Theo dự thảo, đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ gồm: 1- Người thuộc hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
2- Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015.
3- Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
4- Người thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình khi điều trị các bệnh: ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc điều trị các bệnh không lây nhiễm khác gặp khó khăn do chi phí điều trị cao và không đủ khả năng tự chi trả chi phí điều trị.
Theo dự thảo, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các tỉnh) phải thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Quỹ được mở tài khoản tại hệ thống kho bạc Nhà nước.
Các chế độ hỗ trợ
Theo dự thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh, trong đó quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ cho một số đối tượng theo quy định sau:
Hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng (1), (2) khi điều trị nội trú tại: các bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến huyện trở lên; các bệnh viện, viện có giường bệnh thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 3% mức lương cơ sở chung/người bệnh/ngày điều trị.
Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến cơ sở điều trị, từ cơ sở điều trị về nhà và chuyển tuyến cho các đối tượng (1), (2) khi điều trị nội trú tại các cơ sở điều trị trên và các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa người bệnh về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Trường hợp sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Thanh toán chi phí vận chuyển cả chiều đi và về cho cơ sở y tế chuyển người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách vận chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng và các chi phí cầu, phà, phí đường bộ khác (nếu có). Nếu có nhiều hơn một người bệnh cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán chỉ được tính như đối với vận chuyển một người bệnh ở khoảng cách xa nhất.
Trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân: Thanh toán chi phí vận chuyển một chiều đi cho người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km cho một chiều đi tính theo khoảng cách vận chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng. Cơ sở y tế chỉ định chuyển bệnh nhân thanh toán chi phí vận chuyển cho người bệnh, sau đó thanh toán với Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh có bệnh nhân đó.
Trường hợp các đối tượng (1), (2), (3) có chi phí khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế từ 100.000 đồng trở lên cho 1 đợt điều trị thì người bệnh chỉ phải thanh toán tối đa là 100.000 đồng, phần còn lại được Quỹ hỗ trợ để người bệnh thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh.
Đối với người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ có thu nhập trung bình khi điều trị các bệnh: ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc điều trị các bệnh không lây nhiễm khác gặp khó khăn do chi phí điều trị cao và không đủ khả năng chi trả chi phí điều trị được hỗ trợ theo quy định sau:
Đối với người bệnh đã tham gia thẻ bảo hiểm y tế, trường hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế và phần phải đồng chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế lớn hơn mức lương cơ sở cho mỗi đợt điều trị thì người bệnh phải thanh toán tối đa số tiền bằng mức lương cơ sở, phần còn lại được Quỹ hỗ trợ để thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế, được Quỹ hỗ trợ 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nhưng tối đa không quá 6 lần mức lương cơ sở cho 1 đợt điều trị. Trường hợp phải điều trị nhiều đợt trong năm thì tổng số tiền hỗ trợ từ Quỹ tối đa không quá 12 lần mức lương cơ sở/1 năm.
Dự thảo nêu rõ, Quỹ không hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Riêng đối với việc hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTgngày 4/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo: Tuệ Văn