TIÊU ĐIỂM |
Bấp bênh ngành điều
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) quý 1 năm 2015, sản lượng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt gần 58.000 tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu 409 triệu đô-la Mỹ, tăng 14,7% về sản lượng và 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong lúc nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác giảm cả giá trị và sản lượng thì tăng trưởng của ngành điều là một tin vui. Nhưng để phát triển ngành điều bền vững thì còn nhiều việc phải làm.
Diễn biến bất thường
Vụ điều năm nay, tuy giá tăng nhưng năng suất, sản lượng sụt giảm, bà con không có hàng để bán. Tại các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước... điều được các thương lái vào tận vườn thu mua, có đến đâu mua gọn đến đó. Giá điều dao động trong khoảng 26.000 - 28.000 đồng/kg. Một nông dân huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cho biết, giá điều có lúc lên tới 30.000/kg khác hẳn những năm trước chỉ ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg. Có thể nói, nhiều năm rồi mới thấy hạt điều có giá cao như vậy. Giá điều tăng cao nhưng không phải nông dân nào cũng thu được thành quả bởi thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều địa phương nắng nóng, khô hạn kéo dài nhiệt độ trong ngày chênh lệch nhau rõ rệt, đêm thì lạnh ngày lại nóng, sáng sớm sương mù nhiều nên điều ra bông không đồng đều. Bên cạnh đó, có những vườn điều đã khai thác được 10 năm nay già cỗi cho năng suất, chất lượng không được cao cộng với kỹ thuật chăm sóc của nông dân chưa thực tốt nên vụ điều năm nay, nhiều nơi sản lượng giảm mạnh. Huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước dự báo sản lượng sẽ giảm tới 40%.
Sản lượng giảm, xuất khẩu tăng, doanh nghiệp điều tiếp tục phải nhập nguyên liệu từ các nước châu Phi với đầy rủi ro về chất lượng, rủi ro trong giao thương. Cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn đeo bám ngành điều bao năm qua.
Để ngành điều phát triển bền vững
Cùng với cao su, cà phê, cây điều là cây trồng quan trọng, tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho bà con nông dân. Hàng chục năm qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã xoá đói, giảm nghèo nhờ trồng điều. Thời gian qua, diện tích cây điều tăng, năng suất chất lượng vườn cây được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2014, diện tích điều đã tăng lên 311.000 héc-ta. Trong đó các tỉnh vùng Đông Nam bộ là vùng trồng điều hàng hóa tập trung, chiếm khoảng 60% diện tích điều cả nước. Diện tích và năng suất, sản lượng điều cũng tăng. Đến năm 2014 năng suất điều tăng đáng kể đạt 11,72 tạ/héc-ta, sản lượng điều đạt gần 350.000 tấn hạt. Mặc dù tăng cao cả ba mặt diện tích, năng suất và sản lượng, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng 35% nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Vì vậy tuy là nước xuất khẩu điều đứng hàng đầu trên thế giới, nhưng nguyên liệu điều vẫn phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Do đó để xây dựng vùng nguyên liệu điều ổn định, cần thống nhất quan điểm chỉ đạo về đầu tư đúng mức cho nghiên cứu, sản xuất điều theo hướng thâm canh năng suất, chất lượng. Việc liên kết sản xuất điều nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần được đẩy mạnh. Cần rà soát lại quy hoạch, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thực hiện tái canh, cải tạo khôi phục vườn điều, tổ chức lại sản xuất hợp lý. Đặc biệt, cần hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, thời gian vay thích hợp theo chu kỳ sinh trưởng cây điều.
Trước mắt, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ngay trong năm 2015 này, các nhà khoa học ở các Trung tâm, Viện nghiên cứu của Bộ phải chủ động phối hợp với Cục Trồng trọt ban hành quy định về bộ tiêu chí chọn cây đầu dòng để nhân giống điều chất lượng và hiệu quả. Qua đó, địa phương nào có cây đầu dòng tốt công khai để bà con nhân giống. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định sẽ đề xuất với Chính phủ có chủ trương, chính sách giúp ngành điều trong nước phát triển ổn định lâu dài theo hướng bền vững.
MUA GÌ |
Lâm Đồng: Dâu tây giảm giá
Giá dâu tây tại vườn trên địa bàn Đà Lạt (Lâm Đồng) đã giảm mạnh. Hiện giá dâu tây đang được các nhà vườn bán với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với thời điểm cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, người trồng dâu tây dự báo khi mùa hè tới chắc chắn giá loại đặc sản này sẽ tăng trở lại, vì nhu cầu sử dụng của người dân và du khách tăng mạnh. Theo một số nhà vườn, với giá bán này vẫn đảm bảo người trồng dâu tây có lãi khá cao. Hiện Đà Lạt có khoảng trên 100 héc-ta dâu tây, trong đó đã có hàng chục héc-ta được sản xuất trong nhà kính với kỹ thuật chăm sóc hiện đại.
Xà lách được mùa
Từ đầu tháng 3 đến nay, do thời tiết nắng nóng, thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung tiêu thụ mạnh, do vậy xà lách được thương lái mua lên đến 6 triệu đồng/sào, có thời điểm nông dân bán được 7,5 triệu đồng/sào. Nhiều hộ nông dân ở huyện Đơn Dương đã có lãi từ 6 đến 10 triệu đồng/vụ xà lách. Hiện nay toàn huyện còn trên 75 héc-ta xà lách đang vào mùa thu hoạch.
Đồng Nai: Giá hạt tiêu khá cao
Theo các nhà vườn trồng tiêu tại Đồng Nai, hiện hạt tiêu đen các đại lý và thương lái đang hỏi mua với giá 186.000 – 190.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 20.000 đồng/kg. Sở dĩ vừa thu hoạch xong vụ tiêu 2014 - 2015 mà giá tiêu vẫn cao ngất ngưởng là do nhu cầu sử dụng tiêu của thế giới năm nay tăng cao. Đồng Nai hiện là một trong 4 tỉnh trồng tiêu lớn nhất cả nước. Giá hạt tiêu của Đồng Nai luôn được mua giá cao hơn 5.000 đồng/kg so với tiêu của nhiều tỉnh khác vì chất lượng tốt.
Tây Ninh: Giá khoai môn thấp, nông dân lỗ
Mới bước vào đầu vụ thu hoạch củ khoai môn (loại môn sen, môn sọ) mà nhiều nông dân trồng khoai môn ở Tây Ninh đã cầm chắc lỗ vì giá khoai chỉ bằng khoảng 50% mùa vụ trước. Vụ khoai môn năm trước, giá khoai dao động từ 12.000 - 14.000 đồng/kg nên nhiều người trồng môn trúng đậm. Năm nay nhiều người đổ xô bỏ hoa màu sang trồng khoai môn nên diện tích khoai môn tăng đột biến. Hơn nữa, thời tiết mùa vụ này ít mưa dẫn đến năng suất môn cho củ thấp. Theo bà con mỗi công đất trồng khoai môn có chi phí chăm sóc gần 10 triệu đồng trong 6 tháng. Đến khi thu hoạch, tiền thuê công đào, phân loại củ môn tốn khoảng 1,5 triệu đồng/1 công đất trồng khoai, với giá chỉ khoảng 7.000 đồng/kg thì coi như bà con đã lỗ nặng.
Đắk Lắk: Bơ được mùa, được giá
Trong vài năm trở lại đây, Đắk Lắk đã làm tốt công tác quảng bá, tiếp thị, phát triển chuỗi giá trị đưa quả bơ vào các trung tâm thương mại lớn, nhỏ trong toàn quốc, được người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ mạnh. Đặc biệt, hiện nay ở Đắk Lắk, ngoài việc chuyển vườn tạp, vườn cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây bơ sáp, đồng bào các dân tộc còn phát triển mạnh phong trào trồng cây bơ sáp để làm cây che chắn gió, trồng xen trong các vườn cà phê mang lại hiệu quả cao trên từng đơn vị diện tích. Cây bơ ở Đắk Lắk đã bắt đầu vào mùa thu hoạch, bơ năm nay được mùa, giá cả cao nên khiến người trồng bơ thêm phấn khởi. Theo các nhà vườn, bơ sáp loại 1 mua tại vườn có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, bơ loại 2 có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 đồng/kg trở lên so với cùng kỳ này năm ngoái. Đắk Lắk hiện có trên 4.500 héc-ta bơ, chủ yếu là trồng xen trong các vườn cà phê, với sản lượng mỗi năm đạt từ 330.000 tấn bơ quả trở lên.
BÁN GÌ |
Tiền Giang: Nông dân cù lao trồng chôm chôm VietGAP
Mô hình trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP đang là hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao cho nông dân xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ thực hiện mô hình này. Với giá bán 20.000 đồng/kg, trồng chôm chôm VietGAP dễ bán hơn so với sản phẩm truyền thống do chất lượng quả cao hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, 100% diện tích vườn tại Tân Phong đã chuyển từ cây tạp sang chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Trong đó, chôm chôm chiếm trên 550 héc-ta. Tuy nhiên, để thành công, nhà vườn nói chung và nhà vườn chuyên canh chôm chôm nói riêng cần xóa bỏ tập quán canh tác cũ, chú trọng áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật để mang lại hiệu quả canh tác cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Gá khoai mỳ (sắn) giảm
Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích khoai mỳ nhưng giá bán năm nay rất thấp. Cụ thể, giá khoai mỳ (sắn) xắt lát phơi khô đầu năm có giá 3.700 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 1.300 đồng/kg. Giá khoai mỳ tươi, đầu vụ thu hoạch thương lái thu mua tại ruộng từ 1.300 - 1.600 đồng/kg đến cuối tháng 3 giảm xuống còn 900 - 1.100 đồng/kg tùy loại. Với giá này, bình quân mỗi héc-ta khoai mỳ thu được 21 - 26,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 5 - 9,8 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu các cơ sở chế biến nên phần lớn lượng khoai mỳ trong tỉnh đều phải bán đi các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai để sơ chế. Vì vậy, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn và chậm hơn so với các vụ trước.
