ước đạt 450 tấn.

Thời điểm năm 2007 - 2008 nghề nuôi cá lồng ở Hòa Bình diễn ra khá rầm rộ, nhất là trên địa bàn xã Thái Thịnh (vùng lòng hồ Hòa Bình). Sau đó do ảnh hưởng của việc xây dựng Thủy điện Sơn La, việc đánh bắt cá bằng xung điện và tình trạng người dân sử dụng thuốc diệt cỏ trên các quả đồi ven sông diễn ra phổ biến khiến cá chậm lớn và chết hàng loạt nên đã có đến trên 50% lồng cá bị bỏ không. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Thủy điện Sơn La hoạt động đi vào ổn định, tình hình đánh bắt cá bằng xung điện bị ngăn chặn, việc sử dụng thuốc diệt cỏ cũng có giảm bớt thì nhiều hộ dân bắt đầu quay trở về với nghề nuôi cá lồng.

Nếu như trước đây nguyên liệu làm lồng là tre, nứa thì nay chủ yếu là khung sắt, lưới và phao phi nhựa dùng để nâng lồng. Tính trung bình mỗi chiếc lồng  như vậy đầu tư hết khoảng 8 - 10 triệu đồng nhưng dùng rất bền. Các loại cá được phục hồi nuôi chủ yếu là trắm cỏ, trê lai, rô phi đơn tính và cá chày mắt đỏ. Một số hộ gia đình thì đã bắt đầu mạnh dạn nuôi các loại cá đặc sản, cho giá trị kinh tế cao, sử dụng thức ăn công nghiệp. Nghề nuôi cá lồng đã mang lại thu nhập chính cho một bộ phận người dân xã Thái Thịnh.

Vượt qua được những giai đoạn khó khăn, nghề nuôi cá lồng tại Thành phố Hòa Bình đang dần sống lại, bước đầu hình thành và nhân rộng vùng nuôi cá lồng tập trung mang tính hàng hóa, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế địa phương.
 
Đồng Nai: Giá gà giống tăng đột biến 

Theo các trang trại chăn nuôi, thời gian gần đây giá thịt gà liên tục biến động. Đặc biệt, giá con giống gà ta tăng đột biến, dao động từ 16.000 – 18.500 đồng/con, tăng gần 10.000 đồng/con so với thời điểm đầu năm. Gà giống “sốt” giá do nhu cầu nuôi gà ta phục vụ thị trường cuối năm tăng cao. Giá gà ta cũng có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước.
 
Yên Minh (Hà Giang): Thay đổi tư duy để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa 

Trong những năm qua, sự thay đổi cách nghĩ, cách làm từ các cấp ủy, chính quyền; ngành nông nghiệp và nhân dân huyện Yên Minh đã thúc đẩy sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa bằng việc thay đổi các giống cây trồng mới đến tập trung phát triển các loại gia súc chủ lực. 

Những thay đổi này đã tạo được bước thay đổi lớn, các sản phẩm mới về lương thực, gia súc ngày một nhiều nên lượng hàng hóa trao đổi cũng tăng so với những năm trước. Tuy nhiên, phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn huyện vẫn giữ lối sống “tự cung, tự cấp” nên dù sản phẩm làm ra dư thừa nhiều nhưng chỉ có việc quan trọng cần số tiền lớn họ mới đem bán. Vì thế, khối lượng hàng hóa nông sản được người dân bán ra cũng tương đối lớn, nhưng so với nhu cầu tiêu thụ và sự thu mua của lái buôn thì lượng cung vẫn thấp hơn cầu. Chính vì vậy, điều đang được quan tâm nhất của ngành nông nghiệp Yên Minh là tìm tòi những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao nhưng phải phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để đưa vào thử nghiệm và nhân rộng; đẩy mạnh công tác dân vận thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa; tập trung phát triển cây, con chủ lực làm thế mạnh và thương hiệu. Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, huyện Yên Minh đã thực hiện nhiều phương án, việc làm cụ thể như: Nhân rộng việc sản xuất giống lúa chất lượng cao Japonica ĐS1 từ Mô hình thử nghiệm 10 héc-ta tại xã Mậu Duệ năm 2013 lên hơn 100 héc-ta trong vụ Xuân 2014 trên toàn huyện và tiếp tục tăng diện tích giống lúa này trong năm tiếp theo; tăng diện tích đậu tương hàng hóa và năng suất bằng thay đổi bộ giống mới; đẩy mạnh phát triển đàn gia súc với những chương trình hỗ trợ trang trại chăn nuôi lợn tập trung; thực hiện đề án mở rộng diện tích một số loại cây ăn quả đặc trưng như hồng không hạt Na Khê..  

