Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
03:18 PM 26/07/2017 | Lượt xem: 9443 In bài viết |Sáng ngày 26/7, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng đã chủ trì Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” và Quyết định thay thế Quyết định 18 và Quyết định 56 về chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.Tham dự Hội thảo có bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Ban Dân tộc một số tỉnh khu vực phía Bắc cùng các chuyên gia, các đồng chí trong tổ soạn thảo và đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của UBDT.
Hội thảo đã được nghe bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số của UBDT trình bày những nội dung chính của dự thảo Đề án“Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số”; dự thảo Quyết định về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tờ trình về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Qua kết quả khảo sát xây dựng Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” ở một số địa phương cho thấy hiểu biết về bình đẳng giới, Luật Bình đẳng giới của cộng đồng, thậm chí cán bộ xã, huyện cũng rất hạn chế. Trước thực tế vùng DTTS có những yếu tố đặc thù về điều kiện địa bàn sinh sống là vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo cao, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, phong tục tập quán; định kiến giới của một số dân tộc còn nặng nề, sự hạn chế về tiếp cận xã hội, hạn chế về giao tiếp, tâm lý tự ti, e ngại, rào cản ngôn ngữ của phụ nữ DTTS; năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vận động nâng cao năng lực nhận thức của người dân và đào tạo nâng cao năng lực trong Quyết định 1241/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 còn nhiều hạn chế, mới thực hiện ở các cơ quan cấp tỉnh là chủ yếu, công tác tuyên truyền vận động, nâng cao năng lực ở vùng DTTS chưa được quan tâm đúng mức; việc tuyên truyền trên phát thanh và truyền hình, báo giấy chưa thường xuyên, hình thức, ngôn ngữ chưa phù hợp, đồng bào ít được tiếp cận;việc tập huấn, phổ biến pháp luật, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ mới chỉ thực hiện ở cấp tỉnh là chủ yếu, đội ngũ cán bộ huyện nhất là ở cơ sở xã, thôn bản hầu như chưa được tập huấn.
Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025” thực sự thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến về bình đẳng giới, thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đề án tập trung vào công tác truyền thông; đào tạo nâng cao năng lực; xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy BĐG với đối tượng áp dụng là đồng bào DTTS, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, công chức, viên chức công tác trên địa bàn vùng DTTS.
Về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc thực hiện Quyết định 18 và Quyết định 56 đã được các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tuy nhiên, Quyết định 18 và Quyết định số 56 vẫn còn tồn tại một số bất cập, nên việc xây dựng quyết định thay thế Quyết định 18 và 56 của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của của Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, kịp thời khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người có uy tín, góp phần động viên, khích lệ những người có uy tín trong vùng DTTS tiếp tục phát huy vai trò tích cực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Dự thảo Quyết định mới sẽ: Thống nhất lại đối tượng thụ hưởng chính sách; quy định cụ thể các nội dung cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, về chính sách dân tộc và các kỹ năng, hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở để các địa phương thống nhất thực hiện; điều chỉnh cơ chế cấp Báo Dân tộc và Phát triển cho phù hợp theo hướng ngân sách trung ương bố trí trong dự toán hàng năm của UBDT để cấp báo có người có uy tín; điều chỉnh nâng mức chi một số nội dung chính sách trong Quyết định số 18 và Quyết định 56; xem xét, đề nghị chính sách hỗ trợ bảo hiểm; quy định cụ thể trình tự, thủ tục bình chọn, công nhận, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín để các cơ quan liên quan thống nhất triển khai thực hiện; quy định cụ thể nguồn ngân sách trung ương bố trí trong dự toán hàng năm của UBDT, các cơ quan trung ương liên quan và kinh phí hỗ trợ cho các địa phương có khó khăn để chủ động thực hiện chính sách đối với người có uy tín được tốt hơn; quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của UBDT và các Bộ, ngành liên quan…
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với việc xây dựng Đề án và sửa đổi quyết định về chính sách cho người có uy tín, đồng thời đề nghị: Đối với Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số”, phải đưa ra chỉ tiêu phù hợp, chính xác để đánh giá đúng hiệu quả; xác định rõ phạm vi điều chỉnh đề án; cân nhắc thành phần dân tộc; cần nhấn mạnh tính đặc thù của Đề án; giải pháp và nội dung thực hiện phải tương đồng, logic; vai trò của hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước công tác dân tộc trong khuôn khổ Đề án; quy định tham gia cụ thể của các Bộ, ngành liên quan;…
Đối với dự thảo quyết định thay thế Quyết định 18 và Quyết định 56 về chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, các đại biểu cho rằng: Không nên quy định cứng thời gian xét chọn người có uy tín là 5 năm mà nên rà soát, đánh giá hàng năm; nghiên cứu lại Quyết định 56 và dự thảo mới để bổ sung nội dung đầy đủ, sát thực; bổ sung phạm vi điều chỉnh; cân nhắc thành phần dân tộc; xem xét việc người có uy tín được cung cấp các thông tin, kết quả thực hiện chính sách liệu có khả thi không; quy định rõ và bổ sung đầy đủ đối tượng được thăm viếng, động viên;…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng nhất trí cao với ý kiến của các đại biểu tham gia Hội thảo. Đối với quyết định về chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng yêu cầu: Chỉnh sửa, hoàn thiện thể thức và nội dung tờ trình; nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành mà Thủ tướng Chính phủ giao; bổ sung rõ phần trang bị cung cấp thông tin cho người có uy tín; làm rõ tiêu chí bình xét người có uy tín; mỗi thôn, bản chỉ nên bầu chọn 01 người có uy tín; nâng mức hỗ trợ bằng với mức hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hiện nay dành cho người có uy tín.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đánh giá cao dự thảo Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” do Vụ Dân tộc Thiểu số biên soạn. Thông qua các ý kiến góp ý cho dự thảo Đề án, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng đề nghị Vụ Dân tộc Thiểu số tiếp thu, bổ sung các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để hoàn thiện dự thảo Đề án.
Kim Thu