Quảng Ngãi: Giá muối giảmngay đầu vụ
Đầu vụ muối, tại các ruộng muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), giá muối chỉ còn 900 - 1.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá này đã giảm gần một nửa khiến diêm dân lo lắng. Thậm chí nhiều hộ vẫn còn muối cũ chưa bán xong nhưng đến vụ vẫn phải làm muối mới. Nhiều diêm dân phải gánh muối đi bán dạo ở các huyện khác để có chỗ chứa muối cho vụ mới. Hiện nay, giá muối sạch bán cũng chỉ 1.000 đồng/kg mà thương lái còn không chịu mua thì muối làm theo truyền thống, hạt muối đen hơn khó có thể tiêu thụ được. Trong khi đó, những năm trước, diêm dân thường tích trữ muối đến đầu mùa bán giá cao bởi chưa có muối. Uớc tính, cả đồng muối Sa Huỳnh khoảng 115 héc-ta với gần 600 hộ làm muối, thời tiết thuận lợi được khoảng 55.000 tấn muối thành phẩm.
Hưng Yên: Cà bát được giá
Hiện người dân xã Đồng Thanh, huyện Kim Động – Hưng Yên đang hối hả bước vào vụ thu hoạch cà bát với niềm vui được mùa, được giá. Thương lái đến tận đầu bờ thu mua với giá 10.000 – 11.000 đồng/kg. Đồng Thanh là xã có truyền thống làm cây vụ đông, trong đó chủ lực là cây cà. Đây là loại cây vụ đông thích hợp trồng trên đất thịt nhẹ, cát pha dễ thoát nước. Cà bát được trồng từ tháng 12 và đến nay đang bắt đầu cho thu hoạch. Tuy trồng cà vất vả vì cần nhiều công lao động nhưng lãi gấp 3 – 4 lần trồng lúa. Nếu bà con chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch 5 – 6 triệu đồng/sào trong khi chi phí trồng thấp, chỉ 500.000 - 600.000 đồng/sào. Với giá bán tương đối cao và ổn định, bà con không lo đầu ra nên rất phấn khởi.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Thương lái ép giá dưa hấu
Lâu nay, đầu tư trồng dưa hấu vẫn luôn là một “canh bạc” với người nông dân. Để có được thành công, họ phải dầm mưa, dãi nắng, ăn ngủ cùng ruộng dưa. Năm nay, tình hình thời tiết bất thường, rủi ro của thị trường dưa hấu vẫn là nỗi “ám ảnh” đối với người trồng dưa.
Hơn một tháng trở lại đây, dưa hấu ở các tỉnh phía Nam đồng loạt thu hoạch rộ, thương lái ép giá chỉ còn 1.000 - 3.000 đồng/kg, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ nên nhiều nông dân đã vận chuyển lên thành phố để hy vọng bán được với giá khá hơn. Thậm chí, nhiều người còn thuê cả một chuyến xe và mang theo chăn màn, quần áo lên thành phố... bán dưa.
Hiện nay, giá dưa hấu bán tại Tam Thành, Phú Ninh, Quảng Nam chỉ còn 1.700 - 2.000 đồng/kg, giảm mạnh so với thời điểm đầu vụ. Với mức giá này, trừ chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, bà con hầu như không có lãi. Đã thế, thương lái còn chọn từng quả. Trung bình, mỗi quả dưa có trọng lượng khoảng 3 - 4 kg, tương đương với mức giá 6.000 - 8.000 đồng. Một thương lái mua dưa cho biết, tính cả cước vận chuyển, xăng xe và các chi phí khác, khấu hao phần dưa bị hỏng khi chở đi xa, bản thân họ cũng không được lãi nhiều.
Tại Bình Định, vụ dưa năm nay bị mất mùa do thời tiết bất thuận nên năng suất đạt rất thấp. Theo tính toán sơ bộ, năng suất dưa năm nay chỉ đạt 1,5 tấn/sào, giảm 0,5 tấn/sào so với vụ trước. Mỗi sào dưa được đầu tư bình quân 8 triệu đồng, nếu dưa thu hoạch đạt hết loại 1 bán được 5.000 đồng/kg, thu được 7,5 triệu đồng/sào thì người trồng dưa vẫn lỗ 500.000 đồng/sào, ấy là chưa kể bỏ công chăm sóc suốt mấy tháng trời. Thế nhưng khi dưa đã ế thì thương lái phân loại còn khắc nghiệt hơn, nên số lượng bị đánh xuống loại 2, loại 3 khá nhiều. Do đó, thu nhập từ 1 sào dưa còn thấp hơn mức 7,5 triệu đồng rất nhiều, người trồng dưa lỗ nặng.
