Vấn đề xung đột dân tộc/tộc người trong khu vực và trên thế giới từ năm 1990 đến nay qua các nghiên cứu: hiện trạng và khuyến nghị đối với Việt Nam
02:52 PM 02/10/2018 | Lượt xem: 9118 In bài viết |Sáng 02/10/2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển (Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Vấn đề xung đột dân tộc/tộc người trong khu vực và trên thế giới từ năm 1990 đến nay qua các nghiên cứu: hiện trạng và khuyến nghị đối với Việt Nam". TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), PGS. TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, Chủ nhiệm đề tài, đồng chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các thành viên thực hiện Đề tài.
Hội thảo “Vấn đề xung đột dân tộc/tộc người trong khu vực và trên thế giới từ năm 1990 đến nay qua các nghiên cứu: hiện trạng và khuyến nghị đối với Việt Nam” là hoạt động nằm trong kế hoạch của Đề tài Hệ thống hóa, phân tích các nghiên cứu về xung đột dân tộc trong khu vực và trên thế giới từ năm 1990 đến nay.
Đề tài nghiên cứu với mục đích rà soát, hệ thống hóa phân tích các đề xuất, giải pháp quản lý và giải quyết vấn đề xung đột dân tộc/tộc người trong khu vực, trên thế giới từ năm 1990 đến nay qua các nghiên cứu trong nước về quốc tế có liên quan, từ đó lựa chọn, rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Theo kế hoạch, Đề tài đã triển khai 8 nội dung nghiên cứu, 12 tọa đàm, 5 hội thảo tại các tỉnh, thành phố, đăng 6 bài tại các tạp chí nghiên cứu và đang hoàn thiện sách chuyên khảo..
Tại Hội thảo, các thành viên thực hiện đề tài đã trình bày một số chuyên đề như: Các hoạt động và sản phẩm chính của Đề tài; Định kiến tộc người: một nguyên nhân của xung đột dân tộc; Xung đột tộc người trên thế giới: từ thực tiễn đến lý luận và chính sách... để từ đó đưa ra những khuyến nghị cho xây dựng và triển khai chính sách của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Đánh giá cao các kết quả nghiên cứu và lượng tư liệu của Đề tài, các nhà khoa học, đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện như: làm rõ hơn cách tiếp cận về mặt lý thuyết và nội hàm của xung đột, các yếu tố tiền xung đột, bản chất của các cuộc xung đột tộc người; lịch sử và pháp lý liên quan đến dân tộc tại chỗ, vai trò và quy mô dân tộc, tộc người, định kiến trong xung đột; đánh giá tình trạng xung đột dân tộc đang ở mức độ nào; tác động của tôn giáo đến xung đột; sự biến đổi của các cuộc xung đột dân tộc trong bối cảnh hiện nay…
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đánh giá các sản phẩm của Đề tài đã thể hiện sự nghiên cứu mang tính học thuật, công phu, nghiêm túc và sự tiếp cận đúng hướng của các tác giả. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Đề tài hệ thống lại các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước theo chủ đề, nguyên nhân, mức độ tác động; phân tích sâu hơn về các hiềm khích trong lịch sử của xung đột, sự khác biệt, tôn trọng về văn hóa, sự ảnh hưởng của các quốc gia láng giềng… Từ các phát hiện chính của kết quả nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đề xuất nội dung nghiên cứu mang tính gợi mở cho giai đoạn tiếp theo.
Tuấn Hà