Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 20/3/2015

03:08 PM 21/03/2015 |   Lượt xem: 2232 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Ninh Thuận “khát nước”

Ninh Thuận đang trải qua kỳ nắng hạn kéo dài nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tình trạng này đã khiến cho khắp các địa phương ở tỉnh này thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng. Nguy cơ nhiều héc-ta hoa màu và cây nông nghiệp sẽ mất trắng trong nay mai.

Thiệt hại nặng nề

Đến Ninh Thuận vào thời điểm này, chứng kiến cảnh hàng ngàn hộ dân vật vã với nước sinh hoạt và sản xuất mới thấy sự khắc nghiệt của hạn hán kéo dài. Tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nhiều héc-ta nho của các hộ dân ở trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ chết khô, nhiều hộ dân mất cả trăm triệu đồng để đào ao chứa nước nhưng vẫn không đủ nước để tưới. Anh Võ Văn Trung (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết: Gần 8 sào nho của gia đình anh đang bị suy kiệt bởi không đủ nước để tưới, mặc dù gia đình đã đào 3 ao để tích nước nhưng cũng chỉ để cầm cự, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài diện tích nho của gia đình có nguy cơ mất trắng.

Theo ông Trần Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài một vài tháng sẽ ảnh hướng lớn tới các gốc nho. “Nếu các gốc nho bị chết người dân phải tái đầu tư trồng lại với chi phí trung bình 70 - 80 triệu đồng/xào thì thiệt hại kinh kế cho người dân là rất lớn” - ông Nam lo ngại.

Không chỉ các diện tích cây nông nghiệp “khát nước” mà cả các hộ chăn nuôi đang gồng mình với nắng hạn. Hiện toàn xã Phước Trung, huyện Bắc Ái có khoảng 9.000 con cừu và hàng ngàn gia cầm khác, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 1.000 con cừu chết. Nhiều hộ dân phản ánh, cừu chết không phải do dịch bệnh mà thiếu thức ăn, nước uống nên dần bị suy nhược cơ thể.

Bên cạnh hạn hán kéo dài, lo ngại nhất của người dân Ninh Thuận hiện nay nước mặn bắt đầu xâm thực sâu vào các vùng sản xuất nhất là các vùng ven biển. Không chỉ nước cho sản xuất mà ngay cả nước cho sinh hoạt cũng đang thiếu nghiêm trọng, nhiều giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt đều không bơm được nước. Để đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ngoài việc vận động người dân đào ao, giếng ở khu gần các khe suối để trữ nước, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thuê xe bồn vận chuyển nước sạch cung cấp miễn phí (25 m3 nước/ngày) cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Pi Năng Hưng (thôn Tham Dú, xã Phước Trung, huyện Bác Ái) nguồn nước sạch được cấp hiện nay chỉ đủ phục vụ ăn uống hằng ngày, còn nước sinh hoạt như tắm giặt bà con phải tự túc, tận dụng trong điều kiện còn có thể lấy được từ khe suối, ao hồ nhưng không đảm bảo vệ sinh và sẽ cạn trong thời gian tới nếu trời không có mưa.

Gồng mình chống hạn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, do nắng hạn gay gắt nên tổng lượng nước ở 20 hồ thủy lợi trong toàn tỉnh hiện còn chưa đến 40 triệu m3, tương đương 20% tổng dung tích thiết kế. Hầu hết các tuyến kênh mương nội đồng đã cạn nước từ nửa năm qua. Ngành đang tập trung nhiều biện pháp chống hạn như: tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương thủy lợi, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt trong sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, gieo trồng các cây chịu hạn; tổ chức đào giếng, ao hồ dự trữ nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc…

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương ở Ninh Thuận, khả năng xảy ra lũ tiểu mãn trong tháng 5 và 6 rất thấp, nắng hạn sẽ kéo dài và diễn ra trên diện rộng, đến giữ tháng 9/2015 mới có mưa. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc và nước phục vụ cho sản xuất là rất cao. Trước tình thế này, tỉnh Ninh Thuận đang có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để các địa phương vùng tâm hạn tìm nguồn nước cho dân. Đồng thời tập trung mọi nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra. Ngoài các nguồn lực sẵn có ở địa phương, tỉnh có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ đông xuân năm 2014 - 2015 và vụ hè thu năm 2015, với tổng kinh phí hơn 113 tỷ đồng, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

MUA GÌ

Miền Bắc: Bà con chăn nuôi thu lãi khá

Thời điểm sau tết và rằm tháng Giêng, tại nhiều vùng chăn nuôi, bà con đang thu lãi khá bởi tác động từ 2 phía: Giá thực phẩm tăng và giá thức ăn chăn nuôi giảm. Tại một số tỉnh, thành miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình…, giá lợn giống, lợn hơi đều được các thương lái mua ở mức khá cao, như lợn hơi siêu nạc ở mức 46.000 - 48.000 đồng/kg, lợn giống từ 1,3 - 1,4 triệu đồng/con, sau khi tính trừ mọi chi phí người nuôi có lãi khoảng 400.000 - 600.000 đồng/tạ (100kg) và 1 lợn giống. Theo một chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cửu Cao, huyện Văn Giang (Hưng Yên), nhìn chung năm nay người chăn nuôi được lợi kép. Trong khi giá cám giảm từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, thì giá lợn móc hàm lại tăng lên 59.000 đồng/kg, giá lợn hơi là 46.000 đồng/kg, bà con nông dân có lãi từ 5.000 - 9.000 đồng/kg lợn. Còn ở chợ kinh doanh lợn lớn nhất miền Bắc ở xã An Hội, huyện Bình Lục, Hà Nam, giá lợn thịt đang giữ ở mức từ 39.000 - 48.000 đồng/kg, tùy vào loại lợn, ví như lợn thương phẩm thường chỉ có giá trên dưới 40.000 đồng/kg, nhưng lợn siêu nạc lại có giá cao khoảng 47.000 - 49.000 đồng/kg, còn lợn giống cũng có giá cao từ 1 - 1,4 triệu đồng/con.

