Hội nghị tham vấn xây dựng đề án “Bồi dưỡng hệ dự bị đại học của Học viện Dân tộc giai đoạn 2017 - 2022”

04:01 PM 11/05/2017 |   Lượt xem: 5516 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện Học viện Dân tộc đã trình bày dự thảo đề án “Bồi dưỡng hệ dự bị đại học của Học viện Dân tộc giai đoạn 2017 - 2022”. Dự thảo đề án đã  phân tích rõ thực trạng công tác cử tuyển, đào tạo dự bị đại học hiện nay trong cả nước, trong đó nhấn mạnh tới vấn đề quan trọng nhất của vùng DTTS là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, dẫn đến tình trạng chậm phát triển mọi mặt của đời sống đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đối với các DTTS rất ít người. Việc đào tạo dự bị đại học sẽ tạo tiền đề tốt cho các em học sinh khi bước vào môi trường đại học và cũng giảm áp lực cho các trường đại học khi tiếp nhận sinh viên DTTS.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Hiện nay cả nước có 4 trường dự bị đại học dân tộc với quy mô đào tạo hơn 3000  sinh viên/năm. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo dự bị đại học đã bộc lộ sự mất cân đối về thành phần dân tộc được xét tuyển. Vì vậy, việc bồi dưỡng hệ dự bị đại học của Học viện Dân tộc nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay của hệ thống các trường dự bị đại học trong cả nước, góp phần giải quyết yêu cầu về nguồn nhân lực cho vùng DTTS. Thông qua chương trình đào tạo dự bị đại học sẽ cung cấp nguồn tuyển sinh cho các ngành đào tạo đại học của Học viện Dân tộc - UBDT, góp phần đào tạo đại học đối với 16 DTTS rất ít người và 11 dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp, đồng thời giải quyết tình trạng các dân tộc thiểu số có số học sinh cử tuyển thấp dưới 10 học sinh (như: dân tộc Co, Mảng, Rơ Măm, Cơ Lao, Giẻ Triêng, Cống, Pà Thẻn, Lô Lô...), đặc biệt là đối với 6 dân tộc hiện nay chưa có học sinh cử tuyển (gồm:Brâu, La Hủ, Lự, Ngái, Ơ Đu, Si La).

Cũng theo Đề án của Học viện Dân tộc, việc tổ chức bồi dưỡng hệ dự bị đại học của Học viện hướng tới việc tạo nguồn tuyển vào học các chuyên ngành đặc thù, chuyên sâu về lĩnh vực công tác dân tộc của Học viện, tạo nguồn tuyển vào các trường đại học trong cả nước về một số chuyên ngành đang rất thiếu và mất cần đối ở vùng DTTS và miền núi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi.

 Hệ dự bị đại học của Học viện Dân tộc dự kiến tuyển sinh 4 đối tượng gồm: Học sinh DTTS đã tốt nghiệp THPT của các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư đặc biệt của Nhà nước; học sinh đã tốt nghiệp THPT thuộc 16 DTTS rất ít người; học sinh đã tốt nghiệp THPT của các dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp, gồm 11 DTTS (Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglay, XTiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng); học sinh cử tuyển vào các trường đại học theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.

Đề án cũng xác định vùng tuyển sinh gồm các xã thuộc diện đầu tư phát triển KT-XH theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; các xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Dự kiến đến 2020, quy mô tuyển sinh là 120 học sinh được chia thành 4 lớp theo các khối,  sau năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên 8 lớp, với 240 học sinh.

Sau khi học xong chương trình hệ dự bị tại Học viện Dân tộc, học sinh sẽ được tuyển cho các ngành đào tạo của Học viện Dân tộc và tuyển vào các trường đại học khác trong cả nước.

Đóng góp ý kiến cho đề án, các đại biểu đánh giá cao những nội dung mà đề án đã đề cập, đồng thời đề xuất, Học viện Dân tộc cần làm rõ hơn: Vị trí của đề án phải nêu bật sự đặc thù của tình hình từng dân tộc cũng như việc xây dựng chế độ cho học sinh DTTS. Về đối tượng tuyển sinh, cần bám sát Thông tư 26/2016/TT-BGDĐT, trong đó tách ra hai đối tượng tuyển sinh, gồm: Tuyển sinh qua kỳ thi tuyển chung của cả nước và tuyển sinh theo cơ chế đặc thù,cần bám vào sự đặc thù để tuyển sinh thí điểm và chú trọng tới các địa bàn thuộc Nghị quyết 30a...

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao sự nỗ lực và trách nhiệm của tập thể cán bộ, viên chức Học viện Dân tộc trong thời gian qua đã hoàn thiện dự thảo đề án. Qua các ý kiến tham vấn, góp ý, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Học viện Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện cấu trúc bố cục của Đề án, cần thể hiện rõ hơn tính đặc thù, cập nhật đầy đủ hơn các căn cứ pháp lý, chuẩn hóa, chỉnh sửa để làm rõ hơn phần Mục tiêu; đề án cũng cần đưa ra các nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp (đặc biệt là giải pháp tài chính, chế độ chính sách cho học sinh, giảng viên), chuẩn hóa các khái niệm, nội hàm thuộc nội dung đề án.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Học viện tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến tư vấn, hoàn thiện để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, để sớm đưa đề án vào thực hiện.

Xuân Thường