Đoàn kiểm tra liên Bộ kiểm tra kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La và Điện Biên
11:09 AM 01/12/2016 | Lượt xem: 3047 In bài viết |Từ ngày 26-29/11/2016, Đoàn kiểm tra liên Bộ do đồng chí Võ Văn Bảy, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc (UBDT) làm Trưởng đoàn đã làm việc tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 và năm 2016. Tham gia Đoàn công tác có đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng.
Tại tỉnh Sơn La, Đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) xã Song Pe, huyện Bắc Yên, đến thăm một số hộ nghèo tại xã; làm việc với UBND huyện Bắc Yên và UBND tỉnh Sơn La. Tại tỉnh Điện Biên, Đoàn công tác đã đến làm việc với UBND xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, thăm một số hộ nghèo tại xã; làm việc với UBND huyện Mường Chà và UBND tỉnh Điện Biên.
Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác đã kiểm tra việc thực hiện các nội dung: Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn; tình hình thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững; việc phân bổ, bố trí vốn Chương trình từ nguồn ngân sách Trung ương phân năm 2016 và tiến độ thực hiện; tình hình thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn; công tác xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020; công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung Chương trình tại các cấp cơ sở; kết quả thực hiện điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều.
Đoàn kiểm tra làm viện với UBND tỉnh Sơn La.
Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Sơn La và Điện Biên trong việc thực hiện các dự án của Chương trình giảm nghèo. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội địa phương; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã bám sát điều kiện tự nhiên của từng vùng và tập quán canh tác. Các chính sách như: Chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách tín dụng ưu đãi; chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; hỗ trợ về nhà ở, bảo trợ xã hội… được 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên quan tâm thực hiện có hiệu quả.
Đồng chí Võ Văn Bảy, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 cùng Đoàn kiểm tra đến thăm hộ nghèo tại xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, Điện Biên.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020. Đề án bám sát Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Cụ thể: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016- 2020) xuống còn 19%, trong đó các huyện nghèo giảm bình quân từ 4- 5%/ năm; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 70% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 50% số xã đạt 10 tiêu chí cơ bản trở lên về nông thôn mới.
Tỉnh Sơn La định hướng cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp trong việc tham mưu cơ chế lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn để tổ chức thực hiện đồng bộ, tránh chồng chéo, dàn trải, nhất là việc thực hiện Chương trình 30a gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động thêm các nguồn lực từ doanh nghiệp và cộng đồng xã hội góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đoàn kiểm tra làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên.
Đối với tỉnh Điện Biên, xác định Chương trình giảm nghèo bền vững của Chính phủ là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình. Tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định của Đảng bộ, HĐND và UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 cũng như phê duyệt chương trình giảm nghèo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh Điện Biên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) từ 28,01% năm 2015 xuống còn 14,36% năm 2020; các huyện nghèo 30a giảm từ 40,25% năm 2015 xuống còn 18,53% năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 và năm 2016, việc triển khai thực hiện các Chương trình dự án giảm nghèo tại Sơn La và Điện Biên còn một số mặt tồn tại hạn chế. Một số địa phương cấp xã không nắm rõ nguồn lực được phân bổ cho xã trong năm là bao nhiêu; nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, tỷ lệ hộ cận nghèo và tái nghèo có xu hướng tăng, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; nhiều hộ, nhiều địa phương chưa chủ động hướng dẫn, đổi mới cơ chế để các cấp cơ sở thực hiện; nhiều huyện chưa mạnh dạn phân cấp cho xã nhất là đối với công trình hỗ trợ phát triển sản xuất và hạ tầng dân sinh, làm hạn chế vai trò chủ động của cấp xã, hạn chế sự tham gia của người dân; sự phối hợp giữa các sở, ban ngành của tỉnh với UBND các huyện nghèo trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn chưa chặt chẽ, đồng bộ; việc huy động các nguồn lực từ người dân và trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được nhiều mô hình giảm nghèo có tính đột phá, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững để nhân rộng trên địa bàn…
Sơn Nam