Cà Mau: Tận thu cá đồng

Ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh của tỉnh Cà Mau, cứ sau dịp Tết Nguyên đán hằng năm, khi ruộng đồng đã kiệt nước chỉ còn những ao đìa sâu, cá đồng các loại “rót” vào, người dân lại tát cạn nước để tận thu nguồn lợi trời cho. Người dân sẽ dùng máy tát cạn nước trong các ao đìa bắt cá. Hiện tại, giá cá lóc loại 1 chỉ còn 80.000 đồng/kg. Còn các loại cá khác cũng ít nhiều xuống giá. Nhưng so với cùng kỳ năm trước và thường ngày giá cá vẫn cao nên nhiều bà con rất phấn khởi. Theo Sở NN - PTNT Cà Mau, cá đồng đã được quy hoạch phát triển, theo đó đến năm 2020 sản lượng sẽ đạt 50.000 tấn/năm. Để đạt được con số này ngành nông nghiệp tỉnh cần tập trung vào ba giải pháp: Mở rộng diện tích nuôi cá đồng từ 100.000 héc-ta hiện nay lên 130.000 héc-ta; hỗ trợ người nuôi từ 3 - 5 tấn cá giống mỗi năm; khuyến khích người dân nuôi cá đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Bắc Giang: Hành được mùa nhưng rớt giá


Vụ hành tỏi năm nay, nông dân xã Liên Chung (Bắc Giang) trồng trên 70 héc-ta hành tỏi, tăng gần 20 héc-ta so với vụ hành tỏi năm ngoái. UBND xã cũng đã vận động nông dân thôn Bến xây dựng cánh đồng rộng 32 héc-ta để trồng hành tỏi. Hiện đã vào cuối vụ hành tỏi ở Liên Chung nên giá đang giảm mạnh. Diễn biến này khiến bà con nông dân lo lắng bởi hành tỏi năm nay được mùa, năng suất hành đạt 7 tạ/sào, cao hơn vụ trước 1,5- 2 tạ/sào. Tỏi năng suất đạt 5 tạ/sào cũng cao hơn năm trước, nhưng giá bán biến động và giảm, giá hành giảm tới 2/3 so với vụ trước. Cụ thể, giá 1 kg hành củ to, mã đẹp tại Liên Chung là 6.000 đồng, loại trung bình dao động từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Giá tỏi cao hơn khoảng 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí trồng 1 sào hành tỏi khá cao, khoảng trên dưới 1 triệu đồng.

Giá thanh long tăng mạnh

Nông dân trồng thanh long vụ nghịch ở các tỉnh miền Nam rất phấn khởi khi giá thanh long tăng mạnh trở lại sau thời gian liên tục giảm giá. Tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), các thương lái tìm đến tận vườn thu mua chứ bà con không cần phải đem đến đại lý như trước nữa. Thanh long loại 1 bán với giá từ 20.000 - 21.000 đồng/kg, thanh long loại 2 cũng có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh long bị thương lái dạt xuống loại 2 rất ít do sản lượng thanh long vụ nghịch không nhiều, hàng đang hút mạnh. Nhiều khả năng giá thanh long sẽ tiếp tục còn tăng, vượt trên mức 25.000 đồng/kg do nhu cầu thu mua thanh long xuất khẩu đang cao. Còn ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An), các nhà vườn ở đây cho biết, hiện giá thanh long ruột trắng dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg loại trái từ 300 gam trở lên, tăng khoảng 40% so với trước tết, thanh long ruột đỏ có giá khoảng 60.000 đồng/kg, được thương lái đến tận vườn tìm mua và đặt cọc chờ thu hoạch. P.V

BÁN GÌ


Gia Lai: Nông dân trữ cà phê chờ giá tăng

Thông thường, sau Tết Nguyên đán, nông dân trồng cà phê ở Gia Lai sẽ bán sản phẩm để lấy tiền đầu tư cho niên vụ tiếp theo, nhưng năm nay, cả doanh nghiệp và nông dân vẫn đang trữ hàng, chờ giá tăng cao. Các cơ sở thu mua cà phê vừa tích cực gom hàng trong dân và tích trữ hàng trong kho chờ tăng giá. Tuy nhiên, việc thu mua gặp nhiều khó khăn do niên vụ trước, cà phê bị mất mùa, sản lượng ít, cộng thêm tâm lý tích trữ của bà con nên việc thu mua gặp nhiều khó khăn. Dự báo, từ nay tới cuối mùa, giáp mùa sau, các cơ sở cũng chỉ thu mua được vài trăm tấn. Do vậy, rất có thể năm nay, doanh nghiệp cà phê không có lãi do phải tính cả lãi vay ngân hàng. Một doanh nghiệp lớn cũng cho biết, năm nay rất khó gom hàng vì giá cả bấp bênh, đang hạ. Đầu mùa mua cao giờ giá hạ nên hầu hết các cơ sở phải trữ lại, chờ giá tăng mới bán. Trong khi đó, nhiều dự báo cho rằng, thị trường cà phê thế giới đang thiếu cung.

Phú Yên: Đậu đỏ trúng mùa, được giá

Những ngày đầu năm, nhiều hộ nông dân miền núi huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã có thu nhập đáng kể khi cây đậu đỏ được mùa, được giá. Năm này nhờ thời tiết thuận lợi, cây đậu đỏ cả vùng Sông Hinh đều đạt năng suất cao, mỗi héc-ta cho thu hoạch từ 1,3 - 1,5 tấn sau 6 tháng xuống giống.

Tại huyện Sông Hinh, mùa đậu đỏ năm nay tập trung nhiều ở các xã Ea Bia, Ea Bá, Ea Lâm, Ea Ly và thị trấn Hai Riêng với tổng diện tích trên 200 héc-ta. Những năm qua giá đậu đỏ luôn ổn định ở mức cao và được tư thương đến tận nhà đặt hàng thu mua. Đậu đỏ thích hợp với triền đồi có độ dốc lớn, phương thức canh tác đơn giản, đầu tư thấp. Đặc biệt, cây đậu đỏ có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với vùng miền núi Sông Hinh.

