TIÊU ĐIỂM |
Lâm Đồng : Mở hướng xuất khẩu rau, hoa sang Nhật
Lâm Đồng được biết đến là một trong những vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất của cả nước. Với tiềm năng về nhiều mặt, cùng điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thế mạnh khí hậu ôn đới đặc trưng, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp xuất khẩu cho Nhật Bản, thị trường tiềm năng và triển vọng nhất châu Á.
Trở thành nguồn cung rau, hoa hàng đầu cho nhật
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 316.000 héc-ta, trong đó có gần 40.000 héc-ta sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm trên 44% nền kinh tế của tỉnh. Đặc biệt đối với hai nhóm sản phẩm chủ lực lâu nay của tỉnh là rau và hoa. Đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh nhiều loại cây trồng chủ lực. Năm 2014, Lâm Đồng xuất khẩu được 14.653 tấn rau quả các loại và hơn 211 triệu cành hoa tươi. Theo nghiên cứu, đánh giá của Công ty tư vấn DI (Nhật Bản) qua dự án “Hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng”, hiện đang là thời cơ lớn để cao nguyên Lâm Đồng trở thành cụm sản xuất hàng đầu xuất khẩu cho Nhật Bản, nhất là đối với hai nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh là rau và hoa.
Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất châu Á đối với các sản phẩm rau củ đã qua chế biến (chiếm từ 66% - 70% lượng nhập khẩu của châu Á) và hoa tươi (chiếm gần 60% tổng nhập khẩu hoa cắt cành). Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật ngày càng tăng thì sản xuất tại chỗ của nước này đang bị thu hẹp. Cùng với đó, các nước xuất khẩu lớn cho Nhật Bản, tức các đối thủ của Việt Nam, đang gặp nhiều khó khăn như Trung Quốc - nước xuất khẩu rau củ lớn nhất sang Nhật (53%) – gặp vấn đề an toàn thực phẩm, hai nước dẫn đầu xuất khẩu hoa là Ma-lai-xi-a (35%) và Co-lom-bi-a (15%) đã giảm sản xuất, hạn chế mở rộng diện tích và cách xa đất nước mặt trời mọc. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành nguồn cung ổn định cho thị trường Nhật.
Khơi thông những “điểm nghẽn” để xuất khẩu
Đối với sản xuất rau, Lâm Đồng hiện đang vướng ba “điểm nghẽn” đó là chi phí sản xuất cao, nguồn cung không ổn định, quy mô nhỏ và chất lượng chưa đạt chuẩn nhập khẩu của Nhật. Trong khi đó, sản xuất hoa của Lâm Đồng chưa phát triển theo cơ chế thị trường trong canh tác, phân phối lẫn thị trường tiêu thụ. Trước thực tế đó, khu nông nghiệp - công nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản cho Nhật vừa được tỉnh Lâm Đồng và phía Nhật lên kế hoạch xây dựng nhằm mục tiêu nâng sản lượng xuất khẩu rau, hoa của Đà Lạt sang Nhật tăng ít nhất ba lần sau ba năm. Ông Mutsuya Mori, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, khẳng định việc hình thành cụm sản xuất chuyên xuất khẩu sang Nhật là ý tưởng mới lần đầu tiên được đưa ra và áp dụng ở một quốc gia khác ngoài Nhật Bản. Tuy cánh cửa hợp tác để nông sản Đà Lạt vào thị trường Nhật Bản đã mở rộng nhưng không có nghĩa các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được nới lỏng. Các quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Nhật sẽ được các doanh nghiệp Nhật đưa đến Đà Lạt và sẵn sàng chuyển giao để mở rộng sản xuất. Khu công nghiệp - nông nghiệp gồm vùng sản xuất chính khoảng 100 héc-ta và khu vực sản xuất vệ tinh từ 200 – 250 héc-ta, có các chức năng sản xuất, chế biến sau thu hoạch, nhân giống, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực… Gắn kết với đó là Trung tâm Sau thu hoạch rau quả khép kín các dây chuyền kiểm tra, phân loại, đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển lạnh nguồn rau chất lượng cao cho xuất khẩu. Ngoài ra, còn hình thành Khu Chợ Đầu mối hoa để tập trung đơn hàng hội đủ các điều kiện không bị ép giá.
Bên cạnh đó, cùng với việc thường xuyên dự báo thông tin thị trường, nông dân Lâm Đồng cũng rất cần sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chuyên ngành đối với từng ngành hàng sản xuất trên từng mùa vụ tương ứng theo từng loại rau, củ, quả sát hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
MUA GÌ |
Quảng Ngãi: Đót trúng mùa, cau tăng giá
Cau được giá, đót cũng đến mùa thu hoạch, đây là niềm vui của hầu hết đồng bào huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Người dân phấn khởi vì được mùa và nhiều tiểu thương thu mua đót ở các địa phương của huyện Sơn Tây cũng rất mừng vì năm nay đót nhiều và đẹp hơn những năm trước. Hằng ngày, họ thu mua đến hàng trăm ki-lô-gam đót, sau đó phơi khô và vận chuyển đến các cơ sở sản xuất. Giá đót khô giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, còn đót tươi thì 5.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá cau cũng tăng so với những năm trước. Giá cau có lúc lên đến 120.000 đồng/kg. Tuy cau đang được giá nhưng thực tế phụ thuộc nhiều vào sức mua của nước ngoài. Khi sức mua tăng mạnh thì cau có giá và ngược lại.