HÀNG VIỆT

Những “dấu chân” hàng Việt 
 
Thời gian qua, những doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Quảng Trị đã nỗ lực sản xuất và đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng biên giới. Từ chỗ tỷ lệ hàng Việt chiếm không đáng kể, giờ đây, “dấu ấn” hàng Việt đã hiện diện nhiều hơn tại vùng đất còn nhiều khó khăn này.
 
Đưa hàng chất lượng cao về nông thôn

Là địa phương biên giới, Quảng Trị vốn được biết đến là “lãnh địa” của hàng nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan… đặc biệt là các huyện vùng giáp biên. Với lợi thế giá rẻ, dễ vận chuyển, ở những khu vực này, hàng nhập lậu gần như “thổi bay” hàng trong nước. 

Để hạn chế tình trạng trên, đồng thời trợ giúp người dân được sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, một trong những hoạt động trọng tâm được tỉnh Quảng Trị triển khai trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là làm sao tổ chức tốt việc đưa nguồn hàng có chất lượng cao, có thương hiệu do các DN trong nước sản xuất với giá cả hợp lý về địa bàn thị trường nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Ông Lê Quang Vĩnh – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị cho biết, mấu chốt để các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đạt hiệu quả tốt là do các DN đã nắm bắt được tâm lý mua sắm và tiêu dùng của bà con khu vực này. Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị đã tập trung sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm do công ty sản xuất, chế biến như tinh bột sắn, tiêu vùng Cùa, gạo Huyết Rồng… Các mặt hàng này với lợi thế chất lượng tốt, giá cả phù hợp với điều kiện sống của bà con nên được bà con rất ưa chuộng. Nhờ việc bán những mặt hàng này, trong gần 5 năm qua, công ty đã thu được doanh số hàng chục tỷ đồng từ các chuyến đưa hàng Việt về các huyện biên giới, vùng sâu.

Cùng với việc sản xuất các sản phẩm phù hợp, trong gần 5 năm qua, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà và Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị còn tổ chức hàng loạt các chương trình bán hàng lưu động như chương trình “Tự hào hàng Việt”; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Chương trình đưa hàng Việt về khu công nghiệp… Với gần 72 điểm bán hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, các chuyến đưa hàng về nông thôn này đã mang lại doanh số hơn 80 tỷ đồng cho DN.
Bán lẻ đến tận các làng, xã vùng sâu, vùng xa

Nhận thức được rằng địa bàn miền núi hoàn toàn có “đất dụng võ” cho DN nếu sản xuất được những sản phẩm phù hợp, nhiều DN khác cũng đã chủ động đưa hàng về bán ở các khu vực này. Hiện nay, hàng ngày, khoảng 40 chuyến xe tải nhỏ chở hàng Việt Nam của gần 20 DN, nhà phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã đưa hàng bán lẻ đến tận các làng, xã vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, song song với hoạt động bán hàng, các DN còn phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong tỉnh cung cấp thông tin thị trường, chất lượng hàng hóa Việt Nam để cho người dân lựa chọn và thực hiện cam kết bảo vệ người tiêu dùng.

Phát huy hiệu quả của những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới thời gian qua, thời gian tới, ông Lê Quang Vĩnh cho biết, Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phát động phong trào hưởng ứng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh. “Sở đã làm việc với UBND huyện Đảo Cồn Cỏ và một số DN để trong thời gian tới sẽ vận động các DN đưa hàng Việt chất lượng cao ra bán ở huyện Đảo Cồn Cỏ” – ông Lê Quang Vĩnh cho hay.

Đặc biệt, để hỗ trợ người tiêu dùng về giá, thời gian tới, Sở Công Thương cũng sẽ tổ chức và vận động các DN tham gia các Hội chợ với chủ đề “Người Việt ưu tiên dùng hàng người Việt” và khuyến khích các DN, nhà phân phối ưu tiên đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để bán bình ổn giá thông qua hệ thống bán lẻ của các DN phân phối hàng tiêu dùng.

Những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn không những giúp các DN tiêu thụ, quảng bá hàng hóa mà còn giúp mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng. 

NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

 Phân bón Lâm Thao cho lúa mùa
 
Sử dụng phân hỗn hợp NPK Lâm Thao ngoài thành phần đạm, lân, kali còn bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng, chất cải tạo đất. Đối với thành phần lân trong phân bón NPK-S Lâm Thao có loại tan ngay được trong nước cung cấp lân cho cây ở giai đoạn đầu, có loại lân chậm tan cung cấp lân ở giai đoạn sau nhằm mục đích nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón cho lúa mùa nói riêng, cũng như các loại cây trồng nói chung.

Liều lượng và phương pháp bón phân NPK-S Lâm Thao cho lúa mùa (tính cho 1 sào Bắc Bộ 360 m2) như sau:

- Dựa trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã đạt được theo phương pháp quản lý dinh dưỡng lúa theo vùng: Cách bón phân cân đối theo nhu cầu của cây lúa theo từng giai đoạn phát triển ở từng xứ đồng cụ thể, ở từng mùa vụ nhất định; cân đối có nghĩa là: Đủ về lượng, cân đối về tỷ lệ; bón đúng lúc, đúng liều lượng, đúng tỷ lệ và phương pháp thích hợp; đáp ứng nhu cầu thiếu hụt giữa nhu cầu thiếu của các giống lúa về dinh dưỡng với khả năng cung cấp dinh dưỡng từ đất và từ phân hữu cơ để từ đó liều lượng và phương pháp bón phân NPK-S Lâm Thao được được tính cho 2 nhóm đất lúa, đó là đất phèn và đất lầy thụt ở các tỉnh phía Bắc; các loại đất lúa còn lại.

- Dựa vào điều kiện khí tượng, thủy văn và khả năng chăn nuôi của các hộ nông dân trong vụ lúa mùa như: Nếu nước lớn ở vụ mùa không bón lót đạm và do có tập quán bón lót lượng phân chuồng lớn (6 ÷ 8 tấn/héc-ta) chất lượng phân chuồng tốt nên cũng không nên bón lót đạm.

- Lượng lân và kali bón cho lúa dựa trên các thí nghiệm đồng ruộng trên các loại đất trồng lúa khác nhau để xác định mức bội thu trên các ô bón thiếu hụt lân và kali so với công thức bón đầy đủ và mức bón được tính dựa vào năng suất dự kiến. 
 
Chế biến các sản phẩm từ khoai lang
 
Khoai lang có thể trồng từ vùng đồng bằng đến trung du miền núi, lợi nhuận đem lại cho bà con cao hơn những cây trồng ngắn ngày khác. Chuyên đề DTTS&MN Báo Công Thương xin giới thiệu với bà con quy trình chế biến sản phẩm khoai lang sấy dẻo và mứt khoai lang. 

