Bắc Giang: Nỗ lực đưa thông tin đến vùng dân tộc thiểu số

09:25 AM 15/06/2021 |   Lượt xem: 6651 |   In bài viết | 

Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đồng bào vùng cao Bắc Giang thoát nghèo bền vững

Đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền

Vùng DTTS và miền núi của tỉnh Bắc Giang có 188 xã, chiếm 72% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Người DTTS ở tỉnh có hơn 257 nghìn người, chiếm 14,26% số dân toàn tỉnh. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó việc đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách dân tộc đến đồng bào DTTS  luôn được tỉnh chú trọng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, các cơ quan: Báo Bắc Giang, Đài Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tuyên truyền lồng ghép trên 1.500 tin, bài, chương trình, chuyên trang, chuyên mục có nội dung về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các thành phần dân tộc, giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh và cả nước; tuyên truyền về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách khác có liên quan đến vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

Báo chí đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến vùng DTTS: việc phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực vùng DTTS, nâng cao trình độ dân trí, tăng cường chất lượng dịch vụ công, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh.

Giúp bà con từng bước thoát nghèo

Một số tác phẩm tiêu biểu đã được đăng tải: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đổi mới giáo dục và đào tạo”; “Phê duyệt Chương trình giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động”; “Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS: Đa dạng hình thức tuyên truyền, bảo đảm hiệu quả”; “Cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS”; “Bắc Giang: Biểu dương gương sáng vì cộng đồng và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS”; “Giải quyết những vấn đề bức thiết của đồng bào DTTS và miền núi”; “Đào tạo nghề cho lao động DTTS: Sát nhu cầu để tăng hiệu quả”; “Vinaphone triển khai tổng đài tiếng dân tộc”; “Hội thi tìm hiểu pháp luật cho đồng bào DTTS”; “Cấp 18 ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi”; “Cán bộ DTTS huyện Lục Ngạn: Rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn” (Báo Bắc Giang);  “Sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu”; “Giải pháp tăng năng suất và giá trị quả vải thiều”; “Trồng rừng gỗ lớn, hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp”; “Trồng nấm Linh Chi - Mô hình mới xóa đói giảm nghèo”; “Mô hình liên kết và tiêu thụ gà đồi ở Yên Thế”;  “Phát triển chỉ dẫn địa lý cho Vải thiều Lục Ngạn”; “Xóa đói giảm nghèo từ chương trình hỗ trợ xuất khẩu lao động”; “Hiệu quả từ nuôi dê thương phẩm ở Yên Thế”…

Đặc biệt, từ năm 2020, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 02 chương trình tiếng dân tộc Sán Chí/tuần với thời lượng 30 phút/chương trình phát chính thức và phát lại vào tất cả các ngày/tuần dành cho đồng bào DTTS. Chương trình đã không ngừng đổi mới nội dung, kết cấu cho phù hợp với nhận thức của đồng bào vùng cao, sát với thực tế góp phần tích cực trong việc đưa thông tin tuyên truyền từ tỉnh đến với cơ sở, giúp cho đồng bào DTTS hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe và tin theo người xấu, xóa bỏ mê tín dị đoan, du canh du cư...

Có thể thấy, thông qua công tác truyền thông, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các DTTS xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi. Với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở vùng núi giảm nhanh, bền vững. Đời sống ổn định, đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi…

(vietnamnet.vn)