Hiệu quả từ việc thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg ở Hà Giang
01:26 PM 22/02/2022 | Lượt xem: 2086 In bài viết |Những năm qua, cùng các nguồn lực khác, tỉnh Hà Giang đã đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chất lượng sống của đồng bào dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao.
Hỗ trợ đắc lực cho đồng bào giảm nghèo
Cuối năm 2019, cùng với 12 hộ đồng bào dân tộc Pu Péo ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn, chị Củng Ly Siu, người dân thôn Chúng Trải được hỗ trợ 1 con bò từ nguồn vốn thuộc Quyết định 2086. Sau 1 năm chăm sóc, con bò đã phát triển khỏe mạnh, có giá trị khoảng 20 triệu đồng. Chị Siu chia sẻ: Với tôi, đây là nguồn lực quý giá, là cơ hội để phát triển kinh tế gia đình.
Tại huyện Hoàng Su Phì, cùng trong năm 2019, đã có 28 hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc Phù Lá thuộc thôn Bản Máy, xa Bản Máy được hưởng lợi từ Quyết định 2086, điển hình như hộ anh Sùng Phà Diu. Cuối năm 2019, anh Diu được hỗ trợ 1 con bò trị giá 15 triệu đồng. Tiếp đó, tháng 8/2020, cùng với 28 hộ đồng bào Phù Lá trong thôn, anh Diu tiếp tục được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền giống cây bắp cải, cây cải xanh, phân bón... Trao đổi với chúng tôi, anh Siu bộc bạch: “Nhờ Quyết định 2086, những hộ nghèo như chúng tôi có nhiều điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Chỉ cần chăm chỉ làm ăn thì không lo bị đói nữa đâu”.
Nằm trong Đề án Hỗ trợ các dân tộc rất ít người theo Quyết định 2086, trong hai năm qua, 28 hộ đồng bào dân tộc Phù Lá thôn Bản Máy đã được hỗ trợ 28 con bò. Cùng đó, 37 hộ dân thuộc cụm dân cư Hoa Si Pan được hỗ trợ 500 triệu đồng để cải tạo khu vệ sinh, cấp giống cây su hào, bắp cải và phân bón để tham gia mô hình trồng rau dinh dưỡng. Bên vườn rau dinh dưỡng của gia đình, bà Lùng Thị Mí, ở cụm dân cư Hoa Si Pan, thôn Bản Máy, xã Bản Máy chia sẻ: Được hỗ trợ và tham gia Hợp tác xã (HTX) trồng rau dinh dưỡng, tôi có thêm kiến thức để trồng và chăm sóc rau, vừa đảm bảo được năng suất, thu nhập.
“Để thực hiện mô hình trồng rau dinh dưỡng, chính quyền xã đưa bà con lên thực tế tại Đồn Biên phòng Bản Máy để học kỹ thuật chăm sóc cây rau. Căn cứ theo danh sách và nhu cầu thực tế, UBND xã hỗ trợ trực tiếp 2 triệu đồng cho các hộ dân theo nguồn vốn từ Quyết định 2086. Với mô hình trồng rau an toàn, nếu Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nơi tiêu thụ thì đây sẽ là hướng thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương”, ông Hoàng Quốc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Máy chia sẻ.
Thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc rất ít người, từ năm 2018 - 2020, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ trên 4,3 tỷ đồng cho 1.085 hộ mua giống, phân bón, vật tư. Mở hàng chục lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất. Hỗ trợ vật tư cho 1.075 hộ với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng để xây dựng nhà vệ sinh, nâng tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn lên 46,6%...
Tính đến nay, tỉnh Hà Giang đã bố trí trên 73 tỷ đồng để triển khai các hạng mục của Đề án. Nhờ đó, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 7.640 hộ thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở Hà Giang hiện đạt 22,8 triệu đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 52,6% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 42,8%); số người dân có thẻ BHYT đạt 98,5% và 100% hộ gia đình có người ốm đau được được đưa đi khám, chữa bệnh…
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa
Thực hiện công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc theo Quyết định 2086/QĐ-TTg, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ trang thiết bị cho 40 nhà sinh hoạt cộng đồng tại 40 bản. Hỗ trợ tiền mua sắm nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc; bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào; duy trì hoạt động các đội văn nghệ tại thôn, bản; hỗ trợ người dân học tiếng dân tộc Pu Péo, Phù Lá, Bố Y, Pà Thẻn. Hỗ trợ bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Bố Y, Pà Thẻn, Phù Lá…
Ghi nhận tại xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, nhằm gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Pà Thẻn, năm 2018, HTX Dệt thổ cẩm Tân Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình được thành lập. Tại đây, các nghệ nhân vừa truyền dạy cho chị em trong xã, vừa tạo ra các sản phẩm bán ra thị trường và phục vụ khách du lịch.
Chị Tải Thị Mai, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tân Bắc cho biết: “HTX được thành lập với mong muốn quy tụ các nghệ nhân lại để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Chúng tôi đã mở được một lớp truyền dạy cho chị em trong xã với 20 người tham gia. Hiện nay, cơ bản các chị em trong HTX đã thành thạo các kỹ thuật thêu, dệt. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí mua vật liệu, nên các hoạt động của HTX chưa được mở rộng”.
Tìm hiểu được biết, do năm 2019 chưa được bố trí kinh phí, nên Đề án Hỗ trợ bảo tồn nghề truyền thống tiêu biểu tại tỉnh Hà Giang được triển khai thực hiện trong năm 2020 với 5 nghề truyền thống, thực hiện trên địa bàn huyện Quang Bình với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Hiện tại, tỉnh tập trung hỗ trợ 2 dự án HTX Dệt thổ cẩm xã Tân Bắc và nghề đan lát của đồng bào Phù Lá ở xã Nàn Xìn, huyện Xín Mần…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định: Thời gian qua, việc hỗ trợ sản xuất và các hoạt động bảo tồn văn hóa theo Quyết định 2086/QĐ-TTg đã tác động tích cực việc thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất, cải thiện cuộc sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS rất ít người trên địa bàn tỉnh… Trên cơ sở đó, trong thời gian tới đây, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương cũng như các ban, ngành chức năng liên quan triển khai nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa Quyết định này…
(baodantoc.vn)