Mặc dù đậu đỏ là loại cây trồng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng những năm qua, cây sắn vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu các loại cây trồng. Nhưng do bà con thường trồng sắn nhiều vụ trên một diện tích dẫn đến hiện tượng sa mạc hóa, đất đai bị trai cứng. Vì vậy huyện Sông Hinh đã khuyến cáo bà con nên luân canh cây họ đậu cũng như cây trồng khác với cây sắn, áp dụng khoa học kỹ thuật để từng bước ổn định năng suất. Vài năm trồng sắn thì chuyển sang trồng đậu để cải tạo đất, đạt hiệu quả cao và bền vững.

Cần Thơ: Giá cá tra giống tăng

Giá cá tra giống hiện tăng bình quân 10.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng.

Tại nhiều địa phương ở Cần Thơ như: Cờ Đỏ, Thốt Nốt… giá cá tra giống loại khoảng 30 con/kg đang ở mức 35.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá 38.000 - 39.000 đồng/kg. Giá cá tra giống tăng do thời điểm này nguồn cung hạn chế và nhiều người có nhu cầu tìm mua con giống để phát triển nuôi cá tra thịt phục vụ xuất khẩu. Nhiều hộ dân sản xuất cá tra giống cho biết, thời gian qua do đầu ra cá tra giống bấp bênh nên nhiều hộ dân sản xuất cá giống đã ngưng hoạt động nguồn cung có xu hướng giảm so với trước. Hơn nữa, gần đây việc sản xuất cá tra giống tại nhiều nông hộ cũng không đạt năng suất và sản lượng so với trước, cá giống dễ bị chết do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trời nắng nóng, thời tiết bất lợi.

Lâm Đồng: Hành tây rớt giá mạnh
Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trồng trên 170 héc-ta hành tây. Trong đó, diện tích hành tây nhiều nhất là ở xã Lạc Xuân với tổng sản lượng ước đạt gần 8.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ chậm, không xuất khẩu được nên hành tây đang giảm giá mạnh. Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, hành tây giống Nhật Bản thương lái mua tại vườn có giá dao động từ 4.000 - 4.500 đồng/kg. Từ sau tết đến nay, giá hành chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí có những vườn hành tây bán chưa đến 2.000 đồng/kg. Đây là năm đầu tiên hành tây bị rớt giá mạnh như vậy. Do vậy, nhiều hộ trồng hành tây đã bị thua lỗ hàng chục triệu đồng/vụ.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Những giải pháp chống hạn hiệu quả

Theo dự báo của ngành khí tượng - thủy văn, tại các tỉnh miền Trung, khả năng hạn hán gay gắt sẽ diễn ra vào cuối vụ đông - xuân và đầu vụ hè - thu. Chính vì vậy, những giải pháp chống hạn đã và đang được các địa phương quyết liệt triển khai.

Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, các địa phương đã đưa ra một số phương án. Theo đó, bà con nên chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước. Tốt nhất là canh tác cây trồng ngắn ngày, ít sử dụng nước tưới và cho hiệu quả kinh tế như các loại đậu, bắp, mì... để tiết kiệm nguồn nước và giảm thiểu thiệt hại khi hạn hán xảy ra. Cần nạo vét, đào các hố tích nước, dùng các công cụ chứa đựng để trữ nước phục vụ cho sinh hoạt.

Đối với các vùng đảm bảo nguồn nước tưới suốt vụ: Bà con chủ động gieo sạ gọn theo lịch thời vụ, tập trung thâm canh, chủ động phòng trừ sâu bệnh, phấn đấu vượt năng suất theo kế hoạch để bù đắp sản lượng thiếu hụt do hạn hán gây ra.

Đối với các vùng không đảm bảo nước tưới suốt vụ: Bà con không nên tưới ở những nơi xa nguồn nước, nơi có chân ruộng cao khó đưa nước tưới. Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ đến mức thấp nhất.

Bà con có thể áp dụng phương pháp tưới luân phiên, nông - lộ - phơi, phun mưa... Một số hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, các giếng nước của bà con nếu ảnh hưởng hạn hán không đủ nước, tiến hành dùng các biện pháp cấp nước bổ sung như: Đào thêm các giếng, tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp nước.

Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.

Áp dụng một số biện pháp công trình

Đối với khu vực hồ chứa nước, đập dâng: Lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến tại vị trí các cống lấy nước để bơm nước từ dung tích chết của các hồ và các vị trí dọc theo các sông, suối, tận dụng các bầu, ao ở gần hoặc lân cận khu tưới bị thiếu nước vào cuối vụ; Sửa chữa các đập bổi hiện có và đắp đập tạm để trữ nước.

Đối với khu vực trạm bơm: Vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định để chống hạn. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, cửa cống lấy nước, nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng. Tăng cường lắp đặt và vận hành các trạm bơm dầu dã chiến tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao, bầu để bơm chống hạn.

Ngoài ra, cần tổ chức nạo vét kênh mương các cấp, bể hút trạm bơm, cửa cống lấy nước, đập dâng tại các địa phương. Ở những nơi có nước ngầm, cần tiến hành thực hiện khoan giếng lấy nước ngầm và thực hiện đào ao trữ nước đọng phục vụ chống hạn; tu bổ, cải tạo các ao, giếng sẵn có tại các địa phương.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Hà Giang: Sản xuất lạc gắn với nhu cầu thị trường

Trong tổng số gần 530 héc-ta đất trồng cây vụ xuân của xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), diện tích đất trồng lạc đạt con số trên 220 héc-ta. Ngoài giống lạc đỏ địa phương, giống lạc L14 và L18 được trồng tại xã đã tỏ rõ ưu điểm về khả năng chống chịu sâu bệnh khá, cho năng suất bình quân đạt 19,7 tạ/héc-ta. Tuy nhiên, loại lạc này có nhược điểm là dễ bị mọt trong quá trình bảo quản, vỏ lụa màu trắng không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Mặt khác, trước thực tế người dân thiếu vốn mua giống lạc tốt để sản xuất; đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang ưa chuộng giống lạc có vỏ lụa màu đỏ, xã Trung Thành đã chủ động đưa giống lạc đỏ Bắc Giang (thuần chủng) vào trồng, với diện tích 17 héc-ta để từng bước thay thế giống lạc cũ. Điều này vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng vừa đảm bảo tốt chất lượng lạc thương phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Với hình thức cho vay có thu hồi, hàng trăm hộ trồng lạc của xã Trung Thành được Nhà nước hỗ trợ 100% giống lạc đỏ Bắc Giang, tương đương gần 160 triệu đồng. Sau thu hoạch, Nhà nước sẽ thu hồi nguồn vốn bằng cách: Hỗ trợ 1 kg lạc giống, thu lại 1,2 kg giống. Số lượng lạc giống thu hồi sẽ được luân chuyển cho các hộ khác trong xã vay để nhân rộng diện tích trong những mùa vụ tiếp theo. Nếu các hộ không có nhu cầu vay thì số lạc thu hồi sẽ được chuyển thành lạc thương phẩm. Và số tiền thu hồi được đưa vào quỹ thôn nhằm tái đầu tư cho các hộ có nhu cầu vay vốn, theo hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi (bằng mức lãi suất vay dành cho hộ nghèo của Ngân hàng CSXH) để phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, 1 héc-ta lạc giống có thể cho năng suất ước đạt trên 25 tạ và sản lượng của 17 héc-ta lạc giống sẽ đạt con số 42,5 tấn. Như vậy, lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) mang đến cho người trồng ước đạt trên 569,4 triệu đồng.

Việc chủ động đưa giống lạc mới vào sản xuất gắn với nhu cầu thị trường cùng hình thức cho vay có thu hồi để tái đầu tư là cách làm phù hợp và có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của xã Trung Thành.

Đồng Nai: Phấp phỏng hạt điều đầu vụ

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tháng 1/2015, ngành điều trong tỉnh xuất khẩu được trên 3 ngàn tấn nhân với giá trị gần 20,7 triệu đô-la Mỹ, tăng cả về sản lượng và giá so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều lại không tăng do chi phí đầu vào cao, nhất là nguyên liệu chế biến đang trong giai đoạn “sốt” giá. Cụ thể, giá hạt điều do thương lái mua hiện ở mức 28.000 đồng/kg, tại các nhà máy chế biến mua vào khoảng 32.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 4.000 đồng/kg so với đầu vụ năm ngoái. Trước tình hình này, các doanh nghiệp chế biến chọn giải pháp nhập nguyên liệu đến đâu chế biến đến đó chứ không có nguồn dự trữ như trước. Đồng thời, chỉ ký những đơn hàng ngắn hạn, trao tay ngay để hạn chế rủi ro.

Một nghịch lý là mặc dù giá hạt điều tăng cao nhưng các hộ trồng điều ở Đồng Nai vẫn lo lắng. Do bất lợi của thời tiết, hiện cây điều tại một số địa phương của tỉnh đang gặp tình trạng rụng lá, rụng trái non. Nguy cơ năng suất vụ điều năm nay giảm hơn mọi năm là điều khó tránh khỏi. Trong đó, giá hạt điều lên xuống thất thường, cao khi vào đầu vụ và “rớt” giá khi đến chính vụ cũng là nỗi lo không nhỏ của bà con. Vì họ phải đầu tư nhiều nhưng vẫn có khả năng thua lỗ nếu thời tiết bất lợi trong khi thu nhập từ cây điều thuộc loại thấp so với các cây trồng khác. Vì vậy bà con đều mong muốn Nhà nước có thêm chương trình hỗ trợ cho nông dân giữ cây điều. Đây không chỉ là vấn đề quyền lợi của các hộ trồng điều mà còn vì lợi ích lâu dài của ngành chế biến điều trong nước. Vì hiện nước ta đang phải nhập khẩu 40 - 60% nguyên liệu để chế biến và khối lượng nhập đang tăng dần hàng năm.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Khai trương Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột

Kết nối các giao dịch ra thị trường thế giới

Đắk Lắk là vùng đất sản xuất ra những hạt cà phê ngon nhất thế giới gắn liền với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, chiếm khoảng 50% sản lượng cà phê cả nước.

Một trong những hoạt động nổi bật tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5/2015 là hoạt động khai trương Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột. Việc ra mắt sàn sẽ giúp các nhà thu mua cà phê kết nối mua - bán trực tiếp tại sàn hoặc trực tuyến, thay vì phải thông qua các đại lý trung gian. Đây cũng là hình thức kết nối các giao dịch cà phê của khu vực ra thị trường thế giới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Đắc Lắk hiện có trên 80% diện tích cà phê do các hộ nông dân quản lý, đầu tư, chăm sóc. Vì vậy, phần lớn hoạt động mua bán cà phê diễn ra sôi động ngay sau vụ thu hoạch chủ yếu theo phương thức ký gửi cà phê của người nông dân cho các công ty, đại lý, đến khi đạt được mức giá như mong muốn thì mới bán. Các đại lý thường mua bán với nhau và với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các mức giá khác nhau khiến năng lực cạnh tranh giảm sút khi tham gia giao dịch quốc tế. Phương thức giao dịch này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do biến động giá đối với cả bên bán và bên mua: Bên mua sẽ không biết trước thời điểm chốt giá của người dân (bên bán) để chuẩn bị phương án kinh doanh. Còn bên bán khi vào thời gian giáp hạt (thời điểm trước vụ thu hoạch) giá thường tăng mạnh nhưng bà con lại không còn hàng để bán, nên không tận dụng được cơ hội giá cao. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu hiện vẫn bị các nhà đầu cơ lớn trên thế giới thao túng, bị động về thời gian và khối lượng, chất lượng. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ta thường xuyên bị ép cấp, ép giá, nhiều đơn vị chấp nhận mức trừ lùi 100 - 150 đô-la Mỹ/tấn chỉ để bán được hàng.

