Trong đó, Nghị định quy định hỗ trợ huấn luyện người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Cụ thể, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng làm việc không theo hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Mỗi đối tượng được hỗ trợ chi phí huấn luyện 1 lần đối với một công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; đối tượng được hỗ trợ khi tham gia đầy đủ chương trình, thời gian huấn luyện, được kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu và được cấp thẻ an toàn; việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp cho người lao động hoặc hỗ trợ thông qua Tổ chức huấn luyện.
Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế của khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng không quá 50% mức lương cơ sở/người/khóa huấn luyện theo quy định của Chính phủ tại thời điểm huấn luyện.
Nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Hàng năm, căn cứ mức hỗ trợ quy định nêu trên và dự kiến số người lao động tham gia huấn luyện, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí hỗ trợ huấn luyện cho các đối tượng quy định trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Theo: Hoàng Diên (baochinhphu.vn)