Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo “Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng chính sách giai đoạn 2021-2025” lần 2

02:54 PM 05/10/2018 |   Lượt xem: 5297 |   In bài viết | 

Bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc chủ trì Hội thảo

Sau Hội thảo lần thứ nhất với sự tham dự của một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia nghiên cứu và Ban Dân tộc các tỉnh đại diện cho các vùng, Dự thảo Báo cáo “Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng chính sách giai đoạn 2021-2025” đã được hoàn thiện thêm theo các nội dung góp ý. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Đại sứ quán Ailen và Tổ chức CARE Việt Nam, Hội thảo lần 2 được tổ chức để có thêm những đóng góp từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là ý kiến tham gia trực tiếp của một số người dân là đồng bào dân tộc, đến từ cộng đồng của một số tỉnh.

Tại Hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia đã trình bày báo cáo Nghiên cứu rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2018, định hướng giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của báo cáo là: Rà soát, đánh giá việc ban hành các CSDT đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2018; đánh giá kết quả việc thực hiện các CSDT trong thời gian qua và đề xuất định hướng xây dựng CSDT cho giai đoạn 2021-2025. Báo cáo đã đưa ra khung rà soát theo 7 nhóm chính sách gồm: cơ sở hạ tầng; sản xuất, tín dụng; giảm nghèo; y tế cơ sở; giáo dục đào tạo; văn hóa xã hội và an ninh-quốc phòng. Về đề xuất định hướng xây dựng chính sách, Báo cáo đưa ra quan điểm: tập trung nguồn lực chính sách vào một số nội dung chiến lược, có tác động lan tỏa và phù hợp với điều kiện từng vùng; hạn chế chính sách hỗ trợ trực tiếp, đầu tư cơ sở hạ tầng sang hỗ trợ để đồng bào DTTS tự sản xuất vươn lên và phát triển bền vững; đồng bộ giữa các cơ chế chính sách về đầu tư, tăng cường cơ chế quản lý và thực hiện đặc thù cho các chương trình liên quan đến thực hiện CSDT. Ngoài ra, Báo cáo đã đưa ra những định hướng cụ thể cho từng nhóm lĩnh vực và phân tích vai trò của UBDT trong việc thực hiện CSDT.

Đại diện Nhóm Tiên phong vì tiếng nói người DTTS phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Đánh giá về sự chuẩn bị công phu cho báo cáo, với lượng dữ liệu phong phú, các đại biểu đã thảo luận, góp ý cho dự thảo báo cáo, tập trung vào một số nội dung như: cần phân tích kỹ hơn cho phần đánh giá tác động của chính sách, làm rõ khung phân tích, tiêu chí và phương thức đánh giá; các tác động của chính sách trong bối cảnh mới như sự phát triển KH&CN, di cư, thanh niên đi lao động tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến sinh kế, văn hóa, xã hội; phân tích thêm tác động của chính sách đối với phụ nữ và các nhóm yếu thế. Một số đại biểu khuyến nghị việc xây dựng chính sách cần có trọng tâm, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, những người chịu tác động trực tiếp để nâng cao tính chủ động, sáng tạo của đồng bào trong phát triển kinh tế-xã hội. Gắn các đề xuất cụ thể từ số liệu minh chứng, các phát hiện có sự phân tích khoa học, kế thừa thêm các nghiên cứu từ rà soát, đánh giá chính sách. Ngoài ra, chính sách tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần được triển khai hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc đã chia sẻ thêm về các nội dung góp ý, đề xuất của các đại biểu. Dự thảo Báo cáo cần làm rõ mục tiêu và phạm vi, với các tiêu chí rõ ràng hơn cho khung đánh giá. Từ nhiều câu chuyện thực tế, ý kiến đa chiều của người dân, Báo cáo sẽ tập trung đánh giá tác động của các chính sách đối với đồng bào DTTS, từ đó đưa ra những định hướng rõ ràng để nâng cao ý thức, tự lực của đồng bào. Các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu trong thời gian tới.

Kim Hằng