Bình Phước: Phần mềm ưu việt hỗ trợ công tác dân tộc
12:00 AM 10/05/2022 | Lượt xem: 6304 In bài viết |Bình Phước là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống. Thời gian qua, rất nhiều chính sách, chương trình của Trung ương và tỉnh triển khai đến đồng bào vùng sâu, vùng xa. Hiện Ban Dân tộc tỉnh đã ứng dụng phần mềm tích hợp quản lý công tác dân tộc nhằm phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách về dân tộc đầy đủ, chính xác hơn.
Liên kết nhanh
Phần mềm tích hợp quản lý công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh có 60 thông tin tổng hợp, chuyên ngành thuộc 12 nhóm chỉ tiêu gồm nhiều lĩnh vực, từ đó góp phần thu thập dữ liệu chi tiết và đầy đủ nhất về lĩnh vực dân tộc. Phần mềm có 5 chức năng quản lý: Danh mục, chỉ tiêu, nhập dữ liệu, khai thác báo cáo và kết nối, đồng bộ dữ liệu công tác dân tộc. Phần mềm cho phép danh mục dùng chung, danh mục chỉ tiêu đồng bộ trên toàn hệ thống và của Ủy ban Dân tộc (UBDT). Đồng thời có thể tùy biến thêm các chỉ tiêu theo nhu cầu của tỉnh. Phần mềm cũng cho phép quản lý các phiếu, biểu mẫu nhập liệu, tìm kiếm và trích xuất dữ liệu thống kê chính xác.
Trước đây, để thống kê các chỉ tiêu về đồng bào DTTS, cơ quan chức năng phải thu thập số liệu của các dân tộc thông qua rất nhiều kênh, từ cơ sở đến các đơn vị sở, ban, ngành trong tỉnh. Đến nay, mọi việc đã đơn giản hơn rất nhiều. Chị Bùi Thị Thu Hạnh, chuyên viên Phòng Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: “Từ khi phần mềm tích hợp quản lý công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đưa vào ứng dụng đã giảm rất nhiều quy trình rườm rà về thu thập dữ liệu. Việc phối hợp thống kê, cung cấp số liệu giữa các đơn vị liên quan không còn phải thông qua văn bản. Tất cả được chuyển qua nhập liệu trên một phần mềm chung. Mỗi đơn vị sẽ có một tài khoản riêng được phân quyền trong phần mềm”.
Chị Nguyễn Thị Hiền Trang, chuyên viên Phòng Quản lý lĩnh vực xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đang phụ trách thống kê số liệu cho 6 chỉ tiêu, biểu mẫu liên quan đến đồng bào DTTS. Cụ thể, số lượng học viên học nghề; số lượng, tỷ lệ sinh viên DTTS đã tốt nghiệp chưa có việc làm; số hộ DTTS được cứu đói giáp hạt; số lượng, tỷ lệ DTTS nghèo và cận nghèo.
“Trước đây, tôi phải thực hiện thủ công mất 3 ngày hoặc lâu hơn, tùy theo tính phức tạp của số liệu và lĩnh vực cần rà soát, thống kê. Hiện nay thời gian hoàn thành công việc giảm xuống chỉ tính bằng giờ. Vì số liệu thống kê được các đơn vị, cơ sở cập nhật mới liên tục. Điều này còn phục vụ việc trích xuất, tìm số liệu khi có nhu cầu một cách nhanh nhất”, chị Trang nói.
Hiệu quả cao
Phần mềm được triển khai theo chương trình phân bổ vốn công nghệ năm 2020, đến nay bước đầu đã có hiệu quả tích cực trong thống kê cập nhật số liệu. Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Hiện nay, chúng ta kết nối, tích hợp thông tin về DTTS qua các cấp. Vì vậy, việc khai thác qua phần mềm quản lý công tác dân tộc giúp các ngành liên quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tốt hơn. Đối với người dân quan tâm đến chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS thì truy cập thông qua Smartphone để nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác. Từ đó, bảo đảm quyền lợi cá nhân cũng như cộng đồng mình”.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý dân tộc còn giúp nâng cao chất lượng quản lý, giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là kênh thông tin toàn diện nhất về 40 thành phần DTTS trên địa bàn tỉnh ở tất cả chỉ tiêu. Nhờ đó tạo sự quan tâm, tìm giải pháp phù hợp trong quá trình chăm lo mọi mặt cho đồng bào DTTS. Điều này, còn góp phần hệ thống cơ sở dữ liệu dân tộc tỉnh Bình Phước, kết nối vào hệ thống dữ liệu của UBDT. Đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
(baodantoc.com.vn)