Tăng cường xây dựng văn hóa trong cơ quan hành chính

06:20 PM 04/10/2015 |   Lượt xem: 4383 |   In bài viết | 

Đây là một trong nhiều nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, sáng 11/3

Văn hóa tác động tích cực tới đời sống

Năm 2014, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục có bước phát triển mới đi vào các nội dung cụ thể hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hiện cả nước có trên 18,2 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 83,84%); 75.500 khu dân cư đạt chuẩn danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt tỷ lệ 67,54%).

Các phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Làng, Thôn, Ấp, Bản văn hóa, Tổ dân phố văn hóa”... có sự kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng từ hộ gia đình, từ đó nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân, tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng, bền vững.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động tích cực trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; nếp sống văn minh nơi công sở, tác phong, lề lối làm việc trong cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa… Đặc biệt, phong trào đã từng bước huy động được sức dân và cả hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở cùng tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu dân cư.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích các nguyên nhân khiến phong trào tuy phát triển rộng nhưng còn hạn chế về chiều sâu và hiệu quả; lực lượng tham gia phong trào còn phân tán, nội dung hoạt động chồng chéo. Nhiều tiêu chí về đời sống văn hóa tại các địa phương chưa cụ thể, sát thực tế. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến các điển hình, mô hình tốt về xây dựng đời sống văn hóa còn hạn chế.

Một số tiêu chí phấn đấu các danh hiệu văn hóa ở các tỉnh miền núi, khu vực phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, có biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích, số lượng. Nhiều nơi chưa phát huy được ý thức tự nguyện, tự giác của các tầng lớp nhân dân, cũng như sự chủ động, tích cực, sáng tạo và năng lực tự quản để khai thác các nguồn lực cộng đồng để phong trào phát triển thực chất và bền vững.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng nêu thực tế: “Chúng ta ban hành văn bản chỉ đạo về xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp rất tốt, đầy đủ nhưng triển khai thực hiện còn có vấn đề. Ví dụ, nhiều nhà văn hóa dành cho công nhân ở các khu công nghiệp hoặc tại các địa phương có nhiều công nhân lưu trú không đảm bảo điều kiện hoạt động hoặc sử dụng sai mục đích”.

Chuyển từ lượng sang chất

Đồng tình với đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí xây dựng văn hóa để vừa động viên phát triển phong trào, vừa linh hoạt, sát với thực tiễn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nói: “Thay vì tiêu chí khu dân cư văn hóa là không có tệ nạn ma túy, mại dâm thì có thể điều chỉnh sang tiêu chí làm tốt, tạo chuyển biến cơ bản đối với những địa phương làm tốt công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Bên cạnh đó, cần tập trung chuyển tải tiêu chí nội dung, chỉ tiêu cụ thể về xây dựng đời sống văn hóa xuống từng hộ gia đình, khu dân cư chứ không nên chung chung như hiện nay”.

Nhiều ý kiến cuộc họp thống nhất quan điểm tiếp tục chuyển mạnh hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ số lượng, sang chất lượng với một số đề xuất cụ thể: Tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là thông tin cơ sở về việc thực hiện các tiêu chí văn hóa; đảm bảo điều kiện, nội dung hoạt động cho thiết chế văn hóa cơ sở (nhà văn hóa, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…); tổng kết, nhân rộng các mô hình văn hóa tiêu biểu ngay từ cấp cơ sở, xã/phường, để có chấn chỉnh, điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

Nhiều ý kiến thống nhất quan điểm tiếp tục chuyển mạnh hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ số lượng, sang chất lượng. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tăng cường lồng ghép hoạt động văn hóa với các phong trào khác

Nhấn mạnh năm 2015 có nhiều ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, đặc biệt là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo tốt hơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ cần lồng ghép hoạt động cụ thể để triển khai công tác xây dựng đời sống văn hóa.

“Chúng ta cần nghiên cứu, lồng ghép phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với các phong trào xây dựng nông thôn mới, thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc để có sự phối hợp đồng bộ”, Phó Thủ tướng nói.

Đặc biệt, các cơ quan Bộ ngành, chính quyền các cấp tích cực, chủ động hơn nữa trong xây dựng môi trường làm việc và văn hóa ứng xử, giao tiếp lịch sự với nhân dân, gắn với cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cả trong lẫn ngoài công sở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Ban Chỉ đạo xem xét, lựa chọn những tiêu chí trọng tâm, trọng điểm, chung nhất để đánh giá phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong một vài năm tới, đưa vào các văn bản chỉ đạo, phát động thi đua, truyền thông, kiểm tra thực hiện.v.v… Đồng thời chọn ra những chủ đề cụ thể về xây dựng đời sống văn hóa trong từng năm, từng thời kỳ cụ thể. Trong đó, cần quán triệt tinh thần, nội dung Nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Thủ tướng cũng có một số chỉ đạo cụ thể trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông; tôn vinh những điển hình; tổng kết, trao đổi kinh nghiệm xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.v.v…

Tùng Lâm (chinhphu.vn)

Tin khác