Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng dự Hội nghị Dân tộc học
03:16 PM 06/12/2017 | Lượt xem: 11641 In bài viết |Sáng ngày 6/12, tại Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội (KHXH) Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Dân tộc học năm 2017 với chủ đề “Những vấn đề dân tộc, tộc người cơ bản, cấp bách ở vùng biên giới và liên/xuyên biên giới nước ta hiện nay”.
Chủ trì Hội nghị gồm có: PGS.TS.Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS.Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; PGS.TS.Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học; PGS.TS.Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam. Tham dự Hội nghị còn có các nhà khoa học, nhà dân tộc học đến từ các bộ, ngành, địa phương và các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học.
Hội nghị nhằm nhận diện, đánh giá đúng thực trạng những vấn đề cơ bản, cấp bách về phát triển bền vững các tộc người ở vùng biên giới nước ta. Đồng thời xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn góp phần xây dựng chiến lược và kế hoạch nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách của ngành Dân tộc học và Nhân học trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS.Bùi Nhật Quang cho biết: Hiện nay nhiều địa phương ở các tỉnh biên giới nước ta tình trạng đói nghèo vẫn còn cao, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, tình trạng vượt biên trái phép để tìm phương thức mưu sinh hay xâm canh ở nước bạn, cuộc sống bán du canh du cư hay di cư tự do, tái định canh định cư trong điều kiện sống và sản xuất không bằng trước. Nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, đất rừng đã bị khai thác cạn kiệt và xây dựng các công trình thủy điện… Quan hệ dân tộc của các tộc người tại vùng biên giới nước ta ngày càng được tăng cường, góp phần phát triển nhưng cũng làm nảy sinh và tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội liên quan đến ổn định chính trị, quản lý dân cư, trật tự xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng ở nhiều địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Trước những vấn đề của thực tiễn đặt ra, Ủy ban Dân tộc mong muốn có nhiều nghiên cứu đánh giá về thực trạng của vùng dân tộc, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Hiện nay, một số vấn đề đặt ra ở khu vực biên giới như: Ổn định đời sống cho những người dân bị các nước trả về; vấn đề tệ nạn xuyên biên giới (như ma túy, mại dâm, cờ bạc, buôn người…); vấn đề li khai, bạo loạn; công tác dân tộc, tôn giáo và công tác tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Ngoài ra, cần nghiên cứu về chính sách biên giới của các nước láng giềng và các nước trong khu vực, để từ đó đề xuất giải pháp vận dụng vào thực tế của Việt Nam. Các nghiên cứu cần có cái nhìn đầy đủ và toàn diện đến các yếu tố tác động vì mỗi khu vực biên giới (Bắc, Trung, Nam) đều có những đặc thù khác nhau.
TS. Phan Văn Hùng đề nghị Viện Dân tộc học sẽ tập hợp các kiến nghị của các nhà khoa học tại Hội nghị, gửi cho Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc (Quốc hội) và Ủy ban Dân tộc về những vấn đề mang tính học thuật, từ đó gợi mở các hướng nghiên cứu mang tính chiến lược, toàn diện để tham mưu cho Đảng và Chính phủ.
Việt Cường