Hội thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020

02:28 PM 20/10/2018 |   Lượt xem: 2630 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải chủ trì Hội thảo

Báo cáo giữa kỳ Chương trình 135 của UBDT cho biết, bên cạnh nguồn vốn nhà nước, trong ba năm 2016-2018, UBDT đã huy động 10 triệu euro từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland để hỗ trợ cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn 9 tỉnh. Nguồn vốn này được thực hiện cho từng tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Qua 3 năm triển khai Chương trình, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2017, Chương trình 135 đã góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn 6,72%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, hộ nghèo DTTS năm 2017 giảm gần 92.000 hộ so với năm 2016. Dự kiến đến năm 2020, Chương trình sẽ cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến, kinh nghiệm trong việc tham mưu thực hiện Chương trình 135 tại các địa phương. Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Ban Dân tộc đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết và triển khai thực hiện Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh” với tổng kinh phí 1.342,439 tỷ đồng.

Với địa bàn của một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, tính đến đầu năm 2016, Bình Thuận có 17.162 hộ nghèo, chiếm 5,81%, trong đó có 4.250 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS. Bằng sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương và sự nỗ lực của địa phương, số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đã giảm xuống còn 3.061 hộ, tính tới đầu năm 2018. Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã góp phần cải thiện dân sinh, kinh tế-xã hội ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS, thể hiện tình cảm, sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo.

Toàn cảnh Hội thảo

Còn với một địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, trong việc triển khai thực hiện Chương trình 135 tuy gặp nhiều khó khăn như: Việc đối ứng của địa phương và huy động nguồn lực trong dân để thực hiện chương trình còn hạn chế, việc lồng ghép các chương trình, chính sách, dự án khác trên địa bàn chưa nhiều… nhưng với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh, giúp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo điều phối, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực, chủ động trong việc bám cơ sở, sát đồng bào để nắm rõ tâm tư nguyện vọng cũng như cầm tay chỉ việc, vì vậy, công tác giảm nghèo ở Trà Vinh đã đạt được những kết quả nhất định…

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn có một số tồn tại nhất định, như việc lập kế hoạch đầu tư ở một số nơi chưa sát với thực tế, việc lồng ghép Chương trình 135 với các chương trình khác còn gặp khó khăn…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tiếp thu các ý kiến, đồng thời khẳng định, các góp ý của các đại biểu là những nội dung, đề xuất rất giá trị, góp phần nâng cao chất lượng đánh giá giữa kỳ Chương trình 135. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị trong thời gian tới, Chương trình cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với giai đoạn 2021-2025.

Tuấn Hà