Khoai lang sấy dẻo

Bà con dùng dao sắc thái khoai thành từng lát hình tròn dày từ 1 – 1,5 cm rồi đem chần bằng dung dịch phèn chua 0,3 % từ 10 – 15 phút để giữ màu của sản phẩm sau khi chế biến. Bà con đun sôi 600 gam nước sạch với 400 gam đường để tạo dung dịch đường 40%, bổ sung thêm 3 gam axít citric. Cho khoai đã chần vào dung dịch này và ngâm qua một đêm. Bà con sử dụng nước ấm 45 – 50oC rửa khoai,  để ráo nước rồi xếp vào khay và đưa vào lò sấy 60 – 65oC.  Sản phẩm sờ không bị dính tay, mềm dai và không bị chai cứng là được. 

Chế biến mứt khoai lang

Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, thái khoai thành miếng dày khoảng 1,5cm.  Với 1kg khoai lang, bà con pha 1 lít nước với 30 gam vôi trắng, để qua đêm cho lắng xuống rồi lấy phần nước trong để ngâm khoai, nước phải ngập khoai hoàn toàn, ngâm khoai trong khoảng 5 – 6 giờ. Ngâm xong vớt ra, xả lại nhiều lần với nước lạnh cho sạch. Bà con chần khoai lang bằng dung dịch phèn chua 0,3 % từ 10 – 15 phút rồi vớt ra, rửa sạch và để ráo. Món mứt khoai lang cần có thêm gừng. Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, thái thành lát mỏng, chần qua nước sôi 2 – 3 lần cho bớt cay. Bà con cho khoai lang và gừng đã xử lý vào nồi nấu, đổ đường lên trên, dàn đều cho đường rơi kín và phủ mặt toàn bộ bề mặt khoai. Ngâm đường khoảng 2 - 3 giờ, khi đường tan thì đường tạo ra rất nhiều nước, cứ mỗi 1 tiếng phải trở khoai một lần để đường ngấm đều vào khoai. Cho toàn bộ khoai và đường đun tới khi nước đường sôi thì hạ lửa nhỏ nhất để sôi lăn tăn. Bà con lưu ý, trong quá trình đun, gạt khoai sang một bên rồi dùng thìa múc nước đường rưới đều lên khoai. Đun đến khi dung dịch đường cạn. Khi tắt bếp, đảo nhẹ tiếp vài lần thì sẽ thấy khoai bắt đầu có đường trắng khô bám vào. Tách những miếng khoai dính nhau ra, đặt toàn bộ vào mâm để khoai hoàn toàn ráo thành mứt là được. 
 

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ

Lâm Đồng: Tăng cường kiểm tra thuốc BVTT
 
Sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, bên cạnh sự tiện lợi với các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) có mặt khắp vùng nông thôn giúp bà con nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bà con rất khó phân biệt chất lượng thật giả của các loại VTNN, nên dễ bị thiệt hại khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng, giả nhãn mác của các cơ sở có uy tín.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra trên diện rộng các cơ sở bán vật tư phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2014, Đoàn Thanh tra Chi cục BVTV Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra 27 loại thuốc và 750 nhãn mác thuốc BVTV đang lưu hành trên địa bàn tỉnh theo quy định. Qua đó, đoàn đã phát hiện 3 trong số 27 loại thuốc BVTV có hàm lượng hoạt chất không đạt như công bố: Thuốc Sory 595EC (ngày sản xuất 20/3/2014) của Công ty NTHH Ngôi Sao Vàng, thuốc Zeppelin 200WP (20/10/2013) của Công ty cổ phần Sam và thuốc Cleaver 45EC (7/1/2014) của Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển khoa học chuyển giao công nghệ phân phối. Cùng đó, đoàn còn phát hiện 8 sản phẩm thuốc BVTV của 8 công ty vi phạm việc ghi nhãn mác gồm thuốc Alphador 50EC (của Công ty Thành Tín), Galirex 999SC (Công ty Nông dược 3), Amiusa top 80SC (Công ty quốc tế Fusan), Temgold 101WP (Công ty Nhật Đức), Goltoc 250EC (Công ty Nông dược VN), Ridornil 720WP (Công ty Khử trùng VN), Biogly 88.8SP (Công ty TNHH Nông Sinh) và Cabatox 600EC (của Công ty cổ phần nông dược TSC). Từ nay đến cuối năm, Thanh tra Chi cục BVTV Lâm Đồng sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra đối với 250 nhãn mác thuốc BVTV và lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 15 loại thuốc BVTV khác đang lưu hành trên địa bàn tỉnh.  
 