Các chuyên gia cho biết, quan trọng hơn cả, giá các mặt hàng được niêm yết trên sàn giao dịch ngang bằng với thế giới khi có cùng chất lượng. Điều này sẽ giúp thị trường trong nước hội nhập sâu rộng với các thị trường của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Quảng Ngãi: Làng buôn rơm bội thu

Những ngày này ở Quảng Ngãi, người dân đã bắt đầu thu hoạch dưa hấu. Đây cũng là lúc các làng bán rơm trong tỉnh vào vụ. Rơm chủ yếu là bán để lót dưa, còn dùng để trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc không đáng kể.

Quảng Ngãi có khá nhiều làng bán rơm, nằm chủ yếu dọc theo trục Quốc lộ 1A. Nhưng nhiều nhất là đoạn đi qua 2 xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ và xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, với số hộ tham gia ước tính trên 40. Để có rơm bán, cứ vào vụ thu hoạch lúa, các chủ vựa rơm cho người vào các cánh đồng trong tỉnh mua về trữ. Năm này, giá rơm tăng lên 200.000 đồng/sào nên bà con đạt lợi nhuận cao. Ít thì 20 - 40 triệu đồng/năm, nhiều thì trên dưới 100 triệu đồng/năm. Nghề buôn rơm đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình và cả người trồng lúa.

Rơm chủ yếu là bán để lót dưa, vì vậy năm nào dưa tiêu thụ mạnh và được vận chuyển đi nơi khác nhiều (chủ yếu là ra Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc) thì giá rơm tăng cao và ngược lại. Riêng tại thời điểm này, giá rơm được bán khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Nhiều khi dưa hút hàng, muốn mua rơm, thương lái phải gọi điện thoại đặt trước 5 - 7 ngày mới có. Thông thường, vào đầu vụ dưa nên còn ít, chứ lúc cao điểm, xe ô tô đến chờ mua rơm xếp cả hàng dài. Với tải trọng xe khoảng 10 tấn, tùy từng thời điểm, giá cả lên xuống mà số tiền mua rơm để lót dưa mỗi chuyến dao động từ 3 - 5 triệu đồng.

BÀ CON CẦN BIẾT

Mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê

Tuy mới vào đầu mùa khô nhưng các địa phương tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt nhất trong nhiều năm qua, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Trước thực trạng đó, nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê đã được thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực.

Hệ thống tưới tiết kiệm nước

Nguồn nước ngầm tự nhiên không phải vô hạn, nếu sử dụng không đúng và lãng phí sẽ khiến mực nước ngầm của các tỉnh Tây Nguyên giảm sút nghiêm trọng dẫn đến tình trạng thiếu nước khi vào mùa khô. Đồng thời cũng tránh việc bốc hơi nước khi tưới cà phê, theo tâm lý thông thường của nông dân thì tưới càng nhiều nước càng tốt, gây hao phí nguồn nước. Chính vì thế Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên đã nghiên cứu phương pháp tưới mới cho bà con nông dân. Đó là hệ thống tưới tiết kiệm nước. Theo đó, nếu như nông dân tưới nước cho cà phê bằng hình thức thông thường như: tưới ống vòi (tưới gốc), tưới bét quay… lượng nước cần cung cấp vào khoảng 600 lít/cây/đợt tưới, được bà con tưới 2, 3 đợt. Nhưng lượng nước hao phí do bốc hơi cũng khá nhiều, rất lãng phí. Trong khi với hình thức tưới tiết kiệm nước lại có khá nhiều ưu điểm, đó là chi phí lắp đặt cho việc tưới ít, lắp đặt hệ thống đơn giản, dễ sử dụng. Tưới tiết kiệm nước lượng nước cung cấp cho cây cà phê chỉ còn 400 – 450 lít/cây giúp tiết kiệm 20 – 30% lượng nước tưới thường, mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của cây cà phê. Khi sử dụng chỉ cần 1 người khởi động máy và đi kiểm tra, còn với hình thức thông thường cần tới 2 – 3 nhân công. Đặc biệt, hình thức tưới mới này còn kết hợp được cả việc bón phân vào cây cà phê. Theo đó, phân được hòa vào bể rồi bơm theo việc tưới rất nhanh mà vẫn đảm bảo được việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cà phê. Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước khá đơn giản gồm đường dây ống nhựa PVC (có khóa đóng – mở), 1 bể chứa nước (để hòa phân bón) và mô tơ bơm nước. Đây là những nguyên vật liệu đơn giản, dễ tìm ở thị trường, bà con nông dân có thể dễ dàng lắp đặt cho vườn cà phê nếu được hướng dẫn.
Tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước

Tại huyện Cư M’ga, tỉnh Đắk Lắk, hàng trăm héc-ta cà phê đang ở giai đoạn cần tưới nước để ra hoa thì lại rất khó khăn về nước tưới. Để đối phó tình trạng này, ông Y Ra ở buôn Hra, xã Ea Tul đã lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân. Cách làm này đã giúp vườn của ông từ chỗ bị úa vì thiếu nước thì 3 năm nay năng suất đã tăng lên 20%.

Hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cà phê chừng 70 cen-ti-mét, chôn âm cách mặt đất chừng 5 – 7 cen-ti-mét; mỗi gốc một đoạn ống đi qua có mang theo 10 điểm nhỏ giọt (cách nhau 30 cen-ti-mét/điểm). Mỗi giờ, mỗi gốc cà phê sẽ được cung cấp 28 lít nước. Độ ẩm của đất thường xuyên được kiểm soát bởi đồng hồ đo độ ẩm được cố định trên vườn. Với hệ thống này, lượng nước cung cấp đáp ứng đúng lúc theo nhu cầu của cây, tiết kiệm nước tối đa, hạn chế lượng nước thất thoát không hiệu quả, phù hợp với điều kiện điều tiết nước trong mùa khô Tây Nguyên. Đặc biệt là “bộ châm phân” sẽ hút phân (đã được hoà nước với liều lượng định sẵn) rồi đưa vào hệ thống đường ống dẫn nước, điều tiết qua hệ thống nhỏ giọt, phân phối đều cho cây từ đầu vườn đến cuối vườn, hệ rễ được hấp thu đầy đủ dinh dưỡng để nuôi cây phù hợp cho từng giai đoạn sinh lý của cây, hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây cà phê.

Đối với cây cà phê, năng suất và chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thời kỳ nở hoa, mà việc nở hoa cà phê lại phụ thuộc vào thời kỳ tưới, lượng nước tưới, chu kỳ tưới và chất lượng nước tưới… Vì vậy, việc tưới nước để điều khiển sự ra hoa rộ, đồng loạt, tạo điều kiện cho thu hoạch tập trung là vấn đề rất quan trọng. Mô hình ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cà phê tại vườn nhà ông Y Ra tỏ ra hiệu quả trong điều khiển ra hoa và tăng năng suất cà phê.

Cách nào bảo vệ người tiêu dùng miền núi?


Ở nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, bà con thường xuyên mua phải nhiều loại sản phẩm hàng hóa phục kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Điều này không chỉ gây thiệt hại đáng kể về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn bà con đành cam chịu vì thiếu thông tin.

Thiệt thòi vì thiếu thông tin

Cùng với sự phát triển kinh tế, sản phẩm hàng hóa được luân chuyển tự do, vì thế ở khắp các vùng miền núi, vùng xa, vùng sâu, biên giới, hải đảo không thiếu bất cứ một loại sản phẩm hàng hóa gì. Tuy nhiên đã có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc thiếu thông tin, trình độ kém hiểu biết của người đồng bào dân tộc nên đã đưa những mặt hàng kém chất lượng, hoặc hàng giả, hàng nhái để tiêu thụ. Đơn cử như bột ngọt, đường, muối, thực phẩm, thuốc kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại giống, vật tư nông nghiệp...

Anh Lò Văn Quân (Sơn La) chia sẻ, anh mua nồi cơm điện của hãng khá nổi tiếng nhưng được vài tuần thì hỏng, mang ra hỏi cửa hàng họ bảo hàng mua rồi miễn trả lại, nếu muốn liên hệ với nhà sản xuất. Khi liên hệ với nhà sản xuất, họ yêu cầu làm nhiều thứ từ thông tin cá nhân, địa chỉ mua, mã số, số series, giấy bảo hành, dùng có đúng cách không... Thấy lằng nhằng và mất thời gian quá nên thôi.
Không chỉ ở lĩnh vực tiêu dùng, nhóm mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng bị làm nhái, giả tràn lan với số lượng lớn và ngày càng gia tăng, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2014, nhiều hộ gia đình ở Tây Nguyên phản ánh về việc họ mua phải phân bón giả, giá cao nhưng khi sử dụng cho cây trồng không đạt năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến đất, nước, thậm chí chết cây, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Do hàng giả như hàng thật, cộng thêm việc thiếu thông tin nên người dân không thể phân biệt, trường hợp lỡ mua phải, họ đều có tâm lý chung cho rằng “số đen” và cam chịu. Những mặt hàng có giá trị lớn thì họ cũng chỉ biết gọi điện đến nhà sản xuất khiếu nại chứ không biết kêu ai. Nhưng các thủ tục hành chính thường làm họ không thể theo đến cùng.

vào cuộc đồng bộ

Tác hại nhãn tiền của việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng thì ai cũng biết, nhưng điều đáng nói ở đây là vụ việc đã diễn ra nhiều năm trời và ngày càng có xu hướng phức tạp tinh vi. Thêm vào đó Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã được thông qua từ 2010 nhưng đến nay công tác thực thi vẫn còn nhiều bất cập. Hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng vẫn chịu thiệt hại.

Nhiều chuyên gia cho rằng vì mục đích lợi nhuận nên vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ vẫn còn tiếp tục, ngày càng có xu hướng tinh vi hơn. Mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra xử lý nhưng không xuể. Tính đến tháng 10/2014, lực lượng này đã thực hiện gần 120.000 lượt kiểm tra, trong đó xử lý gần 64.000 vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa lên tới gần 200 tỷ đồng.

Theo hướng dẫn của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, trường hợp người tiêu dùng phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm, thì có thể thực hiện một trong 4 biện pháp như sau: Thứ nhất là thương lượng giữa hai bên, thứ hai là hòa giải, thứ ba là nhờ đến trọng tài và cuối cùng là tòa án.

Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp như trên chỉ khả thi với những sản phẩm, dịch vụ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có hợp đồng, giá trị lớn, ở khu vực thành thị và người tiêu dùng am hiểu luật pháp. Còn với những người dân ở miền núi xa xôi sẽ rất khó và không khả thi. Do đó, cách bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất là xử phạt thật nặng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Công khai các doanh nghiệp cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái. Nhưng để làm được việc này cần có sự vào cuộc và quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, kể cả cấp xã. Ngoài ra, nên tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn hoặc hình thành các mạng lưới cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm

Với ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, đồng bào các bon làng ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức – Đắk Nông) đang cố gắng khôi phục nghề dệt thổ cẩm, quyết không để nghề truyền thống của dân tộc mai một theo thời gian. Mặc dù chưa trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra rộng rãi trên thị trường, nhưng việc chị em M’nông biết kiên trì, nhẫn nại ngồi bên khung cửi, khéo léo dệt ra những tấm thổ cẩm bền đẹp, phần nào cũng cho thấy sức sống của cội nguồn, bản sắc dân tộc.

