Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 02/01/2015

02:52 PM 01/04/2015 |   Lượt xem: 2066 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Đẩy mạnh xuất khẩu trái cây vào thị trường “khó tính”

Với ưu thế của vùng nhiệt đới phong phú, các loại trái cây Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường các nước. Hiện đã có 40 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu đến thị trường 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt hơn 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện trái cây xuất khẩu còn gặp một số trở ngại cần khắc phục.
Khắc phục trở ngại để xuất ngoại


Thứ nhất, về thị trường, chúng ta vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu rau quả chính chiếm tỷ trọng gần 30% tổng lượng rau quả xuất khẩu hàng năm. Tiếp theo mới là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan...

Thứ hai là công nghệ chế biến sâu. Hiện tổng diện tích rau quả cả nước khoảng 1.650 héc-ta. Diện tích và sản lượng nhiều, nhưng công nghiệp chế biến lại chưa theo kịp. Cả nước có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Đây chính là lý do rau quả chủ yếu sử dụng tươi (chiếm đến 90%) nên việc bảo quản còn gặp khó khăn, chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 10%; trong 10% này cũng chỉ có 50% sản phẩm chế biến là được đóng hộp.

Thứ ba là rào cản kỹ thuật, thực tế xuất khẩu rau quả trong thời gian qua cho thấy, rào cản lớn nhất đối với nhiều loại trái cây như thanh long, nhãn, chôm chôm và xoài khi muốn xuất khẩu là phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP về quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói; được nước nhập khẩu thẩm định, cấp mã số vùng trồng. Trái cây không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, được bao trái trong quá trình sản xuất, xử lý bằng hơi nước nóng để phòng trừ ruồi đục quả và được cơ quan chức năng của nước nhập khẩu kiểm tra trước khi giao hàng... Trong đó các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật thông thường như: Trung Quốc; các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Myanmar); các nước Liên minh châu Âu (Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ý); các nước khu vực Trung Đông (UEA, Qatar, Li Băng, Arabie Séoudite…); các nước Đông Âu (Nga, Ukraina…) và Canada. Một số nước có yêu cầu kiểm dịch thực vật khắt khe như: Hoa Kỳ yêu cầu chiếu xạ; Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng. Riêng thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc còn yêu cầu các lô hàng xuất khẩu phải thực hiện chương trình tiền chứng nhận (preclearance) theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đó chính là các rào cản kỹ thuật khá lớn với chúng ta vì diện tích, sản lượng trái cây đạt tiêu chuẩn này còn ít.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Được biết, mới đây, để đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khi cho phép nhập khẩu hai loại quả vải và nhãn của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị của Cục Bảo bệ thực vật (BVTV) phối hợp với địa phương kiểm tra, xem xét cấp mã số vùng trồng đối với những hộ nông dân, như: Vùng trồng phải sản xuất theo quy trình VietGAP; áp dụng các quy trình thuốc BVTV xử lý các loại dịch hại trên các loại cây trồng đó theo đúng quy định của Cục BVTV. Đặc biệt, lưu ý chọn sử dụng các loại thuốc BVTV theo hướng dẫn mà phía Mỹ đã cấm không cho phép sử dụng trên vải, nhãn và chôm chôm. Trên cơ sở đó, Cục BVTV cấp mã số, mức tối thiểu một mã số phải 10 héc-ta trở lên. Hiện nay, Cục BVTV đang phối hợp với các địa phương kiểm tra và cấp mã số và chuyển danh sách các mã số cho phía Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc. Vấn đề đặt ra là không chỉ có sản phẩm xuất đi Mỹ, mà ngay cả các thị trường khác, để giữ thị trường, tăng sản lượng và bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm rau quả cần tổ chức sản xuất rau quả với quy mô lớn, sử dụng giống mới, kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP an toàn, gắn kết các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu với vùng nguyên liệu.

Các địa phương cũng đã có nhiều mô hình sản xuất thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài theo tiêu chuẩn GAP nhưng diện tích còn ít. Do đó, trong thời gian tới cần đầu tư nhiều công trình nghiên cứu sâu về sản xuất rải vụ để cây ăn trái cho năng suất cao, tránh được sâu bệnh; nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch để hạn chế thất thoát (hiện nay thất thoát tới 30 - 40%), bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến mọi thị trường, góp phần tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