Tại Quảng Ngãi, sau lũ, bà con bãi bồi sông Trà lại bắt tay xuống giống vụ dưa mới với hy vọng gỡ lại những thiệt hại do trận lũ trái mùa gây ra. Cơn lũ trái mùa vào cuối tháng 3 vừa qua đã cuốn trôi bao nhiều tiền của, công sức của bà con nông dân. Nhiều ruộng dưa của các hộ dân chỉ còn vài ngày nữa thu hoạch, nhưng đành rơi vào cảnh trắng tay. Đặc biệt, tình trạng dưa hấu tại Quảng Ngãi được mùa nhưng bị tiểu thương ép giá, xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc, đành phải vứt cho bò ăn không còn là chuyện mới, thế nhưng vẫn tiếp diễn trong thời gian dài. Từ những phán đoán thời vụ tự phát, thiếu thông tin thị trường, đầu ra không ổn định mà những người nông dân gặp phải vô số khó khăn ngay cả khi được mùa.
Box: Hàng nghìn bạn trẻ ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã tình nguyện thu gom dưa hấu của bà con vùng ngập lụt huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để mang đi bán tại nhiều tỉnh, thành phố. Hành động trên nhằm chia sẻ bớt khó khăn của bà con vùng lụt sau đợt lũ trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Đến nay, nhiều chuyến dưa hấu đã được đưa về các thành phố lớn. Số tiền lãi do bán dưa sẽ được chuyển về ủng hộ bà con, ưu tiên những hộ gia đình đang khó khăn và bị thiệt hại nhiều.
Phong trào “Bán giúp nông sản cho bà con vùng ngập lụt Quảng Nam” do nhóm các bạn trẻ CLB Chung Sức Trẻ khởi xướng. Từ CLB này, nhiều CLB khác cũng đã liên kết thành một phong trào rộng khắp ở Quảng Nam và nhiều vùng khác với lực lượng nòng cốt là sinh viên.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang Trung Quốc: Không còn dỵ dàng
Năm 2014, các hộ nuôi trồng nấm mèo ở Long Khánh (Đồng Nai) lỗ nặng vì chưa năm nào giá nấm giảm mạnh thê thảm như vậy. Vụ nấm đầu năm 2015 càng khó khăn hơn vì hiện giá nấm mèo khô bán ra dưới 50.000 đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Người trồng nấm đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề, vì đây không còn là mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cao như vài năm trước. Nguyên nhân do mặt hàng nấm mèo đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn vì hiện nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều mở rộng diện tích trồng loại nấm này. Nhưng quan trọng nhất là, trước đây mặt hàng này xuất khẩu rất mạnh qua thị trường Trung Quốc nhưng hiện nấm mèo Trung Quốc đang xuất ngược trở lại, cạnh tranh với nấm Việt.
Tình trạng bấp bênh đầu ra cũng xảy ra đối với các hộ trồng trái cây xuất khẩu ở Đồng Nai. Có lúc giá giảm rẻ như cho nhưng không có thương lái thu mua nên bà con đành đổ trái chín đầy vườn. Một số doanh nghiệp, thương lái ở Đồng Nai cho biết, từ năm 2014 đến nay, những đơn hàng trái cây đóng sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh so với mọi năm. Giá hàng thì giảm nhưng thương lái của họ lại yêu cầu đủ thứ từ chất lượng đến kích cỡ, hình thức sản phẩm. Vì vậy, không chỉ bà con nông dân điêu đứng mà hoạt động kinh doanh của thương lái Việt cũng bị ảnh hưởng không ít.
Đứng trước tình hình trên, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, rau quả của Đồng Nai đang đầu tư đẩy mạnh phát triển thị trường, mở rộng sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng lợi thế về thuế quan sẽ giảm trong thời gian tới. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng xác định rõ đầu tư vào nông nghiệp phải theo hướng bài bản, căn cơ vì làm hàng xuất khẩu phải đáp ứng tốt yêu cầu về an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp đang liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu chuối theo chuẩn VietGAP song song với việc đầu tư nhà máy chế biến theo công nghệ mới là sấy chân không đông lạnh (sấy thăng hoa). Đồng thời tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, khó tính hơn, như: các nước Trung Đông, Nhật Bản...
Bạch Thông (Bắc kạn): Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Bạch Thông (Bắc Kạn) là địa phương có diện tích trồng cam, quýt lớn nhất tỉnh với diện tích hơn 1.000 héc-ta, sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn/năm, tập trung vào 3 xã nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh là Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong.
Tuy nhiên, lâu nay người trồng cam, quýt vẫn luôn phải đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá” do thị trường tiêu thụ phần lớn phụ thuộc vào tư thương mà không có doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra thu mua với hợp đồng kinh tế ổn định. Năm 2014 sản lượng quýt đạt cao nhưng bà con phải bán với giá bình quân là 10.000 đồng/kg, thậm chí có hộ bán tại vườn là 6.000 đồng/kg.
