Tiếp bước truyền thống, vượt thách thức đón vận hội

05:37 PM 03/05/2023 |   Lượt xem: 5022 |   In bài viết | 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2023), đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có những chia sẻ về chặng đường 77 năm vẻ vang đã qua và một số định hướng lớn trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc (CTDT) giai đoạn mới.

PV: Kính thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm! Công tác dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Quan điểm này đã được thể chế hóa như thế nào trong thực tiễn? Vai trò của Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT được thể hiện ra sao?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh:

Đảng ta luôn xác định, CTDT và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Từ quan điểm nhất quán đó, Đảng đã đưa ra các chủ trương, đường lối về CTDT xuyên suốt qua các thời kỳ, thể hiện trong văn kiện các kỳ Đại hội, các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng. Kế thừa, phát triển chủ trương, đường lối về CTDT, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của CTDT và đoàn kết dân tộc, đó là “… bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Chủ trương đường lối của Đảng về CTDT đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương quán triệt và thể chế hóa thông qua các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, qua các thời kỳ cách mạng, sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ, đồng bào các DTTS đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhiều chủ trương chính sách lớn về CTDT, chính sách dân tộc được ban hành và triển khai thực hiện, tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Dấu ấn đậm nét trong thời kỳ này đó là, từ sự tham mưu hiệu quả của Ủy ban Dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về CTDT; Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 về Chiến lược CTDT đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược CTDT. Đây là những văn bản rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về CTDT.

Những năm qua, các chương trình chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS và miền núi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Trên cơ sở đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương, tham mưu xây dựng trình Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi như: Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020; Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK; Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, làm cơ sở để thực hiện chính sách dân tộc...

Tính đến thời điểm tháng 10/2020, đã có hàng trăm chính sách dân tộc đã được ban hành và triển khai thực hiện. Các chính sách đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS và miền núi.

Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS, trong giai đoạn 2011 - 2020, bình quân toàn vùng DTTS và miền núi tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; riêng các xã ĐBKK, giảm trên 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm trở lên. Tại vùng DTTS và miền núi, đã có 1.052/5.266 xã (chiếm 22,29% số xã của vùng) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106/2.139 xã ĐBKK đạt chuẩn nông thôn mới... Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm, an ninh chính trị vùng DTTS và miền núi được giữ vững, khối Đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về CTDT, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về CTDT trong tình hình mới. Bộ Chính trị xác định các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 24-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể Nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả 8 nhóm giải pháp chủ yếu trong tình hình mới nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS, trong giai đoạn 2011 - 2020, bình quân toàn vùng DTTS và miền núi tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm.

Ngày 20/11/2018, Quốc hội khóa XIV cũng đã ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14. Nhiệm vụ trọng tâm là Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện ĐBKK.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xây dựng Đề án trình Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở Đề án do Chính phủ trình, ngày 18/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; với giải pháp trọng tâm là xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng hoàn thiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gồm 10 dự án thành phần bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…

Cùng với việc tham mưu cho Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG  phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết Chiến lược CTDT đến năm 2020 và xây dựng trình Chính phủ ban hành Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 30/12/2022, Chính phủ có Quyết định số 1657/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hành động này nhằm cụ thể hóa những quan điểm, nội dung và nhiệm vụ chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, chính sách, dự án cụ thể để đạt được các mục tiêu của Chiến lược CTDT… Đây là sự kế thừa, chuyển tiếp hết sức quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực CTDT trong giai đoạn mới. Đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS một cách bền vững…

PV: Bộ trưởng có thể cho biết, những mục tiêu cơ bản của chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 là gì? Thưa Bộ trưởng!

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh:

Về mục tiêu tổng quát, Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS. Rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng phát triển. Giảm dần số xã, thôn ĐBKK, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển…

Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mức tăng trưởng kinh tế bình quân các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt tối thiểu từ 6,0 - 6,5%/năm. Thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn ĐBKK; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tăng bình quân 6,5%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) là người DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt trên 0,69…

Từ nguồn vốn chính sách, cơ sở hạ tầng giao thông từng bước được kiện toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi

Qua đó có thể thấy, so với Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, về tổng thể, mọi chỉ số mục tiêu đặt ra cơ bản đều cao hơn, cụ thể hơn. Đồng thời, Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2045 còn có một số điểm mới rất quan trọng. Đó chính là tư duy, tầm nhìn đột phá của Đảng, Nhà nước về khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS chính là nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.

