Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 9/01/2015

02:54 PM 10/11/2014 |   Lượt xem: 2296 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật: Nông dân ít được tập huấn


Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và sử dụng thuốc BVTV thiếu hiệu quả và an toàn là vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Do vậy, cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng và mở các lớp huấn luyện nông dân về công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV, áp dụng nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly trong sử dụng thuốc. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức tổ dịch vụ BVTV ở từng xã, huyện và phát triển mạng lưới dịch vụ BVTV trên một số cây trồng có lợi thế cạnh tranh và cây trồng tiềm năng.

Từ những nghiên cứu cụ thể

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (RCRD - Trường Đại học An Giang), chỉ có khoảng 43% nông dân tại các địa bàn nghiên cứu (Nam Định, Phú Thọ, An Giang) được tập huấn về sử dụng hóa chất BVTV. Có 86% nông dân đều cho rằng, hóa chất BVTV là chất độc nhưng vẫn sử dụng chúng trong trồng trọt. Riêng đối với việc sử dụng Paraquat (hoạt chất diệt cỏ phổ rộng) và Chlorpyrifos (thuốc trừ rầy, sâu, mối mọt, phổ rộng), hai loại hóa chất đã được nhiều nước loại ra khỏi danh mục sử dụng, có khoảng 85% nông dân tại các địa bàn nghiên cứu sử dụng Paraquat trong khu vực trồng cây, trong khi đó có tới 91% nông dân sử dụng Chlorpyrifos cho mục đích định kỳ, phòng ngừa sâu hại. Về liều lượng sử dụng, 2,4% nông dân phun hóa chất BVTV dưới mức khuyến cáo, 56,4% nông dân sử dụng hóa chất BVTV bằng khuyến cáo, 31% nông dân sử dụng cao hơn khuyến cáo. Điều đáng nói là bà con đọc hướng dẫn sử dụng, chứ ít khi để ý đọc chỉ dẫn an toàn.

... Đến sự minh bạch hóa thông tin

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó giám đốc Trung tâm SRD cho biết, các sản phẩm này đến từ các nhà sản xuất, phân phối dưới sự điều phối của nhà nước và các cơ quan chức năng, chuyên môn về nông nghiệp thông qua hệ thống pháp lý. Vì vậy, bà con cần được cung cấp thêm nhiều thông tin về tính độc của các loại hóa chất BVTV và 2 hoạt chất trên. Cần thiết phải minh bạch hóa các thông tin về tính độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường về hóa chất BVTV mà họ đang áp dụng trong sản xuất. Trên thực tế, thời gian qua, chúng ta đã cho phép quá nhiều công ty BVTV hội thảo, giới thiệu sản phẩm hoặc quảng cáo trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các nơi công cộng. Điều này đã có những ảnh hưởng nhất định đến nhận thức của người dân trong việc buộc phải sử dụng hóa chất BVTV. Việc kiểm soát chặt chẽ thị trường thuốc BVTV, tăng cường công tác thanh kiểm tra cũng cần được đẩy mạnh để hạn chế tình trạng “loạn” các loại thuốc BVTV như hiện nay.

Để khắc phục những mặt tồn tại của thuốc BVTV, PGS. TS. Nguyễn Kim Vân - Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chuyên ngành cần xây dựng và hoàn thiện các nghị định và thông tư thi hành Luật Bảo vệ và kinh doanh thực vật mới được phê duyệt. Bên cạnh đó, cần loại bỏ dần những thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, tăng cường các loại thuốc tiên tiến, ít độc hại với con người và môi trường. Khuyến khích đăng ký thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn. Kiểm tra, rà soát lại những hoạt chất BVTV có độ độc cao, kém hiệu quả hoặc chậm phân hủy để loại bỏ dần khỏi danh mục thuốc BVTV đã đăng ký ở nước ta; cần chú ý các hoạt chất thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng ở một số nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV bất hợp pháp, thuốc nhập lậu, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc...

Box: Ông Lê Thanh Phong - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn cho biết, trong quá trình điều tra cho thấy các triệu chứng mà phần lớn bà con thường gặp khi sử dụng hóa chất BVTV là mệt mỏi (82,1%), nóng và ngứa (57%) và nhức đầu (56,6%). Trong đó, 8,5% nông dân khẳng định đã từng bị ngộ độc trong khi sử dụng hóa chất BVTV. Cá biệt có trường hợp ngộ độc đến 5 lần trong năm vừa qua.

MUA GÌ


Tuyên Quang: Chè búp khô giá ổn định

Ngoài thương hiệu cam sành huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), từ bao đời nay, cây chè cũng luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây. Người trồng chè ở Hàm Yên giờ đây không những đã thoát nghèo mà còn làm giàu từ loại cây này bằng cách làm ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng. Chè búp khô hiện ổn định với giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Diện tích trồng chè lớn nhất của huyện Hàm Yên phải kể đến xã Tân Thành, cũng là xã đầu tiên thực hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap của huyện. Mô hình trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh và huyện Hàm Yên thực hiện từ đầu năm 2013 với diện tích 5 héc-ta chè của dự án và 8 héc-ta chè vệ tinh. Từ khi thực hiện sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng chè đã thu được kết quả khả quan, chất lượng, giá trị sản phẩm chè cũng như thu nhập của người dân được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.

