Triển khai nguồn vốn do chính phủ Ai Len tài trợ cho Chương trình 135 năm 2016
08:26 PM 27/12/2016 | Lượt xem: 5466 In bài viết |Ngày 27/12, tại Ủy ban Dân tộc (UBDT), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã chủ trì Hội nghị triển khai nguồn vốn do chính phủ Ai Len tài trợ cho Chương trình 135 năm 2016. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Đinh Quế Hải; đại diện một số vụ, đơn vị liên quan thuộc UBDT và đại diện lãnh đạo của 9 tỉnh thụ hưởng nguồn tài trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh và Quảng Trị.
Theo báo cáo của Văn Phòng điều phối Chương trình 135, tổng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len giai đoạn 2011-2015 là 26,26 triệu Euro, tương đương trên 719 tỉ đồng. Trong đó, năm 2011 là 7,5 triệu Euro (217.620 triệu đồng hỗ trợ 21 tỉnh thuộc Chương trình 135 (CT135). Năm 2012 là 5,5 triệu Euro (trên 148 tỉ đồng) hỗ trợ 19 tỉnh thuộc CT135. Giai đoạn 2013-2015 là 13,29 triệu Euro (trên 353 tỉ đồng) hỗ trợ 9 tỉnh thuộc CT135 gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh và Quảng Trị.
Với nguồn vốn trên, giai đoạn 2011-2015, CT135 đã hỗ trợ xây dựng được 386 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại 378 xã ĐBKK tại 21 tỉnh thuộc CT135 bao gồm: Công trình đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trạm y tế, trường học… Các công trình trên hầu hết là các công trình đầu tư có quy mô nhỏ, mức đầu tư cho mỗi công trình tối đa không quá 2 tỷ đồng.
Một số địa phương như: Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum đã lồng ghép các nguồn lực của chính phủ Ai Len, ngân sách nhà nước, hoặc với nguồn lực khác để đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn hơn, mức đầu tư cho mỗi công trình từ 2 - 5 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len theo đúng quy định, hiệu quả, đáp ứng tiến độ đúng cam kết.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện 9 tỉnh được thụ hưởng nguồn vốn đã trao đổi, đề xuất: Không chia đều bình quân khoản viện trợ này cho 9 tỉnh và tất cả các xã ĐBKK; phân bổ vốn theo mức độ khó khăn của từng tỉnh (số xã 135/tổng số xã và tỷ lệ hộ nghèo). Hầu hết đại diện các tỉnh đều thống nhất phương án là không chia đều nguồn kinh phí mà nên ưu tiên cho các tỉnh khó khăn hơn. Nên để cho tỉnh lựa chọn công trình, xã khó khăn để ưu tiên đầu tư. Nguồn vốn đầu tư nhỏ, vì thế không nên đầu tư nhỏ lẻ các công trình, mà nên chọn hiệu quả của công trình đối với đời sống của bà con. Về cơ chế, các tỉnh đề nghị UBDT xem xét giảm bớt các thủ tục về hành chính, có cơ chế rõ ràng để tỉnh dễ thực hiện, giải trình…
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị các tỉnh giao cho cơ quan công tác dân tộc của tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nguồn lực tài trợ của Chính phủ Ai Len. Bộ trưởng nhấn mạnh, các công trình đầu tư do các tỉnh tự lựa chọn, điều chỉnh lại tiêu chí, tuy nhiên công trình đó phải được xây dựng trên xã 135. Công trình đầu tư tối đa không quá 2 tỷ đồng, trong đó, ưu tiên xã khó khăn nhất về cơ sở vật chất, công trình bức xúc nhất và là nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Về cơ chế quản lý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng, UBDT sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế để các địa phương không phải về trung ương để thẩm định vốn. Thống nhất việc không chia đều nguồn vốn, nhưng cần đảm bảo tính tương đối, hài hòa giữa các tỉnh. Văn Phòng điều phối Chương trình 135 - UBDT phối hợp chặt chẽ với các địa phương được thụ hưởng triển khai nguồn vốn do Chính phủ Ai Len tài trợ. Ngoài ra, các tỉnh có thể linh hoạt lồng ghép với các nguồn vốn khác để nâng cao giá trị công trình, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa cho bà con DTTS.
Sơn Nam