Tọa đàm khoa học về một số thuật ngữ và chính sách dân tộc dự kiến trong Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

10:04 AM 15/09/2017 |   Lượt xem: 4753 |   In bài viết | 

Theo kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 3942-CV/VPTW ngày 19/5/2017 nêu rõ, dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần được tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, thận trọng; xác định rõ nội hàm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và hiệu quả của chính sách đề ra. Buổi Tọa đàm nhằm lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, nhà quản lý, nhà khoa học, để làm rõ, hoàn thiện nội hàm một số thuật ngữ và chính sách dự kiến đề xuất trong Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải chủ trị Tọa đàm!

Tọa đàm tập trung thảo luận vào 11 thuật ngữ: Công tác dân tộc; Quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Hỗ trợ phát triển; Vùng dân tộc thiểu số; Vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Vùng miền núi; Dân tộc thiểu số; Dân tộc đa số; Dân tộc thiểu số rất ít người; Dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt; Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cùng 7 nhóm chính sách cơ bản: Giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất, thương mại, ứng dụng kỹ thuật, khoa học – công nghệ; Hỗ trợ bảo tồn và phát triển văn hóa, y tế, dân số, bình đẳng giới, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp; Hỗ trợ thông tin truyền thông, tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý; Hỗ trợ bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch, thể thao; một số chính sách đặc thù.

Tham gia góp ý cho buổi tọa đàm, đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định việc xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi là đi đúng định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng chí đề cao tính quan trọng của việc xây dựng luật dân tộc, vì vậy cần tiến hành xây dựng đúng các bước để Luật được ra đời . Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Luật, không nên thống kê hết các nội dung mà chỉ đưa những vấn đề có tính nguyên tắc, đặc thù, mang tính chất cơ bản, quản lý, đảm bảo tính pháp luật để đưa vào; đề cương dự thảo nên lựa chọn những nội dung phù hợp; dựa trên nhu cầu thực tế tại các vùng dân tộc để xây dựng luật; tiếp tục triển khai nhiều nội dung tọa đàm để lấy ý kiến từ các nhà khoa học. Đồng chí cũng khẳng định: Hội đồng Dân tộc sẽ quyết tâm và có những hoạt động phối hợp với UBDT để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng đến khi hoàn chỉnh Luật.

 Các chuyên gia, các nhà khoa học  đã đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện các thuật ngữ và các chính sách dự kiến đề xuất trong dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi .

Chủ trì Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh: Do tính chất quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc còn rất mờ nhạt, nhiều chính sách bố trí hiệu lực chưa đủ, vì vậy Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi sẽ là cơ sở tăng tính hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tăng cường chính sách cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Thứ trưởng Lê Sơn Hải đề nghị Tổ soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, thực hiện đúng từng bước xây dựng đề cương để Luật được ra đời. Thứ trưởng cũng mong rằng trên phương diện nghiên cứu khoa học, rất mong nhận được các ý kiến tâm huyết từ các nhà khoa học, góp phần xây dựng tốt nội dung dự thảo đề án để trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến vào năm sau.

KT