Đồng Nai: Giá hạt ca cao tăng

Hiện mặt hàng ca cao đang rộ mùa thu hoạch nhưng giá thu mua vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, trái ca cao tươi mua tại vườn có giá từ 5.000 - 5.200 đồng/kg, giữ giá so với đầu vụ và tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hạt ca cao khô có giá đến 70.000 đồng/kg, tăng trên 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ và tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với đầu vụ. Giá ca cao liên tục tăng lên mức giá mới do ảnh hưởng thị trường thế giới cung nhỏ hơn cầu. Riêng ở Đồng Nai, vì nhiều nguyên nhân, sản lượng thu hoạch ca cao giảm từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình Định: Kiệu rau Phù Mỹ mất mùa, mất giá

Kiệu rau tại các chợ trên địa bàn huyện Phù Mỹ rớt giá mạnh. Nếu đầu vụ thu hoạch từ tháng 10/2014, giá bán bình quân 7.000 - 8.000 đồng/kg, người nông dân còn có lời trên dưới 2 triệu đồng/sào thì hơn một tuần qua, giá kiệu rau bình quân chỉ còn 4.000 đồng/kg. Giá giảm nhưng nhiều người vẫn tiếp tục nhổ bán nên sức mua bị chậm. Trong khi vụ kiệu rau năm nay, do thời tiết bất lợi, năng suất đạt bình quân 500 kg/sào, tính ra 1 sào thu xấp xỉ 2 triệu đồng, chỉ đủ lấy lại vốn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng kiệu rau ở Phù Mỹ cho biết dù mất mùa, mất giá nhưng vẫn phải nhổ bán để vừa thu hồi vốn, vừa lấy đất sản xuất một số cây trồng cạn khác cho kịp thời vụ.

Quảng Trị: Rau xà lách xoong đắt hàng

Bà con xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) coi loại rau xà lách xoong (còn gọi là rau liệt) là loại rau siêu lợi nhuận vì không cần vốn đầu tư nhiều do nguồn giống tự ươm, cây sinh trưởng hoàn toàn nhờ vào tự nhiên. Sản lượng rau thu hoạch trung bình mỗi ngày toàn xã khoảng 5.000 - 6.000 bó với mức giá hiện nay khoảng 5.000 đồng/bó. Đầu vụ, người dân lấy giống rau từ ruộng ươm ra cấy, sau nửa tháng thì có thể thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch xong, gốc rau được cắt ngang cứ để vậy 15 - 20 ngày sau là cho thu hoạch lại mà không cần chăm bón, vun xới gì. Trong quá trình sinh trưởng, rễ rau đan xen và bám chặt vào nhau thành một lớp dày nên trên đất trồng loại rau này không một loại cỏ dại nào có thể mọc được; vì thế người dân cũng không mất công chăm sóc hay làm cỏ. Từ khi rau trồng đến ngày thu hoạch, người dân chỉ bỏ công ra đồng cắt rau và gánh về các địa điểm đầu mối thu mua quanh làng để bán. Là sản phẩm rau sạch nên rất đắt hàng cả trong và ngoài tỉnh như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng...

Giá tiêu tại một số tỉnh trong tuần

Tỉnh

Giá (đồng/kg)

Chư Sê (Gia Lai)

190.000

Châu Đức

(Bà Rịa)

193.000

Đắk Lắk –

Đắk Nông

190.000

Bình Phước

192.000

Giá cà phê tại một số tỉnh trong tuần

Tỉnh

Giá (đồng/kg)

Đắk Lắk

39.200

Lâm Đồng

38.800

Gia Lai

39.500

Đắk Nông

39.800

BÁN GÌ


Quảng Trị: Ngư dân được mùa ruốc

Từ cuối tháng 9 đến nay, do thuận lợi về ngư trường nên bà con ngư dân khu vực bãi ngang tỉnh Quảng Trị được mùa ruốc. Với giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg ruốc tươi thì đây là nguồn thu nhập khá cao đối với bà con ngư dân bãi ngang. Biển bãi ngang những ngày này thuyền ruốc ngược xuôi vào ra tấp nập. Trung bình một ngày, một thuyền ruốc có thể thu về trên 2 - 3 tạ ruốc, thu nhập gần 3 triệu đồng/ngày. Do đặc thù của vùng bãi ngang nên hầu hết tàu thuyền ở đây chỉ có công suất nhỏ trên dưới 12 mã lực, chủ yếu là đánh bắt ven bờ. Từ việc khai thác ruốc và thủy sản ven bờ, bà con ngư dân ở đây đã phát triển thêm một số dịch vụ mới như nấu nước mắm và chế biến thủy sản khô đáp ứng thị trường trong tỉnh và một số vùng lân cận.

