Phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp thế mạnh tại Tây Nguyên

10:28 AM 08/07/2016 |   Lượt xem: 5577 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa

Thông báo kết luận nêu rõ, Tây Nguyên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và giàu tiềm năng, lợi thế phát triển, nhất là về nông lâm nghiệp, khai khoáng, thủy điện, du lịch và dịch vụ.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và cả giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh Tây Nguyên tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các tỉnh rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực vùng Tây Nguyên; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính trách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Tây Nguyên đến năm 2020; nghiên cứu, đề xuất chủ trương về tổ chức hoạt động điều phối liên kết vùng; thử nghiệm mô hình liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng và triển khai cho vay theo chuỗi liên kết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng và của từng địa phương; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu kinh tế; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, huy động và phát huy mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, xuất khẩu hàng hóa với các nước, các địa phương của Lào và Campuchia. Giao các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp với phía Lào và Campuchia rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về xuất nhập cảnh, đầu tư, thương mại, tín dụng, thuế hỗ trợ đầu tư, kinh doanh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; lựa chọn, nhân rộng mô hình phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp có thế mạnh như cà phê, điều, hồ tiêu, rau, hoa quả... Nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong các vùng sinh thái đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học; chú trọng công nghệ tưới, sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Đẩy mạnh thực  hiện chương trình tái canh cây cà phê giai đoạn 2014-2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh triển khai áp dụng các chương trình khoa học - công nghệ quốc gia; trong đó, đối với Tây Nguyên, trọng điểm là Chương trình khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương trong Vùng đề xuất các ưu đãi để tập trung nguồn lực và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau cho một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Chú ý phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, mở rộng thị trường ra ngoài nước, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Quyết liệt quản lý, bảo vệ rừng

Các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương Tây Nguyên tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục hồi rừng bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 ngày 20 tháng 6 năm 2016. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp; phát triển cây công nghiệp bằng thâm canh trên diện tích đã có.

Tập trung chỉ đạo, tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp một số doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Triển khai quy hoạch phát triển thủy lợi; kiểm tra, rà soát, tu bổ và quản lý chặt chẽ an toàn hồ đập. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai, hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục hậu quả của hạn hán, ổn định đời sống.

Bảo đảm người dân phải có đất sản xuất

Đến nay, giảm nghèo vẫn là một nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị của các tỉnh Tây Nguyên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, bảo đảm người dân phải có đất sản xuất hoặc có kế sinh nhai, gắn bó, bảo vệ và phát triển quê hương.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, có giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số; tập trung thực hiện tốt Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính quyền các cấp ở địa phương có dân đi và đến đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân để hạn chế tình trạng di cư tự do; đồng thời tiếp tục sắp xếp ổn định dân đã di cư tự do vào vùng quy hoạch, hỗ trợ đời sống, bảo đảm sự quản lý của nhà nước.

Về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng Chính phủ  yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Quân đội, Công an, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh.

Theo: Minh Hiển (chinhphu.vn)