Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến gặp mặt Đoàn cựu giáo viên, học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam

03:54 PM 04/12/2019 |   Lượt xem: 2093 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi gặp mặt

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, với tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, tháng 5/1955, Chính phủ đã quyết định thành lập Trường Dân tộc Trung ương. Đến năm 1960, để đáp ứng tình hình mới, Trường Dân tộc Trung ương được chia tách tách thành Trường Cán bộ dân tộc miền Nam và Trường Dân tộc Trung ương. Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đóng tại Chi Nê - Lạc Thủy, Hòa Bình do Ban Dân tộc Trung ương (nay là Ủy ban Dân tộc) quản lý; Trường Dân tộc Trung ương trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, sơ tán tại nhiều địa điểm, Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đã nuôi dưỡng, đào tạo hàng nghìn cán bộ, bộ đội, dân chính đảng, trong đó có hơn 2.000 con em các dân tộc miền Nam tập kết ra Bắc. Hầu hết trong số này đều đến từ vùng sâu, vùng xa, miền núi vô cùng khó khăn, từ vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, Quảng Trị) trở vào.

Ông K’sor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, cựu học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp, ông K’sor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, cựu học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đã xúc động ôn lại kỷ niệm khó phai mờ của những cán bộ, học sinh miền Nam đã được học tập tại Trường Cán bộ dân tộc miền Nam. Ông chia sẻ: Học sinh khi nhập Trường hầu hết chưa biết chữ và biết tiếng phổ thông, nhiều cái còn bỡ ngỡ, tình cảm thiếu thốn, xa quê hương, xa gia đình. Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, sự quan tâm kịp thời của Lãnh đạo Ban Dân tộc Trung ương, đội ngũ giáo viên và học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đã vượt khó học tập. Rất nhiều học sinh của Trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của Trung ương và các địa phương, đóng góp cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói riêng, đất nước nói chung.

Các đại biểu cựu giáo viên, học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam tham dự buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT và nhân danh cá nhân, đã gửi tới các cựu giáo viên, học sinh và gia đình từng học tập, sinh sống tại Trường Cán bộ dân tộc miền Nam tình cảm thân thiết nhất. Bộ trưởng, Chủ nhiệm chia sẻ: Là thế hệ đi sau, trưởng thành sau chiến tranh, không được trải nghiệm những năm tháng gian khó của đồng bào miền Nam, học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nhưng qua lịch sử để lại, qua những câu chuyện của các cựu giáo viên, cựu học sinh của Trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cảm nhận rất rõ chủ trương của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước vô cùng đúng đắn. Trong thời điểm cam go đã nghĩ đến giai đoạn tiếp theo để hướng tới thành công, từ đó có chủ trương đưa học sinh miền Nam ra học tập trên đất Bắc, trong đó có nhiều người là học sinh DTTS Nam Trung bộ, Tây Nguyên, sau này đội ngũ học sinh đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho Cách mạng.

“Nếu không có chủ trương đúng đắn ấy, chắc sẽ không có đội ngũ cán bộ cho miền Nam sau khi giải phóng. Và ngay cả đến tận bây giờ.”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tặng quà lưu niệm cho thầy giáo Nguyễn Trọng Bí - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, kế thừa Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc, Bộ Chính trị đã tổng kết và ban hành Kết luận số 65/KL-TW. Trong đó Kết luận cũng đã nói rất rõ về công tác đào tạo cán bộ dân tộc cho các tỉnh vùng DTTS và miền núi trên cả nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm vui mừng thông  tin, cũng trong thời gian qua, Chính phủ đã giao cho UBDT phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Quốc hội đã có Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án này; theo đó sẽ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi. Một nội dung quan trọng của Đề án là tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc.