Khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số: Chính sách, thực tiễn và các mô hình hợp tác
02:46 AM 22/04/2017 | Lượt xem: 3398 In bài viết |Sáng ngày 21/4, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với tổ chức Care Internatinal tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số: chính sách, thực tiễn và các mô hình hợp tác”. Ông Hà Việt Quân, Tổ trưởng Tổ công tác khởi nghiệp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT (Tổ công tác 569) – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị của UBDT; Ban Dân tộc có doanh nghiệp/tổ chức người DTTS khởi nghiệp tiêu biểu; chuyên gia chính sách; một số cán bộ kỹ thuật từ các cơ quan phát triển, nhà tài trợ; đại diện cộng đồng DTTS số đã và đang có mô hình khởi nghiệp thành công; đại diện các doanh nghiệp đang hợp tác, liên kết khởi nghiệp cùng đồng bào DTTS và phóng viên các cơ quan thông tin truyền thông.
Trước tình hình hiện nay, nguồn vốn ODA đã giảm đi rõ rệt và các nguồn lực cho chính sách giảm nghèo và phát triển của Việt Nam ngày càng khó khăn hơn, trong khi đó nhu cầu về nguồn kinh phí cho giảm nghèo ngày càng tăng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có Quyết định 569/QĐ-UBDT ngày 26/10/2016 về việc thành lập Tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT về kết nối, nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng chính sách khởi nghiệp cho đồng bào DTTS.
Theo ông Hà Việt Quân nhận định: Không thể mãi dựa vào sự hỗ trợ của các chính sách mà cần tạo ra thu nhập, tạo ra công ăn việc làm để có thu nhập, giải quyết vấn đề giảm nghèo. Vì vậy, cần phải có hướng tiếp cận mới trong đồng bào DTTS. Nhóm khởi nghiệp đã đưa ra các phương án khởi nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu: Tạo việc làm để giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển công bằng và hòa nhập.
Hiện nay đã có 21 tổ chức khởi nghiệp của đồng bào DTTS trên cả nước được ứng dụng nhiều phương pháp kinh doanh hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho đồng bào, nhất là đồng bào DTTS. Trước tình hình nhân sự nhiều nhưng còn thiếu kỹ năng quản trị, vốn, thị trường phát triển sản phẩm còn nhỏ hẹp, một số bất cập đặt ra như: Thông tin về các chính sách tương đối đầy đủ nhưng theo các chuyên gia, các nhóm thanh niên đang ít được tiếp cận với các thông tin chính sách này, thậm chí nếu có tiếp cận thì làm thủ tục cũng mất 1 năm; mức độ thanh niên DTTS hưởng lợi từ chính sách còn hạn chế; đối tượng khởi nghiệp có thể không thuộc đối tượng của Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020; các chính sách hướng đến hỗ trợ khởi nghiệp và các tổ chức kinh tế sản xuất kinh doanh trên địa bàn DTTS và miền núi mới chỉ tập trung ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; chính sách hướng đến hỗ trợ sản xuất, thuế, tín dụng ít hướng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh lĩnh vực dược liệu, du lịch cộng đồng… Vì vậy, cần có những giải pháp để nhu cầu khởi nghiệp được tiếp cận gần hơn với các chính sách hiện hành.
Hôi thảo còn được nghe đại diện một số doanh nghiệp, đại diện công đồng DTTS có mô hình khởi nghiệp tại địa phương trình bày tham luận về các mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như: Khởi nghiệp bằng kinh doanh dược liệu, du lịch, kinh doanh các sản phẩm bản địa cùng với các mô hình kinh doanh có cơ hội và tiềm năng, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị.
Hội thảo đã tiến hành thảo luận giữa các nhóm với các nội dung: Giải pháp hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp, lập nghiệp, tiếp cận hưởng lợi chính sách và nguồn lực hỗ trợ; năng lực, nhu cầu hỗ trợ của các nhóm cộng đồng, thanh niên DTTS khởi nghiệp; mô hình liên kết, hợp tác hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp.Thông qua thảo luận, các nhóm đã cùng chia sẻ kết quả và có những hỏi đáp để tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho công tác khởi nghiệp.
Kim Thu