Cách đây gần 10 năm, xã Nguyên Phúc là địa phương tiên phong trồng cây dưa hấu trên đất ruộng, với diện tích thực hiện khoảng 15 héc-ta, quả to, chất lượng ngon, năng suất đạt 20 tấn/héc-ta, sản lượng đạt 300 tấn, giá trị kinh tế đạt 100 triệu đồng/héc-ta. Nhưng từ năm 2009 trở lại đây, do dưa hấu tiêu thụ khó khăn do không cạnh tranh được với dưa hấu trồng ở miền Nam và các tỉnh khác thì diện tích trồng cây dưa hấu giảm dần và giờ chỉ còn vài hộ trồng với diện tích nhỏ lẻ không đáng kể.
Câu chuyện về quả dưa hấu và quả quýt cho thấy việc liên kết với nhà khoa học và doanh nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật thâm canh và thị trường tiêu thụ cho nông sản hàng hóa của Bạch Thông đang rất cấp bách. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là trước hết bà con cũng cần nâng cao nhận thức về quy trình sản xuất hàng hóa. Do tập quán canh tác làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát nên bà con chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, do vậy sản phẩm rất khó cạnh tranh trên thị trường.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Thái Nguyên: Bí đỏ tiêu thụ khó
Bí đỏ là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông ở xã Tân Đức (Phú Bình – Thái Nguyên). Tuy nhiên, do không có thị trường ổn định nên việc tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân trở nên bấp bênh.
Do cây bí đỏ phù hợp với đồng đất của địa phương lại mất ít công chăm sóc nên nhiều năm nay bà con nông dân trong xã đã chọn làm cây trồng chính cho vụ đông. Trung bình mỗi năm, người dân trong xã trồng được hơn 60 héc-ta bí đỏ, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn quả, với giá bán trung bình từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Nếu chăm sóc tốt mỗi sào bí có thể cho thu hoạch từ 4 - 6 tạ quả và cho thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay ngoài việc ảnh hưởng thời tiết khiến năng suất bí đỏ vụ đông giảm từ 1 - 2 tạ/sào so với mọi năm thì giá bán cũng rất thấp, chỉ từ 1.500 - 2.500 đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến thu mua. Hiện toàn xã vẫn còn tồn đọng khoảng hơn 600 tấn quả. Thực trạng ở xã Tân Đức là vậy nhưng tại một số chợ, bí đỏ vẫn được bán với giá khá cao từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Hiện toàn xã Tân Đức có hơn 2.000 hộ dân, trong đó có hơn 80% số hộ sống bằng nghề trồng hoa màu nên việc bí đỏ mất giá, không có người thu mua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong xã. Vì vậy, nhiều hộ dân đã nghĩ đến chuyện giảm diện tích trồng bí đỏ ở vụ đông năm nay hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Với những tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Tân Đức hoàn toàn có thể trở thành một vùng chuyên canh bí của huyện Phú Bình. Tuy nhiên, để khuyến khích người nông dân phát triển loại cây trồng này thì chính quyền xã cần quan tâm, chủ động hơn nữa trong việc quản lý, liên kết với các đầu mối tiêu thụ để hỗ trợ tổ chức thu mua cho nông dân. Có như vậy người dân mới yên tâm sản xuất và tránh được tình trạng bí đỏ bị giảm giá như hiện nay.
Trái cây mùa nghịch vụ: Tiêu thụ mạnh, giá cao
Gần đây, nhiều hộ nông dân trồng cây ăn trái ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ… ngoài thu hoạch mùa thuận (chính vụ), còn đầu tư nhiều công sức cho ra trái mùa nghịch, đặc biệt là các loại cây có múi như cam, quít, bưởi bởi thị trường tiêu thụ mạnh nên giá cả luôn ở mức cao.
Tại ấp Phú Hưng, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), bưởi mùa nghịch hiện nay rất khan hiếm. Giá bưởi tuyển chọn có giá từ 20.000 – 27.000 đồng/kg. Số còn lại bán với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Hiện nay, tại ấp Đông Bình, xã Đông Phước, huyện Châu Thành – Hậu Giang được coi là “vương quốc” của cây cam sành, toàn ấp có trên 90% hộ trồng cam. Ngoài thu nhập chính vụ (tháng 8 – 9 âm lịch), bà con còn lãi lớn với vụ nghịch (tháng 2 – 3 âm lịch) tuy năng suất không cao nhưng đầu ra hấp dẫn, thương lái tranh mua vì nhu cầu thiêu thụ rất mạnh... Cam trái vụ được chăm sóc kỹ, phân nước đầy đủ nên chất lượng rất ngon và giá từ 27.000 – 30.000 đồng/kg loại 1. Cam được bán với giá 40.000 đồng/kg, cao hơn chính vụ 10.000 đồng/kg. Bà con Lai Vung – Đồng Tháp trồng quít hồng hiện nay cũng chú ý đến việc “lấy ngắn nuôi dài”, vì trồng độc canh quýt hồng mỗi năm chỉ thu hoạch một lần. Do đó, một số bà con đã trồng xen quýt đường. Đây là một loại quýt cho trái rải vụ quanh năm, giá cả cũng rất hấp dẫn, từ 20.000 – 26.000 đồng/kg, tùy loại, cao hơn chính vụ 5.000 đồng/kg.
