Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng dự Hội thảo ''Thảm họa thiên tai - lũ ống lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó''

03:41 AM 04/10/2017 |   Lượt xem: 7068 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế.Tính chung trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người, thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (chiếm 1-1,5% GDP).

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ những giải pháp cũng như những công nghệ hiện đại trong phòng chống thiên tai. Để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, cần tập trung các giải pháp như: Tăng cường đầu tư trang thiết bị đo đạc; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các vị trí tiềm năng xảy ra nguy cơ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi; đào tạo, tuyên truyền và tăng cường nhận thức cho chính quyền các cấp và lấy người dân làm trung tâm; giải pháp đưa thông tin kịp thời tới đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Văn Hùng đã nêu lên hiện trạng về tập quán sinh sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi thường gần nguồn nước, cạnh các con sông, suối. Khi xảy ra thảm họa thiên tai gây ra thiệt hại rất lớn về con người và tài sản. Thứ trưởng nhấn mạnh những năm qua UBDT đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương  triển khai các chương trình dự án ứng phó với các thảm họa thiên tai. Trong đó tập trung triển khai nghiên cứu thực trạng, phân tích các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp phòng chống, phân vùng cảnh báo khả năng xuất hiện lũ ống lũ quét, sạt lở đất, quy hoạch sắp xếp dân cư, di dân khỏi những vùng có nguy cơ cao, tiến hành ứng cứu khẩn cấp khi có thảm họa xảy ra... Qua đó đã thu được nhiều thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích khi triển khai công tác phòng chống và cảnh báo thiên tai cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Việt Cường