Mô hình quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở một số quốc gia châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

02:27 PM 01/11/2018 |   Lượt xem: 3425 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Qua các tài liệu nghiên cứu, trên thế giới hiện nay có khoảng 3.000 tộc người sinh sống ở gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Ở mỗi quốc gia khác nhau đều có quan điểm, thể chế, mô hình quản lý nhà nước về vấn đề tộc người khác nhau. Thực tế cho thấy nhiều mô hình thành công, tạo ra sự phát triển bền vững, nhưng cũng có mô hình chưa thành công, dẫn đến xung đột, nội chiến giữa các tộc người trong một quốc gia.

Để chuẩn bị cho việc đổi mới chính sách, đổi mới mô hình cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Dân tộc giao Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc (Học viện Dân tộc) và PGS.TS Nguyễn An Ninh chủ trì thực hiện Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu các mô hình quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”.

Với mục tiêu tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ, trao đổi, thảo luận, Hội thảo gồm các chuyên đề chính như: vấn đề dân tộc và mô hình quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở một số nước châu Á; thực trạng mô hình quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao các nội dung chuẩn bị của chuyên đề và chia sẻ thêm những kinh nghiệm từ thực tiễn, cũng như các bài học kinh nghiệm của một số quốc gia về công tác dân tộc. Một số ý kiến cho rằng mỗi quốc gia có những đặc thù, mô hình và cách làm khác nhau nhưng quan trọng nhất là công tác tổng kết và vận dụng những điểm tích cực vào thực tiễn của Việt Nam. Ngoài ra cần nhận định rõ nội hàm của công tác dân tộc, quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn mới, xu hướng đặt ra trong bối cảnh hiện nay trước sự tác động của cải cách hành chính, sát nhập, giảm đầu mối bộ máy tổ chức. Các ý kiến đã góp phần đóng góp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đề tài.

Việt Cường