Quốc hội cần quan tâm, giải quyết những khó khăn đặc thù ở vùng đồng bào DTTS

09:31 AM 07/06/2022 |   Lượt xem: 4561 |   In bài viết | 

Bà Ân Thị Thìn

Bà Ân Thị Thìn, dân tộc Sán Dìu, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Mong Quốc hội tiếp tục quan tâm đến các chính sách phát triển rừng

Tại các kỳ họp trước,Quốc hội đã quan tâm đến chính sách dân tộc. Tôi mong muốn ở kỳ họp lần này sẽ cụ thể, chi tiết hơn những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù phù hợp với từng vùng đồng bào DTTS ở các địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có các chính sách hỗ trợ trồng và phát triển rừng; đưa lâm nghiệp tiếp tục có bước phát triển mới. Tuy nhiên để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, cá nhân tôi vẫn mong Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đưa ra những chính sách đột phá trong lĩnh vực này, nhất là việc nhân rộng diện tích rừng tự nhiên, rừng gỗ lớn để bảo vệ nguồn sinh thủy vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về chất lượng môi trường sống của Nhân dân trong thời đại hội nhập quốc tế.

Hòa Thượng Đào Như

Hòa thượng Đào Như, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Cần Thơ, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer: Quan tâm hơn đến trẻ em và nông dân DTTS

Kỳ họp này của Quốc hội, Hoà thượng thấy các đại biểu rất quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và đặc biệt là chính sách đối với trẻ em và người nông dân. Hoà thượng rất ủng hộ ý kiến của các đại biểu và tin tưởng Chính phủ, Quốc hội sẽ công tâm giải quyết kịp thời ý kiến của cử tri về tình trạng dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS vì các em là nguồn nhân lực người DTTS sau này của đất nước, các em có ăn no đủ, chất lượng thì mới phát triển tốt toàn diện về thể chất. Còn về nông dân là đối tượng yếu thế và hầu hết đồng bào DTTS đều làm nông nghiệp, cuộc sống rất khó khăn nên rất cần sự quan tâm nhiều hơn.

Ông Phạm Văn Xuân

Ông Phạm Văn Xuân, 78 tuổi, thương binh hạng 2/4 ở thôn Lúc, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: Tăng cường các chính sách hỗ trợ kỹ thuật 

Thời gian qua. Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTD và miền núi; trong đó, có các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn. Với những chủ trương, chính sách này kinh tế xã hội trên địa bàn xã Bảo Hà đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc được đổi thay từng ngày.

Tuy nhiên, với một xã người dân chủ yếu dựa vào phát triển về nông lâm nghiệp thì hiện tại Bảo Hà vẫn chưa phát triển, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, thiếu tính bền vững; chưa có nhiều sản phẩm đặc hữu mang thương hiệu địa phương. Vì vậy, qua kỳ họp Quốc hội cử tri chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chính sách đầu tư hỗ trợ cho khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là tăng cường các chính sách hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cho vay ưu đãi...

Ông Lô Xuân Phúc

Ông Lô Xuân Phúc, già làng bản Tân Lâm, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An): Cần có quyết sách phát triển nông thôn miền núi

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã tái định cư (TĐC) Thanh Chương (Nghệ An) chúng tôi còn rất nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn vốn phát triển kinh tế của người dân còn rất thiếu, sinh kế của nhiều hộ dân vẫn chưa bền vững… Vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay là ổn định cuộc sống bằng những sinh kế bền vững ngay trên mảnh đất quê hương.

Tôi mong muốn Quốc hội xem xét đưa ra một số quyết sách phát triển nông thôn, miền núi, trong đó có việc tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã vùng khó khăn về vốn sản xuất, kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, tư liệu sản xuất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, học nghề, giải quyết việc làm…

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn Quốc hội quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mua bán đất sản xuất, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo; an toàn giao thông… Vì vậy, tôi cũng mong Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, sớm có các giải pháp, biện pháp hợp lí, hữu hiệu.

Chị R’Com H’Sonh

Chị R’Com H’Sonh, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai: Có chính sách ưu tiên học sinh DTTS

Thời gian qua, tình trạng sốt đất “ảo” đã gây nhiều hệ lụy trong vùng DTTS tại tỉnh Gia Lai. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn… của một số hộ đồng bào DTTS, một số đối tượng đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt quyền sử dụng đất của nhiều hộ dân tại tỉnh Gia Lai. Từ đó, khiến nhiều hộ DTTS khó khăn càng lâm vào cảnh nghèo đói, không có đất sản xuấtBên cạnh đó, chúng tôi còn băn khoăn, lo lắng về chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài.

Tôi cũng mong muốn trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ có giải pháp về vấn đề quy hoạch đất, tuyên truyền luật đất đai; quan tâm đến mạng lưới y tế xã, thôn; có chính sách ưu tiên cho học sinh DTTS trong kỳ thi sắp tới…

Già làng A Luông

Già làng A Luông, thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum: Khẩn trương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, đồng bào DTTS tại các xã vùng biên giới đã được các cấp ngành quan tâm hỗ trợ về mọi mặt, đời sống của bà con đã phát triển hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, so với vùng đồng bằng vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Nơi tôi sinh sống là vùng biên giới giáp danh với nước bạn Campuchia đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên cần nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhất là về đất sản xuất và triển khai những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương để bà con học tập, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, tôi mong rằng, qua kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của bà con DTTS tại các xã biên giới; đặc biệt là nhanh chóng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để có nhiều chính sách thiết thực dành cho đồng bào.

Ông Kiên Vui

Ông Kiên Vui, dân tộc Khmer, cử tri – Người có uy tín tổ 6, Ấp Bình An, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: An sinh xã hội cần được chăm lo hơn nữa

Tôi mong muốn các chính sách dành cho đồng bào DTTS sẽ được triển khai rộng, đều và đầy đủ cho dù là khu vực nào đi nữa. Đặc biệt là những vấn đề về đất đai để bà con sớm có cuộc sống ổn định. Nhiều trường hợp bà con sinh sống, canh tác hàng chục năm nhưng do hiểu biết hạn hẹp, trình độ học vấn thấp nên đến nay vẫn chưa được cấp giấy tờ đất, dẫn tới mất quyền lợi hoặc quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần sâu sát hơn nữa trong việc chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào, nhất là vấn đề tiếp cận các nguồn vốn vay giảm nghèo và phục vụ tăng gia sản xuất.

(baodantoc.vn)