MUA GÌ


An Giang: Khoai lùn Thái giá ổn định

Vài năm trở lại đây, người dân Núi Cấm (An Giang) đua nhau trồng một loại khoai tốn ít chi phí mà hiệu quả kinh tế lại cao. Đó là khoai lùn Thái (tên người dân địa phương thường gọi) đang được nông dân Núi Cấm thu hoạch rầm rộ trong dịp này. So với các loại nông sản khác thì khoai này có giá cả ổn định nhất, ít tốn công chăm sóc và chi phí, nên ai ở Núi Cấm cũng trồng xen với cây rừng để kiếm thêm thu nhập. Loại khoai này chỉ trồng được vào mùa mưa (bắt đầu từ tháng tư âm lịch) đến cuối tháng mười âm lịch là có thể thu hoạch được. Bình quân, mỗi công đất chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng tiền chi phí nhưng thu hoạch được 1,5 tấn đến 2 tấn khoai, với giá dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, bà con thu về lợi nhuận thấp nhất cũng 10 triệu đồng/công. Theo chủ cơ sở thu mua nông sản nằm dưới chân Núi Cấm, năm nay đa số mặt hàng nông sản giảm giá từ 30 - 40% so với mọi năm, nhưng khoai lùn Thái không giảm.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tro, vỏ trấu tăng gấp đôi

Tro, vỏ trấu là một trong những nhiên liệu chính để sản xuất lò đất, làm gạch, phân bón phục vụ trồng trọt mùa vụ Tết nên khi mặt hàng này tăng giá đã khiến nhiều nghề bị ảnh hưởng. Mỗi bao tro, vỏ trấu có giá bán tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, khiến hoạt động sản xuất của nhiều cơ sở, hộ nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gặp khó. Tại xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) vỏ trấu năm trước có giá 5.000 đồng/bao (loại đựng được 50 ki-lô-gam lúa), nay đã lên 10.000 - 12.000 đồng/bao, cộng thêm giá đất làm lò cũng tăng nên làm nghề này không còn lợi nhuận như trước. Để tạo ra một chiếc lò phải nung lò ở bồn đốt trong suốt 48 tiếng mà nguyên liệu chính là vỏ trấu. Với mỗi mẻ lò, cơ sở phải tốn thêm chi phí khoảng 400.000 – 1.200.000 đồng. Nguyên nhân giá vỏ trấu ngày một tăng cao do vụ lúa thu đông sản lượng giảm nhiều so với vụ hè thu nên nguồn nguyên liệu vỏ trấu trở nên khan hiếm, không đủ cung ứng cho nhiều cơ sở chế biến củi trấu xuất khẩu. Không chỉ vỏ trấu tăng giá mà tro phục vụ cho việc trồng rau màu, hoa kiểng dịp Tết cũng được bán với mức giá cao. Bà con trồng dưa hấu Tết ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, hàng năm vào khoảng tháng 8 – 9 (âm lịch) là bà con bắt đầu đi đến các cơ sở lò muối hoặc lò sấy lúa để đặt mua tro. Năm trước nhiều nơi tro chất thành đống chẳng ai mua. Giờ đến vụ tranh nhau mua, giá bán 12.000 - 15.000 đồng/bao. P.V
Vĩnh Long: Chôm chôm nghịch vụ trúng đậm

Theo bà con nông dân ở ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), chôm chôm mùa nghịch bắt đầu từ tháng 10 – 11 (âm lịch) và được bán giá cao gấp nhiều lần so với chính vụ. Hiện tại, chôm chôm (vụ nghịch) được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 22.500 - 25.000 đồng/kg tăng hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nông dân chỉ cho chôm chôm ra trái một đợt/năm (mùa nghịch), năng suất đạt từ 1,8 - 2,2 tấn/công. Với mức giá như hiện tại, sau khi trừ chi phí mỗi công chôm chôm cho lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng.

Tuyên Quang: Cam Hàm Yên được mùa, giá cao

Vụ thu hoạch năm nay, người trồng cam Hàm Yên (Tuyên Quang) đã trúng lớn nhờ những vườn cam được mùa, trĩu quả, lại được giá ngay từ đầu vụ... Tại xã Phù Lưu, giá cam bán tại chân vườn là 10.000 đồng/kg. Với giá thành như hiện nay, những hộ trồng cam có sản lượng trên 40 tấn sẽ có thu nhập khoảng từ 300 triệu đồng trở lên. Cam năm nay sai quả, những hộ trồng cam không có đủ nhân lực để thu hoạch, lập tức, một lượng nhân công lớn trong lúc nông nhàn đã từ huyện Na Hang di chuyển về Hàm Yên để thu hoạch cam thuê cho chủ vườn. Theo giá thỏa thuận, cứ một yến cam được mang xuống chân vườn thì người thu hoạch thuê sẽ được trả 5.000 đồng. Tuy nhiên, Trung tâm Cây ăn quả khuyến cáo người dân nên lựa chọn phương án bán khi thỏa thuận được giá nhằm tránh rủi ro khi thời tiết có những diễn biến xấu. Đặc biệt là trong thời gian sắp tới, sản lượng cam vào vụ thu hoạch tăng mạnh, giá cam có thể sẽ biến chuyển làm thiệt hại đến thu nhập của nông hộ.

