UBDT nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ: Một số giải pháp phát triển các mô hình du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
12:03 PM 15/10/2020 | Lượt xem: 3514 In bài viết |Sáng 15/10/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: Một số giải pháp phát triển các mô hình du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS). PGS. TS. Vũ Tuấn Cảnh, nguyên Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Chủ tịch Hội đồng. Cùng dự có các thành viên Hội đồng, Lãnh đạo Vụ Tổng hợp (UBDT) và một số nhà khoa học.
Đề tài “Một số giải pháp phát triển các mô hình du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo vùng DTTS”, mã số: ĐTCB.UBDT.02.18 do TS. Nguyễn Công Thảo là Chủ nhiệm đề tài; Tổ chức chủ trì là Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Từ công tác hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển các mô hình du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo vùng DTTS; Đề tài triển khai phân tích và nghiên cứu các mô hình du lịch cộng đồng hiện nay để đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, góp phần giảm nghèo vùng DTTS và miền núi.
Đề tài đã triển khai nghiên cứu thực địa tại 4 tỉnh: Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, An Giang, góp phần đưa ra kiến nghị cho việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng như một giải pháp giảm nghèo vùng DTTS ở nước ta. Phân tích các mô hình nghiên cứu, Đề tài đã đánh giá theo khung phân tích các nhóm vấn đề liên quan đến du lịch cộng đồng như: Phát huy nguồn lực tự nhiên; Phát huy nguồn lực văn hóa; Sự tham gia của cộng đồng địa phương; Sự tham gia của các công ty du lịch và Sự tham gia của chính quyền địa phương.
Có thể thấy đối với hoạt động du lịch cộng đồng, nguồn lực tự nhiên là quan trọng nhưng nguồn lực văn hóa mới đóng vai trò quyết định thu hút, lưu giữ và kéo khách du lịch trở lại. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng nhưng việc biến chúng thành các sản phẩm du lịch cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhà ở, ẩm thực, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giai điệu dân ca dân vũ, quảng bá thông tin... Sự khác biệt của hoạt động du lịch cộng đồng so với các loại hình du lịch khác là sự tham gia của đa số các thành viên cộng đồng địa phương. Họ tạo dựng được mạng lưới hoạt động mà lợi ích các thành viên không bị xung đột, mang tính bình đẳng và minh bạch. Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng mình, hoạt động của họ phải đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho các cộng đồng láng giềng, không gây hệ quả tiêu cực cho họ cũng như môi trường tự nhiên.
Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã triển khai nghiên cứu bài bản, khoa học, rà soát cung cấp được nhiều tư liệu phong phú, cũng như triển khai điều tra khảo sát một cách công phu để đưa ra kết quả nghiên cứu có cơ sở khoa học và thực tiễn. Các thành viên Hội đồng đề nghị: Điều chỉnh lại kết cấu đề tài cho phù hợp hơn; làm rõ hơn khung phân tích; cập nhật thêm một số dữ liệu mới để minh chứng; nhấn mạnh chủ thể phát triển du lịch cộng đồng và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển...
Kết quả phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài xếp loại “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm hoàn thiện theo các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng.