Tăng cường giám sát chính sách dân tộc

05:02 AM 30/09/2018 |   Lượt xem: 4573 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Phiên họp

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan đồng chủ trì Phiên họp. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải và lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; một số đại biểu quốc hội tham dự Phiên họp.

Cần tăng cường giám sát chính sách dân tộc

Báo cáo của Chính phủ đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi (giai đoạn 2016-2018) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trình bày tại Phiên họp cho thấy: 53 DTTS của Việt Nam, với dân số 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 xã; địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, xa xôi, cách trở, khí hậu khắc nghiệt, là nơi khó khăn nhất của cả nước nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Ngoài ra đã có 40 tỉnh, thành phố ban hành chính sách riêng, phù hợp với điều kiện của địa phương. Sau gần 03 năm tổ chức thực hiện, chính sách đã phát huy hiệu lực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý, thực hiện chính sách dân tộc; nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc còn phiến diện, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được phân công. Đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu ở địa bàn KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương trong khi ngân sách bố trí vốn thực hiện chính sách dân tộc còn thấp.

Một số vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chậm được giải quyết hoặc giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS ngày càng khó khăn. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS và miền núi tuy đã được nâng cao hơn so với trước nhưng so với mặt bằng chung còn thấp và nhiều bất cập. Tỷ lệ số lượng cán bộ DTTS chưa đạt so với yêu cầu...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, đó là: Tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành, tập trung vào các địa phương thuộc vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Duyên hải miền Trung. Rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi đang có hiệu lực, đặc biệt, chú trọng tới chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người; trước mắt bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp 6. Từ nay đến năm 2020, bảo đảm bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng DTTS và miền núi bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và xã hội hóa. Hoàn thành rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hoàn thành trước năm 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả cho giai đoạn 2021-2026.

Toàn cảnh Phiên họp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội xem xét, ưu tiên phân bổ đủ ngân sách thực hiện các chính sách dân tộc đã ban hành. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc phân bổ ngân sách nhà nước ở địa phương sau khi được Quốc hội giao đảm bảo ưu tiên nguồn lực cho vùng DTTS và miền núi nhằm phát triển hài hòa các vùng trong cùng một địa phương. Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện chính sách dân tộc để Chính phủ thực hiện chính sách dân tộc ngày càng có hiệu quả hơn.

Tại Phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải cũng báo cáo việc thực hiện chính sách dân tộc, nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019.

Cần có cái nhìn toàn diện hơn, thay đổi căn cơ hơn

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành cho biết: Giai đoạn 2016-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã quyết liệt, sâu sát điều hành công tác dân tộc, nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế để vận hành các chính sách dân tộc; có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động nguồn lự của xã hội, phát huy trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và DTTS.

Sau quá trình đầu tư hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, đã đạt được kết quả quan trọng. Đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó khoảng 70% xã có bác sỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã đã có điện thoại cố định và di động cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet...

Bên cạnh những kết quả tích cực, Hội đồng Dân tộc cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: nhiều địa phương gặp khó khăn phát sinh do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đã tác động lớn đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân, trong đó có đồng bào vùng DTTS, miền núi cũng gây nên gia tăng số hộ nghèo ở một số địa phương. Một số vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết và có những diễn biến phức tạp như: Tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, vi phạm lâm luật chưa được kiểm soát, nhiều người DTTS tham gia vào đường dây buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, trồng cây thuốc phiện...

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu cho rằng cần có cái nhìn toàn diện hơn, thay đổi căn cơ hơn đối với các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi; nghiên cứu sửa đổi Nghị định 05 về công tác dân tộc; nghiên cứu kỹ hơn việc khảo sát, đánh giá tác động của chính sách, trong đó nhiều chính sách ngắn hạn, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp rất chậm được sửa đổi; không được cào bằng đối tượng thụ hưởng; đánh giá cụ thể về hạn chế của chính sách đào tạo nghề để sửa đổi; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới vùng DTTS, miền núi để đưa ra những phương án đề phòng, bố trí nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả của các hộ, nhóm hộ để hỗ trợ đồng bào DTTS phát huy nội lực, khởi nghiệp, khởi sự làm ăn, kinh doanh...  

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến khẳng định, chính sách dân tộc đã thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS, miền núi và nước ta đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Nhưng, so sánh với mặt bằng chung thì vùng DTTS, miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, dễ bị tổn thương nhất, tốc độ phát triển chậm nhất. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; bóc tách nguồn lực trong thực hiện chính sách dân tộc để xây dựng có một hệ thống, quy định chính sách hoàn chỉnh. Cùng với đó, cần phân định chính xác vùng DTTS, miền núi làm căn cứ thực hiện chính sách dân tộc. Chủ tịch HĐDT Hà Ngọc Chiến đề nghị các bộ, ngành tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các báo cáo giải trình có tính phản biện cao để HĐDT tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra, chỉ ra những giải pháp mang tính chất căn cơ, khả thi để triển khai hiệu quả chính sách dân tộc.

Thanh Huyền