Kết quả sản lượng khai thác thủy hải sản của Quảng Trị từ đầu năm đến nay đã đạt trên 16.000 tấn. Đặc biệt, sản phẩm thủy sản khai thác chủ yếu là các loại có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu như cá thu, ngừ và mực. Ruốc năm nay được mùa đang trở thành động lực giúp ngư dân Quảng Trị sống được với nghề.
Ảnh: Ruốc được làm sạch sau khi kéo lên bờ

Quảng Ngãi: Thiếu nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến hải sản

Hiện 20 nhà máy chế biến hải sản tại tỉnh Quảng Ngãi đang phải hoạt động cầm chừng hoặc hoạt động không hết công suất, thậm chí có nhà máy đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hơn 110.000 tấn. Trong khi đó các Nhà máy chế biến hải sản chỉ cần 1/10 sản lượng này là đủ hoạt động nhưng không được đáp ứng. Nguyên nhân do các cửa biển thường bị bồi lấp, hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá còn hạn chế nên tàu thuyền của ngư dân không về các cảng cá của tỉnh Quảng Ngãi để tiêu thụ sản phẩm. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, Quảng Ngãi cần đầu tư tăng cường cơ sở vật chất ngành hải sản. Ví dụ, ngoài cảng biển, xây dựng các nhà máy, xây dựng cơ chế cho vay vốn để đóng các tàu… để ngày càng thu hút được nguồn hải sản các ngư trường về cho Quảng Ngãi.

Cà Mau: Giá cá bổi giảm mạnh

Còn gần 1 tháng nữa mới vào mùa thu hoạch rộ cá bổi, nhưng hiện nay mức giá thương phẩm, cả sản phẩm khô và tươi tại tỉnh Cà Mau đã giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với năm trước, trong bối cảnh chi phí sản xuất và giá thức ăn lại tăng cao. Hiện giá cá bổi loại 8 con/kg chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg, loại 6 con/kg giá hơn 55.000 - 65.000 đồng/kg, giảm từ 15.000 – 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, năm ngoái, giá thức ăn chăn nuôi chỉ khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, thì năm nay tăng lên tới 15.000 - 17.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm là do năm nay, sản lượng cá bổi thả nuôi không tăng so với trung bình hàng năm, nhưng lượng cá bổi đổ về từ các tỉnh khác tăng mạnh, khiến nguồn cung vượt cầu.

Tăng cường kiểm tra nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu

Bộ NN&PTNT sẽ không cấp giấy chứng nhận An toàn thực phẩm (ATTP) cho những cơ sở chế biến nhuyễn thể hai mảnh vỏ có quá trình xử lý nhiệt hoặt kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm không đáp ứng quy định của EU. Như vậy, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và sản phẩm chế biến từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu sang EU sẽ được thẩm tra quá trình xử lý nhiệt theo kế hoạch thống nhất giữa cơ quan kiểm tra với cơ sở, bảo đảm nguyên tắc lô hàng xuất khẩu phải được thẩm tra. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm đối với từng lô hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ và sản phẩm chế biến từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ đăng ký xuất khẩu vào EU về chỉ tiêu vi sinh vật. Chỉ lô hàng được áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường theo quy định mới được cấp giấy chứng nhận ATTP xuất khẩu vào EU. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phải yêu cầu cơ sở chế biến thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp, thực hiện thẩm tra thực tế trước khi tiếp tục cấp giấy chứng nhận ATTP xuất khẩu vào EU cho các lô hàng của cơ sở. Đồng thời, thông báo tới Cơ quan thẩm quyền châu Âu những cơ sở không có biện pháp khắc phục đáp ứng đầy đủ quy định của EU để cơ quan này xem xét việc đưa tên cơ sở ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào EU.

LƯU Ý CẢNH BÁO


EU cảnh báo ngừng nhập thủy sản Việt Nam: Cần nâng cao ý thức cho người nuôi


Mới đây, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo về tình trạng kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép gia tăng đột biến với các lô hàng thủy sản từ Việt Nam. Phía EU yêu cầu Việt Nam khắc phục khẩn cấp trước ngày 9/1/2015, nếu không sẽ có biện pháp kiểm soát bổ sung, thậm chí ngừng nhập thủy sản từ nước ta.

Trước tình trạng này, ngày 25/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ NN&PTNT - đã có chỉ thị, đề nghị các địa phương giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc mua, bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục cho phép.

Tăng cường phổ biến, tập huấn cho bà con

Theo Thứ trưởng (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, yêu cầu cấp thiết hiện nay là nâng cao ý thức của người nuôi bằng cách tập huấn, truyền thông các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, những quy định về an toàn sinh học và cách thiết kế ao đầm khoa học. Nên xây dựng và áp dụng kết hợp cả 2 mô hình giám sát bệnh thụ động và chủ động nhằm đưa ra được bản đồ dịch tễ về bệnh và những cảnh báo sớm về tình hình dịch. Các Viện cần nghiên cứu mô hình nuôi bền vững, có thể theo hướng nuôi kết hợp tôm với các loại cá, nghiên cứu các dòng vi khuẩn có tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn gây bệnh, nghiên cứu các chất hỗ trợ nâng cao sức đề kháng của tôm. Ngành thú y phải quản lý tốt các loại thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Về vấn đề này, Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện có rất nhiều phác đồ, quy trình nuôi được các Viện đưa ra, nhưng khi triển khai chưa thấy có tính lặp lại ở mức độ thành công. Nghĩa là cùng một quy trình nuôi được áp dụng, nhưng vụ trước thành công, còn vụ nuôi sau thì thất bại. Một số chế phẩm sinh học, thảo dược đã được nghiên cứu, nhưng khả năng ứng dụng còn rất xa vời. Đến thời điểm này, vẫn chưa xây dựng được giải pháp nào tối ưu cho phòng chống dịch bệnh trên tôm. Bởi vậy, phải nuôi trồng sạch bệnh từ con giống đến môi trường. Phải thay đổi cách thức kiểm dịch hiện tại, trại sản xuất tôm giống cần có điều kiện, đáp ứng an toàn sinh học. Môi trường các ao nuôi cần được xử lý nghiêm ngặt. Ngoài ra, để việc sử dụng kháng sinh đạt hiệu quả cao, người nuôi cần tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nước ao nuôi bằng cách xử lý các chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ, khí độc và tăng thêm Ôxy cho tôm, cá thở. Tăng cường sức đề kháng cho tôm, cá bằng cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, chất khoáng.