Sức sống từ lớp trẻ

Trải qua năm tháng, các sản phẩm thổ cẩm như: váy, áo, túi xách, khăn, chăn… vẫn được nhiều đồng bào trên địa bàn xã thường xuyên sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, ngày tết, cưới hỏi... của bon làng. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm ở đây luôn được nhiều chị em gìn giữ, phát huy bằng cả ý thức và tấm lòng của mình. Xã đã mở được 32 lớp dạy nghề thổ cẩm với hàng trăm lượt người tham dự. Mỗi lớp học kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, thu hút được rất nhiều chị em tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề. Theo bà Thị Ai, nghệ nhân truyền dạy nghề dệt thổ cẩm ở bon Bu Koh, để làm nên các sản phẩm đòi hỏi người dệt phải tập trung sắp xếp từng sợi chỉ và phải mất một khoảng thời gian khá dài. Thế nhưng, chị em khi đến học không một ai nản lòng mà luôn say sưa, chăm chú để sớm nắm bắt được kỹ thuật dệt thổ cẩm. Những lúc rảnh rỗi, nhiều chị em còn tìm đến nhà những nghệ nhân trong xã với mong muốn tiếp tục nâng cao tay nghề một cách thuần thục, nhuần nhuyễn.

Sự tâm huyết học hỏi nghề dệt thổ cẩm của nhiều chị em đã góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa. Vì vậy, bản thân mỗi nghệ nhân cũng như những người có kinh nghiệm ở địa phương luôn tâm huyết, không ngại khó khăn, cố gắng làm sao truyền nghề dệt thổ cẩm cho thật nhiều người.

Theo nghệ nhân Thị Ai thì việc gìn giữ, truyền nghề dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào trong ý thức của mỗi gia đình nơi đây. Qua các thế hệ, mẹ truyền nghề cho con gái, chị bày vẽ cho con cách dệt những trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cứ thế, từ khi còn nhỏ, người con gái M’nông đã được chỉ dạy, làm quen với nghề dệt thổ cẩm, đến tuổi đi lấy chồng thì tự tay dệt được bộ váy áo bằng thổ cẩm để dùng vào các dịp lễ, ngày hội của bon làng.

Vẫn nhiều trăn trở

Theo thống kê của UBND xã Đắk R’tíh, hiện nay trên địa bàn xã có gần 1.000 phụ nữ dân tộc M’nông tuổi đời từ 18 trở lên thì đã có đến 900 người biết dệt thổ cẩm. Một điều đáng mừng là hơn 70% chị em trong số này là lớp trẻ, từ 18 - 30 tuổi. Với việc ngày càng có nhiều bạn trẻ biết dệt thổ cẩm thì công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn xã cũng sẽ mang tính chất lâu dài và bền vững.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, cũng như sự kế thừa giữa các thế hệ nên số lượng người biết dệt và làm ra các sản phẩm thổ cẩm ở xã Đắk R’tíh ngày càng nhiều. Các sản phẩm thổ cẩm đã được đồng bào dệt một cách tinh xảo, mẫu mã, hoa văn cũng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, các sản phẩm thổ cẩm do chị em ở đây làm ra mới chỉ được sử dụng trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày chứ chưa thật sự trở thành hàng hóa, có thể tham gia thị trường trong và ngoài địa bàn.

Vì vậy, điều mà nhiều bà con ở đây trăn trở là cùng với việc gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu, có hướng đi phù hợp để giúp các sản phẩm thổ cẩm có “đầu ra” trên thị trường. Qua đó, bà con nơi đây có thêm công ăn việc làm, thu nhập, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm một cách lâu dài.

CHỐNG BUÔN LẬU - MUA BÁN GIAN LẬN


Cách nào bảo vệ người tiêu dùng miền núi?

Ở nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, bà con thường xuyên mua phải nhiều loại sản phẩm hàng hóa phục kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Điều này không chỉ gây thiệt hại đáng kể về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn bà con đành cam chịu vì thiếu thông tin.

Thiệt thòi vì thiếu thông tin

Cùng với sự phát triển kinh tế, sản phẩm hàng hóa được luân chuyển tự do, vì thế ở khắp các vùng miền núi, vùng xa, vùng sâu, biên giới, hải đảo không thiếu bất cứ một loại sản phẩm hàng hóa gì. Tuy nhiên đã có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc thiếu thông tin, trình độ kém hiểu biết của người đồng bào dân tộc nên đã đưa những mặt hàng kém chất lượng, hoặc hàng giả, hàng nhái để tiêu thụ. Đơn cử như bột ngọt, đường, muối, thực phẩm, thuốc kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại giống, vật tư nông nghiệp...

Anh Lò Văn Quân (Sơn La) chia sẻ, anh mua nồi cơm điện của hãng khá nổi tiếng nhưng được vài tuần thì hỏng, mang ra hỏi cửa hàng họ bảo hàng mua rồi miễn trả lại, nếu muốn liên hệ với nhà sản xuất. Khi liên hệ với nhà sản xuất, họ yêu cầu làm nhiều thứ từ thông tin cá nhân, địa chỉ mua, mã số, số series, giấy bảo hành, dùng có đúng cách không... Thấy lằng nhằng và mất thời gian quá nên thôi.

Không chỉ ở lĩnh vực tiêu dùng, nhóm mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng bị làm nhái, giả tràn lan với số lượng lớn và ngày càng gia tăng, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2014, nhiều hộ gia đình ở Tây Nguyên phản ánh về việc họ mua phải phân bón giả, giá cao nhưng khi sử dụng cho cây trồng không đạt năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến đất, nước, thậm chí chết cây, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Do hàng giả như hàng thật, cộng thêm việc thiếu thông tin nên người dân không thể phân biệt, trường hợp lỡ mua phải, họ đều có tâm lý chung cho rằng “số đen” và cam chịu. Những mặt hàng có giá trị lớn thì họ cũng chỉ biết gọi điện đến nhà sản xuất khiếu nại chứ không biết kêu ai. Nhưng các thủ tục hành chính thường làm họ không thể theo đến cùng.
vào cuộc đồng bộ

Tác hại nhãn tiền của việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng thì ai cũng biết, nhưng điều đáng nói ở đây là vụ việc đã diễn ra nhiều năm trời và ngày càng có xu hướng phức tạp tinh vi. Thêm vào đó Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã được thông qua từ 2010 nhưng đến nay công tác thực thi vẫn còn nhiều bất cập. Hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng vẫn chịu thiệt hại.