Trái cây mùa nghịch tuy được giá, nhà vườn phấn khởi nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi nó đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật, nhất là việc xử lý phân thuốc đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc. Đặc biệt trong thời gian cây nuôi trái mùa nghịch, trời nắng nóng cần phải tưới đủ nước. Ngoài ra người trồng còn phải biết áp dụng biện pháp tuyển chọn bằng cách tỉa bớt những trái xấu, trái hư, chỉ giữ lại những trái nguyên vẹn. Nhờ vậy mà chùm trái luôn phát triển tốt, to đều, lại tiết kiệm được thuốc và bảo đảm vệ sinh an toàn cho cây trái.
BÀ CON CẦN BIẾT |
Tận dụng mụn xơ dừa để sản xuất phân hữu cơ sinh học
Phế liệu lớn nhất từ dừa là vỏ dừa, từ đó người ta tận dụng nó để thu nhận sợi (chỉ) xơ dừa. Quá trình tách chỉ xơ dừa thải ra một số lượng lớn các vật chất bụi được gọi là mụn xơ dừa. Sử dụng phân hữu cơ từ mụn xơ dừa sẽ cải thiện kết cấu lớp đất trồng trọt. Đất cát trở nên giàu dinh dưỡng và đất sét trở nên tơi xốp hơn, cải thiện khả năng giữ nước.
Cách làm khối ủ từ mụn xơ dừa
Mụn xơ dừa trước khi đem ủ phải loại bỏ hết các sợi xơ dừa. Ủ phân thực hiện ở một nơi riêng biệt, cao ráo, giữa vườn cây và có nhiều bóng râm là nơi tốt nhất. Khu vực làm phân cần phải được san lấp bằng phẳng, nếu sàn bằng đất thì cần phải được nén cho cứng hoặc dùng phân bò để làm cho cứng bề mặt nơi chứa khối ủ. Khối ủ cần có mái che hoặc phủ tấm bạt lên trên khối ủ để giữ ẩm, đồng thời ngăn chặn mưa nắng ảnh hưởng đến khối ủ.
Phân bón từ mụn xơ dừa được làm theo phương pháp ủ hiếu khí nên được chất đống trên mặt đất. Không cần hố hay bồn xi măng để ủ phân. Mụn xơ dừa nên được trải ra dài khoảng 1,5 mét và rộng khoảng 3 mét. Ban đầu, mụn xơ dừa được vun cao khoảng 7 – 8 cen-ti-mét và được làm ẩm triệt để. Sau khi làm ẩm, có thể thêm nguồn đạm là urê hay phân gia cầm tươi. Nếu sử dụng urê thì dùng 5 kg cho 1 tấn mụn dừa, 5 kg urê được chia thành 5 phần bằng nhau và mỗi lớp mụn xơ dừa sẽ cho vào 1kg urê. Nếu sử dụng phân gia cầm tươi thì cho 200 kg ứng với 1 tấn xơ dừa. Mỗi lớp mụn xơ dừa đã được phân chia tương ứng với một lượng phân gia cầm phủ lên đó. Ví dụ như 1 tấn gia cầm được chia thành 10 phần, trong lớp đầu tiên, 100 kg phân gia cầm. Sau đó thêm vào nguồn nitrogen, chế phẩm vi sinh vật và khoáng sinh học và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi đống ủ có độ cao tối thiểu khoảng 1,5mét. Việc tăng chiều cao đống ủ sẽ giữ được nhiệt độ trong quá trình ủ phân. Nếu chiều cao quá thấp, nhiệt độ tạo ra trong quá trình ủ sẽ nhanh chóng mất đi.
Đảo trộn khối ủ
Các đống ủ sẽ được đảo trộn 10 ngày một lần, để cho không khí lưu thông tạo điều kiện tối ưu cho vi sinh vật hoạt động. Quá trình ủ phân xảy ra trong điều kiện hiếu khí, các vi sinh vật trong đống ủ cần không khí để hoạt động. Sự đảo trộn này sẽ làm thông khí cho các vật liệu ủ. Một cách khác để tạo sự thoáng khí cho sự ủ là chèn đục lỗ ống nhựa PVC hoặc ống sắt trong vật liệu ủ, có thể đặt theo chiều dọc hoặc chiều ngang.
Duy trì độ ẩm cho khối ủ
Duy trì độ ẩm thích hợp là yêu cầu đầu tiên để tạo sự đồng nhất phân ủ hay vật liệu từ rác thải ủ. Cần phải duy trì một độ ẩm của khối ủ là 60%. Không nên để độ ẩm quá cao, lấy một ít vật liệu ủ để lên lòng bàn tay và bóp nhẹ. Nếu không thấy nước rỉ ra thì đó là độ ẩm thích hợp cho khối ủ. Quá trình ủ thì sẽ mất khoảng 60 ngày cho một đống ủ.