Cách sử dụng kháng sinh

Theo tư vấn của Tổng cục thủy sản, để việc sử dụng kháng sinh phòng trị bệnh động vật thủy sản đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, người nuôi thủy sản cần thực hiện tốt những việc sau:
+ Chỉ sử dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh không có tác dụng trị bệnh do nhiễm vi rút (bệnh đốm trắng, đầu vàng, Taura, MBV ở tôm sú, tôm chân trắng). Nếu dùng kháng sinh trị bệnh nhiễm vi rút chỉ tốn tiền và bệnh để lâu sẽ nặng thêm, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và nguy cơ mầm bệnh lây lan ra diện rộng. Người nuôi cần tham khảo ý kiến của cán bộ thú y thủy sản địa phương trong việc xác định tác nhân gây bệnh và hướng điều trị tích cực.

+ Dùng đúng loại kháng sinh và sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn của cán bộ thú y thủy sản. Nếu có điều kiện nên đưa mẫu tôm cá nhiễm bệnh đến các phòng xét nghiệm làm kháng sinh đồ để có kết luận chính xác về loại kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh và biết được mức độ nhạy cảm của kháng sinh đối với vi khuẩn đó.

+ Dùng đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc theo khuyến cáo của cơ sở sản xuất. Nếu chỉ dùng thuốc trong 2 - 3 ngày rồi ngưng, sau đó dùng lại thuốc sẽ không tác dụng, vì vi khuẩn đã kháng thuốc. Thông thường một đợt trị bệnh do nhiễm khuẩn phải kéo dài từ 5 - 7 ngày mới có kết quả.

Không pha trộn nhiều loại kháng sinh vào nhau khi chưa biết rõ tính chất hóa học của chúng. Có thể các phản ứng hóa học của 2 - 3 loại kháng sinh khi trộn chung sẽ làm thuốc mất tác dụng, gây lãng phí tiền của còn bệnh thì không hết.
+ Ngưng dùng thuốc 4 tuần trước khi thu hoạch sản phẩm, nhằm giúp tôm, cá nuôi bài tiết các chất kháng sinh còn tồn lưu trong cơ thể chúng ra ngoài, đảm bảo dư lượng kháng sinh ở mức thấp trong giới hạn cho phép.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG


Trái cây Việt Nam từng bước chinh phục khách hàng khó tính


Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu trái cây cả năm 2014 thắng lớn. Ước tính, xuất khẩu các loại trái cây của cả nước đạt 1,48 tỷ đô-la Mỹ.

Nhưng quan trọng hơn là trong năm 2014, đã có thêm nhiều khách hàng khó tính muốn mua (nhập khẩu) rau, củ, trái cây của Việt Nam. Mới đây, bên cạnh mặt hàng thanh long, chôm chôm, các cơ quan kiểm dịch của Mỹ đã cho phép nhập khẩu thêm vải và nhãn từ Việt Nam. Sau thanh long, nhãn và vải, hiện các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh đàm phán và xúc tiến thương mại để tiếp tục đưa các loại trái đặc sản khác như vú sữa, chôm chôm, xoài… thâm nhập vào các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Úc, Niu Di-lân, Đài Loan...

Nhưng tín hiệu kể trên là rất đáng mừng song vẫn cần nhìn thẳng vào thực tế là thời gian qua, hoạt động xuất khẩu rau, củ, trái cây của Việt Nam vẫn chỉ chủ yếu dựa vào khách hàng Trung Quốc. Năm 2014, Trung Quốc đứng đầu trong 10 nước nhập nhiều trái cây Việt Nam. Chính vì điều này, người sản xuất trái cây, rau, củ của Việt Nam luôn ở trong tình trạng bấp bênh, hứng chịu nhiều rủi ro mỗi khi thị trường biến động. Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang từng bước thực hiện các chính sách, chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trái cây - nông sản theo hướng đa dạng thị trường, nâng cao giá trị và sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo có nông sản sạch; thu hút các doanh nghiệp và tập đoàn đầu tư công nghệ vào nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu các trái cây đặc sản để được các khách mua khó tính chấp nhận. Theo hướng này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã và đang tổ chức quy hoạch trái cây thành vùng chuyên canh lớn, cấp mã số vùng trồng cho các khu vực trái cây xuất khẩu; đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản áp dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản trái cây; phổ biến việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào nông sản nhằm nâng chất lượng an toàn thực phẩm cũng như uy tín, thương hiệu cho nông sản - trái cây Việt Nam.

