Thu hút vốn nước ngoài phát triển vùng dân tộc - Bài 1

08:38 AM 27/04/2016 |   Lượt xem: 3520 |   In bài viết | 

HIỆU QUẢ TỪ NGUỒN VIỆN TRỢ

Đến thăm xóm Rằng Rụng, xã Kéo Yên, Hà Quảng (Cao Bằng), trong những ngày đỉnh điểm khô hạn, chúng tôi chứng kiến niềm vui trên khuôn mặt người già, trẻ nhỏ khi được sử dụng nguồn nước được dẫn từ trên núi về đầu bản, thậm chí từng nhà.

Xã Kéo Yên là 1 trong 6 xã vùng Lục Khu thiếu nước trầm trọng (5 tháng/năm), mấy năm trước, vào những tháng khô hạn, mỗi ngày người già, trẻ nhỏ phải đi bộ hơn 10 km để cõng nước về dùng. Mọi nhà trong xã, dù nghèo cũng phải cố xây một chiếc chum xi - măng thật lớn để trữ nước dùng trong những tháng khô hạn.

“Người còn không có nước mà uống nói chi đến trồng cây. Trẻ con phải bỏ học để đi cõng nước, lấy củi, khổ lắm! Nhưng bây giờ thì khác rồi...”, ông Vương Văn Choóng, đi làm nương về đang rửa tay, vui vẻ nói.

Ông Lý Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Kéo Yên dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm Rằng Rụng để xem những trụ nước dẫn về từng nhóm hộ: “Xóm có hơn 30 hộ, được đầu tư 6 trụ nước cách đây hơn một năm từ nguồn viện trợ của nước ngoài, nhờ đó người dân không phải đi cõng nước đổ vào chum tích như trước nữa. Cứ mở khóa là nước chảy ra ào ào”.

Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng, những năm qua, tỉnh Cao Bằng chủ động thực hiện các hoạt động để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư viện trợ nước ngoài, tổ chức các hội nghị xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Để thực hiện hiệu quả vốn đầu tư từ các tổ chức PCPNN, Cao Bằng đã thành lập, kiện toàn Ban công tác PCPNN của tỉnh; thành lập Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng (DECEN), tổ chức phi chính phủ địa phương đầu tiên tại Cao Bằng. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có quan hệ hợp tác với 15 tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN, với trên 20 dự án đang triển khai ở các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực quản lý, phòng chống dịch bệnh, giải quyết các vấn đề xã hội, với tổng giá trị viện trợ trên 2 triệu USD/năm. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, khẳng định: Trong những năm qua, được sự giúp đỡ, hợp tác đầy thiện chí, trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ… Việt Nam đã có thêm nguồn lực quan trọng hỗ trợ, đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi. Sự ủng hộ, giúp đỡ đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Song, do vùng dân tộc và miền núi Việt Nam có điểm xuất phát thấp, địa hình chia cắt, địa bàn đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ lớn, nên các nguồn lực đã được đầu tư cho vùng trọng điểm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhu cầu tiếp tục đầu tư và phát triển vẫn còn rất lớn để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng dân tộc và miền núi so với các vùng khác của đất nước. Vì thế, nguồn lực bổ sung trong nước và các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước, các đối tác phát triển cho vùng dân tộc và miền núi, là rất cần thiết. 

(Theo: Trọng Thủy (Nguồn: baotintuc.vn))