Hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn trong xây dựng Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc

12:28 PM 28/05/2019 |   Lượt xem: 2879 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT); TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tổ chức Trung ương, các nhà khoa học, đại diện cơ quan chủ quản và cơ quan chủ trì nhiệm vụ cùng các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, một trong những yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách đặt ra hiện nay đối với công tác dân tộc là phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, mạnh về chất lượng và năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới, trong đó giao UBDT nhiệm vụ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 04 nhóm đối tượng. Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2030” là công trình nghiên cứu tổng thể, chi tiết về thực trạng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân tộc; rà soát, đánh giá hệ thống chương trình nội dung bồi dưỡng, hiệu quả sử dụng kiến thức công tác dân tộc. Đề tài mang mã số CTDT.28.17/16-20 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm đề tài trình bầy báo cáo của Đề tài

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo tổng hợp và chỉ rõ mục tiêu của đề tài nhằm hệ thống hoá cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức; từ đó đề xuất chương trình, phương pháp giảng dạy, giải pháp, cơ chế tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta đến năm 2030. Qua công tác nghiên cứu, Đề tài sẽ góp phần tìm ra những “khoảng trống kiến thức” của việc biên soạn chương trình và tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc trong thời gian qua, để từ đó xây dựng chương trình và bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá gắn với việc triển khai các nội dung đã được phê duyệt của Đề án 402.

Các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung vào một số nội dung cụ thể như: kết cấu, bố cục của báo cáo tổng hợp; các mặt đạt được và hạn chế trong nội dung báo cáo; khung lý thuyết nghiên cứu, các khái niệm công cụ, giới hạn nghiên cứu trong phạm vi đặt hàng của đề tài; đối chiếu, thực chứng các số liệu trong nội dung luận giải của đề tài để qua đó hoàn thiện các báo cáo khoa học…

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Để đề tài đáp ứng các yêu cầu theo Thuyết minh đặt hàng, Ban Chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung của báo cáo tổng hợp, trong đó cần làm rõ khung lý thuyết nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu; bổ sung tổng quan các nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài; kết cấu lại các chương, mục cho hợp lý và thống nhất tiêu đề với nội dung triển khai. Đặc biệt, cần làm rõ hình thức, nội dung, cách thức tổ chức bồi dưỡng cho từng loại hình đối tượng gắn với việc cung cấp luận cứ khoa học cho Đề án 402 và triển khai Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài khẩn trương hoàn thiện các báo cáo khoa học, đảm bảo đúng thuyết minh phê duyệt và thời gian quy định. Trong đó, chú trọng việc lồng ghép chương trình lý luận chính trị, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và kiến thức công tác dân tộc theo cơ chế cập nhật hàng năm, đồng thời đề xuất chương trình dạy tiếng DTTS. Kế thừa các kết quả nghiên cứu của CTDT/16-20 để xây dựng khung chương trình. Đồng thời, sẽ tổ chức thêm các buổi tọa đàm chuyên sâu, góp ý các báo cáo chuyên đề cũng như kết nối và huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học để đóng góp vào kết quả nghiên cứu của Đề tài.