Hội thảo góp ý Đề cương Đề án Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc

02:40 PM 09/04/2019 |   Lượt xem: 3002 |   In bài viết | 

Quang cảnh hội thảo

Tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chính phủ đã giao cho UBDT xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc” (gọi tắt là Đề án).

Theo Dự thảo Đề cương Đề án: Việc bảo vệ các DTTS rất ít người sẽ tạo năng lực phát triển để đồng bào các dân tộc nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển, với xã hội đương đại. Tạo cơ hội để đồng bào DTTS tiếp cận với giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế, nhằm bảo đảm yêu cầu mở rộng cơ hội lựa chọn của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện các quyền cơ bản, quyền phát triển đầy đủ bình đẳng với các dân tộc khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ giống nòi, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đồng thuận cao với Đề cương Đề án. Một số ý kiến cho rằng: Cần bám sát các chỉ tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII và Nghị quyết 137-NQ/CP của Chính phủ để xây dựng Đề án; đánh giá sự tác động của Đề án đối với các chính sách có liên quan khác để đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp, khả thi; xây dựng các mô hình để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương. Không nên tham vọng giải quyết quá nhiều mục tiêu trong khi nguồn kinh phí có hạn; cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dân số của 16 dân tộc rất ít người; xác định rõ đối tượng, phạm vi của Đề án…

Đánh giá cao các ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông yêu cầu Ban soạn thảo Đề án tiếp thu các ý kiến góp ý và khẳng định: Đề án cần bám sát Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII và Nghị quyết 137-NQ/CP của Chính phủ; đánh giá được tác động của Đề án đối với các chính sách khác để tránh chồng chéo, phân tán nguồn lực. Cần sớm hoàn thiện phiếu điều tra để triển khai khảo sát, đảm bảo tiến độ để sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án.