BÁN GÌ


Chè đen xuất khẩu sang Pakistan

Dự kiến năm 2014, xuất khẩu chè Việt Nam có thể đạt sản lượng 140.000 – 145.000 tấn với kim ngạch ước đạt 245 triệu đô-la Mỹ. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.

Hiện nay, Pakistan được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn, đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á. Người tiêu dùng tại quốc gia này đặc biệt đánh giá cao chè Việt Nam. Với mục đích đưa mặt hàng chè có mặt nhiều hơn ở thị trường Pakistan, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như các buổi giao lưu trực tuyến nhằm giúp doanh nghiệp hai bên có điều kiện tiếp xúc ban đầu, khắc phục rủi ro về khách hàng, chi phí đi lại... Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các đoàn giao thương, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, hội thảo nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam đến thị trường Pakistan nói riêng và các thị trường nước ngoài nói chung. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có sự liên kết mạnh hơn với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu.

Hạt điều nhân tiếp tục giữ vị trí số 1 về xuất khẩu

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) dự báo, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của nước ta đạt gần 2 tỷ đô-la Mỹ và 8 năm liên tiếp giữ vị trí xuất khẩu điều nhân đứng đầu thế giới. Theo thống kê, sản lượng điều hằng năm đạt khoảng 400.000 tấn hạt thô. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu xuất thô, năng suất điều bình quân vẫn còn thấp và không cạnh tranh được với các loại cây trồng khác dẫn đến diện tích ngày càng bị thu hẹp. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, Vinacas kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ và thông qua đề án tái cơ cấu, phát triển sản xuất điều bền vững đến năm 2020. Cần có cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho ngành điều và áp dụng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu điều…
Ảnh: Bà con phơi điều

Tiềm năng xuất khẩu thanh long sấy chân không

Với việc xuất khẩu thanh long sấy chân không sang thị trường Mỹ, Công ty cổ phần nông nghiệp GAP đã mở ra một hướng đi mới, giúp trái thanh long Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Đặc biệt, xuất khẩu thanh long sấy chân không cấp đông có giá trị cao hơn xuất tươi vì không bị chiếu xạ, thời gian bảo quản lâu hơn.

Xuất khẩu thanh long thăng hoa cấp đông hay còn gọi là sấy chân không cấp đông là hệ thống sấy nhờ tác dụng của bức xạ nhiệt và áp suất thấp nên thực phẩm sau khi bị đông lạnh chuyển sang đông khô. Quy trình sấy thăng hoa cấp đông là sau khi sơ chế trái thanh long xong, sẽ tiến hành cắt lát, đem đi cấp đông và đưa vào hệ thống sấy thăng hoa làm khô sản phẩm. Trong phương pháp sấy này, nước trong lát thanh long sẽ được rút ra từ từ cho đến khi khô hẳn. Phương pháp sấy này giúp miếng thanh long giữ được nguyên vị, không bị biến dạng so với các phương pháp sấy khác. Trong thời gian tới, ngoài thị trường Mỹ, Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP sẽ mở rộng xuất khẩu thanh long sấy thăng hoa cấp đông sang thị trường châu Âu, Australia…

Giá nông sản xuất khẩu tại một số tỉnh trong tuần

Thị trường

Sản phẩm

Giá (đồng/kg)

Lạng Sơn

Hành khô

45.000

Tỏi khô

65.000

Ớt khô (bột)

55.000

Gừng

30.000

Hạt trám đen

80.000

Vải sấy khô

47.000

Quảng Ninh

Tinh bột sắn loại 1

13.500

Tinh bột sắn loại 2

12.700

Ớt tươi

35.000

Lào Cai

Ngô hạt

7.000

Sắn tươi

8.000

Su su

4.000

Chuối xanh

10.000

Thảo quả

160.000

LƯU Ý CẢNH BÁO


Tôm chết trên diện rộng ở Tây Nam Bộ: Bà con thiệt hại hàng trăm tỷ đồng


Từ tháng tư đến nay, tại các tỉnh Tây Nam bộ (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Kiên Giang...) lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho bà con. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu có diện tích thiệt hại cao nhất với trên 29.000 héc-ta, mức thất thu ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Lạm dụng kháng sinh khiến việc trị bệnh khó

Theo báo cáo của Cục Thú y, đa số tôm chết nằm trong giai đoạn từ 15 - 45 ngày tuổi do nhiễm hai bệnh phổ biến là hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng. Ước tính từ tháng 1 đến hết tháng 11/2014, dịch bệnh đốm trắng xảy ra tại 250 xã, 69 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tôm sú là đối tượng nuôi bị thiệt hại lớn nhất chiếm gần 60%, còn lại là diện tích tôm thẻ chân trắng bị bệnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng lạm dụng kháng sinh khiến việc trị bệnh cho tôm rất khó chữa trị.

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết, thời gian qua do lo sợ bệnh, bà con đã sử dụng nhiều chất diệt khuẩn để xử lý định kỳ nước nuôi. Chính việc này đã làm cho tôm sốc và bùng phát bệnh đốm trắng trên tôm. Dùng nhiều kháng sinh phòng bệnh cũng làm giảm sức đề kháng của tôm với bệnh. Mặt khác, do ý thức của người nuôi về xử lý bệnh chưa tốt, nước từ ao nuôi bị bệnh đốm trắng được thải ra ngoài môi trường mà không được xử lý triệt để đã khiến mầm bệnh quay trở lại gây hại với mức độ nguy hiểm hơn. Trong đó, cần lưu ý, bệnh đốm trắng do vi rút WSSV gây ra nên kháng sinh không có tác dụng điều trị. Trên thị trường cũng có rất nhiều chất cải tạo môi trường không đạt chất lượng. Do vậy, giải pháp sử dụng kháng sinh và hóa chất để phòng chống dịch hiện nay không khả thi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho ngành nuôi tôm. Bởi vậy, cần phải thay thế kháng sinh bằng các chế phẩm sinh học.

Khuyến cáo bà con

Do vậy, để góp phần hạn chế tình trạng tôm chết lan rộng, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ, đặc biệt là các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống cấp và tiêu nước phục vụ nuôi thủy sản. Trước mắt, bà con nên làm theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng:

Trước khi thả nuôi cần cải tạo ao hồ nuôi đúng quy trình kỹ thuật. Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải được đưa vào ao lắng và xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn trước khi cấp vào ao. Không sử dụng các chất diệt tạp, hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường ao nuôi.

Khi thả nuôi cần tuân thủ lịch mùa vụ của Tổng cục Thủy sản. Đối với tôm sú thâm canh, bán thâm canh nên thả giống rải vụ từ tháng 3 - 7, nuôi quảng canh cải tiến (2 vụ/năm) thì thả giống từ tháng 2 - 4 và từ tháng 6 - 8, nuôi luân canh tôm lúa thì thả giống từ tháng 1 - 3, thu hoạch dứt điểm vào tháng 7 để ngắt vụ không cho mầm bệnh lưu truyền sang năm sau. Đối với tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 2 - 4, nuôi vụ 2 sau khi thu hoạch vụ 1 ít nhất 30 ngày để cách ly mầm bệnh và vệ sinh ao nuôi.

Việc chọn con giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, ở các trại giống có uy tín, đảm bảo chất lượng và phải có giấy kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi các yếu tố thủy lý, thủy hóa và những biến động bất thường trong ao để có biện pháp xử lý sớm.

Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm trong suốt vụ nuôi, đồng thời sử dụng thức ăn ở các hãng có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa các chất cấm.

Khi có dịch bệnh xảy ra người nuôi tôm phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật, không được tháo nước ra bên ngoài khi chưa qua xử lý đúng theo yêu cầu kỹ thuật; báo ngay cho các hộ nuôi tôm trong vùng, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời và lấy mẫu gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.

Để hạn chế lây lan dịch bệnh, cần dùng lưới rào chắn quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào những ao nuôi tôm không bị nhiễm dịch bệnh. Đặc biệt, không sử dụng hóa chất Cypermethrin và Deltamethrin để diệt khuẩn và cá tạp trong ao nuôi vì đây là 2 chất độc, không tan trong nước, không bị phân hủy bởi ánh sáng mặt trời và sẽ làm tôm bị nhiễm độc nặng. Những hộ đã cải tạo ao hồ, chuẩn bị nuôi mới không nên thả lại giống khi các ao xung quanh có tôm nhiễm bệnh. Mỗi năm chỉ nên nuôi từ 1 - 2 vụ để có thời gian xử lý ao đúng kỹ thuật, hạn chế phát sinh mầm bệnh.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG


Thừa Thiên Huế: Rau xanh vụ đông được giá, dễ bán

Sau trận lũ muộn mới đây, nông dân các xã Phú Mậu, Phú Thanh (Phú Vang), Quảng Thọ, Quảng Thành, Sịa (Quảng Điền)... của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung khôi phục sản xuất.

Thời điểm này, bà con nông dân rất phấn khởi vì vụ rau mùa đông nhiều năm trước thường ảnh hưởng rét đậm rét hại nên thu nhập không cao. Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho rau sinh trưởng tốt. Rau vụ đông thường đẹp hơn so các mùa nên dễ bán, giá lại cao. Nhờ vậy, thu nhập của người trồng rau cũng được cải thiện đáng kể, có gia đình thu nhập bình quân tới 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Lo ngại nhất đối với các hộ trồng rau vụ đông là mưa lũ thất thường. Có năm lũ dồn dập, kéo dài gây thiệt hại lớn. Bù lại, rau vụ đông thường khan hiếm vì lũ lụt nên dễ bán, giá lại cao. Những năm lũ ít, hoặc không có lũ thì được mùa. Đợt lũ muộn vừa qua dù gây ngập úng nhiều diện tích rau ở vùng thấp trũng huyện Quảng Điền. Nhưng bà con đã kịp thời tiêu úng, tẩy rửa môi trường, kích thích rau sinh trưởng. Vựa rau Quảng Điền có diện tích khoảng 300 héc-ta, mỗi năm thu lãi trên dưới 50 tỷ đồng. Đáng lưu ý, rau sạch theo hướng VietGAP ở Quảng Điền khoảng 60 héc-ta, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, mà còn được Cơ sở chế biến rau Hóa Châu thu mua để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị ở thành phố Huế. Các hộ trồng rau sạch ở Quảng Điền được đánh giá chấp hành tốt các quy định sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, bón phân hóa học, không tưới rau từ nguồn nước ô nhiễm...

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế gieo trồng khoảng 1.238 héc-ta rau màu, như xà lách, cải, hành ngò... Trong số này, mặc dù mới chỉ có khoảng vài trăm héc-ta trong tổng diện tích được sản xuất rau theo mô hình VietGAP, song diện tích còn lại đang được người dân từng bước chuyển đổi sang sản xuất theo hướng an toàn chất lượng, mang đến hiệu quả bền vững.

Khánh Hòa: Đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Tết

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhiều doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị bán lẻ trong tỉnh Khánh Hòa đã sẵn sàng chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Các mặt hàng thiết yếu như: bánh kẹo, mứt, rượu bia, nước giải khát, dầu ăn, bột ngọt… đều được tích cực chuẩn bị nguồn cung ứng. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn thận trọng không tích trữ nhiều hàng vì người tiêu dùng tiếp tục cắt giảm chi tiêu.

Các siêu thị trên địa bàn thành phố Nha Trang cũng đang tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi. Đến cuối tháng 12/2014, siêu thị Co.opmart Nha Trang đã hoàn thành việc trữ hàng. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ nhập về trước Tết 10 ngày để đảm bảo chất lượng. Đáng chú ý, các mặt hàng thực phẩm của siêu thị 100% là hàng sản xuất trong nước. Dự kiến, tổng số tiền dự trữ hàng sẽ từ 50 - 60 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng sức mua của thị trường. Dự đoán sức mua có thể sẽ tăng do tác động của việc điều chỉnh tăng lương với người lao động của Chính phủ từ tháng 1/2015, vì thế BigC đang có kế hoạch trữ hàng đảm bảo nhu cầu mua sắm. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị BigC toàn quốc dự kiến sẽ mở cửa sớm hơn và đóng cửa trễ hơn từ 30 phút đến 2 giờ so với ngày thường để đảm bảo nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Để đảm bảo cho người tiêu dùng an tâm mua sắm trong dịp Tết, Sở Công Thương Khánh Hòa đã có kế hoạch chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, Sở cũng có phương án bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung ứng các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Yên Bái: Áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững cho quế, thảo quả

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động dự án “Gia vị cuộc sống”. Đây là dự án có ý nghĩa thực tiễn nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo tại cộng đồng dân tộc thiểu số ở Yên Bái.

Dự án “Gia vị cuộc sống” được thực hiện tại Yên Bái từ tháng 3/2014 với 2 chuỗi giá trị gia vị là quế và thảo quả. Trong đó, chuỗi giá trị quế được thực hiện tại 5 xã thuộc 3 huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; chuỗi giá trị thảo quả được thực hiện tại 2 xã thuộc huyện vùng cao Mù Cang Chải. Mục tiêu dự án đến hết năm 2016 sẽ hỗ trợ được 3.000 hộ nông dân, trong đó có ít nhất 1.200 hộ nông dân trồng quế và 800 hộ dân trồng thảo quả, tăng 10% thu nhập hàng năm từ gia vị và 10.000 héc-ta rừng hay 30% diện tích rừng sản xuất gia vị áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững.

Năm 2014, đã có 23 hoạt động của dự án được thực hiện. Thông qua các hoạt động của dự án đã giúp 50 nhóm nông dân, lãnh đạo xã, cán bộ nòng cốt được tiếp cận với kỹ thuật mới. Trong đó, chú trọng đến khả năng chủ động lập kế hoạch, quản lý sản xuất, thu hoạch chế biến gắn với bảo vệ tài nguyên rừng bền vững. Thông qua dự án đã có 704 héc-ta thảo quả và trên 16.000 héc-ta quế được áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững. Bước đầu đã có sự hình thành mối liên kết tư thương và các hộ sản xuất, tăng năng suất, nâng cao chất lượng các sản phẩm gia vị quế, thảo quả.

Trong năm 2015, để dự án hoạt động tốt, Chi cục Lâm nghiệp (đơn vị thực thi Dự án) đề nghị Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ một số hoạt động như: Quy hoạch vùng sản xuất quế tập trung, xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Yên Bái cho sản phẩm quế của tỉnh, tăng cường các hoạt động về quảng bá và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Phú Thọ: Bí đao tiêu thụ mạnh

Vào dịp cuối năm, giáp Tết, trên những cánh đồng ở Hạ Hòa, người dân tấp nập thu hoạch bí đao để cung cấp ra thị trường. Đặc biệt năm nay, lượng bí đao tiêu thụ mạnh để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất mứt Tết.

Nằm ở vùng ven sông Hồng với lợi thế đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, trong những năm qua, nông dân ở các xã như Văn Lang, Bằng Giã, Chuế Lưu, Động Lâm, Lâm Lợi, Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã tích cực xen canh gối vụ để trồng cây hoa màu. Trong đó, cây bí đao được nhiều hộ trồng nhờ tận dụng diện tích đất ruộng chờ cấy vụ xuân. Với năng suất bí đao khoảng 1,5 tấn/sào mỗi năm, các hộ nông dân ở Hạ Hòa có thu nhập từ vài chục đến hằng trăm triệu đồng mỗi năm tùy theo diện tích và quy mô trồng bí của mỗi hộ dân. Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê mình nhờ cây bí đao.

Hiện nay, toàn huyện Hạ Hòa có trên 200 héc-ta bí đao được trồng rải rác ở các xã, thị trấn vùng ven sông Hồng. Các xã như Văn Lang, Chuế Lưu là những địa phương được coi là “vựa bí đao” của huyện với diện tích bí khá lớn. Trong đó, xã Văn Lang, một địa phương nằm ở vùng ven sông Hồng với những cánh đồng bằng phẳng, màu mỡ, lại giáp quốc lộ 32C nên thuận tiện cho đầu ra của bí nên sau vụ gặt, các hộ nông dân ở địa phương này đã tích cực trồng bí với quy mô lớn. Nhờ được chăm sóc tốt bí xanh cho năng suất khoảng 1,3 tấn/sào, với giá bán 5.000 – 6.000 đồng/kg một sào bí cho tổng thu 9 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 6 - 7 triệu/sào, gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa và trồng ngô. Vụ đông năm nay, cây bí đao được trồng trên đồng đất của xã chiếm tới trên 50% diện tích cây hoa màu được trồng.

Một tín hiệu vui đối với bà con nông dân ở Hạ Hòa là cây bí đao là loại hoa màu được đưa vào Dự án nông nghiệp cận đô thị trên địa bàn huyện Hạ Hòa. Vì thế, đây là cơ hội và triển vọng để người nông dân ở Hạ Hòa mở rộng diện tích bí đao theo hình thức xen canh sau vụ lúa.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN

Phòng chống buôn lậu ở khu vực biên giới: Kiên quyết không để hình thành những điểm “nóng”

“Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đánh đúng đầu nậu, kiên quyết không để hình thành điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới” – là khẳng định của Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) – Trưởng Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Tư lệnh Biên phòng về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại ở tuyến đầu Tổ quốc những tháng cuối năm.

Lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước ta, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng mở rộng về phạm vi hoạt động, tăng cường về quy mô, tính chất phạm tội, đặc biệt ở khu vực biên giới. Năm 2014, BĐBP đã triển khai công tác đấu tranh, phòng chống trên trận địa này như thế nào, thưa ông?


- Lâu nay, khu vực biên giới, vùng biển các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Tây Ninh, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang… luôn là những trọng điểm, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại. Đáng lưu ý, tại Quảng Ninh, Lạng Sơn cũng xuất hiện một số băng nhóm bảo kê cho hoạt động buôn lậu theo kiểu "xã hội đen", sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chống buôn lậu. Điển hình như vụ án "Phương linh hột", "Dũng mặt sắt" ở Móng Cái, Quảng Ninh…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống các loại tội phạm này, ngay sau khi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia được thành lập, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập Ban Chỉ đạo 1389 thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy; mua bán người; tham nhũng; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tính chung năm 2014, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai thực hiện 6 kế hoạch cao điểm; 45 kế hoạch chuyên đề, nghiệp vụ, ban hành 1.258 công văn, công điện đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo đó, BĐBP đã độc lập bắt giữ, xử lý tổng số: 11.424 vụ/20.883 đối tượng các loại. Trong đó, riêng lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, BĐBP đã bắt giữ: 2.414 vụ/1.889 đối tượng. Tạm giữ 12.758 tấn than; 2,4 triệu lít xăng, 3,8 triệu lít dầu; 1.692.231 bao + 15,9 tấn lá thuốc lá; 1.482m3 gỗ + 1.115 hộp + 22,9 tấn gỗ trắc; 36,7 tấn đường Thái Lan; 7,7 tấn pháo; 2,3 tấn + 100.000 con gia cầm; 13,9 ki-lô-gam ngà voi; 52.600 đô-la Mỹ; 14 ô tô, 32 xe máy và nhiều hàng hóa có giá trị khác, tổng trị giá hàng hóa tạm giữ, xử lý ước tính khoảng 223,5 tỷ đồng.

Thời gian tới, BĐBP có kế hoạch gì để tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu?

- Do lợi nhuận thu được từ buôn lậu rất lớn, nên các đối tượng vẫn bất chấp mọi thủ đoạn để hoạt động, làm cho tình hình càng phức tạp hơn. Triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015, BĐBP đang tập trung chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên địa bàn quản lý, điều tra, xác minh các kho tàng, bến bãi, địa điểm tập kết hàng lậu trên biên giới; chỉ đạo quyết liệt, đánh đúng đầu nậu, kiên quyết không để tạo thành điểm nóng về ma túy, buôn lậu ở khu vực biên giới. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của Lào, Campuchia và Trung Quốc trong phòng, chống tội phạm, trong đó có các đối tượng buôn lậu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh việc phân công, xác định rõ trách nhiệm của người chỉ huy các cấp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn đảm trách; chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ trong lực lượng BĐBP nếu có các hành vi bảo kê, bao che tiếp tay cho buôn lậu.

Do nhận thức còn hạn chế, nhiều đồng bào ở khu vực biên giới đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn lậu. BĐBP đã làm gì để hạn chế tình trạng này?

- Để đồng bào không tiếp tay cho buôn lậu, công tác vận động, tuyên truyền quần chúng nâng cao nhận thức đã được BĐBP tiến hành thường xuyên. Cụ thể như, cử cán bộ tham gia giữ chức Bí thư, phó Bí thư đảng ủy xã biên giới. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong củng cố cơ sở chính trị, nhất là các địa phương vùng cao, vùng sâu biên giới.

Bên cạnh đó, BĐBP đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tham mưu cho chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, thông qua các chương trình: Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới, Xây dựng nhà tình nghĩa, Mái ấm chiến sỹ nơi biên giới... để không chỉ người dân được hưởng lợi, mà cả cán bộ chiến sỹ BĐBP ổn định công tác, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vững chắc vào sự ổn định kinh tế - xã hội nơi biên giới.

Song song với việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng, công tác phòng chống tội phạm; BĐBP cũng chủ động, tích cực kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hạn chế tối đa việc các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để buôn lậu...

Xin cảm ơn ông!

BÀ CON CẦN BIẾT


Bắt đầu từ số 1 năm 2015 (ra ngày 2/1/2015) Chuyên đề DTTS & MN – Báo Công Thương mở chuyên mục “Bà con cần biết” nhằm cung cấp các kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế để bà con biết sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường.

Điều kiện để hoa quả xuất khẩu vào thị trường Mỹ


Đến nay, Việt Nam đã có 4 loại trái cây được xuất khẩu vào Mỹ là thanh long, chôm chôm, nhãn và vải. Việc này đã mở ra cơ hội đối với bà con nông dân nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, những quy định để hoa quả đạt đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ là hết sức ngặt nghèo. Trong đó, điều kiện về phương pháp chiếu xạ còn xa lạ với bà con nông dân.

Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoa quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải đảm bảo 5 yếu tố cơ bản: Sản xuất có mã số vùng trồng và áp dụng quy trình VietGAP, bọc quả (trái), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đóng gói đúng cách và chiếu xạ.

Xây dựng mã số vùng trồng

Việt Nam sẽ phải xây dựng mã số vùng trồng (PUC) theo yêu cầu của Mỹ. Theo đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nhãn, vải có quy mô từ 10 héc-ta trở lên trong một vùng không gian gần kề như cùng một ấp, xã có thể được cấp 1 mã số. Mã số đó sẽ giúp các nhà nhập khẩu Mỹ truy suất được nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, các tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất nhãn, vải này phải áp dụng VietGAP.
Bọc quả (trái) và đóng gói

Hoa quả phải bọc trái trước thu hoạch tối thiểu 3 tuần. Doanh nghiệp phải đóng gói theo đúng mẫu mã đã thống nhất với nhà nhập khẩu.

Sử dụng thuốc BVTV

Về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nghiêm cấm sử dụng các nhóm thuốc iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim mà Mỹ đã cấm. Nông dân có thể sử dụng các nhóm thuốc thay thế khác trong quá trình canh tác nhưng phải đảm bảo đủ thời gian cách ly tính đến ngày thu hoạch.

Trong giai đoạn thu hoạch, đặc biệt sản phẩm vải và nhãn ở thị trường phía Bắc, bà con có thể sơ chế tại chỗ, nhưng không được dùng bất kỳ một dạng hóa chất xử lý nào để giữ cho quả trắng, quả tươi lâu. Có thể xông thuốc lưu huỳnh SO2 nhưng phải đạt mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) do cơ quan chức năng của Mỹ quy định và sau đó chở xe lạnh vào TP. Hồ Chí Minh để xử lý, đóng gói và chiếu xạ.
Chiếu xạ

Theo quy định bắt buộc của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS), bất kỳ trái cây nào nhập khẩu vào nước này phải qua khâu xử lý chiếu xạ để đảm bảo sâu bệnh không xâm nhập. Về phương pháp chiếu xạ, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã liệt kê 16 loại sâu, côn trùng, nấm có thể có trong vải tươi và 17 loại có thể có trong nhãn tươi mà phía Việt Nam phải loại bỏ thông qua phương pháp chiếu xạ. Hoa quả xuất khẩu sang Mỹ cần phải chiếu xạ tiêu diệt vi khuẩn dịch hại, đặc biệt là ruồi để đảm bảo chất lượng và sự an toàn tuyệt đối.

Tính đến thời điểm này chỉ có 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số nhà đóng gói (PHC) ở phía Nam và hai nhà máy chiếu xạ TFC cũng ở phía Nam là đã được Mỹ công nhận. Miền Bắc chưa có cơ sở nào được công nhận. Do vậy, đối với quả vải ở Bắc Giang dù đã xây dựng vùng sản xuất đạt chuẩn VietGAP với diện tích khá lớn, nhưng sẽ phải vận chuyển vào khu vực TP. Hồ Chí Minh để xử lý nên sẽ tốn thêm chi phí.

HÀNG VIỆT

Hội nhập khu vực và quốc tế: Người Việt làm gì để bảo vệ hàng Việt?

Theo lộ trình, đầu năm 2015, Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Tiếp đó, cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập, mở ra hướng tích cực trong giao lưu hàng hóa. Theo đó, hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài gần như không có sự chênh nhau về giá. Đây thực sự là một thách thức lớn với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Những tồn tại cần tháo gỡ

Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong nước đang ngày càng đánh giá cao hàng Việt. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng, nhóm hàng thực phẩm, rau quả có trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng…

Tuy nhiên, bà Nga cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên nếu không có chiến lược sản xuất và phân phối bài bản, hàng Việt sẽ khó có thể phủ rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Bà Nga nêu ví dụ, bên cạnh một số ít DN trong nước chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa, thậm chí lấn át được sản phẩm nhập khẩu cùng loại, nhờ đầu tư công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Hiện vẫn còn nhiều DN sử dụng nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản phẩm còn cao. Không ít DN lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Đơn cử như với nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, bà con biết đến hàng Việt chủ yếu thông qua các kỳ hội chợ, các phiên chợ hàng Việt. Thế nhưng, nhiều hội chợ, triển lãm mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc bán hàng thuần túy mà chưa gây dựng được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn.

Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các Sở Công Thương mặc dù đã xây dựng chương trình hành động nhưng chủ yếu mang tính riêng lẻ, độc lập nên chưa phát huy hết sức mạnh liên kết với các địa phương lân cận. Hơn thế, “DN được xác định là một động lực quan trọng để thay đổi hành vi của người tiêu dùng” thì lại đang gặp khó khăn do nguồn ngân sách nhà nước dành cho xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN; không đủ lực để kích thích DN tham gia vào các chương trình hàng Việt, nhất là tại vùng sâu, vùng xa…

Bốn nhóm giải pháp để phát triển thị trường trong nước

Nhằm khắc phục thực trạng nêu trên, tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án: Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt. Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt. Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Với 4 nhóm giải pháp này, chưa bao giờ hàng Việt lại có được một chiến lược phát triển bài bản và quy mô như vậy. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp này, theo bà Lê Việt Nga, rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần tập trung xây dựng chiến lược và chính sách ưu tiên phát triển trung và dài hạn cho thị trường nội địa. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế. Cùng với đó, để người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng Việt, mỗi DN cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo; chủ động đầu tư, đổi mới tư duy và công nghệ phục vụ sản xuất; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)