Lào Cai tìm giải pháp hỗ trợ lao động dân tộc thiểu số

03:10 PM 12/11/2018 |   Lượt xem: 3871 |   In bài viết | 

Các thanh niên là người Dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học tham dự hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Gần 100 sinh viên đến từ 9 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai, đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học dự hội nghị đối thoại. Đại diện các đơn vị liên quan của tỉnh Lào Cai ghi nhận, giải đáp nhiều vướng mắc của các đại biểu về quá trình khởi nghiệp, tìm việc trên địa bàn tỉnh.

Trong cơ cấu dân số, lực lượng thanh niên của tỉnh Lào Cai có trên 200.000 người; số thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động không có việc làm, không có thu nhập ổn định là 2.100 người. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, đến hết tháng 6/2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.341 thanh niên dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, nhưng chưa có việc làm và thu nhập ổn định. Giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động nói chung và lao động dân tộc thiểu số nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh Lào Cai những năm qua.

Ưu tiên lao động dân tộc thiểu số

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, Lào Cai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó có việc tái cơ cấu lại kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, góp phần tăng cơ hội việc làm, hướng tới những việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Nhiều chính sách giảm nghèo bền vững với hợp phần Dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, chính sách hỗ trợ hệ thống dịch vụ việc làm, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp. Hằng năm, UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt và giao chỉ tiêu giải quyết việc làm cho các địa phương, trong đó có chỉ tiêu về xuất khẩu lao động; bình quân mỗi năm đưa 400 lao động ở tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ học nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2018 được đặc biệt quan tâm, giúp đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai từng bước nâng cao chất lượng đời sống. Tỉnh đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề cho khoảng gần 4.000 học sinh, sinh viên với tổng kinh phí hỗ trợ trên 20 tỷ đồng, trong đó có gần 3.500 người dân tộc thiểu số. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ theo chính sách nội trú cho trên 1.800 học sinh, sinh viên với tổng kinh phí trên 19,4 tỷ đồng.

Tỉnh Lào Cai còn đặc biệt quan tâm tuyển dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đại học vào làm việc tại các cơ quan để từng bước sắp xếp tuyển dụng vào biên chế chính thức theo quy định, có chính sách ưu tiên khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận người dân tộc thiểu số vào làm việc. Trong kỳ thi tuyển dụng thi công chức năm 2017 của tỉnh Lào Cai có 106 thí sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển, chiếm tỷ lệ trên 91%.

Ông Nguyễn Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, số lao động thất nghiệp thiếu việc làm ổn định, thu nhập thấp trong thanh niên dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Theo ông Nông Đức Ngọc, điều này phần lớn bắt nguồn từ tư tưởng muốn được làm việc tại các cơ quan tổ chức của Nhà nước. Nhiều lao động còn quan niệm những người làm việc tại các doanh nghiệp là chưa ổn định, do đó dù đã qua đào tạo song những lao động này không muốn đi làm ở các doanh nghiệp, mà chờ cơ hội xin vào làm ở các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, một bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số có tư tưởng ỷ lại,  trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, ngại đi làm xa, vất vả...

Bên cạnh đó, một số thanh niên khu vực vùng cao biên giới cho rằng đi học nghề mất thời gian học, nhưng khi về làm cho các doanh nghiệp lương thấp, không bằng đi lao động tự do ở nước ngoài. Ví dụ, tại xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, khi Mỏ đồng Sin Quyền tuyển dụng và tổ chức cho đi đào tạo trong 9 tháng, nhiều lao động trẻ không muốn đi học mà chỉ thích đi làm để có tiền ngay. Nhược điểm tâm lý này, theo ông Ngọc cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới để phát huy tối đa tiềm năng nguồn lao động, tài nguyên địa phương cũng như chính sách ưu đãi của Nhà nước

Mạnh dạn khởi nghiệp

Mạnh dạn khởi nghiệp và không ngừng học hỏi là bí quyết thành công của chị Tẩn Thị Su, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Doanh nghiệp du lịch tổng hợp Sa Pa O' Châu được chia sẻ tại Hội nghị đối thoại thanh niên dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Chị Tẩn Thị Su (dân tộc Mông) được tờ tạp chí nổi tiếng Forbes tôn vinh 30 gương mặt trẻ Việt Nam dưới 30 tuổi năm 2016, được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2017. Tẩn Thị Su khởi nghiệp với "3 không": Không vốn, không bằng cấp, không được gia đình hỗ trợ, song cô gái này đã mạnh dạn sáng lập dự án Sapa O’Châu - mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa để đưa du khách về bản và giúp đỡ nhiều trẻ em vùng cao được đến trường. Năm 2013, Công ty Sapa O’Châu được thành lập, lúc đó Giám đốc Công ty là Tẩn Thị Su mới học xong lớp 9 hệ bổ túc văn hóa. Tại hội nghị, Tẩn Thị Su chia sẻ, các bạn đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng may mắn hơn Su nhiều vì được học tập và đào tạo bài bản. Do đó, thay vì tâm lý trông chờ vào tuyển dụng của Nhà nước, với các chính sách hỗ trợ tại địa phương, những lao động trẻ là người dân tộc thiểu số ở Lào Cai nên mạnh dạn khởi nghiệp, học hỏi, tiếp nhận cái mới, không sợ thất bại vì thất bại sẽ cho kinh nghiệm, tạo tiền đề cho sự thành công trong tương lai.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có rất nhiều gương thanh niên phát huy tinh thần xung kích dám nghĩ dám làm như Tẩn Thị Su. Anh Nông Văn Lương (dân tộc Giáy), ở xã Tả Van, huyện Sa Pa, hiện là chủ chuỗi các nhà hàng, các trang trại cá nước lạnh Lương Ngọc, chủ nhiều cơ sở sản xuất và trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ, kinh doanh nhà hàng. Anh Nông Văn Lương đã được công nhận là điển hình tiên tiến của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005-2010, gương tuổi trẻ lập nghiệp tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010-2015. Hoặc như Má A Nủ (dân tộc Mông), ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa hiện là Giám đốc Hợp tác xã chiết xuất tinh dầu; Hà Thị Vân (dân tộc Tày) khởi nghiệp bằng kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng phục vụ ăn uống, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà...

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất, trong thời gian tới, bên cạnh các chính sách của Nhà nước về lao động việc làm, vấn đề quan trọng nhất đặt ra cho thanh niên nói chung, thanh niên các dân tộc thiểu số nói riêng sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học là phát huy trí lực, kịp thời nắm bắt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy hoạch của địa phương về phát triển kinh tế-xã hội, tranh thủ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ để lập nghiệp thành công.
 

(dantocmiennui.vn)