Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS
03:23 PM 22/11/2018 | Lượt xem: 6860 In bài viết |Sáng 22/11, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS (Đề án 2214). Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện một số bộ, ngành liên quan, các đối tác quốc tế tham gia hỗ trợ phát triển, cùng đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Kon Tum và Tây Ninh.
Để tập trung nguồn lực, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, việc triển khai Đề án 2214 góp phần tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.
Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và địa phương, Đề án 2214 triển khai trong hầu hết các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phần lớn các dự án tài trợ và thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi có thời gian thực hiện từ 2 năm trở lên, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục; nâng cao dân trí, sức khỏe… cho người dân vùng đồng bào DTTS, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2014-2018, Đề án 2214 đã huy động được hơn 63 nghìn tỉ đồng từ nước ngoài và nguồn vốn đối ứng với gần 10 nghìn tỉ đồng hỗ trợ.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Qua ý kiến thảo luận của các đại biểu, có thể thấy chúng ta đã đạt được thành tựu bước đầu trong việc thực hiện Đề án 2214. Trong đó, chúng ta đã vận dụng được nguồn vốn, kinh nghiệm quốc tế vào việc phát triển nhiều lĩnh vực vùng DTTS như xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục… Qua đó góp phần không nhỏ vào việc thực hiện công tác dân tộc và triển khai chính sách dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tích đã đạt được, Đề án 2214 khi triển khai trong thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như: tính chủ động, chuyên nghiệp chưa cao; một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể trong hợp tác quốc tế; một số thủ tục còn rườm rà, gây chậm chễ trong quá trình thực hiện.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đề nghị cần thay đổi tư duy trong lĩnh vực hợp tác quốc tế để triển khai các công tác hỗ trợ phát triển cho vùng DTTS. Thay vì tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cần chủ động học hỏi kinh nghiệm, tăng cường tập huấn cho người dân để nâng cao trình độ, thay đổi tập quán lạc hậu và có thể làm chủ được kỹ thuật sản xuất, canh tác. Việc xây dựng các chương trình, đề án cũng cần được xây dựng từ các đề xuất, nhu cầu thực tế của địa phương nhằm đạt tính khả thi cao và tăng tính chủ động cho địa phương, đảm bảo sự tham gia của người dân.
Kim Phương