Hội thảo góp ý về chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức, viên chức

08:58 AM 25/10/2017 |   Lượt xem: 4237 |   In bài viết | 

TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT chủ trì Hội thảo

Theo dự thảo Đề án “Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức, viên chức theo 04 nhóm đối tượng”, các nhóm đối tượng bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số (DTTS) gồm: Cán bộ, công chức, lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng và tương đương; cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương; cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương; cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cán bộ không giữ chức vụ lãnh đạo.

Toàn cảnh Hội thảo

Phạm vi Đề án sẽ thực hiện tại 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhiều người DTTS sinh sống. Chương trình bồi dưỡng sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về DTTS, giúp cán bộ, công chức, viên chức có những hiểu biết về văn hóa DTTS, về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc. Thời lượng chương trình học từ 4-5 ngày cho từng nhóm đối tượng.

Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2020, tối thiểu 30% cán bộ, công chức, viên chức theo các nhóm đối tượng các tỉnh vùng DTTS được bồi dưỡng kiến thức về DTTS. Tối thiểu 40% cán bộ công chức, viên chức làm công tác dân tộc chuyên trách của Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương được bồi dưỡng kiến thức về DTTS. Đến năm 2025, 100% các nhóm đối tượng được bồi dưỡng kiến thức về DTTS.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã khẳng định tính cấp thiết, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức về DTTS cho các nhóm đối tượng trong giai đoạn hiện nay. Nhiều ý kiến băn khoăn về tên gọi của Đề án. Các đại biểu cũng đề nghị, cần nêu bật sự cần thiết xây dựng Đề án; đề nghị xem lại phân nhóm đối tượng, căn cứ tình hình thực tiễn cần làm rõ, bổ sung từng nhóm đối tượng; chương trình bồi dưỡng cần sát thực tiễn, đánh giá những kiến thức nào thiếu hụt để đưa vào chương trình bồi dưỡng, tránh dàn trải; nội dung học phải thiết thực, có thể bổ sung các kiến thức về hội nhập quốc tế, bình đẳng giới, môi trường, biến đổi khí hậu... và  tăng cường kiến thức thực tiễn; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo sức lan toả của Đề án; rà soát hoàn thiện các chương trình, thời lượng bồi dưỡng phù hợp…

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện Đề án. Về bố cục, nội dung phải ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng nêu bật được sự cần thiết, căn cứ thực tiễn. Về tên gọi, còn có ý kiến khác nhau nên cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi. Về đối tượng phải nghiên cứu các phương án của đại biểu đưa ra để điều chỉnh. Mục tiêu, nội dung, chương trình phải sát thực tiễn. Công tác tổ chức bồi dưỡng phải phân cấp hợp lý. Tùy từng chuyên đề, đối tượng để mời giảng viên phù hợp. Khẳng định việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức là rất cần thiết, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục tư vấn, đóng góp ý kiến để đi đến thống nhất, hoàn chỉnh Đề án và các tờ trình, quyết định trình Chính phủ đạt hiệu quả, chất lượng nhất.

KT