Ban Dân tộc Kiên Giang: Triển khai nhiều hoạt động phối hợp vì sự phát triển ổn định, bền vững vùng biên giới Tây Nam
08:24 AM 01/08/2023 | Lượt xem: 6906 In bài viết |Là tỉnh vừa có biển, đảo và đường biên giới đất liền, Kiên Giang xác định rõ tầm quan trọng từ việc huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân nhằm phát triển toàn diện khu vực biên giới; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, các lực lượng, đơn vị, tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động xây dựng các phương án, giải pháp sáng tạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này, từ ngày 17/12/2021, Ban Dân tộc tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, hằng năm hai đơn vị cụ thể hóa Chương trình bằng những hoạt động thiết thực ở vùng đồng bào DTTS và khu vực biên giới.
Nhiều hoạt động thiết thực
Toàn tỉnh Kiên Giang có 12/15 huyện, thành phố có đông đồng bào DTTS sinh sống, người DTTS chiếm gần 15% tổng dân số của tỉnh, trong đó dân tộc Khmer đông nhất chiếm hơn 13%, đứng thứ 3 trong khu vực Tây Nam bộ về tỷ lệ đồng bào Khmer.
Thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, hơn năm qua, Ban Dân tộc và BĐPB tỉnh Kiên Giang đã chú trọng công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào địa bàn biên giới, hải đảo tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhân dân hai bên biên giới, đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác dân tộc; đề xuất các giải pháp thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS, góp phần thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Điển hình, năm 2022, hai cơ quan đã tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, hiệp định, quy chế biên giới, Luật Biên giới quốc gia; các chính sách dân tộc, tôn giáo... được 365 buổi, với gần khoảng 4 nghìn người tham gia; tuyên truyền qua loa phóng thanh, loa kéo được 682 giờ.
Hai đơn vị phối hợp mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 216 cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức 5 Hội nghị tập huấn thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS” cho 260 đại biểu tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh và Trường PT DTNT THCS huyện An Biên; tổ chức 2 lượt hội nghị, 01 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ và chiến sỹ các Đồn, Trạm Biên phòng.
Cũng trong năm 2022, hai đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức nhân đạo trong và ngoài tỉnh, tổ chức khám chữa bệnh cho Nhân dân hai bên biên giới được 4.063 lượt người trong đó có 206 người Campuchia, với tổng số tiền là 1,160 tỷ đồng; tặng quà cho người nghèo hai bên biên giới và các em thiếu nhi 1.045 xuất quà, trị giá 365.750.000 đồng. Nhân dịp Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ sen đon ta các đoàn đến thăm, tặng quà các chùa Khmer trên địa bàn và gia đình chính sách, Người có uy tín với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
Cùng với đó, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng nhiều mô hình sinh kế..., giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phối hợp tổ chức tốt Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết quân - dân”; triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, Chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn Biên phòng”... góp phần cho công tác đảm bảo an sinh xã hội ở địa bàn.
Qua đó, đồng bào ở khu vực biên giới luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, đời sống vật chất - tinh thần tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thăm và tặng quà các vị chức chức sắc và Người có uy tín khu vực biên giới nhân dịp tết cổ truyền đồng bào Khmer
Bên cạnh đó, trong năm 2022, hai cơ quan đã phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn cho 50 cán bộ vận động quần chúng, cán bộ của BĐBP được tăng cường ở các xã biên giới về kiến thức dân tộc và những kiến thức cơ bản về công tác vận động đồng bào các DTTS; công tác xoá đói giảm nghèo; phương pháp vận động quần chúng và tổ chức các hoạt động ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc.
Qua đó, đội ngũ được đào tạo, tập huấn tiếp tục trở thành tuyên truyền viên tham gia phối hợp với cán bộ cơ sở vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhân dân hai bên biên giới, đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phối hợp xây dựng nguồn cán bộ DTTS ở cơ sở
Đặc biệt, xác định công tác bộ, tạo nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS là rất quan trọng, hai cơ quan Ban Dân tộc và BĐBP tỉnh Kiên Giang thống nhất dưa nội dung tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tạo nguồn cán bộ là con em đồng bào dân tộc vào kế hoạch phối hợp của hai cơ quan.
Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Việc đào tạo nguồn lực là người DTTS nói chung và dân tộc Khmer nói riêng luôn được địa phương quan tâm và bồi dưỡng từ cơ sở. Nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng là từ lực lượng đoàn viên thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú. "Chúng tôi kỳ vọng, việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này, sẽ tạo được nguồn cán bộ cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất phục vụ ở vùng đồng bào DTTS".
Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với BĐPP và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào vùng biên giới giữ gìn đường biên, cột mốc
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy BĐBP tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Những hoạt động từ Chương trình phối hợp rất có ý nghĩa, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với các bên cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ đất nước; thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang".
Năm 2023, trong Chương trình phối hợp, hai đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp Nhân dân ở khu vực biên giới, biển đảo về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Biên phòng Việt Nam, các quy định của pháp luật liên quan đến quy chế khu vực biên giới trên đất liền, khu vực biên giới biển; phòng chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới; phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và chống khai thác IUU....
"Đặc biệt, chú trọng công tác phối hợp tham mưu, triển khai thực hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống của đồng bào DTTS và Nhân dân khu vực biên giới, hải đảo", ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc nhấn mạnh.
(baodantoc.vn)