Phú Yên: Đảm bảo sinh kế cho bà con ven biển

Phú Yên là nơi khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương của cả nước với đội tàu hơn 600 chiếc, công suất từ 90 đến hơn 400 mã lực chuyên bám vùng biển quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm từ 5.500 đến hơn 6.000 tấn, cao nhất nhì vùng duyên hải miền Trung.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều dự án đầu tư cho các xã, huyện ven biển nhằm đảm bảo sinh kế cho bà con. Trong đó điển hình là dự án lập quy hoạch chi tiết khu đất đầu tư xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ. Dự kiến diện tích khu đất xây dựng khoảng 1,4 héc-ta đã cấp cho cảng cá Đông Tác và diện tích mở rộng (đoạn từ cảng cá Đông Tác đến cầu tàu của Xí nghiệp đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ). Đặc biệt, trong tháng cuối cùng của năm 2014, Phú Yên đã xây dựng kế hoạch hành động triển khai đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đề án được thực hiện tại 27 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển là thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa.

Mục tiêu của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống, làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ bản; mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao. Hướng đến củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo; phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, qua đó tăng năng lực cấp cứu, vận chuyển khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo...

Phấn đấu đến năm 2020, 100% tàu cá hoạt động từ vùng lộng trở ra được trang bị tủ thuốc cấp cứu.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Tiền Giang: Đầu ra của trái hồng xiêm ổn định

Tiền Giang đang phát triển gần 3.000 héc-ta trồng cây hồng xiêm, tập trung ở các xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành và Cai Lậy. Hiện nay, hồng xiêm là một trong số cây ăn quả có giá trị cao ở tỉnh Tiền Giang. Giá của trái cây này luôn ở mức cao từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Điều này có được là do đầu ra của loại trái cây này luôn ổn định.

Thị trường tiêu thụ chính của hồng xiêm là trong nước và một số xuất khẩu sang các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Singapore. Gần đây, nhà vườn tỉnh Tiền Giang chú trọng phát triển vườn cây hồng xiêm năng suất, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như hồng xiêm Mặc Bắc, Mexico... Mỗi năm cây hồng xiêm ở địa phương cung cấp cho thị trường trên 52.000 tấn trái, giúp cho hàng nghìn hộ dân thoát nghèo vươn lên khá giả. Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây hồng xiêm lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay hồng xiêm đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây hồng xiêm. Tới đây, diện tích trồng hồng xiêm của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định. Hầu hết cây hồng xiêm của Tiền Giang đều ra trái quanh năm. Do đó, việc mua bán cũng diễn ra thuận lợi hơn. Mặc dù hồng xiêm chỉ được xuất sang các thị trường lân cận, tuy nhiên với sản lượng mỗi năm của huyện Châu Thành hơn 6 triệu tấn, thì con số này gần như được tiêu thụ hết. Tại cơ sở thu mua trái cây Cô Mai – Châu Thành – Tiền Giang ngoài tiêu thụ trong nước, mỗi tháng còn xuất hai container sang thị trường Trung Quốc.

Để đảm bảo đầu ra và ổn định thị trường, năm 2010, Hội Làm vườn huyện Châu Thành đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã xin cấp sở hữu trí tuệ và được cấp vào năm 2010, thương hiệu này có giá trị 10 năm, hồng xiêm Mặc Bắc Kim Sơn, tiến hành chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để bà con nắm được tiến hành áp dụng vào sản xuất cho hiệu quả cao. Trải qua những giai đoạn thăng trầm do biến động giá cả, giờ đây, Châu Thành đang khôi phục lại vị thế loại cây ăn trái này, mở ra triển vọng phát triển cho vùng chuyên canh hồng xiêm ven sông Tiền.

Cà Mau: Làng nghề tất bật phục vụ hàng Tết


Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Cà Mau không khí Tết dường như đến sớm hơn. Các làng khô xứ biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), tôm khô Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) hay làng khô bổi và làng chuối khô Trần Hợi, Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời)... bà con đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ Tết.

