Hội thảo khoa học Chiến lược Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030
06:39 PM 19/03/2021 | Lượt xem: 4047 In bài viết |Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH; Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH; Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Lê Văn Thành - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH; Đào Minh Phúc - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng. Cùng sự tham dự của đại diện Lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương và các nhà khoa học.
NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu hoạt động của Ngân hàng nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Trải qua gần 19 năm hoạt động, NHCSXH được xây dựng và phát triển qua hai giai đoạn: 2002-2010 là giai đoạn xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, tăng cường nguồn lực, tăng trưởng tín dụng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách; giai đoạn 2011-2020, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 10 năm qua, dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm của NHCSXH đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển. Nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.197 tỷ đồng; với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong đó, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS và miền núi đạt 56.550 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 39,3 triệu đồng (bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng/hộ). Tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng DTTS và miền núi.
Quy mô dư nợ đối với đồng bào DTTS tăng trưởng ấn tượng, thể hiện nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa tới tay hộ DTTS nghèo. Qua đó, giúp đồng bào DTTS phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương để từng nước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế. Có thể khẳng định, các chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS đã thể hiện sự chuyển biến tích cực về tư duy, phương pháp luận, cách thức tổ chức triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Dân tộc với NHCSXH và các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.
Quang cảnh Hội thảo
Giai đoạn 2021-2030, Dự thảo Chiến lược Phát triển NHCSXH xác định mục tiêu tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các nội dung của Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước; nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.
Trao đổi, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã có những đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020, phân tích các bài học kinh nghiệm, nhận diện các nhóm vấn đề thách thức và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: nền tảng, cơ cấu, hoạt động, nguồn lực tài chính của NHCSXH; xác định các chương trình tín dụng chính sách trọng tâm, sự kết nối với các hình thức tín dụng khác; cơ chế quản lý, quản trị và điều hành; công tác giám sát, đánh giá...
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã làm rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển toàn diện NHCSXH giai đoạn 2021-2030, phù hợp với bối cảnh phát triển KT-XH đất nước và Chiến lược phát triển của ngành ngân hàng, góp phần quan trọng trong thực hiện thành công Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết các dân tộc.