Tăng cường công tác quản lý nguồn lực của Chính phủ Ai Len hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135
07:30 PM 17/05/2018 | Lượt xem: 2021 In bài viết |Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác quản lý nguồn lực của Chính phủ Ai Len hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và chia sẻ kinh nghiệm đối với các địa phương qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ai Len”. Thừa ủy quyền của lãnh đạo hai cơ quan, ông Võ Văn Bảy - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135 (UBDT) và bà Nuala O’Brien - Phó Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Dự hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành; các tổ chức NGO; các Vụ, đơn vị thuộc UBDT; đại diện các huyện, xã và lãnh đạo Ban Dân tộc của các tỉnh hưởng thụ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ai Len dành cho Chương trình 135 (gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh, Quảng Trị và Hòa Bình).
Năm 2017, Ai Len đã hợp tác với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt kiểm toán ở 9 tỉnh do Ai Len đã hỗ trợ. Qua các đợt kiểm toán, Đoàn công tác đánh giá cao hiệu quả đầu tư của nguồn vốn cũng như công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cấp tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan, sở, ban ngành trong sử dụng vốn viện trợ. Chương trình 135 đã góp phần nâng cao năng lực cho cấp xã làm chủ đầu tư, góp phần cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt ở các xã ĐBKK.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước nhận định, trong quá trình thực hiện CT135, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc phân bổ vốn còn chậm, làm giảm hiệu quả mục tiêu của nguồn vốn viện trợ; áp lực giải ngân lớn nên các thủ tục đầu tư, quyết toán còn gặp nhiều khó khăn; việc giao cho cấp xã làm chủ đầu tư còn nhiều bất cập do năng lực còn hạn chế; mỗi tỉnh có đặc thù khác nhau, trong khi nguồn vốn áp dụng lại giống nhau; việc đầu tư phải đúng, trúng với nguyện vọng của người dân thì mới phát huy được hiệu quả; cần đơn giản hóa các thủ tục trong đầu tư, tránh kéo dài thời gian làm ảnh hưởng hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Thông qua kết quả, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra những khuyến nghị quan trọng để cải thiện Chương trình mà các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương cần thực hiện, qua đó rút kinh nghiệm để tăng cường công tác quản lý các dự án nói chung và các dự án do Irish Aid hỗ trợ nói riêng tại các địa phương, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực cho các cấp xã có đủ năng lực làm chủ đầu tư, tăng tỷ lệ xã làm chủ đầu tư và lựa chọn công trình đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn viện trợ giai đoạn 2017-2020, đáp ứng các nội dung như đã cam kết tại Thỏa thuận tài trợ.
Bà Nuala O’Brien - Phó Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực này. Thông qua các khuyến nghị của các đợt kiểm toán nhà nước, giúp cho các cơ quan Chính phủ và các đối tác khác có thể thấu hiểu hơn về những vấn đề có thể thực hiện được hoặc không thể thực hiện, cũng như cách làm tốt để các hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả hơn. Bà Nuala O’Brien hy vọng những nỗ lực này sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc thực hiện những hỗ trợ từ phía Ai Len, làm cơ sở để tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác giữa Ai Len và Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế trong việc triển khai thực hiện nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len tại địa phương, đồng thời nêu lên những kiến nghị, đề xuất để quản lý điều hành nguồn vốn đạt hiệu quả cao, như: Việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư nên giao cho UBND tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm trước nguồn vốn được phân bổ, tài trợ, không nên quy định cứng về phân cấp chủ đầu tư theo tỷ lệ số xã tiếp nhận khoản viện trợ này; đề nghị nâng định mức hỗ trợ đầu tư cao hơn cho công trình ở một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đảm bảo phân bổ nguồn vốn kịp thời để các tỉnh có đủ thời gian triển khai thực hiện; việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư cần gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý và giám sát chương trình cho cán bộ cấp xã; chú trọng đến các nội dung cấp thiết để đầu tư, đồng thời tăng cường lồng ghép các nguồn vốn để đảm bảo việc huy động vốn đầu tư đồng bộ, đảm bảo mục tiêu của chương trình...
Ông Võ Văn Bảy - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135 phát biểu tại Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, ông Võ Văn Bảy - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 đánh giá cao các ý kiến trao đổi tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Các ý kiến đã tập trung đóng góp vào các vấn đề liên quan đến quản lý nguồn vốn tài trợ, việc phân bổ, lồng ghép vốn... Việc trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc triển khai nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len cho các năm tiếp theo và thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả cao hơn.
Xuân Thường