Tuy không phải là cửa biển lớn của tỉnh, thế nhưng nghề làm khô tại Cái Đôi Vàm đã hình thành từ rất lâu, đáp ứng nhu cầu thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng về chủng loại. Chính sự đa dạng về chủng loại đã khiến nhiều tiểu thương có nhu cầu kinh doanh khô trong các dịp Tết hay hằng ngày lại nghĩ ngay đến cửa biển Cái Đôi Vàm. Mặc dù còn nhiều khó khăn trên con đường phát triển như thiếu sân phơi, phụ thuộc vào thời tiết và nguồn nguyên liệu từ hoạt động khai thác..., song làng cá Cái Đôi Vàm những ngày này sôi động hẳn lên. Hoạt động thu mua, chế biến và phân loại xuất bán của làng khô khác hẳn những ngày thường, nhộn nhịp hơn. Bước vào những ngày này, hơn trăm hộ dân của khóm 3, 4, 5 và một vài hộ của các khóm khác đều tập trung thu mua hàng, tìm kiếm lao động nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng làm quà Tết.
Trở lại làng nghề chuối ép khô trong những ngày này, không khí tất bật chuẩn bị hàng phục vụ Tết cũng chẳng thua kém so với các làng khô xứ biển. Theo thống kê, tỉnh Cà Mau có diện tích trồng chuối lớn thứ 2 của khu vực ĐBSCL, với 5.509 héc-ta. Với lợi thế nguồn nguyên liệu chuối có sẵn tại địa phương, nghề ép chuối khô được nhiều hộ dân ấp 10C, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chọn làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo. Thị trường đối với mặt hàng chuối khô mạnh nhất bắt đầu từ những ngày đầu tháng 11 âm lịch. Nhu cầu tăng cao, thời tiết nắng nóng của những tháng cuối năm ủng hộ nghề nên ai cũng tranh thủ ép chuối tăng thu nhập.

CHỐNG BUÔN LẬU NHẬN BIẾT HÀNG THẬT - GIẢ


Phòng chống buôn lậu ở khu vực biên giới: Hàng không rõ xuất xứ “đội lốt” Made in Vietnam

Đi hội chợ tổ chức ở các tỉnh miền núi, dễ dàng bắt gặp nhiều gian hàng bày bán quần áo treo biển “Made in Vietnam”. Hàng đa dạng, giá rất rẻ, khách hàng chen nhau mua sắm. Tuy nhiên, đây có thực sự là hàng do Việt Nam sản xuất không và chất lượng các sản phẩm này như thế nào vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều người tiêu dùng.

Hàng hóa theo hội chợ lên vùng cao

Mấy năm trở lại đây, nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt đã tăng lên rất nhiều. Cùng với những chuyến hàng, những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; hàng Việt đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.

Nắm bắt được tâm lý này, không chỉ tại các hội chợ hàng Việt, mà bất kỳ hội chợ nào, rất nhiều gian hàng đã trưng biển Made in Vietnam để thu hút khách hàng. Phổ biến nhất là với mặt hàng quần áo.
Có dịp đến với hội chợ hàng tiêu dùng ở Hà Giang, Móng Cái hay mới đây nhất là tại hội chợ Việt Bắc tổ chức ở Thái Nguyên, chúng tôi đều bắt gặp những dãy dài các quầy hàng quần áo treo biển Made in Vietnam, với đủ các loại mặt hàng: Quần áo dành cho người già, thanh niên, trẻ em, quần áo nam, nữ. Hàng treo có, hàng đổ đống cũng có…

Bên cạnh những tấm biển đề “Quần nỉ đại hạ giá”, “Áo phao giá sốc”, “Quần áo trẻ em 3 bộ chỉ 100.000 đồng” là những lời mời gọi hấp dẫn được người bán thông báo liên tục bằng loa. Nào là “giải quyết hàng tồn kho”, nào là “hàng xuất dư”, nào là “thanh lý cuối năm”…

Với giá rẻ, lại được quảng cáo là hàng Việt nên các gian hàng này lúc nào cũng tấp nập khách. Đây chính là lý do để chủ các gian hàng này thường xuyên tham gia vào các kỳ hội chợ. Đặc biệt là các kỳ hội chợ tổ chức ở các tỉnh miền núi, nơi thu nhập của người dân còn thấp, yêu cầu về chất lượng sản phẩm chưa cao…
Nhập nhèm về chất lượng, xuất xứ

Ghé vào các gian hàng Made in Vietnam ở hội chợ, cầm xem thử các sản phẩm bày bán ở đây, cảm nhận đầu tiên đó là, các đường may nhìn chung khá cẩu thả, không chắc chắn. Chất liệu vải thô ráp, mỏng. Kiểu dáng được nhái theo các mẫu mã đang được ưa chuộng nhưng thiết kế khá vụng về; theo kiểu ăn bớt vải… Đặc biệt, bên cạnh những sản phẩm mang nhãn mác của cơ cở may tư nhân, là các sản phẩm không nhãn mác. Thậm chí mặc dù quảng cáo là hàng “Made in Vietnam”, nhưng không ít sản phẩm còn nguyên mác “Made in China”…

Hỏi chuyện nhiều khách mua hàng được biết, đa phần thấy rẻ thì mua, chứ về mặc không được lâu vì sau vài lần là tuột chỉ, xù lông, bạc màu, rão…

Trên thực tế, đây là các sản phẩm được thu gom từ nhiều đầu mối khác nhau, một số quần áo từ biên giới Trung Quốc về, còn lại là quần áo do các cơ sở may tư nhân Việt Nam may từ vải rẻ tiền của Trung Quốc. Nhiều sản phẩm còn là hàng lỗi, hàng ế tồn lại từ nhiều năm trước.

“Tiền nào của nấy” – câu nói này rất đúng với những sản phẩm quần áo rẻ tiền đang bán tràn lan tại các hội chợ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, với việc quảng cáo bừa bãi các sản phẩm chất lượng thấp, xuất xứ không rõ ràng là hàng “Made in Vietnam”…, lâu dần sẽ có tác động không tốt đến niềm tin của người tiêu dùng về hàng Việt.