Nhiều chuyên gia cho rằng vì mục đích lợi nhuận nên vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ vẫn còn tiếp tục, ngày càng có xu hướng tinh vi hơn. Mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra xử lý nhưng không xuể. Tính đến tháng 10/2014, lực lượng này đã thực hiện gần 120.000 lượt kiểm tra, trong đó xử lý gần 64.000 vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa lên tới gần 200 tỷ đồng.

Theo hướng dẫn của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, trường hợp người tiêu dùng phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm, thì có thể thực hiện một trong 4 biện pháp như sau: Thứ nhất là thương lượng giữa hai bên, thứ hai là hòa giải, thứ ba là nhờ đến trọng tài và cuối cùng là tòa án.

Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp như trên chỉ khả thi với những sản phẩm, dịch vụ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có hợp đồng, giá trị lớn, ở khu vực thành thị và người tiêu dùng am hiểu luật pháp. Còn với những người dân ở miền núi xa xôi sẽ rất khó và không khả thi. Do đó, cách bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất là xử phạt thật nặng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Công khai các doanh nghiệp cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái. Nhưng để làm được việc này cần có sự vào cuộc và quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, kể cả cấp xã. Ngoài ra, nên tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn hoặc hình thành các mạng lưới cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao.

HÀNG VIỆT


Khôi phục nghề dệt thổ cẩm

Với ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, đồng bào các bon làng ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức – Đắk Nông) đang cố gắng khôi phục nghề dệt thổ cẩm, quyết không để nghề truyền thống của dân tộc mai một theo thời gian. Mặc dù chưa trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra rộng rãi trên thị trường, nhưng việc chị em M’nông biết kiên trì, nhẫn nại ngồi bên khung cửi, khéo léo dệt ra những tấm thổ cẩm bền đẹp, phần nào cũng cho thấy sức sống của cội nguồn, bản sắc dân tộc.

Sức sống từ lớp trẻ

Trải qua năm tháng, các sản phẩm thổ cẩm như: váy, áo, túi xách, khăn, chăn… vẫn được nhiều đồng bào trên địa bàn xã thường xuyên sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, ngày tết, cưới hỏi... của bon làng. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm ở đây luôn được nhiều chị em gìn giữ, phát huy bằng cả ý thức và tấm lòng của mình. Xã đã mở được 32 lớp dạy nghề thổ cẩm với hàng trăm lượt người tham dự. Mỗi lớp học kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, thu hút được rất nhiều chị em tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề. Theo bà Thị Ai, nghệ nhân truyền dạy nghề dệt thổ cẩm ở bon Bu Koh, để làm nên các sản phẩm đòi hỏi người dệt phải tập trung sắp xếp từng sợi chỉ và phải mất một khoảng thời gian khá dài. Thế nhưng, chị em khi đến học không một ai nản lòng mà luôn say sưa, chăm chú để sớm nắm bắt được kỹ thuật dệt thổ cẩm. Những lúc rảnh rỗi, nhiều chị em còn tìm đến nhà những nghệ nhân trong xã với mong muốn tiếp tục nâng cao tay nghề một cách thuần thục, nhuần nhuyễn.

Sự tâm huyết học hỏi nghề dệt thổ cẩm của nhiều chị em đã góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa. Vì vậy, bản thân mỗi nghệ nhân cũng như những người có kinh nghiệm ở địa phương luôn tâm huyết, không ngại khó khăn, cố gắng làm sao truyền nghề dệt thổ cẩm cho thật nhiều người.

Theo nghệ nhân Thị Ai thì việc gìn giữ, truyền nghề dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào trong ý thức của mỗi gia đình nơi đây. Qua các thế hệ, mẹ truyền nghề cho con gái, chị bày vẽ cho con cách dệt những trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cứ thế, từ khi còn nhỏ, người con gái M’nông đã được chỉ dạy, làm quen với nghề dệt thổ cẩm, đến tuổi đi lấy chồng thì tự tay dệt được bộ váy áo bằng thổ cẩm để dùng vào các dịp lễ, ngày hội của bon làng.

Vẫn nhiều trăn trở

Theo thống kê của UBND xã Đắk R’tíh, hiện nay trên địa bàn xã có gần 1.000 phụ nữ dân tộc M’nông tuổi đời từ 18 trở lên thì đã có đến 900 người biết dệt thổ cẩm. Một điều đáng mừng là hơn 70% chị em trong số này là lớp trẻ, từ 18 - 30 tuổi. Với việc ngày càng có nhiều bạn trẻ biết dệt thổ cẩm thì công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn xã cũng sẽ mang tính chất lâu dài và bền vững.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, cũng như sự kế thừa giữa các thế hệ nên số lượng người biết dệt và làm ra các sản phẩm thổ cẩm ở xã Đắk R’tíh ngày càng nhiều. Các sản phẩm thổ cẩm đã được đồng bào dệt một cách tinh xảo, mẫu mã, hoa văn cũng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, các sản phẩm thổ cẩm do chị em ở đây làm ra mới chỉ được sử dụng trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày chứ chưa thật sự trở thành hàng hóa, có thể tham gia thị trường trong và ngoài địa bàn.

Vì vậy, điều mà nhiều bà con ở đây trăn trở là cùng với việc gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu, có hướng đi phù hợp để giúp các sản phẩm thổ cẩm có “đầu ra” trên thị trường. Qua đó, bà con nơi đây có thêm công ăn việc làm, thu nhập, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm một cách lâu dài.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)