An Giang: Trồng mồng tơi lấy hạt cho thu nhập khá
Hiện nay trên địa bàn các huyện như Chợ Mới, Thoại Sơn, thị xã Châu (An Giang)..., các hộ nông dân đang bước vào vụ thu hoạch mồng tơi lấy hạt, đạt năng suất cao, giá cả ổn định, đem lại thu nhập khá cho nông dân. Các thương lái cho biết, giá thu mua hạt mồng tơi tại thời điểm này từ 80.000 - 100.000 đồng/kg hạt khô. Mồng tơi là loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí thấp, đầu ra ổn định, sau 3 tháng gieo là có thể thu hoạch. Theo các nông dân, sau 12 tháng canh tác với diện tích một công (1.000 m2) trừ các chi phí mỗi đợt lãi gần 6 triệu đồng. Mô hình trồng mồng tơi lấy hạt là phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của An Giang, là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện mức sống của nông dân; đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Sóc Trăng: Củ cải trắng cho lãi khá
Hiện nông dân ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang tất bật thu hoạch củ cải trắng, với năng suất đạt từ 4 - 5 tấn cải khô/công. Ưu điểm của loại nông sản này là có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc, không tốn nhiều chi phí, đặc biệt hơn là không sợ ế hàng. Vì sau khi thu hoạch nông dân tự làm củ cải muối (cải xá pấu), rồi mới bán cho thương lái. Thường 7 tấn tươi sẽ cho ra 4 tấn khô, mỗi ký cân cho thương lái với giá 4.000 đồng/kg. Việc bán củ cải muối cho lợi nhuận hơn so với bán củ cải tươi. Một nông dân ở ấp Vĩnh Bình, phường 2 cho biết: Chi phí đầu tư cho 1 công củ cải trắng khoảng 10 triệu đồng. Hiện củ cải tươi được mua tại ruộng với giá 2.000 đồng/kg nên người dân chọn cách bán củ cải muối. Như vậy sau khi trừ hết chi phí sẽ có lợi nhuận ít nhất 6 triệu đồng, năng suất cao sẽ có lãi lên đến gần chục triệu đồng/công.
Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng lấy công làm lãi từ việc làm củ cải xẻ. Củ cải tươi đem đi xẻ rồi phơi 6 - 8 nắng là có thể bán được. Giá thu mua từ 6.000 – 7.000 đồng/kg.
Quảng Nam: Dứa được mùa, được giá
Bà con huyện Đại Lộc, Quảng Nam bước vào vụ thu hoạch dứa (thơm), với niềm vui được mùa, được giá. Vụ dứa năm nay thời tiết nắng nóng nhưng dứa vẫn cho quả to, đẹp. Dứa được phân ra từng loại, loại to bán giá cao, loại nhỏ bán giá thấp. So với năm trước, giá bán cao hơn 10 - 20.000 đồng/chục (12 quả). Dứa loại to bán 120.000 đồng/chục, loại vừa từ 50 - 100.000 đồng/chục, còn loại nhỏ 40 - 50.000 đồng/chục. Thị trường dứa có chiều hướng tăng, bởi ngoài phục vụ chế biến xuất khẩu, người dân bây giờ có nhu cầu về thờ cúng và ăn tươi. Hơn nữa thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dứa tươi cũng tăng cao. Đại Lộc có khoảng 1.500 héc-ta đất trồng dứa. Nhờ năng suất cao, giá thu mua hấp dẫn nên hầu như toàn bộ số diện tích trồng dứa đều cho mức lãi ròng khoảng 70 – 80 triệu đồng/héc-ta.
BÁN GÌ |
Đạm Cà Mau xuất khẩu sang Campuchia
Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã ký kết hợp đồng hợp tác với các đối tác tại Campuchia để đưa sản phẩm phân đạm hạt đục vào thị trường này. Thời gian qua, PVCFC đã từng bước triển khai xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, củng cố và hỗ trợ hệ thống phân phối tại thị trường Campuchia. Tại đây, nông dân có tập quán canh tác chủ yếu sử dụng urê hạt đục. Đây chính là sản phẩm mũi nhọn của PVCFC. Hằng năm, Campuchia có nhu cầu tiêu thụ khoảng 250.000 tấn urê/năm, trong đó 90% là urê hạt đục, tập trung tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như khu vực Biển Hồ và các tỉnh giáp với biên giới Việt Nam. Mặt khác, khoảng cách địa lý từ nhà máy Đạm Cà Mau đến các vùng tiêu thụ trên khá gần so với các thị trường khác giúp PVCFC giảm thiểu chi phí vận chuyển, duy trì giá bán hợp lý, cạnh tranh.
Xuất khẩu cá tra sang Brazil chờ khai thông
Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp về việc nhiều nhà nhập khẩu Brazil đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam nhưng không thể nhập khẩu được. Theo các nhà NK Brazil, họ đã liên hệ với Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Thực phẩm Brazil (MAPA) nhưng cơ quan này cho biết vẫn đang chờ cơ quan quản lý của Việt Nam hoàn tất các thủ tục kỹ thuật theo yêu cầu. Trước đó, Bộ NN&PTNT Việt Nam phải gửi một loạt các báo cáo như: Báo cáo Khắc phục đối với các khuyến cáo của MPA; Báo cáo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh khẩn cấp... Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền Brazil không đồng ý và yêu cầu làm lại báo cáo kế hoạch phòng chống dịch bệnh khẩn cấp. Cục Thú y - Bộ NN&PTNT Việt Nam đã sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Brazil. Nhưng đến thời điểm hiện tại MAPA vẫn đang xem xét và chưa có ý kiến phản hồi về bản báo cáo này. Do vậy, việc mở cửa thị trường này tiếp tục phải chờ đợi. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT cần có giải pháp cụ thể hơn nữa.
Long An: Giá thanh long tăng
Giá thanh long ruột đỏ hiện nay ở tỉnh Long An đã tăng lên 60.000 - 80.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng loại 1 từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, giúp nông dân lãi từ 250 - 500 triệu đồng/héc-ta, thậm chí có hộ lãi hơn 600 triệu đồng/héc-ta. Tuy vậy, nông dân vẫn còn lo ngại bởi đầu ra của mặt hàng này không ổn định. Nguyên nhân chính khiến giá thanh long tăng cao là do thương lái các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến thu mua, vận chuyển ra miền Bắc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Để giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, năm 2015 UBND tỉnh trích ngân sách hàng trăm triệu đồng xúc tiến quảng bá sản phẩm thanh long ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga để tìm thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, điện lực Long An cũng đảm bảo cung cấp 100% nguồn điện phục vụ bà con xông đèn cho thanh long ra trái vụ nhằm để rải vụ, thuận lợi cho việc tiêu thụ, được giá.
Bình Phước: Điều được giá
Mặc dù thời tiết năm nay diễn biến bất thường nhưng điều đang được giá khiến nông dân phấn khởi. Với giá bán dao động từ 24.000 - 25.000 đồng/kg hạt điều tại vườn. Nông dân ở một số địa phương có diện tích trồng điều lớn như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú đang tập trung thu hoạch điều.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước khuyến cáo các chủ vườn điều trong tỉnh cần chú ý các đối tượng gây hại như bọ xít muỗi, bệnh thán thư, sâu đục thân cành, bọ trĩ. Đối với bọ xít muỗi, các nông dân trồng điều cần sử dụng các loại thuốc Alpha Cypermethrin (FM-Tox 50 EC, Fotox 50 EC); Cypermethrin (Cyperan 5 EC, 10 EC); Thiamethoxam (Actara 25 WG), để phun khi bọ xít muỗi mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ. Đối với bệnh thán thư, nông dân có thể sử dụng những thuốc có hoạt chất như Propined (Antracol 70 WP), các hoạt chất hỗn hợp như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil gold 68 WP, Rorigold 680 WG). Sâu đục thân cành, sử dụng các loại thuốc có khả năng nội hấp, xông hơi mạnh như Regent 800WG, Vibasudin 50ND, Viphensa 50ND, Bini 58 40ND, pha theo hướng dẫn của nhãn thuốc, dùng xy lanh bơm dung dịch thuốc vào đường hầm. Sau khi bơm thuốc.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Mô hình tưới tiết kiệm nước: Giúp tăng năng suất, giảm chi phí
Tại Đồng Nai đang hình thành những vùng chuyên canh nông sản năng suất, kết hợp với việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Trong đó, tưới nước cho cây trồng bằng hệ thống tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ mô hình mới
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn trái và cây lâu năm ở Đồng Nai khởi điểm từ gần chục năm nay, song khoảng vài ba năm trở lại đây được các nhà vườn trong địa phương này áp dụng rộng rãi. Hệ thống tưới nước tiết kiệm này đa số được lắp đặt cho các cây trồng lâu năm và cây ăn trái như hồ tiêu, xoài, bưởi, cà phê, sầu riêng... Ngoài ra, nhiều hộ nông dân còn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm lắp đặt thêm một số đường ống làm giàn tưới phun cho rau, bưởi. Kết quả chỉ sau một năm bỏ vốn đầu tư, các hộ đã thu hồi vốn và có lãi cao.
Với tình trạng hạn hán ngày một khắc nghiệt, việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm ở Đồng Nai đã giúp nông dân tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước tưới và chi phí nhiên liệu, điện. Đồng thời, giảm 60% công lao động làm bồn, tưới nước và bón phân và giảm 20% lượng phân bón, tăng 30% năng suất, chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm tăng. Ngoài tiết kiệm công, nguyên liệu đầu vào, nước tưới, cây trồng ít sâu bệnh, việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho các vườn cây trồng mới ở Đồng Nai còn có ưu điểm rút ngắn được thời gian sinh trưởng.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, mức đầu tư cho hệ thống tưới nước tiết kiệm khoảng 10 - 15 triệu đồng/héc-ta và có thể duy trì cho việc tưới nước trên 5 năm. Chỉ cần các nhà vườn thu hoạch trúng 1 năm/héc-ta cây trồng đã có thể bù đắp được chi phí lắp đặt nói trên.
... đến chính sách hỗ trợ bà con
Nhiều địa phương ở Đồng Nai đã thành lập các câu lạc bộ trồng cây năng suất cao áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Điển hình như Câu lạc bộ Hồ tiêu năng suất cao ấp 6, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Câu lạc bộ này đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây hồ tiêu và đem lại hiệu quả thiết thực. Hay như Tổ hợp tác cây chôm chôm, huyện Thống Nhất xã Hưng Lộc, được hỗ trợ 30% chi phí, toàn bộ diện tích trồng chôm chôm của tổ hợp tác đều lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm, năng suất chôm chôm lên từ 18 tấn lên 25 tấn/héc-ta, chôm chôm tăng loại một chiếm đến 90%. Đặc biệt, với hệ thống này, các thành viên tổ hợp tác dễ dàng xử lý ra hoa trái vụ do chủ động được nước tưới nên giá bán cao hơn so với giá chôm chôm chính vụ hơn 10.000 đồng/kg.
Để giúp người nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định về Chương trình Phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp kèm theo các khoản hỗ trợ cho nông dân. Theo đó, các cây trồng như: cà phê, tiêu, xoài, sầu riêng và một số cây trồng khác được xác định là cây trồng chủ lực. Khi nông dân tham gia trồng mới, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống chất lượng cao, 30% kinh phí đầu tư cho ba gói là lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vòng 5 năm.
Tỉnh cũng đẩy mạnh việc áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 100% diện tích ngô và lúa sử dụng các giống lai, giống mới cho phẩm chất, năng suất cũng như chống chịu sâu bệnh cao. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng. Các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ đã được liên kết với nhau khá chặt chẽ, dần dần khắc phục được sự bấp bênh cho đầu ra nông sản.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Khánh Hòa: Cần tuân thủ thời gian thu hoạch rong mơ
Hiện nay, tại khu vực Sông Lô, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhiều ngư dân đã bắt đầu khai thác rong mơ.
Họ mang theo dây dẫn khí của chiếc máy nén hơi tự chế lặn xuống các rạn đá để hái rong. Việc phơi rong khô cũng rất vất vả được phụ nữ đảm nhận.
Tuy nhọc nhằn nhưng đây là nghề mang lại thu nhập khá cao nên những người theo nghề này vẫn ngày ngày vớt rong mong có thêm thu nhập cho gia đình. Trung bình một người lặn thu hoạch được 70 kg đến 1 tạ rong khô/ngày. Với giá thu mua rong khô hiện nay từ 4.200 - 4.500 đồng/kg, một người lặn rong cũng kiếm được từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày. Đa số những người vớt rong biển là ngư dân không có phương tiện đánh bắt xa bờ. Họ phải khai thác nguồn lợi ven bờ như đánh lưới, câu mực, soi cá, lặn hái rong để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quần thể rong mơ thường sống bám vào rạn san hô, rạn đá vốn là chỗ trú ẩn, kiếm ăn của cá con, là nơi sinh sản của cá trưởng thành. Khi cây rong mơ già đi, rễ cây bứt khỏi nơi sinh trưởng trôi nổi thành từng đám trên mặt biển. Đây là thời điểm thu hoạch rong tốt nhất, sản lượng cao nhất, vừa làm sạch biển, tránh cho tàu bè không gặp nguy hiểm khi bị rong quấn vào bánh lái. Mùa thu hoạch rong mơ thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 (đối với từng khu vực), nhưng hiện nay rong còn non mà đã có nhiều người khai thác.
Tuy nhiên, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cũng khuyến cáo: người dân cần tuân thủ thời gian thu hoạch rong mơ, không thu hoạch non; khi cắt rong thu hoạch cần chú ý để lại gốc bám và 1 đoạn thân dài khoảng 10 - 15 cm để duy trì sự phát tán, phát triển của rong mơ. Vì mưu sinh nên hiện nay nhiều người khai thác rong mơ chưa đúng thời gian quy định. Chính vì vậy, chính quyền các xã cần tích cực tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ bảo vệ rong mơ là bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu chuyển đổi sinh kế cho ngư dân. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền các xã, phường tổ chức thí điểm các đội, tổ vừa khai thác, quản lý, đồng thời bảo vệ nguồn lợi rong mơ.
Hàng Việt chưa hấp dẫn bà con
Sau 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Hà Giang đã tổ chức được 38 Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” với quy mô 25 gian hàng/phiên, thu hút sự tham gia của trên 600 doanh nghiệp và gần 80 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm với tổng doanh thu trên 17 tỷ đồng.
Tỉnh cũng tổ chức được 56 Hội chợ Thương mại, thu hút nhiều doanh nghiệp và lượt người mua sắm; Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể các cấp thường xuyên tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động với hàng nghìn lượt người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người dân... Tuy nhiên, nhìn từ doanh thu đạt được sau các phiên chợ, có thể thấy số lượng các sản phẩm Việt đến tay bà con còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân do Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, giao thông, giao thương khó khăn; dân cư phân bố không tập trung; người dân còn rất nghèo. Các sản phẩm trong nước sản xuất thường lại có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại do Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó, với vị trí địa lý có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài hơn 200 cây số, rất thuận tiện cho bà con vùng giáp ranh mua bán, trao đổi hàng hóa... Không chỉ những sản phẩm của Trung Quốc, người dân các địa phương vùng giáp biên mua tại các cửa khẩu tiểu ngạch mới có giá thành rẻ. Thực tế trong những năm qua, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp lớn, nhỏ trong tỉnh và cả nước thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng của Trung Quốc với số lượng lớn để bán ra thị trường bởi giá thành rẻ, kèm theo nhiều chủng loại lựa chọn, đem lại lợi nhuận lớn.
Một nguyên nhân nữa khiến cho việc thực hiện cuộc vận động không đạt kết quả như mong đợi là các ngành, địa phương và các tiểu thương, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và vào cuộc; các Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” và các Hội chợ Thương mại tổ chức chưa có chiều sâu, chưa đánh giá, điều chỉnh đúng thị hiếu khách hàng, phù hợp từng địa phương; việc quảng bá các sản phẩm của tỉnh, doanh nghiệp trong nước tại các phiên chợ chưa thu hút sự quan tâm của người dân...
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Quảng Ngãi: Giá quế tăng cao, bà con thu lãi khá
Về vùng cao Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi) thời điểm này đang là mùa thu hoạch quế. Với giá quế cao như hiện nay, thì cây quế trở thành một nguồn thu đáng kể của đồng bào Cor. Ít cây gì ở miền núi lại cho thu nhập cao như cây quế, từ vỏ, cành, thân đến lá đều bán được tiền.
Hai huyện Trà Bồng, Tây Trà có khoảng hơn 7.000 héc-ta quế. Theo bà con trong những năm trở lại đây, vụ quế năm nay là được giá nhất. Từ đầu vụ đến giờ, giá quế luôn giữ ở mức cao và ổn định. Hiện nay 1 kg vỏ quế tươi giá thấp nhất cũng từ 13.000 đồng - 15.000 đồng, giá cao khoảng 20.000 đồng. Trong khi đó, giá 1 kg quế khô cũng dao động từ 32.000 đồng - 35.000 đồng/kg. So với năm trước, giá quế tăng lên khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy theo từng loại quế. Năm nay chẳng những giá quế tăng cao mà sản lượng quế cũng tăng gấp đôi những năm trước. Bình quân mỗi ngày các điểm thu mua trung bình mua vào khoảng 300 - 400kg quế tươi.
So với các loại cây nguyên liệu, cây quế có tuổi đời khá dài, thường từ 15 - 20 năm mới cho giá trị cao, thế nhưng ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Cây quế chẳng bỏ thứ gì, trừ gốc và rễ. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Lá quế tươi được các chủ lò ép tinh dầu quế đến tận vườn mua với giá 1.200 đồng/kg và 2.500 đồng/kg lá khô, nhờ vậy nên giá trị từ cây quế tăng đáng kể. Sản phẩm quế Trà Bồng được thị trường đánh giá cao, vì có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được nhiều thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc... Hiện nay, tinh dầu quế và các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế như bình, chén, hộp đựng trà; tăm, nhang… được tiêu thụ khá mạnh.
Nghệ An: Thiếu đầu ra cho cây nấm
Cây nấm đã giúp bà con các địa phương như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An)... thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nấm bấp bênh khiến nghề này đang phát triển thiếu bền vững.
Về Yên Thành thời điểm này đang rộ mùa thu hoạch nấm. Các cơ sở sản xuất nấm ở đây mỗi tháng xuất bán từ 1 - 1,2 tấn nấm các loại. Thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay nấm rất khó tiêu thụ, bà con phải hạ giá liên tục cho tư thương. Trước Tết giá nấm sò 23.000 đồng/kg, nay chỉ còn 16.000 - 18.000 đồng/kg, mộc nhĩ khô 100.000 đồng/kg, nay còn 85.000 đồng/kg… Cây nấm chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu bán nhỏ lẻ cho các tư thương ở trong huyện, lúc nào các tư thương không đến lấy thì bà con phải tự đi các chợ quê để bán. Bên cạnh đó, khó khăn đặt ra là, sản xuất nấm phụ thuộc vào thời tiết, nếu thời tiết thuận lợi, nhiệt độ thấp thì nấm phát triển mạnh có ngày đạt trên 100 kg, thời tiết khô hanh nấm phát triển chậm có khi chỉ đạt 7 - 10 kg nấm/ngày. Nguồn cung không đều, có khi không đủ để đáp ứng lượng nấm đã ký kết; nhưng cũng có khi nấm bán không hết dẫn tới hư hỏng do chưa có hệ thống bảo quản sau thu hoạch như kho đông lạnh, máy sấy khô.
Trong năm 2015, huyện Tân Thành có 4 địa điểm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nấm đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm các xã Nam Thành, Lý Thành, Sơn Thành và Tân Thành. Để giải quyết khó khăn cho nghề nấm đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm, huyện đã có định hướng phấn đấu mở rộng quy mô, trong năm 2015 và các năm tới ổn định từ 550 - 600 tấn/năm. Trong năm 2015 này, Yên Thành trích trên 500 triệu đồng, tiếp tục có cơ chế hỗ trợ 50% giá giống nấm cho bà con sản xuất, chi kinh phí tập huấn. Phấn đấu cuối năm 2015 sẽ xây dựng được 1 cơ sở chế biến sản phẩm (lò sấy) với quy mô 300 kg/8 giờ để bảo nấm tốt sau thu hoạch. Như vậy, để nghề nấm phát triển bền vững, cần phải đa dạng hoá các chủng loại, giống nấm; từng bước ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là tăng cường quảng bá sản phẩm nấm mở rộng thị trường, nâng khả năng cạnh tranh, đem lại hiệu quả cao cho các hộ trồng nấm.
BÀ CON CẦN BIẾT |
Cách tưới tiết kiệm nước cho cây trồng
Viện Khoa học công nghệ miền Nam đã chuyển giao kỹ thuật áp dụng tưới tiết kiệm nước tại các vườn cây công nghiệp (chè, cà phê, hồ tiêu, điều), cây ăn quả (nho, nhãn...), các vườn trồng hoa, rau màu xuất khẩu tại các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Nghệ An...
Căn cứ vào đặc tính của thiết bị tưới và hình thức phân phối nước từ thiết bị tưới mà kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có thể được chia ra 3 loại: Tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cục bộ, tưới ngầm cục bộ.
Tưới nhỏ giọt
Đây là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra từ thiết bị tạo giọt đặt trên mặt đất gần gốc cây. Hệ thống tưới nhỏ giọt đơn giản bao gồm bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây nhỏ giọt. Phần điều khiển tự động bao gồm van điện điều khiển khu vực tưới, bộ lọc, bộ điều khiển số lần và thời gian tưới trong ngày. Hệ thống tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ châm phân tự động, cung cấp phân bón khi tưới tiêu, cách này được gọi là tưới bón.
So với phương pháp tưới truyền thống, hệ thống tưới nhỏ giọt giảm đến 30 - 60% nước. Bà con nông dân có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ dùng thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát. Đặc biệt hơn, còn có thêm đầu cảm ứng cắm vào đất và lắp đặt chung với hệ thống tưới nhỏ giọt.
Tưới nhỏ giọt được áp dụng nhiều trong các nông trang, nhà kính và thích hợp nhất với các loại cây như dừa, nho, chuối, cam quýt, dâu tây, mía, bông, ngô, cà chua và một số cây công nghiệp khác.
Tưới phun mưa
Tưới phun mưa cục bộ là kỹ thuật tưới cung cấp nước cho cây trồng dưới dạng các hạt mưa hoặc hạt sương rơi trên một diện tích nhỏ xung quanh gốc cây trồng. Đây là phương pháp tưới hiện đại có tác dụng nhiều mặt cả về tạo độ ẩm cho đất và làm mát cho cây, kích thích sinh trưởng cho cây và đặc biệt có thể tiết kiệm được 30 - 50% khối lượng nước so với phương pháp tưới tràn theo rãnh. Hiện ở Việt Nam, kỹ thuật tưới phun mưa được áp dụng tưới cho các loại cây hoa, rau màu ở một số vùng ven đô tỉnh Quảng Trị. Về nguồn nước, bà con có thể sử dụng nguồn nước mặt (ao hồ, sông, suối), hoặc nước ngầm (giếng khoan đào). Tuy nhiên, bà con cần lưu ý đến chất lượng nước phải đảm bảo và trữ lượng dồi dào.
Riêng đối với đường ống, bà con có thể sử dụng đường ống cố định và bán cố định:
Hệ thống tưới phun mưa với đường ống cố định:
Hệ thống ống dẫn được bố trí cố định dưới đất, vòi phun có thể bố trí cố định hoặc di động. Cách bố trí này hiệu quả cao, quản lý vận hành tiện lợi, chi phí vận hành thấp, chiếm đất ít. Do vậy, rất thuận tiện cho việc tự động hoá nhưng hiệu suất sử dụng không cao vì cần nhiều đường ống. Do đó, vốn đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Cho nên, hệ thống này chỉ thích hợp cho khu vực trồng rau, cây kinh tế có số lần tưới khẩn trương, khu vực có độ dốc mặt đất lớn, địa hình cục bộ phức tạp.
Hệ thống tưới phun mưa bán cố định:
Đối với hệ thống này, trạm bơm hoặc công trình tạo nguồn có đầu nước địa hình cố định và đường ống chính cố định, còn đường ống nhánh và vòi phun di động. Trên mỗi ống nhánh có từ 2 - 10 vòi phun. Loại này sử dụng khi tưới luân phiên. Do ống nhánh và vòi phun di động, nên việc dùng tưới luân phiên thì giảm được số lượng vòi và ống nhánh, cho nên vốn đầu tư giảm.
Nói chung, kinh phí đầu tư cho loại hệ thống bán cố định chỉ bằng 1/2 hoặc ít hơn so với kinh phí đầu tư hệ thống cố định nên được nhiều cơ sở chọn sử dụng.
chống mua bán gian lân Mỹ phẩm giả, kém chất lượng bày bán công khai
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh và cả nước liên tiếp phát hiện nhiều vụ nhập lậu mỹ phẩm lớn, thậm chí cả cơ sở sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng trên địa bàn. Những loại mỹ phẩm rẻ tiền này đều được các đầu nậu, chủ các cơ sở sản xuất tiêu thụ tại các tỉnh lẻ - nơi người dân có thu nhập thấp.
Liên tiếp bắt giữ mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm giả
Trung tuần tháng 3 vừa qua, Đội kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh đã bắt giữ vụ tập kết mỹ phẩm bên bờ sông biên giới Móng Cái với số lượng lớn bao gồm hơn 11.610 hộp, lọ mỹ phẩm các loại như: nước hoa, kem dưỡng da, son môi, phấn... Số hàng hóa bị bắt giữ ước tính khoảng 363 triệu đồng.
Trước đó, cuối tháng 1/2015, Công an TP. Móng Cái cũng đã phát hiện kho chứa mỹ phẩm lậu lớn tại kho chứa hàng của một đối tượng người nước ngoài tại TP. Móng Cái. Tại kho chứa, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 50.000 chai mỹ phẩm gồm dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem dưỡng tóc gắn nhãn mác một số thương hiệu nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Không chỉ tập kết hàng nhập lậu, các đối tượng này còn trực tiếp sản xuất các loại mỹ phẩm giả mạo bằng cách mua nguyên liệu không rõ xuất xứ từ Trung Quốc rồi sản xuất, đóng gói thành sản phẩm mang thương hiệu Day Frost, - một loại kem dưỡng da. Đối tượng còn đặt in tại Trung Quốc tem giả theo mẫu tem chống hàng giả của Viện khoa học hình sự Bộ Công an Việt Nam để dán lên sản phẩm.
Theo các đối tượng buôn bán, sản xuất mỹ phẩm nhập lậu, các loại mỹ phẩm này khi đưa vào biên giới sẽ đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh khu vực phía Bắc, các địa bàn nông thôn, thu nhập thấp. Giá của các loại mỹ phẩm như son, phấn, dầu gội đầu chỉ có giá từ 10.000 – 50.000 đồng/lọ; nước hoa cũng chỉ từ vài chục ngàn đồng đến 100.000 đồng/lọ. Với giá rẻ, nhiều người dân ở khu vực nông thôn có nhu cầu làm đẹp đã bỏ tiền ra mua mà không biết được nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng các sản phẩm này. Cũng chính vì có nhu cầu mà nhiều loại mỹ phẩm có giá rất rẻ chỉ vài chục ngàn đồng, thậm chí có những thỏi son, phấn nền, chì kẻ mắt mang nhãn mác của các hãng nổi tiếng như Chanel, Dior, Shishedo nhưng được bán với giá chỉ bằng hai... mớ rau ngoài chợ!
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Theo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, tình hình buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu trên tuyến biên giới đường bộ tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là ở TP. Móng Cái diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để giấu hàng, tránh sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng. Các loại mỹ phẩm nhập lậu rất đa dạng về chủng loại, nhãn hiệu, thậm chí có tem dán chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, hay tem hàng chính hãng nên người tiêu dùng rất khó phân biệt.
Để hạn chế tình trạng này, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đang tập trung kiểm soát tại các cửa khẩu, tuyến địa bàn trọng điểm, triển khai các chuyên đề, kế hoạch công tác đấu tranh chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên tuyến biên giới, vùng biển. Đồng thời, tổ chức các đội công tác tăng cường đấu tranh tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Box: Trước những nguy cơ, ảnh hưởng do mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng, hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ các hành vi buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu ngay tại tuyến biên giới. Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn cơ sở mua mỹ phẩm an toàn, tin cậy; nâng cao hiểu biết trong việc lựa chọn mỹ phẩm.
HÀNG VIỆT |
Quảng Nam: Xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh là loại dược phẩm được xếp vào một trong bốn cây sâm quý nhất trên thế giới (sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc, sâm Triều Tiên, sâm Việt Nam), đã được các nhà khoa học đánh giá cao về giá trị kinh tế, công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (địa bàn sinh trưởng chủ yếu của sâm Ngọc Linh) đang triển khai xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Làm giàu từ sâm Ngọc Linh
Từ khi các nhà khoa học phát hiện cây sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý hiếm, bà con dân tộc Xê Đăng ở Trà Linh (Nam Trà My) vào rừng tìm củ sâm tự nhiên đưa về trồng trong các khu vườn để làm giàu… Hiện xã Trà Linh có khoảng 70 héc-ta vườn sâm do bà con phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh và huyện cũng đã thành lập 2 trạm dược liệu ngay tại thôn 2 xã Trà Linh với mục đích bảo tồn nguồn giống để cung ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển sâm tại địa phương. Qua tổ chức di thực từ tự nhiên vào vườn cho thấy, mỗi cây sâm giống có giá chừng 25.000 đồng, sau khi đưa vào trồng từ 5 năm trở đi là có thể thu hoạch củ. Hiện tại, một ký sâm loại 10 củ có giá khoảng 35 triệu đồng, loại 2 - 3 củ có giá khoảng 25 - 27 triệu đồng/kg. Không những cho củ có giá trị kinh tế rất cao, sâm Ngọc Linh còn cho lá với giá bán dao động khoảng 1 triệu đồng/kg và cho hạt để nhân cây giống. Tính ra cây sâm Ngọc Linh đem lại hiệu quả kinh tế gấp trăm lần các loại cây khác như keo, quế... Hiện xã Trà Linh có rất nhiều hộ đã làm giàu nhanh và bền vững từ cây sâm. Hiện tại nhu cầu tiêu thụ sâm Ngọc Linh trong nước luôn ở mức cao, cung không đủ cầu do số lượng sâm còn hạn chế.
Tạo thương hiệu quốc gia
Đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam, do UBND huyện Nam Trà My chủ trì) có những mục tiêu gắn với những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, của địa phương như một luồng gió mới thổi đến vùng sâm Ngọc Linh. Theo mục tiêu đề án, đến năm 2025 đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 trên thế giới (sau Hàn Quốc); hằng năm sản xuất ra được 500 - 1.000 tấn sâm thương phẩm. Để đạt được mục tiêu đó, giai đoạn 2015 - 2020, hai huyện Nam Trà My và Tu Mơ Rông (Kon Tum) cần phát triển tổng cộng 200 héc-ta sâm với 2 triệu cây giống phục vụ trồng nhân rộng. Vùng sâm gốc bảo tồn được chọn tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang (Nam Trà My) và tại 2 xã Ngọc Lây, Măng Ri (Kon Tum). Song song với khâu bảo tồn, mục tiêu đề án hướng tới là phát triển vùng sâm theo hướng di thực ra những vùng có điều kiện tương đồng với khí hậu, thổ nhưỡng đỉnh Ngọc Linh ở 2 địa phương. Tại Quảng Nam, sẽ di thực cây sâm ra 30.000 héc-ta đất rừng ở 7 xã trên địa bàn Nam Trà My vốn nằm trong vùng quy hoạch cây sâm do UBND tỉnh phê duyệt trước đó. Việc xây dựng và đăng ký thương hiệu sâm quốc gia cũng được xúc tiến.
Ngoài ra, theo đề án, sẽ nâng cấp các tuyến đường trọng điểm dẫn vào vùng sâm tại Nam Trà My và Tu Mơ Rông; xây dựng nhà bảo tồn, trung tâm nghiên cứu di thực sâm, xây dựng quần thể du lịch sâm gốc nằm dọc theo hai bên sườn của đỉnh núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu...
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, mục tiêu của địa phương là phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng giao thông, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống. Sau khi có số lượng sâm nguyên liệu ổn định, Quảng Nam sẽ thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư, chế biến sản phẩm đặc hữu từ sâm như: Nước tăng lực sâm, trà túi lọc sâm, viên uống sâm, viên ngậm sâm Việt Nam…
Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)