Thực trạng này cũng phản ánh sự dễ dãi, thiếu quyết liệt của các đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, phân loại hàng hóa trước khi cho phép bày bán tại các hội chợ. Nếu để tiếp diễn tình trạng này, đồng nghĩa với việc tiếp tay cho các đối tượng buôn bán, lợi dụng nhận thức, hiểu biết còn hạn chế của người tiêu dùng ở các vùng miền núi để tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng.

BÀ CON CẦN BIẾT


Bắt đầu từ số 1 năm 2015 (ra ngày 2/1/2015) Chuyên đề DTTS & MN – Báo Công Thương mở chuyên mục “Bà con cần biết” nhằm cung cấp các kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế để bà con biết sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trồng trọt là cần thiết, giúp bà con giảm sức lao động, bảo vệ cây trồng, hoa màu... Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng thuốc BVTV sẽ có những tác dụng ngược lại, thậm chí là nguy hại đến cả sinh mạng người trồng và người sử dụng.

Theo tư vấn của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, để sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả bà con cần phải tuân thủ một số nguyên tắc. Thứ nhất là nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách. Thứ hai, phải đảm bảo thời gian cách ly, đảm bảo an toàn khi sử dụng, cất giữ.
Kỹ thuật 4 đúng

Đúng thuốc:

Trước khi chọn mua thuốc, bà con nông dân cần biết loại sâu, bệnh, cỏ dại gây hại mà mình cần phòng trừ. Không nên sử dụng cùng một loại thuốc trong suốt vụ hoặc từ năm này qua năm khác. Nên ưu tiên mua loại thuốc có thời gian cách ly ngắn nhất.

Đúng liều lượng:

Dùng thuốc với liều cao hơn khuyến cáo sẽ làm gia tăng nguy cơ bị ngộ độc của người đi phun thuốc, người sống ở gần vùng phun thuốc và người sử dụng nông sản có phun thuốc. Ngoài ra còn có nguy cơ cây trồng bị hại do thuốc liều lượng cao gây ra (nhất là khi dùng thuốc trừ cỏ).

Đúng lúc:

Đối với dịch hại đúng lúc là phun thuốc vào thời điểm mà dịch hại trên đồng ruộng dễ bị tiêu diệt nhất. Sâu hại thường mẫn cảm nhất đối với thuốc BVTV khi chúng ở giai đoạn sâu non. Đối với thuốc trừ cỏ thì phải tuỳ theo đặc điểm của từng loại thuốc và sử dụng vào lúc thuốc có tác động mạnh nhất đến cỏ dại và ít có nguy cơ gây hại cho cây trồng. Đặc biệt, bà con phải tránh phun thuốc khi trời sắp mưa to có thể làm rửa trôi hết thuốc trên mặt lá, thân cây. Phun thuốc vào lúc trời mát, không có gió to để thuốc bay vào mặt hoặc bay vào nhà ở gần nơi phun thuốc. Phun đúng lúc là không phụ thuộc vào quá gần ngày thu hoạch nông sản. Phải tuỳ loại thuốc mà ngừng sử dụng trước khi thu hoạch một thời gian nhất định.

Đúng cách:

Dùng thuốc đúng cách thể hiện trước hết ở khâu pha thuốc. Pha thuốc đúng cách là làm thế nào để chế phẩm sử dụng được hoà thật đồng đều vào nước, như vậy khi phun thuốc sẽ được trang trải thật đều trên vật phun (lá cây, mặt đất…). Phun rải thuốc đúng cách là làm sao cho thuốc BVTV tiếp xúc được với dịch hại nhiều nhất. Có những loại sâu hại chỉ tập trung phá ở gốc (ví dụ rày nâu), có những loài chuyên sống trên lá, trên ngọn, lại có những loài chỉ sống ở mặt dưới lá… Do vậy khi phun thuốc phải hướng sao cho tia tập trung vào nơi định phun.

Bà con không tự ý pha hỗn hợp nhiều loại thuốc BVTV với nhau để phun trên đồng ruộng. Khi hỗn hợp 2 hay nhiều loại thuốc BVTV cũng có trường hợp do phản ứng với nhau mà hỗn hợp sẽ giảm hiệu lực trừ dịch hại, hoặc dễ gây cháy lá cây, hoặc dễ gây độc cho người sử dụng. Do vậy chỉ thực hiện việc hỗn hợp nếu như điều đó có hướng dẫn trên nhãn thuốc hoặc trong các tài liệu khoa học kỹ thuật hướng dẫn dùng thuốc BVTV.

Đảm bảo thời gian cách ly

Thời gian của một loại thuốc BVTV đối với một loại nông sản là thời gian kể từ ngày phun loại thuốc đó lần cuối trong vụ đến ngày thu hoạch nông sản đã có phun thuốc. Thời gian cách ly có thể thay đổi từ một vài ngày đến một vài tuần tuỳ theo đặc tính khoa học, tuỳ theo độc tính của thuốc và tuỳ theo loại cây lương thực, thực phẩm được phun thuốc, tuỳ theo lượng thuốc dùng trên đồng cỏ. Thời gian cách ly dài hay ngắn còn tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết trong thời kỳ phun thuốc.

Đảm bảo an toàn trong khâu cất giữ

Những thuốc BVTV mua về bà con chưa sử dụng hoặc dùng chưa hết phải được cất giữ trong các phòng riêng biệt, không dột khi bị mưa, có khoá cửa chắc chắn, xa nơi ở và chuồng trại gia súc. Những dụng cụ đong thuốc, bình bơm thuốc, quần áo bảo hộ lao động phải được giặt giũ, rửa sạch sẽ sau mỗi đợt phun thuốc và phải cất giữ trong kho riêng (cùng với nơi lưu trữ thuốc BVTV của gia đình). Tuyệt đối không được dùng các đồ dùng trong sinh hoạt (xô chứa nước ăn, chậu rửa rau vo gạo, muỗng, thìa, chén ăn cơm…) để đong, pha thuốc. Sau khi đã dùng hết thuốc, bà con không được dùng bao bì thuốc BVTV (chai thuốc, bịch thuốc BVTV) vào bất kỳ mục đích nào khác. Tốt nhất nên huỷ và chôn những bao bì này.

HÀNG VIỆT


Quảng Ninh: Phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản

Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến năm 2015 được triển khai từ năm 2012 với 23 dự án. Đây được coi là bước đi đột phá, đúng đắn với đích đến là nâng cao chất lượng, sản lượng của các loại nông sản, đồng thời đưa được khoa học công nghệ tiên tiến vào quy trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Nâng tầm nông sản đặc trưng

Không phải là một tỉnh nông nghiệp, nhưng Quảng Ninh có rất nhiều nông sản đặc trưng cho từng vùng, địa phương như: gà Tiên Yên, nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu, na dai Đông Triều… Các dự án xây dựng thương hiệu của tỉnh, bên cạnh hỗ trợ sản xuất sản phẩm hàng hoá phải đảm bảo đưa được sản phẩm ra thị trường, xây dựng được các kênh tiêu thụ sản phẩm, các công cụ tuyên truyền quảng bá để phát triển thị trường... Vì vậy, các dự án xây dựng thương hiệu của tỉnh tập trung vào những nội dung: Quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm hàng hoá; hỗ trợ phát triển sản xuất, áp dụng các quy trình tiến bộ kỹ thuật và sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm; xây dựng, tiêu chuẩn hoá các quy trình quản lý sản xuất, chuẩn hoá các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm từ khâu quản lý nguyên liệu, con giống đến sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu; xây dựng chuẩn hoá hệ thống bao bì nhãn mác, hệ thống nhận diện sản phẩm; hệ thống các công cụ tuyên truyền quảng bá phát triển thị trường; xây dựng hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường. Đã có nhiều sản phẩm tham gia các hội chợ hàng nông sản và được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến, tin dùng.

Bước đi đúng hướng

Đích đến của chương trình xây dựng thương hiệu cho các nông sản của tỉnh chính là nâng cao chất lượng, sản lượng của các loại nông sản, đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào quy trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh; giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường... Tuy chương trình chưa hoàn thành, nhưng nhiều nông sản đã được sản xuất theo hướng tập trung, bước đầu khẳng định vị thế trên thị trường. Đối với sản phẩm nếp cái hoa vàng Đông Triều, từ ngày có dự án xây dựng thương hiệu, diện tích canh tác lúa tăng đáng kể. Người dân trong vùng thực hiện dự án được tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa tăng cao, chi phí sản xuất thấp, giá bán sản phẩm của các thành viên tham gia dự án cao hơn giá sản phẩm cùng loại không thuộc vùng dự án. Một hội viên Hội Sản xuất và Kinh doanh nếp cái hoa vàng Đông Triều, chia sẻ: “Từ khi nếp cái hoa vàng Đông Triều có thương hiệu, sản phẩm của chúng tôi có giá trị hơn hẳn, sản xuất tới đâu là tiêu thụ hết tới đấy. Nếu như trước, 1 tạ thóc có giá trung bình 1,5 triệu đồng thì nay bán giá trên 2 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, nên gia đình tôi tăng diện tích cấy từ 1 mẫu lên 1,5 mẫu. Vụ vừa qua, lúa được mùa, giá bán cao, bà con chúng tôi phấn khởi lắm…”.

Các nông sản khác như trứng gà Tân An, rau an toàn Quảng Yên, na dai Đông Triều, thanh long Uông Bí, chả mực Hạ Long, tôm chân trắng Móng Cái, gà Tiên Yên... đều tăng về diện tích, số lượng và giá cả. Ví như trứng gà Tân An trước khi xây dựng thương hiệu chỉ bán được với giá 1.650 đồng/quả, sau khi tham gia xây dựng thương hiệu đã được bán với giá 1.800 đồng/quả. Các nông sản không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà còn được bán ra các tỉnh, thành lân cận. Rất nhiều sản phẩm đã có mặt ở các hội chợ, gian trưng bày sản phẩm hoặc ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015 đang dần cán đích. Quá trình triển khai các dự án xây dựng thương hiệu đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ dần chuyển sang sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập. Còn đối với người tiêu dùng, chưa khi nào lại dễ dàng tiếp cận với những đặc sản quê hương như hiện nay.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)