Ủy ban Dân tộc: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện một số chính sách tại vùng đồng bào DTTS và miền núi
01:49 PM 20/04/2022 | Lượt xem: 2424 In bài viết |Ngày 20/4/2022, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chủ trì cuộc họp với Vụ Chính sách Dân tộc và các vụ, đơn vị liên quan nhằm đánh giá, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện một số chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải.
Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn vướng mắc của địa phương, ngày 20/10/2021, UBDT đã có Tờ trình số 1610/TTr-UBDT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách tại các xã, thôn ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày 30/10/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo, trong đó giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với 12 chính sách có liên quan; các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đến nay, một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương đang triển khai thực hiện.
Về kế hoạch sửa đổi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 612/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, UBDT đã xây dựng Đề án về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển. Đề án đã được lấy ý kiến của các địa phương tại các Hội nghị vùng, nhiều lần trao đổi, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và đã được các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 năm 2020 (tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020).
Từ kết quả Đề án, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo Quyết định về tiêu chí, tổ chức phân định trên địa bàn 51 tỉnh để đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và ngân sách nhà nước có thể đảm bảo sau khi tiêu chí được ban hành. Do vậy, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ tiêu chí quy định tại Quyết định 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tổ chức rà soát, xác định các xã thuộc khu vực I, khu vực II, khu vực III và thôn ĐBKK trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành danh sách xã thuộc 3 khu vực theo trình độ phát triển tại Quyết định số 861/QĐ-TTg và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt, ban hành tại Quyết định 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách thôn ĐBKK.
Như vậy, việc sửa đổi Quyết định 861 và Quyết định 612 phải xuất phát từ việc xem xét, đánh giá lại Đề án và Tiêu chí đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại cuộc họp, các vụ, đơn vị đã thảo luận, đóng góp ý kiến cụ thể, đưa ra các lý do cụ thể của việc sửa đổi Quyết định 861 và Quyết định 612. Theo đó, việc sửa đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện các chính sách đối với các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn cả nước, đồng thời xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đối với các thôn ĐBKK của xã khu vực III, khu vực II đạt chuẩn NTM, các xã, thôn chia tách, sáp nhập, đổi tên.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Việc sửa đổi phải hướng tới sự công bằng, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Vụ Chính sách Dân tộc và các vụ, đơn vị liên quan tham mưu hoàn thiện báo cáo tham mưu, đề xuất Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị, báo cáo tập trung làm rõ trách nhiệm của UBDT, trách nhiệm của các Bộ ngành. Báo cáo phải có số liệu chứng minh, có cơ sở thực tiễn, đúng chức năng nhiệm vụ. Cần thiết phải có cuộc khảo sát, tổng hợp ý kiến, tâm tư tình cảm trong nhân dân trước khi đưa ra Quyết định sửa đổi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đảm bảo tính hiệu quả cao nhất.
Xuân Thường