Phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Hòa Bình
10:38 AM 24/02/2022 | Lượt xem: 4318 In bài viết |Ngày 22/2, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn, đã làm việc tại tỉnh Hòa Bình, khảo sát, đánh giá tác động của việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đã báo cáo đánh giá tác động phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025.
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Hòa Bình có 145 xã/151 xã, phường, thị trấn phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; trong đó có 59 xã thuộc khu vực III, 12 xã thuộc khu vực II; 74 xã thuộc khu vực I.
Ngoài ra, theo Quyết định 612/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình có 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn, trong đó có 38 thôn, xóm thuộc xã khu vực I và 48 thôn, xóm thuộc xã khu vực II.
Đặc biệt, tỉnh còn 33 thôn, xóm thuộc các xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Các Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT đã có những tác động, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách dân tộc đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu vào các chính sách an sinh, xã hội; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; chính sách bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, việc thực hiện các chính sách, quyết định trên đã tác động, ảnh hưởng tới 168.791 người dân. Cùng với đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã giảm trên 154 tỷ đồng/6 tháng.
Thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nay đã sáp nhập vào các xã nông thôn mới hoặc ra khỏi xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg, vẫn còn nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, việc cắt giảm thẻ bảo hiểm y tế hay các chính sách an, sinh xã hội đột ngột sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình..
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đã nêu ra một số nội dung đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình làm rõ tác động từ Quyết định 861/QĐ-TTg đến những vấn đề liên quan như thu, chi học phí học sinh; thu, chi ngân sách địa phương; tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người; các chỉ tiêu về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vấn đề thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tại các địa bàn chịu ảnh hưởng, tác động từ các quyết định...
Những vấn đề này đã được đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Hòa Bình tập trung phân tích, làm rõ tại buổi làm việc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; thông báo, phân bổ nguồn vốn các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đảm bảo theo định mức quy định của chương trình.
Hội đồng xem xét, báo cáo Quốc hội kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành để đảm bảo an sinh, xã hội và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động, lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ ở các địa bàn xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn; có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu đối với những nơi được công nhận thoát khỏi diện xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách an sinh đến hết giai đoạn…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tỉnh Hòa Bình đạt được trong công tác điều hành quản lý, từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc sau khi thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính các xã theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 và những vấn đề nảy sinh sau khi triển khai các Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT trong thực hiện các chính sách dân tộc.
Những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình sẽ được đoàn tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Quốc hội, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Trước đó, đoàn công tác đã có buổi làm việc, khảo sát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kim Bôi./.
(vietnamplus.vn)