Trên thực tế, bà con khó có thể phân biệt được sản phẩm kém chất lượng nếu chỉ nhìn hình thức bên ngoài mà không có sự hỗ trợ của các cán bộ kỹ thuật. Ví như đối với phân bón, các công ty sản xuất phân bón lá bên ngoài ghi công dụng với nhiều chức năng giúp cây hấp thụ qua lá, tăng sức đề kháng… nhưng thật chất bên trong toàn là nước pha với phân NPK. Một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn ăn bớt hàm lượng tiêu chuẩn trong phân bón nhằm hạ thấp giá thành...

Trong khi đó, các cơ quan chức năng nhân lực, lực lượng mỏng nên quản lý, thanh tra kiểm tra không đủ để kiểm soát chặt vòng lưu thông của sản phẩm trên thị trường. 
 
Vĩnh Long: Nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu
 
Thời gian gần đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và thu giữ hàng trăm tấn phân bón nhập lậu, hàng chục cơ sở vi phạm về thủ tục hàng hóa và hạn sử dụng, phát hiện nhiều trường hợp mua bán phân bón giả, kém chất lượng. Gần đây nhất, chi cục đã kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện 8/14 cơ sở vi phạm về sở hữu trí tuệ, bán phân bón lá nhái nhãn hiệu “Boom-n flower” của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, tạm giữ hơn 600 chai thuốc. Tại nhiều cơ sở, chỉ riêng sản phẩm phân bón lá này đã có 3 nhãn hiệu nhái, làm giả nhãn hiệu, với nhiều tên na ná nhau, gây nhầm lẫn cho bà con nông dân. Giá sản phẩm chính hãng là 95.000 đồng/chai, trong khi sản phẩm nhái giá chỉ từ 50.000 đồng/chai. Trước đó, chi cục cũng tiến hành lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 1 trường hợp không đạt chất lượng đã xử phạt 15 triệu đồng.

Trên thực tế,  thuốc bảo vệ thực vật là một mặt hàng béo bở mà nhiều công ty, doanh nghiệp đã ngang nhiên làm giả, nhái nhãn hiệu. Nhiều trường hợp nông dân mua nhầm hàng giả phải cắn răng chịu đựng vì không thể tìm được nơi sản xuất, thưa kiện đại lý do thiếu cơ sở pháp lý. Hiện trạng này đã tồn tại khá lâu nhưng chỉ khi công ty sản xuất chính hãng lên tiếng, sự việc mới được phanh phui, đưa ra ánh sáng. Bên cạnh đó, một số đại lý, cửa hàng vì lợi nhuận đã tiếp tay để tiêu thụ hàng nhái, hàng giả. Song cũng có nhiều cơ sở bán vật tư nông nghiệp cho biết, bản thân họ cũng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, chỉ khi có cơ quan chức năng, công ty cho biết dấu hiệu nhận biết mới phân biệt được. Bản thân các cán bộ làm công tác quản lý thị trường cũng cho biết, hiện nay việc chống hàng giả gặp rất nhiều khó khăn, bởi việc phân biệt thật - giả cần đến chuyên môn sâu. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng phải nhờ giám định khoa học, hoặc đa phần là phải nhờ chính hãng xác nhận mới kết luận được là hàng giả. Quá trình kiểm tra lấy mẫu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Để ngăn chặn và xử lý nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm siết chặt kiểm tra, kiểm soát đối với thị trường hàng hóa vật tư nông nghiệp. 

(Thông tin do Báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện)