Hội thảo góp ý báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, nghiên cứu và định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc

08:56 PM 28/12/2021 |   Lượt xem: 3124 |   In bài viết | 

Quang cảnh Hội thảo

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành hoặc tham mưu ban hành hệ thống chính sách dân tộc và các văn bản pháp luật, các chương trình, đề án, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) một cách đầy đủ, toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhân thức và sự đồng thuận của các cấp, các ngành và đồng bào DTTS đối với công tác dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS phát huy nội lực, phát huy sức mạnh đoàn kết. Từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP được ban hành trước khi có Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, sau gần 10 năm tổ chức thực hiện, cần có sự nghiên cứu đánh giá một cách tổng thể, khách quan, từ đó khiến nghị giải pháp sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hiện hành bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tổ chức thức hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 05 đã bộc lộ một số điểm bất cập, tồn tại, hạn chế, chồng chéo với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Một số quy định của Nghị định còn chung chung, mang tính ngắn hạn, giai đoạn, thiếu định hướng trung hạn và dài hạn; kinh phí bố trí thực hiện hiện chương trình, đề án, dự án thấp chưa, đáp ứng được mục tiêu và kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng vùng DTTS chưa đồng bộ; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người DTTS ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có chế độ, chính sách phù hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đối với từng vùng miền, địa phương. Đói nghèo, bệnh tật, thiếu việc làm, thu nhập thấp vẫn đang là thách thức lớn của vùng DTTS và miền núi...

Từ những thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu triển khai Dự án điều tra “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc” nhằm cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc. Đánh giá, kiến nghị các giải pháp thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tổng kết thực tiễn ban hành và thực hiện chính sách dân tộc, làm cơ sở cho pháp điển hóa các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất những chính sách mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc.

Trao đổi ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao các kết quả điều tra, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo tổng hợp và dự thảo Đề cương sơ bộ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05 của Dự án. Các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung như chính sách đầu tư, sử dụng nguồn lực phát triển bền vững; chính sách giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chính sách về cán bộ người DTTS; chính sách đối với đội ngũ người có uy tín; chính sách về y tế và dân số, thông tin và truyền thông… Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, giảm số lượng phân nhóm các chính sách; xem xét đưa nguyên tắc, tiêu chí xác định tên gọi các DTTS; cụ thể hóa chính sách sử dụng tiếng nói và chữ viết các DTTS; đề cao vai trò thẩm định của UBDT trong các dự án phát triển KT-XH của các địa phương...

Thông qua thảo luận, các đại biểu thống nhất đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung trọng tâm của Nghị định 05 theo hướng thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc; thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, nhất là quy định “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước. Thời gian tới, cần tạo khuôn khổ pháp lý và các biện pháp quản lý nhà nước đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đảm bảo việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của đồng bào các DTTS.

Việt Cường