Thu hồi phân hữu cơ
Các vật liệu sau khi ủ sẽ được thu hồi và sẵn sàng để sử dụng. Nếu đống ủ chưa được sử dụng ngay thì nên được lưu trữ tại một nơi thoáng mát, giữ độ ẩm để các vi sinh vật có ích trong phân hữu cơ sẽ không chết. Mỗi tháng cần được bổ sung nước phun vào phân để duy trì độ ẩm.
Ứng dụng của phân hữu cơ từ mụn xơ dừa
Phân hữu cơ từ mụn xơ dừa được khuyến cáo sử dụng 5 tấn/héc-ta. Phân thích hợp cho việc cải tạo đất nền trước khi gieo hạt. Trong vườn ươm, trộn khoảng 20% phân hữu cơ từ mụn xơ dừa, đất và cát trước khi cho vào bịch nylon hay chậu nhỏ. Sử dụng cho các loại cây ở vườn như dừa, xoài, chuối và các loại cây ăn quả khác, tối thiểu phải dùng 5kg phân hữu cơ từ mụn xơ dừa cho mỗi gốc cây.
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Cách phân biệt bình gas thật, giả
Theo thống kê từ các công ty kinh doanh gas thì hiện tại gas giả – hay còn gọi là gas chiết nạp trái phép đang chiếm khoảng 30% sản lượng trên thị trường gas.
Vì gas liên quan trực tiếp tới an toàn và tính mạng của con người, chính vì thế người tiêu dùng cần hết sức chú ý để phân biệt được bình gas thật, giả.
Thứ nhất, thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Giá mỗi chiếc bình loại 12 kg khoảng 600.000 đồng. Chính vì chi phí cao nên việc làm giả vỏ bình vẫn xảy ra lâu nay. Với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của hãng gas chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại... để xóa mọi dấu vết của vỏ bình gas chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác.
Thứ hai, việc phân biệt bình gas thật và giả rất khó. Vì vậy người tiêu dùng phải chịu khó tìm các thông tin từ nhà sản xuất. Người tiêu dùng cần cảnh giác trước các dấu hiệu lạ của sản phẩm như: bình gas nhẹ hơn bình thường, logo không rõ ràng, niêm chì, màng co không đồng bộ...
Thứ ba, cần chú ý tên thương hiệu. Thông thường người tiêu dùng khi gọi gas thường không chú ý đến các đặc tính an toàn và hạn sử dụng của vỏ bình hay thương hiệu mà chỉ gọi gas theo thói quen về màu sắc như bình xám, bình xanh, bình đỏ... Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ nổ do rò rỉ khí gas gần đây, ảnh hưởng đến tính mạng con người và gây thiệt hại vật chất lớn.
Thứ tư, về trọng lượng: Trên tay xách của mỗi bình gas, tùy công ty, có ghi trọng lượng vỏ bình từ 12,5kg - 13,5kg. Đối với loại bình gas phổ biến 12kg, tổng trọng lượng cả vỏ bình và gas bên trong sẽ là 24,5kg - 25,5 kg. Do vậy, khi mua gas người tiêu dùng nên yêu cầu nhân viên đưa gas cân bình gas, lấy tổng trọng lượng bình gas trừ đi trọng lượng vỏ ghi ở tay xách sẽ biết số gas có trong bình. Chẳng hạn khi cân thử bình gas nhãn hiệu V Gas phát hiện thiếu hơn 2 kg, còn loại bình Thủ Đức Gas bị thiếu đến... 6 kg. Theo tính toán, một bình gas 12 kg hiện có giá bán khoảng 330.000 đồng/bình, tức 1 kg gas có giá 27.500 đồng. Chỉ cần mỗi bình gas nạp thiếu 2 kg, người bán bỏ túi 55.000 đồng, còn thiếu đến 6 kg là đã gian lận đến 158.000 đồng. Do đó, một trong những biện pháp phân biệt bình gas thật và bình gas giả là cân trọng lượng của gas.
Thứ năm, theo các công ty gas có thương hiệu, khi mua gas cần biết địa chỉ đại lý, cửa hàng gas, không nên chỉ gọi qua điện thoại; khi tiếp cận các tờ rơi quảng cáo, cần cảnh giác hỏi kỹ địa chỉ vì phần lớn chỉ in số điện thoại không dây hoặc di động; khi thấy khả nghi phải yêu cầu xem giấy tờ, thẻ của nhân viên đưa gas và kiểm chứng số điện thoại đường dây nóng của đại lý gas.
Thứ sáu, kiểm tra tem chống hàng giả. Các hãng gas lớn và uy tín (ví dụ hãng Shell Gas) đã đưa ra hình thức dán tem chống giả vào mỗi bình gas. Tem chống hàng giả Shell Gas được sản xuất với công nghệ in tiên tiến được phát hành và quản lý bởi Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an. Ngoài phần in nhận dạng bằng mắt thường, tem có đặc điểm chống giả là logo Shell hình vỏ sò chỉ phát quang dưới ánh đèn tia cực tím. Bằng cách này người tiêu dùng có thể ngay lập tức xác định đó là bình gas chính hãng của Shell hay là gas lậu. Tem sẽ được dán trên 2 sản phẩm đang bán trên thị trường: Gas dành cho gia đình – loại bình 12kg và 11,5kg và gas bếp công nghiệp – loại bình 45kg. Cách làm này của Shell Gas được tin tưởng là sẽ đem lại hiệu quả chống lại gas giả và hy vọng sẽ được áp dụng rộng rãi hơn trên thị trường.
HÀNG VIỆT |
Giữ gìn thương hiệu bánh dừa Giồng Luông
Bến Tre được mệnh danh là quê hương xứ dừa. Để rồi cũng từ đó, khách phương xa ghé thăm không chỉ biết đến xứ dừa với loại nước dừa ngọt ngào, các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được tạo ra từ cây dừa mà biết đến một loại bánh mang đậm nghĩa tình quê hương xứ sở - bánh dừa Giồng Luông.
Đặc sản mang hương vị quê hương
Bến Tre có hơn 2.000 héc-ta dừa nước, với rừng dừa nước bạt ngàn như vậy nên những đọt dừa nước non hay còn gọi là “cà bắp” đã sớm trở thành nguồn nguyên liệu không thể thiếu đối với người dân khi làm bánh dừa. Để có những chiếc bánh dừa thơm ngon, vừa lòng thực khách, bên cạnh nguyên liệu chính là loại nếp dẻo, còn có dừa khô, đậu, chuối xiêm và lá dừa nước non. Ngoài ra, trong chế biến, người thợ phải tuân thủ quy trình chặt chẽ từ chuẩn bị nguyên liệu, quấn nồng, gói bánh và hấp bánh. Nếp sau khi rút sạch cho vào thúng để khô, rưới nước nhiều lần cho thật mềm. Dừa khô nạo lấy lớp mềm trên mặt, sau đó băm nhuyễn trộn vào nếp cùng với đường và muối. Ngày nay, việc nạo dừa được thay thế bằng máy, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và đạt năng suất cao trong thời gian ngắn. Trước khi gói bánh, người thợ tìm đến những rừng dừa nước mọc ven các con kênh rạch, chọn loại “cà bắp” sắp nở thành lá, sau đó chọn đoạn có lá dài, tước lấy lá làm nồng. Nồng là lớp bao dùng để cho nguyên liệu vào trước khi gói. Lá nồng được quấn theo đường elip. Bánh dừa Giồng Luông có hai loại: nhân đậu có đậu xanh hoặc đậu đen và nhân chuối. Bánh gói xong được cột lại thành chùm 12 cái, sau đó đổ nước vào ngập bánh và nấu từ 5 - 6 giờ đồng hồ là bánh chín. Chính sự tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm bánh truyền thống nên bánh dừa Giồng Luông có thể bảo quản trong thời gian từ 4 - 5 ngày.
Nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu
Tồn tại hơn 100 năm, bánh dừa Giồng Luông hiện vẫn được nhiều gia đình gìn giữ quy trình truyền thống và truyền nghề cho các thế hệ con cháu. Ngoài bán tại các chợ trong tỉnh, bánh dừa Giồng Luông còn được vận chuyển bằng xe, hoặc theo những chuyến đò dọc, đò ngang đến các tỉnh thành lân cận và cả những thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai... Những năm gần đây, vào mỗi dịp lễ hội và liên hoan ẩm thực trong và ngoài tỉnh, bánh dừa Giồng Luông đều được chọn để giới thiệu đến du khách gần xa như là một đặc sản ẩm thực của người dân Bến Tre.
Để làng nghề bánh dừa Giồng Luông ngày càng phát triển, trong tương lai, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như nguồn nhân lực. Địa phương cần chú ý đến nguồn nguyên liệu, đặc biệt nhất là đầu ra và thương hiệu của sản phẩm. Làng nghề bánh dừa Giồng Luông cần được bảo tồn và phát triển vì về mặt lịch sử, văn hóa, đây là một nghề truyền thống tồn tại hơn 100 năm, còn về mặt kinh tế, làng nghề đã tận dụng được nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có và giải quyết phần lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Có thể nói, trong văn hóa ẩm thực, người dân xứ dừa đã biết vận dụng một cách tinh tế, khéo léo sự ưu đãi những gì mà thiên nhiên ban tặng để chế biến thành những món ăn đậm đà, mang hương vị riêng, trở thành những sản phẩm ẩm thực rất riêng, rất độc đáo của quê hương Bến Tre, trong đó có bánh dừa Giồng Luông. Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho bánh dừa đang được địa phương đặc biệt quan tâm. Tin rằng trong thời gian không xa, thương hiệu bánh dừa và cả những quy trình làm bánh sẽ được các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu nhằm hạn chế nguy cơ mai một của làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm trên đất Bến Tre.
Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)