Đặc biệt, Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) là người DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS vào mục tiêu cụ thể trung hạn trong 10 năm. Đây là chỉ tiêu “tổng hợp của tổng hợp”, phản ánh về 3 mặt: Thu nhập, sức khỏe và giáo dục.

Hiện nay, về chỉ số HDI, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới được chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 - nhóm rất cao, có HDI từ 0,800 trở lên; nhóm 2 - nhóm cao, có HDI từ 0,550 đến dưới 0,800; nhóm 3 - nhóm trung bình, có HDI từ 0,400 đến dưới 0,550; nhóm 4 - nhóm thấp, có HDI dưới 0,400. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt như các nước trong khu vực châu Phi, đến nay việc giải quyết nạn đói, nghèo vẫn đang là mục tiêu được đặt ra và ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, chỉ số HDI chưa được coi trọng.

Còn đối với Việt Nam, những năm gần đây, chỉ số HDI của Việt Nam đã liên tục tăng lên và chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm cao từ năm 2019 đến nay. Do đó, việc Chiến lược đặt ra mục tiêu đưa chỉ số HDI là người DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt trên 0,69 (mức cao) đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển toàn diện nhằm nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS một cách thực chất chứ không chỉ còn là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo như giai đoạn trước đây…

PV: Khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực CTDT và triển khai thực hiện chính sách dân tộc hiện nay là gì? Giải pháp tháo gỡ như thế nào? Thưa Bộ trưởng!

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh:

Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng DTTS và miền núi đến nay vẫn là địa bàn khó khăn nhất, với chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất. Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào DTTS, như: Di cư tự phát, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chưa được giải quyết hiệu quả, thấu đáo; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn.

 

Dưới tác động của các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng DTTS ngày càng đổi thay tích cực.

Đồng thời, kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng tăng lên; vùng DTTS và miền núi ngày càng bị tụt hậu so với sự phát triển chung của các nước, hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người DTTS và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau… chính là những khó khăn và thách thức lớn nhất đang đặt ra với Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT.

Để giải quyết những tồn tại này, chúng ta cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về CTDT trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về CTDT trong tình hình mới và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII; xác định CTDT là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Cùng với đó, phát huy tối đa sức mạnh Đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các DTTS, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng; kiên trì, nhất quán quan điểm: “…bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”; giải quyết hài hòa các mối quan hệ và lợi ích giữa các dân tộc, đảm bảo ổn định, phát triển bền vững và hội nhập.

Theo đó, huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đảm bảo phát triển bền vững gắn liền với an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

PV: Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhắn gửi gì tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm CTDT?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh:

Sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi như hiện nay là công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự đoàn kết thống nhất của 54 dân tộc anh em; trong đó có sự đóng góp tích cực đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động đã và đang làm việc trong các Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT các cấp trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Trải qua 77 năm thành lập, xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ lãnh đạo cùng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong các Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tận tụy, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT các cấp. Nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT, tôi thân ái gửi tới các đồng chí lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Nhân dịp này, tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ CTDT của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương, các tổ chức quốc tế; sự chỉ đạo, vận động và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương.

Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức làm CTDT ở các cấp, qua các thời kỳ, đã và đang cống hiến sức lực, trí tuệ của mình, vun đắp nên truyền thống tốt đẹp 77 năm của Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT. Tri ân đồng bào vùng DTTS và miền núi đã đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau, vững tin vào Đảng, Bác Hồ và cách mạng, đóng góp to lớn công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bước vào giai đoạn mới, XTDT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ nặng nề. Vì vậy, tôi mong muốn, đối với đội ngũ lãnh đạo, trong chỉ đạo, điều hành, cần cân nhắc kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tự đổi mới phương pháp tham mưu, tự học hỏi, nâng cao trình độ; cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cần xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ và bổ sung cho nhau trong công việc…

Trách nhiệm của chúng ta là trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và trước Nhân dân. Vậy nên, mỗi cá nhân đứng trong hệ thống Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CTDT càng phải thấm nhuần trọng trách vẻ vang và niềm tự hào đó, để có đức tính hy sinh, xây dựng tinh thần phụng sự và cống hiến với một tấm lòng vì đồng bào… Đó cũng chính là động lực mạnh mẽ để chúng ta vững tin, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả CTDT, chính sách dân tộc trong giai đoạn mới, mở ra bước phát triển cao hơn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm!

(baodantoc.vn)