Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2018

04:28 PM 02/02/2018 |   Lượt xem: 3012 |   In bài viết | 

Bơi lội trong cảng biển bị phạt tiền

Nghị định 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, quy định: áp dụng mức phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền thấp nhất là 500 nghìn đồng tới cao nhất là 100 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền cao nhất tới 100 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi: Bên thuê lại cho thuê kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được thuê; nổ mìn hoặc các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khai thác khoáng sản, nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển; thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải; tàu thuyền nước ngoài tham gia vận tải nội địa hoặc thực hiện các hoạt động đặc thù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định...

Đáng chú ý, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng với hành vi bơi lội hoặc làm mất trật tự công cộng trong khu vực cảng. Hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc hoặc hành vi vô ý có thể gây cháy, nổ trên tàu thuyền cũng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2/2018. 

Những trường hợp cần trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế

Thông tư liên tịch 01/2017 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực từ 1/2/2018 quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế với 6 trường hợp cần thiết.

Cụ thể, xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm; Truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử; Xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác; Xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư; Gặp khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra; Xác định hành vi vi phạm về thuế, tài chính và các lĩnh vực khác xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định.

Việc trưng cầu giám định trong những trường hợp trên chỉ thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo

Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2 quy định: Từ 20/2, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; không có nguồn nuôi dưỡng; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng.

Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học

Bỏ quy định công dân bán xe phải thông báo với cơ quan công an

Theo Thông tư 64/2017 của Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2014 quy định về đăng ký xe có hiệu lực từ ngày 12/2, ô tô, xe máy biển xanh; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, khi có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe.

Nội dung trong Thông tư 64/2017 đã bỏ quy định tại điều 5 Thông tư 15/2014 về việc “người bán, tặng xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi”.

Thông tư 64 cũng bỏ quy định “chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”.

Tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Thông tư 19/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quy định: Từ ngày 12/2, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình như sau:

Năm 2018: Với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%;

Từ năm 2019: Với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%; với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tối đa 30% so với tổng nợ phải trả bình quân của tháng liền kề trước đó; với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 10%.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/2.

Sửa đổi quy định về bảo hiểm xã hội

Có hiệu thi hành từ ngày 15/2, Nghị định 161/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Điều 12 Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm xã hội bỏ quy định về việc cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội được trích một phần khoản phạt lãi chậm nộp phát hiện qua thanh tra để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm y tế, xã hội và tự nguyện../.

(dangcongsan.vn)