Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2030

04:04 PM 03/01/2019 |   Lượt xem: 19551 |   In bài viết | 

Các đồng chí Lãnh đạo chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; nguyên lãnh đạo UBDT; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, Ban Dân tộc địa phương; đại diện các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao UBDT đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ tổ chức Hội thảo quan trọng nhằm chia sẻ thông tin, chính sách dân tộc với các đối tác quan tâm, hỗ trợ sự nghiệp phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi; đánh giá cao sự tham dự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong công tác xây dựng, hoạch định, phản biện, giám sát thực hiện hệ thống chính sách dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng DTTS và miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện và ưu tiên bố trí huy động nguồn lực để thực hiện. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng DTTS, miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống chính sách dân tộc vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đưa vào chương trình công tác năm 2019 xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo hướng tích hợp các chính sách, giải pháp nhằm phát triển nhanh, bền vững hơn vùng đồng bào DTTS, miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hệ thống chính sách dân tộc thời gian qua, phân tích đúng thực trạng đời sống, thu nhập, sinh kế và mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế của đồng bào DTTS; đóng góp nhiều ý tưởng, gợi mở cho định hướng xây dựng hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Theo đánh giá tại Hội thảo, trong giai đoạn vừa qua, nhất là giai đoạn 2016-2018, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu

Tuy đạt được một số kết quả đáng trân trọng, nhưng hiện nay ở vùng DTTS và miền núi, tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật vẫn đang là thách thức lớn. Tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước; thu nhập bình quân của hộ DTTS, nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực. Vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Vẫn còn hơn 54.000 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 223.000 hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ chưa được giải quyết thấu đáo… Những khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân. Thời gian tới, chính sách dân tộc cần phải đổi mới để giải quyết những thách thức này.

Phát biểu tại Hội thảo, về định hướng chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết: Ban hành đồng bộ các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách, phấn đấu đến năm 2030 thu hẹp một bước chênh lệch giữa vùng DTTS và miền núi so với vùng phát triển; không còn huyện đặc biệt khó khăn, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 60% hộ nghèo DTTS hiện nay; 100% các xã vùng DTTS và miền núi có đủ các hạ tầng thiết yếu: Đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, trường học các cấp kiên cố hóa; không còn hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS hàng năm giảm trên 5%...

Quang cảnh Hội thảo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết: UBDT sẽ chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Bộ tiêu chí phân định vùng DTTS theo trình độ phát triển và vùng miền, đảm bảo khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Thực hiện Nghị quyết 74/2018/QH14 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, UBDT chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành địa phương xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021. Dự kiến Đề án sẽ đề cập đến 6 nhóm chính sách chủ yếu gồm: phân bổ ngân sách quốc gia cho vùng DTTS  và miền núi; thu hút đầu tư; hỗ trợ đầu tư phát triển giao thông nông thôn, các cơ sở dạy nghề, giáo dục, y tế; đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn  nhân lực chất lượng cao; tín dụng ưu đãi đối với hộ DTTS tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân… Chính sách được xây dựng theo phương châm lượng hóa chính sách bằng “con số”; tăng cho vay ưu đãi, giảm cho không, hỗ trợ có điều kiện; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; thu gọn đầu mối theo dõi, quản lý chính sách, phân cấp triệt để đến đối tượng thụ hưởng chính sách…

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trình bày tham luận

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đánh giá về những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua; chỉ ra những bất cập, hạn chế, như: hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo; nguồn lực thực hiện còn khó khăn; chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của từng vùng; chưa khuyến khích đồng bào tự vươn lên thoát nghèo; nhiều địa phương còn gặp khó khăn vướng mắc trong huy động, phân phối nguồn lực… Đời sống của đồng bào DTTS ở một số địa bàn còn rất khó khăn, nhiều vấn đề bức xúc của đồng bào chậm được phát hiện và giải quyết… Từ đó, đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện chính sách trong giai đoạn tới. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề nguồn lực thực hiện chính sách, có chính sách phát triển nguồn nhân lực DTTS đúng yêu cầu, đảm bảo tỷ lệ cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị, thay đổi cách triển khai một số chính sách giáo dục dân tộc… và cho rằng, chính sách dân tộc cần có sự thay đổi cách tiếp cận, tích hợp, tập trung, hiệu quả hơn.